Trang chủ    Bài nổi bật    Đào tạo nghề cho lao động nông thôn - Thực trạng và giải pháp
Thứ ba, 21 Tháng 11 2017 10:50
10864 Lượt xem

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn - Thực trạng và giải pháp

(LLCT) - Khu vực nông thôn nước ta chiếm khoảng 70% dân số và hơn 50% lực lượng lao động xã hội. Lao động nông thôn chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; hằng năm cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, lao động nông thôn trình độ nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Lao động nông thôn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu lao động cả nước và có vị trí trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Do đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần nâng cao chất lượng lao động, tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập. Đồng thời, góp phần thay đổi vị thế của người lao động ở nông thôn nước ta bởi lao động nông thôn vốn không được đánh giá cao về vị thế chính trị - xã hội, do chủ yếu sản xuất dựa trên cách thức lạc hậu, manh mún nên họ không đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến. Trong quá trình đào tạo nghề, người lao động được trang bị kiến thức về sản xuất các ngành nghề, kiến thức về khoa học - công nghệ, thị trường, hội nhập... Đó là những tri thức quan trọng giúp người nông dân từng bước cải tiến phương thức sản xuất theo hướng tiên tiến, hiện đại; từ đó thay đổi vị thế chính trị - xã hội của mình.

1. Thực trạng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Trong thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng được chú trọng. Ngày 27-11-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956) với mục tiêu: “Bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã. Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn...”(1).

Triển khai thực hiện từ năm 2010, các ngành, các địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo, đưa ra nhiều mô hình dạy nghề và hình thức dạy nghề phù hợp. Một số mô hình đã bước đầu triển khai có hiệu quả, như mô hình đào tạo nghề cho lao động ở các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu cây công nghiệp như thuốc lá, chè... (có sự phối hợp giữa địa phương và các doanh nghiệp); mô hình dạy nghề cho lao động trong các làng nghề (có sự phối hợp giữa địa phương, các cơ sở dạy nghề và các làng nghề); mô hình dạy nghề ngắn hạn cho người nông dân ở cộng đồng (có sự phối hợp giữa địa phương, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư)...

Hoạt động dạy nghề cho nông dân và lao động nông thôn không chỉ huy động các cơ sở dạy nghề mà còn thu hút được các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học; các lao động kỹ thuật từ các doanh nghiệp; những nghệ nhân, người có tay nghề cao trong các làng nghề tham gia giảng dạy... Bản thân người nông dân và lao động nông thôn là những đối tượng được thụ hưởng chính sách cũng tích cực ủng hộ chủ trương của Chính phủ, từ việc xác định được nhu cầu học nghề sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đến việc tham gia đầy đủ các khóa đào tạo.

Qua thí điểm một số mô hình đào tạo nghề cho lao động vùng chuyên canh ở một số địa phương (Lạng Sơn, Cao Bằng, Tây Ninh, Gia Lai...) cho thấy, kỹ năng nghề của người nông dân đã được cải thiện, chất lượng cây trồng, năng suất lao động, thu nhập của người nông dân đã tăng lên rõ rệt. Nhờ đào tạo nghề, một bộ phận lao động đã có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời có định hướng phát triển nghề nghiệp, sản xuất theo hướng bền vững.

Đặc biệt, người nông dân còn được cung cấp những kỹ năng về hội nhập kinh tế, về các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm của thế giới và Việt Nam; về cách ứng xử với môi trường (công nghệ sạch) và bước đầu được trang bị những kiến thức về khởi nghiệp.

Các cơ sở dạy nghề không chỉ thuần túy dạy nghề mà còn tư vấn, hướng dẫn người nông dân cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh, bảo đảm “đầu ra” sản phẩm hoặc tiếp nhận lao động sau khi học nghề.

Sau khi học nghề, một bộ phận lao động nông thôn đã chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm mới tại các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ tại địa phương, thực hiện “ly nông bất ly hương”. Một bộ phận đã thành lập doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm cho bản thân và cho các lao động khác, góp phần đáng kể trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu ngành nghề ở khu vực nông thôn có sự thay đổi theo hướng tích cực: Giảm số lượng và tỷ trọng nhóm hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng số lượng và tỷ trọng nhóm hộ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Năm 2014, “số hộ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ở nông thôn là 9,53 triệu hộ, giảm 248 nghìn hộ so với năm 2013, số hộ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ là 5,13 triệu hộ, tăng 1,67 triệu hộ so với năm 2013”(2). Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề tăng góp phần đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo, phát triển lực lượng sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, trên thực tế, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nước ta vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định.

Nhìn chung, công tác đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn triển khai còn chậm. Năm 2012, cả nước chỉ có 132.148 lao động nông thôn được tham gia các khóa đào tạo nghề, đạt 27,1% kế hoạch năm; trong đó có 92.322 người đã học xong, 67.052 người có việc làm (đạt 72,6%) chủ yếu là tự tạo việc làm” (3). Đến năm 2015, nước ta có 10 triệu hộ nông dân với hơn 30 triệu lao động trong độ tuổi, nhưng chỉ có 17% trong đó được đào tạo thông qua các lớp tập huấn khuyến nông, còn lại 83% là lao động chưa qua đào tạo, chưa có trình độ chuyên môn trong sản xuất nông nghiệp (4).

Nguyên nhân chủ yếu là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nước ta chưa được coi trọng đúng mức. Nhiều bộ, ngành, địa phương nhận thức chưa đầy đủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, coi đào tạo nghề là biện pháp tình thế, có tính thời điểm, do vậy, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các cấp; công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn còn khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều nông dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc học nghề, nhiều gia đình chỉ cho con em học nghề khi không đủ điều kiện vào các trường đại học, cao đẳng. Thực tế cho thấy, hoạt động đào tạo nghề chỉ thu hút được 25% số lao động trẻ ở nông thôn tham gia, chiếm tỷ lệ thấp hơn so với nhóm lao động đã có tuổi (trên 35 tuổi).

Các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư tuy thu được một số kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hình thành các ngành, nghề mới ở nông thôn.

Ở nhiều nơi, đào tạo nghề không gắn với đặc điểm và thực tiễn phát triển của địa phương, không tận dụng được thế mạnh vùng miền. Còn tồn tại tình trạng đào tạo nghề không gắn với định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm khiến một bộ phận người lao động học nghề xong không có việc làm, gây lãng phí nguồn lực.

2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nước ta trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, thay đổi nội dung chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng thiết thực, hiệu quả

Sở dĩ trình độ của lao động nước ta nói chung và lao động nông thôn nói riêng còn thấp vì công tác đào tạo nghề cho người lao động còn chưa gắn chặt với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, để nâng cao trình độ cho lao động nông thôn, công tác đào tạo nghề cần phải bám sát với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh để đạt được hiệu quả thiết thực. Muốn vậy, nội dung đào tạo nghề cần hướng vào thực tiễn, gắn với nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp và của xã hội.

Trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, người lao động nông thôn không chỉ được trang bị kiến thức về nghề nghiệp mà còn cần được trang bị kiến thức về thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, hội nhập quốc tế... Ngoài ra, nội dung chương trình đào tạo nghề cũng cần được thường xuyên cập nhật, đổi mới, giúp cho người học nắm bắt được nhu cầu và xu hướng phát triển của xã hội, của ngành nghề và của địa phương.

Trong chương trình đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn cần chú trọng phát triển các ngành nghề thủ công. Đó là những ngành nghề có thể tự đào tạo, bồi dưỡng tại địa phương. Thí dụ một số nghề thủ công, mỹ nghệ truyền thống cần được bảo tồn và có khả năng phát triển, như: chế biến gỗ, sơn mài, chạm, khảm; làm đồ gốm, đồ đồng; nghề mây tre đan, nghề thêu ren, nghề dệt, lụa, thổ cẩm...

Thứ hai, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần áp dụng các phương pháp giảng dạy hợp lý, linh hoạt gắn với trình độ và đặc điểm của lao động địa phương

Đào tạo nghề là đào tạo gắn với thực tiễn, do đó để người học thực sự hứng thú và thu được hiệu quả cao trong quá trình học, cần đổi mới mạnh mẽ hình thức đào tạo nghề ở nước ta hiện nay. Bên cạnh các phương pháp truyền thống, đào tạo nghề cần kết hợp áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại, người học cần được tiếp xúc trực tiếp với các loại máy móc, nông cụ cho từng ngành nghề được học. Nội dung đào tạo nghề không nên nặng về lý thuyết và các kiến thức sách vở mà nên gắn lý thuyết với thực hành, sử dụng các giáo cụ trực quan sao cho dễ nắm bắt, dễ vận dụng.

Ngoài ra, cần chú ý tính đa dạng vùng miền và tính đặc thù của lao động nông thôn như trình độ học vấn không đồng đều, lao động theo mùa vụ, thói quen canh tác... Do đó, việc tổ chức các khóa đào tạo phải linh hoạt về chương trình đào tạo, hình thức đào tạo, phương pháp truyền đạt... Chương trình đào tạo phải gắn với học liệu sinh động, đa dạng và thiết thực, phù hợp với trình độ của người học.

Thứ ba, tích cực ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại vào quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Khoa học - công nghệ không chỉ cải tiến công cụ lao động, tạo ra những đối tượng lao động mới theo hướng thân thiện và bền vững với môi trường, thúc đẩy sự phát triển của phương tiện sản xuất, hạ tầng kỹ thuật trong sản xuất mà còn góp phần đáng kể trong nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động ở nông thôn.

Việc áp dụng những thành tựu khoa học- công nghệ vào chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ tạo động lực quan trọng để người lao động tích cực tìm tòi, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Khi ý thức được vai trò của khoa học - công nghệ, người lao động nông thôn sẽ tìm cách thay đổi tập quán sản xuất, cách thức làm việc cho phù hợp. Vì vậy, có thể nói, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào đào tạo nghề cũng chính là cách thức đào tạo để nâng cao nhận thức, trình độ cho lao động ở nông thôn.

Thứ tư, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần gắn với tạo việc làm và định hướng nghề nghiệp

Một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng của công tác đào tạo nghề là người lao động sau khi học nghề có việc làm, có thể ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất. Trong thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa gắn liền với công tác định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm nên nhiều lao động đã qua đào tạo vẫn không có việc làm, hoặc làm việc trái với ngành nghề được đào tạo.

Để tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn, các trung tâm đào tạo nghề cần tích cực liên kết với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh để tìm hiểu nhu cầu nhân sự của họ; từ đó có định hướng về nghề nghiệp cho người lao động khi tham gia đào tạo. Hơn nữa, các cơ sở đào tạo nghề cần cấp chứng chỉ nghề nghiệp cho người học, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để lao động nông thôn có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi học nghề.

________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2017

(1) “Quyết định Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ, http://moj.gov.vn.

(2) Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tổng cục Thống kê: Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2014, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2015, tr.31.

(3) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Điều tra lao động nông thôn được đào tạo và có việc làm, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2013, tr.22.

(4) Báo Kinh tế Việt Nam điện tử: “Nguồn thị trường lao động nông thôn còn nhiều thách thức”, http://vcn.vn,  cập nhật ngày 22-3-2015.

 

ThS Nguyễn Hồng Nhung

Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền