Trang chủ    Diễn đàn    Một số điều kiện cơ bản để Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng Đảng hiệu quả
Thứ ba, 16 Tháng 5 2017 15:25
2459 Lượt xem

Một số điều kiện cơ bản để Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng Đảng hiệu quả

(LLCT) - Tham gia xây dựng Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc. Thông qua tham gia xây dựng Đảng, vai trò của Mặt trận được đề cao và khẳng định rõ hơn; nhiều chủ trương, chính sách của Đảng được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với thực tiễn đất nước. Nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên được phát hiện và xử lý kịp thời... Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của MTTQ các cấp trong tham gia góp ý xây dựng Đảng chưa ngang tầm với vị trí pháp lý, chính trị.

Ngày 12-12-2013, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Quyết định số 218-QĐ/TW ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đây là chủ trương được nhân dân đồng tình, ủng hộ; đồng thời khẳng định địa vị pháp lý của Mặt trận.  Tuy vậy, việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, động viên nhân dân tham gia xây dựng Đảng ở một số địa phương còn yếu và chưa thường xuyên. Trong khi đó, không ít nơi chưa thực sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, của MTTQ; việc tiếp nhận và giải trình ý kiến đóng góp của MTTQ ở một số nơi còn chưa nghiêm túc...

Thực hiện nghiêm quan điểmcủa Đảng: “Tổ chức và thực hiện tốt Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền”(1), cần những điều kiện bảo đảm sau:

Một là, nhận thức của các cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy và cán bộ, đảng viên.

MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng Đảng không chỉ thể hiện vai trò, trách nhiệm của Mặt trận mà còn thể hiện bản chất của chế độ ta: tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận trước hết là “tổ chức của dân”, chứ không phải chỉ là của Đảng, của chính quyền. Do chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò của Mặt trận trong đời sống chính trị nên vẫn còn hiện tượng bao biện, làm thay hoặc can thiệp quá sâu vào công việc của Mặt trận. Đảng ta đã từng nhấn mạnh: “Cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ tầm quan trọng của chính sách và công tác Mặt trận, khắc phục những quan điểm, tư tưởng không đúng, nhất là tư tưởng coi nhẹ công tác Mặt trận, thái độ định kiến, hẹp hòi. Khắc phục tình trạng bố trí cán bộ Mặt trận một cách tùy tiện, áp đặt, không tương xứng với nhiệm vụ. Có chính sách thỏa đáng đối với cán bộ mặt trận”(2).

Để MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng Đảng có hiệu quả, các cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy, cán bộ, đảng viên phải có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của MTTQ trong tham gia xây dựng Đảng; hợp tác chặt chẽ và tạo điều kiện để MTTQ tham gia xây dựng Đảng hiệu quả; xây dựng môi trường dân chủ. Các cấp ủy Đảng cần coi sự tham gia xây dựng Đảng của MTTQ là một nhu cầu tự thân, một đòi hỏi bắt buộc của sự lãnh đạo, là một điều kiện để bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết, dân chủ và đồng thuận xã hội. Mặt trận ra đời ngay từ khi có Đảng và đóng vai trò to lớn với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Ngày nay, Mặt trận là một bộ phận cấu thành HTCT nước ta. Tôn trọng địa vị, vai trò, tư cách đại diện của Mặt trận là nhận thức khoa học, đúng đắn và là cơ sở cho việc phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Hai là, xây dựng cơ chế và các quy định bảo đảm tính pháp lý cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng Đảng.

Cơ chế và các quy định pháp lý là điều kiện để bảo đảm cho hoạt động tham gia xây dựng Đảng của MTTQ Việt Nam được thực hiện, góp phần xây dựng Đảng, nâng cao uy tín của Đảng trong nhân dân, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Cần có những quy trình pháp lý bảo đảm cho MTTQ tham gia xây dựng Đảng, giám sát và phản biện xã hội được tiến hành. Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển năm 2011), khẳng định: “Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”(3).

Đến nay, vấn đề giám sát và phản biện đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc năm 2015, Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tham gia xây dựng Đảng của Mặt trận vẫn còn mang tính hình thức. Vấn đề MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng Đảng chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, còn chung chung do đó khó vận dụng trong thực tiễn. Mặt khác, có ý kiến cho rằng, quy định nêu trên không phù hợp với nguyên tắc Đảng “lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học: “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chịu sự giám sát của nhân dân. Như vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với trách nhiệm của mình thực hiện quyền giám sát đối với tổ chức Đảng và hoạt động của đảng viên là hoàn toàn đúng nguyên tắc”(4). Do đó, hoạt động tham gia xây dựng Đảng của MTTQ phải được thể hiện rõ trong các văn bản của Đảng, cũng như quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý vững chắc và được thực thi có hiệu quả.

Hiện nay, Mặt trận thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngân sách hoạt động do Nhà nước cấp. Như vậy, ở hai lĩnh vực trọng yếu nhất là công tác tổ chức cán bộ và tài chính thì Mặt trận còn lệ thuộc. Để khách quan hóa mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với Đảng bảo đảm cho hoạt động tham gia xây dựng Đảng, cần có những quy định cụ thể bằng pháp luật. Mối quan hệ này được đặt dưới sự giám sát của xã hội, của nhân dân. Sự tham gia góp ý của Mặt trận phải tuân thủ các nguyên tắc và trên tinh thần xây dựng, khách quan, trung thực.

Ba là, nâng cao trình độ, năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy, kết quả hoạt động tham gia xây dựng Đảng của MTTQ Việt Nam có thiết thực hay không một phần tùy thuộc vào trình độ, năng lực và tinh thần trách nhiệm của cán bộ mặt trận. Đội ngũ cán bộ MTTQ phải đáp ứng được yêu cầu về trình độ, năng lực tham gia xây dựng Đảng; phải có tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích của nhân dân. Cùng với việc tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên trách cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, cần đẩy mạnh việc xây dựng các tổ chức tư vấn, thu hút đông đảo các chuyên gia, cộng tác viên ở các cấp, nhằm phát huy năng lực, trí tuệ và kinh nghiệm hoạt động của đội ngũ này, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tham gia xây dựng Đảng của Mặt trận.

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng là yêu cầu và cũng là nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện tiếng nói của nhân dân tham gia có hiệu quả vào công tác này. Điều đó phản ánh sự đòi hỏi của nhân dân ngày càng cao đối với Mặt trận. Mặt trận phải hết sức lưu ý chăm lo nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực đội ngũ cán bộ của mình.

Cán bộ mặt trận cần chí công vô tư, hết lòng vì dân; có bản lĩnh chính trị, lòng trung thành. Việc nâng cao trình độ của cán bộ Mặt trận về đường lối, chính sách, pháp luật, về công tác lãnh đạo của Đảng; xóa bỏ hành chính hóa đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ là yêu cầu cấp thiết.

Bốn là, nâng cao dân chủ và trình độ dân trí trong xã hội.

Khi nói về bước đầu xây dựng chế độ dân chủ XHCN, V.I.Lênin lưu ý, vấn đề không phải là ghi nhận quyền, mà là tạo ra những điều kiệnđể người dân được hưởng những quyền đã được ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật. Dân chủ và trình độ dân trí xã hội thể hiện mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải được xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Để MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng Đảng thật sự có hiệu quả, cần phát huy dân chủ XHCN, nâng cao trình độ dân trí, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tích cực và trách nhiệm trong mọi hoạt động lãnh đạo của Đảng. Mặt trận ngày càng phát huy tốt vai trò là một tổ chức đại diện cho dân, nói tiếng nói của dân là một tổ chức đoàn kết nhân dân, giám sát và phản biện xã hội đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Chế độ dân chủ mà nhân dân ta xây dựng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, là chế độ “dân là chủ” và “dân làm chủ”. Muốn vậy, nhân dân không những được xác định là chủ, mà phải có ý thức, năng lực làm chủ. Để thực hiện quyền làm chủ, nhân dân không những phải có quyền, mà điều quan trọng là nhân dâncần phải có năng lực làm chủ. Người chỉ rõ: “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”(5).

Năm là, điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống cung cấp thông tin.

Tham gia xây dựng Đảng, với phạm vi hoạt động rộng, nội dung tham gia khó, phức tạp, lực lượng tham gia lớn, đòi hỏi phải có kinh phí cần thiết.

Phải có cơ chế để MTTQ Việt Nam nắm bắt thông tin về hoạt động lãnh đạo của Đảng. Tăng cường hoạt động nắm bắt dư luận xã hội của cơ quan Mặt trận các cấp bằng cách xây dựng hệ thống khảo sát dư luận xã hội, sử dụng rộng rãi mạng xã hội phục vụ cho hoạt động tham gia xây dựng Đảng.

__________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.170.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.53, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.79.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,  2011, tr.87.

(4)Xem: Báo Nhân dân điện tử: Cụ thể hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội, ngày 25-5-2015.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.40.

 

 

ThS Trương Minh Luân

Trường Chính trị tỉnh Cà Mau

Nguyễn Thị Ngọc Tuyết Phương

Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền