Trang chủ    Bài nổi bật    Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và giá trị định hướng con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Thứ năm, 25 Tháng 1 2018 10:31
2510 Lượt xem

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và giá trị định hướng con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

(LLCT) - 170 năm đã qua kể từ khi tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời, song nhiều luận điểm được nêu trong Tuyên ngôn đến nay vẫn còn nguyên giá trị mà mỗi nước trên con đường xây dựng CNXH đều có thể vận dụng một cách sáng tạo phù hợp với điều kiện của nước mình. Đối với nước ta, con đường quá độ lên CNXH mà Việt Nam lựa chọn có sự định hướng, soi rọi của Tuyên ngôn, rộng hơn là của chủ nghĩa Mác - Lênin. Sức sống của Tuyên ngôn tiếp tục truyền cảm hứng đòi hỏi chúng ta cần bổ sung, phát triển lý luận về CNXH và con đường quá độ lên CNXH ở Việt Nam trong bối cảnh mới.

170 năm trước, xuất phát từ nhu cầu phải xây dựng, phát triển lý luận để soi rọi cho thực tiễn phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại ách áp bức bóc lột của giai cấp tư sản trong chế độ tư bản chủ nghĩa, thay mặt Liên đoàn những người cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Từ khi ra đời, Tuyên ngôn không chỉ là cương lĩnh chính trị của tổ chức mà còn có sức lan tỏa nhanh chóng mang tầm ảnh hưởng quốc tế, trở thành cương lĩnh cách mạng đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tuyên ngôn là tác phẩm lý luận khoa học và cách mạng mang tầm khái quát cao toàn bộ tiến trình của cuộc cách mạng XHCN và luận giải một cách khoa học về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh lật đổ ách áp bức thống trị hàng trăm năm của chủ nghĩa tư bản để cho ra đời một chế độ xã hội mới - xã hội XHCN, một xã hội mang bản chất nhân văn giải phóng con người.

Từ trong Tuyên ngôn, các đảng cộng sản ở mỗi nước đều có thể tìm thấy những chỉ dẫn lý luận nền tảng để vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng. Giá trị, sức sống của Tuyên ngôn phản ánh giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác, đã được thực tiễn kiểm nghiệm trong suốt 170 năm qua với mục tiêu xuyên suốt là giải phóng con người, thiết lập một xã hội trên thực tế mà ở đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(1).

Bằng phương pháp luận duy vật biện chứng, trong Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen đã luận giải một cách khoa học và cách mạng về tiến trình phát triển lịch sử - tự nhiên của nhân loại. Theo đó, sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã tạo ra những tiền đề hiện thực để phá hủy, tiêu diệt chính chủ nghĩa tư bản và một chế độ xã hội mới sẽ thay thế - đó là xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đó là vì trong chủ nghĩa tư bản,“giai cấp tư sản không thể tồn tại nếu không luôn luôn cách mạng hóa công cụ sản xuất”(2).

Song chính quá trình “cách mạng hóa những quan hệ sản xuất, nghĩa là cách mạng hóa toàn bộ những quan hệ xã hội(3)sẽ khách quantạo ra những điều kiện,tiền đề hiện thực để phủ định chủ nghĩa tư bản -bởi trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản, mâu thuẫn giữa trình độ xã hội hóa của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩasẽ trở nên gay gắt, đặt ra yêu cầu phải thiết lập những quan hệ sản xuất mới với trình độ xã hội hóa cao - tức là tất yếu phải thiết lập một chế độ sở hữu mới - chế độ sở hữu xã hội, thì mới phù hợp với trình độ cao của lực lượng sản xuất và tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất phát triển. Tuyên ngôn viết: “...Lịch sử công nghiệp và thương nghiệp không phải là cái gì khác hơn là lịch sử cuộc nổi dậy của lực lượng sản xuất hiện đại chống lại những quan hệ sản xuất hiện đại, chống lại những quan hệ sở hữu đang quyết định sự tồn tại và sự thống trị của giai cấp tư sản(4).Tính biện chứng chính là ở chỗ, chủ nghĩa tư bản càng phát triển thì càng gần đến chỗ bị sụp đổ, gần với cách mạng XHCN. Cuộc cách mạng này sẽ được tiến hành qua hai giai đoạn: Bước thứ nhất, giai cấp công nhân “lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản”(5), “biến thành giai cấp thống trị, và giành lấy dân chủ”(6) về tay mình. Bước thứ hai, giai cấp công nhân và nhân dân lao động sử dụng chính quyền như một công cụ có hiệu lực nhất để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới và đẩy nhanh sự phát triển của lực lượng sản xuất. Tuyên ngôn cũng gợi ý những biện pháp cần thực hiện để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Tuy nhiên, C.Mác và Ph.Ăngghen lưu ý rằng: “Trong những nước khác nhau, những biện pháp ấy dĩ nhiên sẽ khác nhau rất nhiều”(7). Nói cách khác, các ông chỉ dẫn mỗi nước phải căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của mình để vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý của Tuyên ngôn.

Toàn bộ lý luận về cách mạng XHCN (bao gồm mục tiêu, đặc trưng, con đường, các giai đoạn tiến hành, các biện pháp...) đã được phác thảo trên những nét căn bản nhất trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và tiếp tục được bổ sung, phát triển, làm rõ hơn trong các tác phẩm tiếp sau của chủ nghĩa Mác - Lênin. Khẳng định giá trị vững bền của Tuyên ngôn, V.I.Lênin viết: “Điểm chủ yếu trong học thuyết của Mác là ở chỗ nó làm sáng rõ vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa”(8).

Đối với Việt Nam, những tư tưởng của Tuyên ngôn và trong toàn bộ học thuyết Mác - Lênin có giá trị lý luận nền tảng vô cùng quan trọng cho việc lựa chọn định hướng con đường phát triển vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Vào thời điểm này, Việt Nam đang là một nước thuộc địa nửa phong kiến với hai mâu thuẫn cơ bản chi phối bóp nghẹt đời sống xã hội: mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp. Đã có nhiều cuộc đấu tranh yêu nước theo các xu hướng  khác nhau nhằm đánh đuổi thực dân xâm lược, đồng thời tìm đường đi cho cách mạng Việt Nam. Song tất cả đều rơi vào bế tắc! Câu hỏi cách mạng Việt Nam sẽ đi con đường nào luôn đau đáu thường trực và trở thành động lực thôi thúc mạnh mẽ các lực lượng yêu nước. Chỉ khi bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với “Tuyên ngôn”, câu hỏi này mới có lời giải. Do vậy, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản và chủ nghĩa Mác - Lênin thực sự có giá trị định hướng con đường phát triển của Việt Nam. Điều này đã được thực tiễn lịch sử kiểm chứng qua các giai đoạn phát triển của cách mạng nước ta.

Trên cơ sở vận dụng sáng tạo những tư tưởng của Tuyên ngôn và chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã tìm ra con đường phát triển mang tính đặc thù của Việt Nam - con đường quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu. Cách thức phát triển này cho phép giải quyết một cách triệt để cả hai mâu thuẫn, và con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là một tất yếu lịch sử mang tính đặc thù của Việt Nam đã được Tuyên ngônsoi rọi, định hướng. Từ sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1975), cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH theo con đường phát triển rút ngắn (hay còn gọi theo phương thức quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa). Đây là sự lựa chọn đúng đắn đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam chứng minh trong nhiều thập niên qua.

Sau đổ vỡ của CNXHhiện thực ở Liên Xô,Đông Âuvà những khó khăn đang gặp phải của nhiều nước XHCN hiện thực còn lại, không ít người, bao gồm cả một số người cộng sản đã tỏ ra hoài nghi về con đường quá độbỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đilên CNXH của Việt Nam. Họ cho rằng: Việt Nam cần xem xét lại con đường phát triển vì đó là sự phát triển vi phạm quy luật khách quan; và rằng chủ nghĩa tư bản hiện đại đã thay đổi về bản chất trở thành chủ nghĩa tư bản nhân đạo, vì dân. Do vậy, Việt Nam cần phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa để  bảo đảm đúng quy luật!

Trước hết phải khẳng định rằng:chủ nghĩa tư bảnhiện đạiđã phát triển mang tính toàn cầu, và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là trong lĩnh vực phát triển lực lượng sản xuất, khoa học -công nghệ hiện đạivà hiện nay đạt đến trình độ Cách mạng công nghiệp 4.0 với đặc trưng là ứng dụng rộng rãi những thành tựu của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để tạo ra nhiều sản phẩm thông minh kết nối toàn thế giới, giữa thế giới thực và ảo. Đây là điều kiện để chủ nghĩa tư bản thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển nhanh chóng, đồng thời cónhững điều chỉnh về chế độ phúc lợi, an sinh xã hội tiến bộ, làm cho đời sống vật chất, tinh thần của công nhân và người lao động trong nhiều nước tư bản chủ nghĩa đượccải thiện vượt bậc so với trước. Song bản chất “bóc lột” của chủ nghĩa tư bản vẫn không hềthay đổi. Trên thực tế, các nước tư bản phát triển nhất hiện nay vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải như:bất ổn xã hội,phân hóa giàu nghèo, tỷ lệ đói nghèo cao (năm 2014, tỷ lệ đói nghèo ở Mỹ là 17,4% và thuộc những quốc gia có tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo lớn nhất thế giới(9)). Tình trạng bạo lực, xung đột sắc tộc; nạn khủng bố, người di cư khó kiểm soát,... vẫn là bài toán khó tìm lời giải đối với nước Mỹ và các nước TBCN khác. Người dân ở những nước này luôn phải sống trong cảnh lo âu thường trực vì bạo lực, bất ổn, tình trạng sử dụng vũ khí tràn lan không kiểm soát được có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Một cuộc sống như vậy chắc chắn không phải là “thiên đường hạnh phúc” như nhiều người suy nghĩ. Do vậy, kiểu phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện nay không phải là một sự phát triển bền vững để Việt Nam có thể lựa chọn.

Những tư tưởng khoa học và phương pháp cách mạng của Tuyên ngôn, của chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn tiếp tục được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo trong công cuộc đổi mới theo định hướng XNCH. Giá trị khoa học thể hiện trước hết ở chỗ giúp cho Đảng ta có cơ sở lý luận và phương pháp luận đúng đắn trong bổ sung, phát triển lý luận, tổng kết thực tiễn nhằm làm sáng tỏ hơn nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Sau 30 năm đổi mới, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu khá toàn diện trên các lĩnh vực. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 6,81%, là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây, trên nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc hơn. Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137. Ngân hàng thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ(10).

Chính trị - xã hội được ổn định, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng được củng cố nhờ những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế và đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Đảng trong công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng; những nỗ lực của Chính phủ trong việc đổi mới thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư; sự đánh giá ngày càng cao của các nước về Việt Nam trên trường quốc tế... Đây là những minh chứng cho thấy sự lựa chọn con đường quá độ lên CNXH của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.

Mặc dù vậy, về mặt lý luận, con đường quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, đi lên CNXH ở nước ta đến nay vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ. Việc xác định thời kỳ quá độ lên CNXHnằm ở đâu trong chiều dài phát triển của lịch sử nhân loại là điều cần thiết,vì đó là cơ sở khách quan để xác địnhđặc điểm của đất nước, của thời đại và những cải biến xã hội tất yếu diễn ra; đồng thời trên cơ sở đó mà xác định đường lối, chủ trương, chính sách và phương pháp tổ chức thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phù hợp. Nếu không xác định đúng vị trí của nó sẽ dễ dẫn đến những quyết sách chủ quan, duy ý chí.

Trong tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Gôta(1875), khi đưa ra quan niệm về thời kỳ quá độ lên CNXH, C.Mác viết: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”(11).Do vậy,thời kỳ quá độ lên CNXH chỉ có thểlà thời kỳ nằm trong hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa và là giai đoạn đầu của hình thái này. Bởi theo định nghĩa của C.Mác thì tiêu chí để nhận diện thời kỳ quá độ lên CNXHbắt đầu từ khi giai cấp công nhân tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng XHCNvà bắt tay vào thiết lập, xây dựng nhà nước của mình, đồng thời thiết lập “nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản” để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ chế độ mới, cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới qua hai giai đoạn (đây đồng thời là tinh thần mà Tuyên ngôn đã chỉ ra) -đó là xã hội XHCNvà tiến lên chủ nghĩa cộng sản.

Cũng cần làm rõ thời kỳ quá độ lên CNXHliệu có trùng khít với giai đoạn đầu -nghĩa là xã hội XHCNhay không ? Nếu đúng vậy thì có nghĩa là sau khi tiến hành xong thời kỳ quá độ lên CNXHcũng có nghĩa là về cơ bản đã hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ của giai đoạn đầu để bước vào giai đoạn cao - chủ nghĩa cộng sản.

Nghiên cứu về thời kỳ quá độ lên CNXH, một câu hỏi thường xuyên được đặt ra kể cả trong giới lý luận và trong xã hội: khi nào kết thúc thời kỳ quá độ lên CNXHở Việt Nam? Liệu có thể xác định được độ dài của nó hay không?Tại Đại hội XII (2016), Đảng ta xác định Việt Nam “phấn đấu sớm trở thành một nước công nghiệp hiện đại”, nhưng chưa đưa ra dấu mốc cụ thể. Cách diễn đạt này dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.

Chúng tôi cho rằng: sẽ khó có thể đưa ra được thời hạn cụ thể của thời kỳ quá độ lên CNXH, bởi vì, thời kỳ này dài hay ngắn phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi nước, trước hết là phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo của đảng cầm quyền và sự đồng thuận của dân. V.I. Lênin từng nói: Đảng phải đại biểu cho lương tri và trí tuệ của thời đại. Nếu tạo được sự hòa quyện, gắn kết chặt chẽ giữa hai yếu tố này thì thời kỳ quá độ sẽ sớm hoàn thành, nói cách khác xã hội XHCNsẽ sớm trở thành hiện thực. Ngược lại, nếu Đảng và Nhà nước mắc những sai lầm lớn trong hoạt động lãnh đạo, quản lý; nếu tổ chức Đảng yếu kém, nhiều cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tư tưởng và tham nhũng thì chắc chắn sẽ không nhận được sự đồng thuận của dân. Trong trường hợp này, độ dài của thời kỳ quá độ lên CNXHkhó mà xác định, thậm chí những thành quả mà giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản rất có thể sẽ bị tiêu tan. Bài học của Liên Xô và các nước XHCNĐông Âu sẽ mãi là lời cảnh tỉnh có giá trị đối với các nước trên con đường quá độ lên CNXH.

Nếu nhìn vào nền kinh tế và thể chế chính trị của Việt Nam những năm qua, nhất là những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội theo chiều hướng tích cực đi lên, và nếu kinh tế - chính trị thế giới không có những biến động lớn tác động đến Việt Nam thì mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại nhiều khả năng sẽ đạt được vào những năm giữa thế kỷ XXI.

Cho dù còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, song con đường quá độ lên CNXH mà Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng sẽ mãi là lý tưởng mà Việt Nam kiên định và phấn đấu để đạt được.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1 năm 2018

 (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, 1995, Hà Nội, tr.628, 600, 600-601, 604, 612, 626, 627.

(8) V.I.Lênin: Toàn tập, t.23, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.1.

(9) Những quốc gia có chênh lệch giàu nghèo lớn nhất thế giới, http://kenh14.vn.

(10)Kinh tế Việt Nam 2017 ngược dòng lập kỷ lục,  https://news.zing.vn.

(11) C.Mác và Ph.Ăngghen; Toàn tập, t.19, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.47.

 

PGS, TS Bùi Thị Ngọc Lan

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền