Trang chủ    Diễn đàn    Vấn đề an ninh phi truyền thống và vai trò của báo chí truyền thông nước ta hiện nay
Thứ tư, 26 Tháng 4 2017 11:30
7285 Lượt xem

Vấn đề an ninh phi truyền thống và vai trò của báo chí truyền thông nước ta hiện nay

(LLCT) - “An ninh phi truyền thống” là một cụm từ bắt đầu được nói đến vào những năm 80 thế kỷ XX, sử dụng nhiều trong thập niên đầu thế kỷ XXI, trở thành một thuật ngữ phổ biến trong các hội nghị, diễn đàn khu vực, quốc tế, hợp tác song phương, đa phương...

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 giữa các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, tại Phnôm Pênh (Campuchia) ngày 1-11-2002, đã ra “Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống”. Trong đó, xác định ANPTT là những vấn đề về các loại tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế, tội phạm công nghệ cao đe dọa an ninh khu vực và thế giới, đồng thời tạo ra những thách thức mới đối với hòa bình, ổn định trong và ngoài khu vực.

Những năm gần đây, các mối đe dọa ANPTT, như: khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, thiên tai, dịch bệnh và thảm họa môi trường,... đã gây những tổn hại nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia của nhiều nước trong khu vực và quốc tế. Những vấn đề này đã vượt qua phạm vi lợi ích an ninh quốc gia, trở thành những thách thức mang tính toàn cầu, bởi hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố quốc tế, nhất là khủng bố bằng vũ khí sinh, hóa học, bệnh dịch là “không biên giới”. Chính vì vậy, cuộc đấu tranh với những vấn đề này đòi hỏi phải có sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, với những giải pháp toàn diện về kinh tế, chính trị, ngoại giao, pháp luật, khoa học - kỹ thuật... Trong đó, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giám sát, phản biện xã hội, chống tham nhũng, tiêu cực... chống lại những ảnh hưởng của ANPTT đối với an ninh quốc gia.

An ninh phi truyền thống là quan niệm về an ninh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trong đó việc xác định các yếu tố đe dọa an ninh quốc gia không chỉ là từ sự đối kháng về ý thức hệ hay đối đầu về quân sự mà còn từ các yếu tố khác mang tính toàn cầu. An ninh phi truyền thống đặt an ninh của từng quốc gia trong mối quan hệ chặt chẽ với an ninh khu vực và an ninh toàn cầu.

Các vấn đề an ninh phi truyền thống hiện nay được chia thành 5 nhóm:

Một là, vấn đề an ninh liên quan đến phát triển bền vững (sustainable development), bao gồm bảo vệ môi trường, phát triển tài nguyên, môi trường sinh thái toàn cầu và kiểm soát phòng chống dịch bệnh;

Hai là, mối đe dọa an ninh đến sự ổn định khu vực và quốc tế (regional and international stability), bao gồm an ninh kinh tế, an sinh xã hội, quyền con người và người tị nạn;

Ba là, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia (transnational organized crimes) bao gồm cả buôn người và buôn bán ma túy;

Bốn là, tổ chức tồn tại ngoài nhà nước (non-state organizations) thách thức trật tự quốc tế, lớn nhất là sự đe dọa của khủng bố quốc tế;

Năm là, an ninh mạng, an ninh thông tin và an ninh kỹ thuật di truyền (genetic engineering security).

1. Những thách thức và đe dọa an ninh phi truyền thống ở nước ta

Những thách thức và đe dọa ANPTT ở nước ta được thể hiện ở 3 nguy cơ cơ bản sau:

Thứ nhất, làm suy giảm sức mạnh quốc phòng của đất nước. ANPTT tác động tạo tâm lý hoang mang, làm suy giảm ý chí, quyết tâm và lòng tin của nhân dân đối với chế độ; đồng thời, có thể làm gia tăng mâu thuẫn xã hội, nhất là giữa các tầng lớp dân cư. Tác động từ ANPTT sẽ làm kìm hãm, thậm chí phá hoại sự phát triển của nền kinh tế, gây khó khăn trong việc kết hợp kinh tế với quốc phòng và mở rộng hợp tác quốc tế về kinh tế; làm suy giảm đáng kể khả năng dự trữ và huy động cơ sở vật chất từ nền kinh tế cho các nhiệm vụ quốc phòng cũng như khả năng đầu tư cho quốc phòng nói chung, cho hiện đại hóa quân đội nói riêng.

Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu do khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính; các loại chất thải nhà máy, khai thác mỏ, đắp đập ngăn sông, cháy rừng, phá rừng, rò rỉ chất phóng xạ, sự cố tràn dầu, động đất, sóng thần, bão, lũ lụt, núi lửa,... gây ra,đã trực tiếp tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội, thậm chí cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, để lại hậu quả nghiêm trọng trong nhiều năm, tiêu tốn nhiều tiền của. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây nên khô hạn và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, để lại hậu quả khó khăn nghiêm trọng cho cuộc sống người dân nơi đây; lũ lụt, hạn hán diễn ra khắp nơi trên cả nước; các loại chất thải của nhà máy của Formosa đã gây hậu quả không chỉ về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến an ninh chính trị của nước ta...Tất cả các vấn đề trên đều làm giảm đáng kể sức mạnh quốc phòng của đất nước và đó là nguy cơ không thể xem thường.

Thứ hai, gây mất ổn định của quốc gia. Thực tiễn cho thấy, mất ổn định quốc gia do nhiều nguyên nhân,trong đó, tác động từ ANPTT là một trong những nguyên nhân quan trọng, khó lường. Hậu quả từ ANPTT có thể gây ra mất ổn định đất nước trên nhiều lĩnh vực, như: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, v.v. Biến đổi khí hậu, dịch bệnh, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố và tội phạm ma túy,... sẽ có tác động trực tiếp làm kìm hãm phát triển kinh tế, gia tăng đói nghèo. Từ đó, làm thay đổi kết cấu xã hội, mâu thuẫn nội bộ gia tăng, tạo tâm lý bất bình, chống đối của dân chúng đối với chính quyền, gây khủng hoảng xã hội trầm trọng. Đặc biệt hiện nay, tác động của an ninh thông tin có thể gây rối loạn hệ thống mạng của đất nước, dẫn đến sự sụp đổ toàn bộ hệ thống điều khiển quốc gia; tạo ra các luồng thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật, gây chia rẽ nội bộ, làm mất lòng tin của nhân dânđối với Đảng, Nhà nước. Từđó, các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kích động gây rối, biểu tình, bạo loạn, làm mất ổn định chính trị, tạo cớ can thiệp từ bên ngoài.

Thứ ba, hình thành nguy cơ xung đột và chiến tranh. Xét về tổng thể, nguy cơ xung đột và chiến tranh được hình thành từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, cả bên trong và bên ngoài; trong đó có các nguyên nhân từ tác động của ANPTT, nhất là từ khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, ma túy, xung đột dân tộc, sắc tộc và khai thác tài nguyên, v.v. Vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột và chiến tranh với nhiều quốc gia thực chất là ngăn chặn, đối phó với các thách thức ANPTT và đây được coi là một trong những mục tiêu cơ bản của quốc phòng - an ninhmỗi nước. Đối với Việt Nam, nguy cơ xung đột và chiến tranh từ tác động của ANPTT có thể ít xảy ra nhưng không thể không dự báođể chủ động phòng ngừa. Hiện nay, các loại tội phạm về an ninh mạng, ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, tội rửa tiền và các loại tội phạm trên lĩnh vực thương mại, đầu tư,... vẫn diễn biến phức tạp và là một trong những nhân tố gây mất ổn định, nhất là trên các tuyến biên giới, có thể làm tổn hại tới quan hệ với các nước. Điều đó cho thấy, nguy cơ từ ANPTT tác động đến quốc phòng Việt Namkhông chỉ từ các vấn đề trong nước mà còn từ các vấn đề khu vực và thế giới.

2. Vai trò của báo chí trong việc tham gia giải quyết vấn đề an ninh phi truyền thống

Hiện nay, mạng máy tính trên toàn cầu có quyền kiểm soát thông tin đã trở thành một không gian an ninh quốc gia, ngang hàng với quyền lục địa, quyền hải dương, quyền không gian, quyền vũ trụ. Bởi vậy, mỗi nước đều xây dựng cho mình những chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm an toàn thông tin của các phương tiện thông tin đại chúng trên Internet... Bên cạnh đó, giữa các nước tất yếu sẽ diễn ra sự chiếm đoạt, giành giật vô cùng quyết liệt quyền lợi thông tin xoay quanh các vấn đề chủ quyền thông tin, công nghệ thông tin, tài nguyên thông tin, quy tắc thông tin để nhằm các mục tiêu về chính trị, kinh tế, quốc phòng,...

Do vậy, báo chí truyền thông cần chủ động phát huy tốt vai trò, thế mạnh của mình:

- Vai trò thông tin: Báo chí truyền thông hiện nay đã thông tin một cách toàn diện về mọi lĩnh vực của cuộc sống, kể cả những vấn đề mới nảy sinh như ANPTT. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, cuộc chiến tranh thông tin đang là một thách thức đối với các quốc gia, khi người dân đang từng giờ, từng phút tiếp nhận nhiều luồng thông tin khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội. Vì vậy, báo chí cần bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời, đa dạng, nhiều chiều, bảo đảm tính định hướng để công chúng nhận diện rõ bản chất, tính chất, tác động của vấn đề ANPTT đối với sự phát triển đất nước. Thông tin trên báo chí cần bảo đảm nguyên tắc tôn trọng sự thật, chia sẻ để tạo dựng niềm tin, tạo ra môi trường trao đổi thông tin lành mạnh để ở đó công chúng, độc giả được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ.

- Vai trò tuyên truyền: Báo chí có nhiệm vụ tuyên truyền giải thích cho toàn xã hội những quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc ứng phó, giải quyết các vấn đề ANPTT. Trong công tác tuyên truyền về ANPTT, báo chí cần chú ý tạo dựng ý thức xã hội về những vấn đề kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, cộng đồng và chính trị liên quan đến sự phát triển bền vững của quốc gia và nhân loại. Thực tế cho thấy, mọi cá nhân, tổ chức không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức đều chịu tác động của vấn đề ANPTT. Họ là đối tượng được bảo vệ, đồng thời là lực lượng tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả. 

- Vai trò tạo dựng môi trường trong sạch, lành mạnh, công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực

 Với chức năng thông tin , báo chí đã ý thức rất rõ trách nhiệm của mình trong phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là rất tích cực, chủ động trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, báo chí tham gia tích cực trong việc phản biện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Thực tế, từ những nguồn tin ban đầu của nhân dân, bằng năng lực và các biện pháp nghiệp vụ , với sự hỗ trợ của các phương tiện nghiệp vụ (thiết bị ghi âm, ghi hình)..., nhiều vụ việc tham nhũng đã được các nhà báo, cơ quan báo chí phát hiện. Các bài, loạt bài phóng sự, điều tra đã phơi bày sự thật, “vạch mặt chỉ tên” không ít những cá nhân, nhóm người tham nhũng.

Những bài báo đó không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, mà còn tạo ra dư luận xã hội trong việc đấu tranh với những hành vi vi phạm đó, đồng thời thúc đẩy các cơ quan chức năng vào cuộc. 

- Vai trò tham gia giải quyết các khủng hoảng kinh tế, xã hội: Truyền thông trong khủng hoảng là rất quan trọng. Vì, khi một vấn đề khủng hoảng kinh tế, xã hội, môi trường xảy ra, nếu báo chí tham gia định hướng tốt dư luận xã hội sẽ giảm thiểu sự hoang mang, lo lắng của người dân trước ảnh hưởng của khủng hoảng đó.

- Vai trò giám sát, phản biện xã hội: Báo chí thực hiện vai trò phản biện xã hội trong quá trình giải quyết các vấn đề ANPTT là khẳng định những mặt tích cực, chỉ ra những mặt hạn chế, khiếm khuyết, đề xuất giải pháp khắc phục nhằm tăng cường hiệu quả thực tế của các quyết sách giải quyết các vấn đề ANPTT. 

Thực hiện tốt các chức năng giám sát, phản biện xã hội, tức là báo chí cần chủ động, coi trọng kết quả khai thác, điều tra độc lập của mình từ tai mắt của nhân dân và chịu trách nhiệm trước pháp luật và dư luận xã hội về các kết quả đó.  Báo chí làm tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội sẽ góp phần bảo đảm các chính sách công vì lợi ích của xã hội, của dân tộc, ngăn chặn lợi ích nhóm chi phối.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2016

 

TS Phạm Thị Thanh Tịnh

 Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền