Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu của tình hình mới
Thứ tư, 20 Tháng 1 2021 15:17
1904 Lượt xem

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu của tình hình mới

(LLCT) - Năm 2020 diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và thiên tai diễn biến phức tạp, tác động lớn đến đời sống đất nước nói chung, các mặt công tác của Học viện nói riêng. Tuy nhiên, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung đổi mới toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới.

1. Kết quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện năm 2020

Thứ nhất, công tác tuyển sinh của Học viện

Đối với hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị, trong năm 2020, Học viện đã khai giảng 23 lớp tập trung với 1.150 học viên; 20 lớp không tập trung cho 1.174 học viên; tổ chức bế giảng 9 lớp cao cấp lý luận chính trị tập trung, với 413 học viên, 24 lớp không tập trung cho 2.055 học viên. Đối với lớp hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận chính trị, khai giảng 11 lớp cho 646 học viên; bế giảng 8 lớp cho 642 học viên.

Hệ đào tạo đại học và sau đại học, năm 2020, Học viện đã đăng ký và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở thêm 1 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ Quản lý văn hóa. Đến nay, Học viện có 1 ngành (3 chuyên ngành) đào tạo trình độ đại học văn bằng 2; 19 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ; 15 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Năm 2020, Học viện đã tuyển sinh được 645 học viên thạc sỹ đợt 1. Tích cực chuẩn bị các điều kiện tổ chức tuyển sinh đào tạo thạc sĩ đợt 2, xét tuyển đại học văn bằng 2 (1.000 chỉ tiêu) và nghiên cứu sinh năm 2020 (235 chỉ tiêu). Công tác tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ năm 2020 về cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2020, Học viện đã tổ chức bảo vệ tốt nghiệp cho 420 học viên thạc sỹ, 58 nghiên cứu sinh.

Đối với hệ bồi dưỡng chức danh, năm 2020, Học viện đã tổ chức 3 lớp Bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược với 127 học viên cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng. Căn cứ Kế hoạch số 260-KH/BTCTW ngày 9-4-2020 của Ban Tổ chức Trung ương về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2020, Học viện đã ban hành Thông báo số 641-TB/HVCTQG ngày 25-9-2020 về chiêu sinh các lớp Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo chức danh cán bộ năm 2020. Trong đó, mở 2 lớp Bồi dưỡng chức danh Bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương cho 224 học viên; 4 lớp Bồi dưỡng chức danh Phó Bí thư cấp uỷ cấp huyện và tương đương cho 382 học viên; 1 lớp Bồi dưỡng dành cho chức danh Trưởng ban Tổ chức cấp tỉnh và tương đương cho 50 học viên; 1 lớp Bồi dưỡng dành cho chức danh Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh và tương đương cho 65 học viên; 1 lớp Bồi dưỡng dành cho chức danh Phó trưởng ban Tổ chức cấp tỉnh và tương đương cho 50 học viên.

Thứ hai, công tác xây dựng, quản lý nội dung chương trình, giáo trình

Năm 2020, Học viện đã thực hiện việc cập nhật, bổ sung giáo trình Cao cấp lý luận chính trị. Các Viện chuyên ngành hoàn thành việc chỉnh sửa, bổ sung trên cơ sở ý kiến kết luận của Giám đốc Học viện để thành lập các Hội đồng thẩm định theo tiến độ. Đến tháng 12-2020, đã hoàn thành việc thẩm định 19 giáo trình Cao cấp lý luận chính trị lần 1 để ngay sau Đại hội XIII sẽ xuất bản.

Trong hoạt động đào tạo cao cấp lý luận chính trị, lần đầu tiên đưa vào nội dung sinh hoạt chính trị đầu khóa và tổ chức nghe thời sự, chính sách mới thường xuyên, hàng tháng đối với học viên các lớp hệ tập trung, trong đó nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị được coi trọng.

Học viện cũng đã ban hành Khung chương trình Hoàn chỉnh Cao cấp lý luận chính trị dành cho cán bộ Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Đối với hệ đào tạo đại học và sau đại học, Học viện thực hiện nghiệm thu bộ giáo trình các chuyên ngành đại học văn bằng 2 để đưa vào sử dụng trong năm học tới. Để phù hợp với tình hình thực tế, Vụ Quản lý Đào tạo đã tham mưu Giám đốc Học viện chỉnh sửa khung chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Pháp luật về Quyền con người; tiến hành chỉnh sửa và ban hành khung chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Chính trị học, chuyên ngành Xây dựng Đảng và chính quyền; chuyên ngành Công tác Tôn giáo và chuyên ngành Lý luận chính trị.

Học viện đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng các chương trình Bồi dưỡng theo chức danh cán bộ, ban hành các khung chương trình bồi dưỡng dành cho chức danh Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương; Trưởng, Phó ban Tổ chức, Tuyên giáo, Dân vận, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp ủy cấp tỉnh và tương đương… Khung chương trình sau khi được phê duyệt sẽ chuyển cho các chuyên gia, giảng viên xây dựng bài giảng, tài liệu phù hợp với từng đối tượng học viên và được cung cấp kịp thời phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập của học viên.

Nhìn chung, nội dung giảng dạy đã sát hơn với đối tượng, mục tiêu của chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường tính thời sự và gắn với thực tiễn công tác. Các đơn vị giảng dạy đã chủ động cập nhật, đưa những điểm mới trong Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào các chuyên đề, bài giảng.

Thứ ba, công tác dạy và học

Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Học viện đã ban hành Quyết định 1623-QĐ/HVCTQG ngày 22-4-2020 “về việc ban hành Quy định chấm khóa luận tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị” thay cho hình thức thi tốt nghiệp tập trung với đối với một số lớp Cao cấp lý luận chính trị; ban hành Quy định tạm thời về áp dụng phương thức đào tạo từ xa tại Học viện; Quy định về tổ chức bảo vệ khóa luận, luận văn, luận án trong thời gian phòng dịch COVID-19.

Trong công tác tổ chức quản lý dạy - học, Học viện đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (hệ thống camera giảng đường, thiết bị điểm danh bằng vân tay, nhận diện gương mặt…) góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý học viên, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của giảng viên. Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Học viện, công tác quản lý, theo dõi tình hình giảng dạy - học tập của các lớp, các hệ đào tạo đặt tại địa phương, các lớp đặt ngoài Học viện đã được quản lý chặt chẽ hơn, không còn tình trạng buông lỏng quản lý, đặc biệt là đối với các lớp cao học.

 Đối với các lớp cao cấp lý luận chính trị, trên cơ sở Quy chế đào tạo cao cấp lý luận chính trị, Học viện đã xây dựng mẫu và quy trình chấm điểm rèn luyện, phiếu chuyên cần đối với học viên. Kết quả đánh giá điểm rèn luyện của học viên được thực hiện công khai, minh bạch và kịp thời, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần học tập và tham gia phát biểu ý kiến, thảo luận, tranh luận trong quá trình học tập trên lớp và ngoài giờ học. Các trường hợp học viên nghỉ học có phép, không phép được quản lý chặt chẽ, quy trình, thủ tục công khai, bài bản, kịp thời.

Học viện đã ban hành Nội quy tổ chức các lớp bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng học viên cụ thể. Đồng thời, đang tiến hành dự thảo Quy định về công tác tổ chức và quản lý các lớp bồi dưỡng để tạo hành lang pháp lý áp dụng trong toàn hệ thống Học viện trong thời gian tới. Với đặc thù các lớp bồi dưỡng là diễn ra trong thời gian ngắn, giảng viên báo cáo đa phần là chuyên gia, các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý nên kế hoạch giảng dạy - học tập thường xuyên thay đổi, tuy nhiên, công tác quản lý, theo dõi tình hình giảng dạy - học tập của giảng viên và học viên luôn được theo sát, đảm bảo thực hiện nền nếp, đúng Quy định, Quy chế. Học viện đã chú trọng tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng chuyên đề, giảng viên của từng lớp để bảo đảm việc tổ chức lớp đạt chất lượng.

Thứ tư, công tác phối hợp

Học viện đã có nhiều bước cải tiến trong công tác phối hợp giữa Vụ Quản lý đào tạo với các Học viện trực thuộc, các đơn vị chức năng và các Viện chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhằm bảo đảm các điều kiện cho việc mở lớp, tổ chức dạy và học, thi bổ sung kiến thức, thi hết học phần, thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp các hệ lớp,.

Học viện đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tổ chức các tỉnh, thành ủy, Vụ tổ chức các Bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện chủ trương đổi mới công tác đào tạo Cao cấp lý luận chính trị, đặc biệt quy định về tăng cường đào tạo tập trung và đảm bảo tỷ lệ đào tạo 1:1,2.

Phối hợp tốt với các Học viện Chính trị khu vực trong việc hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh và thẩm định kết quả tuyển sinh của các Học viện Chính trị khu vực.

Phối hợp tốt với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc tổ chức thí điểm đào tạo Cao cấp lý luận chính trị và xác nhận trình độ Cao cấp lý luận chính trị ở các nội dung: hướng dẫn tổ chức thực hiện, phối hợp bồi dưỡng giảng viên, cấp phát phôi bằng, tham gia đoàn khảo sát đánh giá chất lượng thí điểm của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Học viện phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương, các ban Đảng Trung ương và các địa phương trong việc xác định chỉ tiêu, xây dựng và tổ chức thực hiện các lớp bồi dưỡng năm 2020.

Về cơ bản, năm 2020, Học viện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, tạo bước chuyển biến rõ rệt trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Học viện đã đổi mới nội dung chương trình các hệ đào tạo, bồi dưỡng theo hướng giảm tải, lược bỏ các chuyên đề trùng lặp, không phù hợp; kết hợp việc giảng dạy các chuyên đề trên lớp với các hoạt động ngoại khóa, về nguồn, các nội dung báo cáo thời sự trong nước, quốc tế và các chủ trương, chính sách mới cho học viên.

Công tác tuyển sinh bảo đảm đúng quy định, tiêu chuẩn của Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo; chất lượng giảng dạy và học tập được nâng lên; đội ngũ giảng viên không ngừng được nâng cao cả về chất lượng và số lượng đáp ứng ngày càng tốt hơn mục tiêu đào tạo đã đề ra. Các giảng viên lên lớp đã bám sát nội dung chương trình của các môn học, bám sát các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và liên hệ chặt chẽ với thực tiễn đất nước.

Các khâu trong quy trình tổ chức quản lý đào tạo các hệ lớp đã được xây dựng một cách cơ bản đồng bộ, thống nhất, phát huy được thế mạnh, tính đặc thù của Học viện. Công tác phối hợp giữa đơn vị quản lý đào tạo với các đơn vị giảng dạy và đơn vị chức năng trong thực hiện nhiệm vụ ngày càng đồng bộ, góp phần tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch đề ra; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học ngày càng được hoàn thiện, hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu.

Kỷ luật, kỷ cương trong công tác đào tạo được siết chặt, đặc biệt đối với các lớp tập trung và các lớp đặt ngoài Học viện. Các hình thức thi được đa dạng hóa (tự luận, trắc nghiệm, vấn đáp, tiểu luận,...), phù hợp với từng nội dung môn học, đối tượng học viên theo hướng chỉ đạo của Giám đốc Học viện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện vẫn còn những hạn chế, đó là:

Mới chỉ thực hiện được thống nhất giáo trình ở hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị; các giáo trình, đề cương bài giảng, tài liệu học tập ở hệ đào tạo đại học, sau đại học, hệ bồi dưỡng chưa được xây dựng để sử dụng trong toàn hệ thống.

Công tác dự báo, truyền thông tuyển sinh còn thực hiện chưa tốt, thiếu tính chuyên nghiệp nên tuyển sinh đào tạo đại học, sau đại học có sự chênh lệch giữa các chuyên ngành, có ngành thường xuyên không tuyển đủ chỉ tiêu, có ngành lại vượt quá chỉ tiêu so với nguồn lực của đơn vị.

Còn chưa chủ động trong việc cập nhật, hoàn thiện các Quy chế, Quy định trong công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng. Quy chế hiện hành chưa đủ rõ ràng để thực hiện.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý còn chậm, chưa đồng bộ. Việc cập nhật thông tin, số liệu, dữ liệu vào phần mềm quản lý Học viện thông minh chưa được kịp thời, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong bối cảnh mới.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là: do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 nên việc triển khai kế hoạch giảng dạy - học tập các hệ đào tạo trong năm còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ đề ra. Kế hoạch tuyển sinh được triển khai muộn hơn so với mọi năm.

Những đổi mới trong công tác tuyển sinh phần nào cũng gây khó khăn bước đầu trong công tác thẩm định, xét duyệt hồ sơ tuyển sinh, gây ra muộn hơn so với những năm trước.

Trong công tác tuyển sinh đại học và sau đại học, do đặc thù nhiều ngành khó tuyển, cùng với đó là chưa xây dựng được cơ chế, chủ trương phù hợp để thu hút học viên.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.

Đội ngũ cán bộ mặc dù có nhiều nỗ lực cố gắng nhưng so với yêu cầu, nhiệm vụ vẫn còn có mặt hạn chế, bất cập nhất là việc tổng hợp, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo, bồi dưỡng.

Chưa tham mưu xây dựng được cơ chế phối hợp giữa các đơn vị nên tạo ra khó khăn, vướng mắc trong việc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ chung.

2. Phương hướng, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện năm 2021

2.1. Phương hướng

Năm 2021, Học viện xác định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu của tình hình mới; tiếp tục tập trung chỉ đạo đổi mới, cập nhật nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong bối cảnh đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, đặc biệt là theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Tăng cường hơn nữa việc theo dõi, đánh giá công tác giảng dạy và học tập của giảng viên, học viên đúng quy chế, quy định. Rà soát để bổ sung, sửa đổi, thay thế kịp thời các quy chế, quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu quản lý trong điều kiện mới.

Đẩy mạnh công tác truyền thông tuyển sinh đại học, sau đại học; chiêu sinh các chương trình bồi dưỡng trên cơ sở tăng cường sự phối hợp giữa các bộ phận thực hiện. Khẩn trương xây dựng trang thông tin tuyển sinh của Học viện. Chủ động đề xuất với Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Học viện trong tuyển sinh và tổ chức đào tạo Cao cấp lý luận chính trị, đại học, sau đại học và các chương trình bồi dưỡng chức danh.

Chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, đào tạo, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

2.2. Nhiệm vụ và giải pháp

Một là,xây dựng và hoàn thiện thể chế đào tạo, bồi dưỡng: Quy chế đào tạo các hệ lớp (cao cấp lý luận chính trị, đại học, sau đại học, bồi dưỡng chức danh...); Quy định về chủ nhiệm lớp; Quy chế phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Học viện; Quy định về việc nghiên cứu thực tế; Quy định quản lý các lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung tại địa phương... để tạo hành lang pháp lý thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng thống nhất trong toàn hệ thống.

Hai là,xây dựng lại quy trình tổ chức quản lý đào tạo các hệ lớp đồng bộ, thống nhất, thực hiện trong toàn hệ thống Học viện.

Ba là,đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý đào tạo, đặc biệt là việc sử dụng phần mềm quản lý đào tạo trong việc thực hiện các khâu, quá trình đào tạo.

Bốn là,hoàn thiện Đề án “Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong bối cảnh đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Năm là,phối hợp tốt với Ban Tổ chức Trung ương trong việc xây dựng, xác định chỉ tiêu đào tạo cao cấp lý luận chính trị năm 2021. Tiếp tục mở rộng tuyển sinh hệ đại học, cao học, nghiên cứu sinh dựa trên sự phân bổ chỉ tiêu đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, có cơ chế đặc thù, đẩy mạnh việc tuyển sinh một số ngành khó và không tuyển sinh được trong năm 2020; phối hợp với các đơn vị có đủ điều kiện để tuyển sinh đào tạo cao học và đại học.

Sáu là,hoàn thành Kế hoạch chỉnh sửa, biên soạn giáo trình Cao cấp lý luận chính trị đảm bảo tiến độ ngay sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII kết thúc có thể chỉnh sửa lần cuối và chuyển in ấn, phát hành trong quý I năm 2020. Tham mưu xây dựng chương trình bồi dưỡng chức danh gắn lý luận với thực tiễn và bảo đảm cập nhật nội dung Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Bảy là,hoàn thiện và ban hành Quy chế đào tạo cao cấp lý luận chính trị phù hợp với điều kiện, tình hình mới; ban hành Quy chế đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ năm 2021 của Học viện. Nhanh chóng xây dựng Quy chế, quy định về quản lý hoạt động bồi dưỡng cán bộ của Học viện, áp dụng trong năm 2021. Xây dựng Quy định về cơ chế phối hợp với các địa phương, đơn vị trong việc tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ tại địa phương.

Tám là,thực hiện tốt công tác tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo các lớp Cao cấp lý luận chính trị, công tác xét tương đương trình độ cao cấp lý luận chính trị theo đúng Quy định, Quy chế.

Chín là, siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương các lớp, đặc biệt là các lớp đặt ngoài Học viện. Tham mưu triển khai kết nối camera tại các hội trường giảng dạy để theo dõi, giám sát quá trình giảng dạy - học tập.

Mười là,thường xuyên tổ chức rà soát việc thực hiện kế hoạch giảng dạy - học tập để nâng cao tinh thần trách nhiệm của giảng viên các Viện chuyên ngành. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác chủ nhiệm lớp trong công tác học vụ, xét điều kiện thi hết môn. Tăng cường quản lý đào tạo đại học và sau đại học trong hệ thống Học viện, đôn đốc các Học viện trực thuộc gửi báo cáo định kỳ, tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất.

Nguyễn Thị Thúy Thảo

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền