Trang chủ    Diễn đàn    Phát huy các giá trị văn hóa của đạo Cao đài trong đời sống cư dân Nam Bộ hiện nay
Thứ tư, 14 Tháng 6 2017 14:37
12150 Lượt xem

Phát huy các giá trị văn hóa của đạo Cao đài trong đời sống cư dân Nam Bộ hiện nay

(LLCT) - Đạo Cao đài là tôn giáo do người Việt Nam sáng lập năm 1926 tại Tây Ninh nên mang đặc điểm văn hoá của cư dân Nam Bộ.Hiện nay, đạo Cao đài có trên 1 vạn chức sắc, gần 3 vạn chức việc, khoảng 2,4 triệu tín đồ, với 958 tổ chức họ đạo cơ sở, hàng nghìn cơ sở thờ tự(1). Các giá trị văn hóa của đạo Cao đài được kết tinh, lan tỏa, hình thành cộng đồng văn hóa riêng, có giá trị thiết thực trong đời sống cư dân Nam Bộ.

(Tòa thánh Tây Ninh, ảnh: internet)

Giá trị văn hóa của đạo Cao đài và đời sống cư dân Nam Bộ

Một số nhà nghiên cứu cho rằng các giá trị văn hóa xét theo chủ thể gồm: “... ba nhóm giá trị: nhận thức - đạo đức - thẩm mỹ”(2). Giá trị văn hóa đạo Cao đài được biểu hiện qua các đặc điểm: tính toàn cầu trong tôn giáo, tính triết lý về quan điểm vạn giáo nhất lý, tính triết học trong nhân sinh quan, tính văn minh trong nghi lễ, tính chung thủy trong gia đình, tính dân chủ trong sinh hoạt, tính dân tộc trong  lễ nhạc, tính văn hóa vật thể trong kiến trúc, tính truyền thống trong việc nhập thế phụng sự nhân sinh(3). Có thể nói, Cao đài là tôn giáo có vai trò nhất định trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam và có tác động tích cực đến văn hoá của cư dân Nam Bộ.

Về nhận thức, tín đồ đạo Cao đài tin tưởng vào thế giới tâm linh nơi có Ngọc Hoàng Thượng Đế làm Đấng Tạo hóa. ĐạoCao đài quan niệm:con người có mối tương quan với vũ trụ, với Thượng Đế và với con người xã hội. Do đó, tín đồxuất gia tu hành nhưng vẫn nhận thức bản thân là một phần tử của xã hội, phải có trách nhiệm góp phần xây dựngxã hội. Đạo Cao đài có tinh thần dân tộc, ý thức tự lập, tự cường và sẵn sàng đón nhận cái mới của xã hội.

Về đạo đức, chức sắc, tín đồ đạo Cao đài sống có nhân cách, đoàn kết cộng đồng; lối sống nhân hòa và nhập thế, tham gia các hoạt động xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; có tinh thần trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Quan niệm “tâm vật bình hành”, tránh “ngôn hành bất nhất” hình thành phẩm chất đạo đức, lối sống cao đẹp của người tu hành, tín đồ. Đạo Cao đài rèn luyện tín đồ từ bỏ những vui thú của đời thường, hằng ngày tu dưỡng bản thân, tuluyện đức tính. Họ trở thành tấm gương tiêu biểu về đạo đức, lối sống cá nhân, gia đình, xã hội. Đạo Cao đài có tinh thần gắn kết cộng đồng, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đây là yêu cầu bắt buộc, là trách nhiệm của mỗi tín đồ với vai trò là thành viên trong cộng đồng. Tín đồ đạo Cao đài cởi mở trong giao tiếp, dung hòa các mối quan hệ, không phân biệt đẳng cấp. Đạo Cao đài yêu cầu chức sắc, tín đồ thực hiện “tam công” để tu luyện trong quá trình hành đạo: Lập công quả là hy sinh tư lợi để hành đạo vì xã hội, vì đạo; lập công trình là rèn luyện bản thân theo giới luật trở thành người hạnh đức; lập công phu là tu luyện tinh thần tiến hóa về đạo pháp. Do đó, chức sắc, tín đồ đạo Cao đài giàu tinh thần yêu nước. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, các phái Cao đài có: “hơn 4.000 liệt sỹ, 10.000 thương binh, 400 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và nhiều gia đình có công với cách mạng, nhiều huân, huy chương được Nhà nước trao tặng,...”(4).Hiện nay, đạo Cao đài đã phát huy truyền thống, tích cựcvận động tín đồ tham gia các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, từ thiện, nhân đạo,... và đóng vai trò quan trọng trong việc đoàn kết tôn giáo ở Nam Bộ.

Về thẩm mỹ, kiến trúc nghệ thuật thờ tự, trang phục, ẩm thực, lễ nhạc, lễ hội, kinh điển, báo chí,… của đạo Cao đài mang đặc trưng riêng, góp phần làm phong phú giá trị văn hóa của cư dân Nam Bộ.

Trong thế giới biểu tượng của đạo Cao đài, Thiên Nhãn được coi là biểu tượng toàn năng của các giá trị chân - thiện - mỹ. Thiên Nhãnbiểu tượng cho Đức Chí Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế được gọi là Tiên Ông. Thiên Nhãn là hướng tới một thế giới mà nhân loại bình đẳng, hạnh phúc không phân biệt tôn giáo, dân tộc;lấy nhân bản làm nền tảng, nhân quyền được tôn trọng, nhân tính được phát huy; khắc phục các khác biệt về hình thức, hóa giải kỳ thị tôn giáo, sắc tộc để cùng nhau xây dựng thế giới đại đồng.

Lễ nhạc của đạo Cao đài đem lại sự hài hòa, cân bằng về tinh thần “trật tự điều hòa tâm hồn được thành kính, diệt trừ được bản ngã tư tâm, hướng thiện lòng thành kính các đấng thiêng liêng và tiếp tục nhận được nhiều ân điển”(5). Đạo Cao đài có ban lễ nhạc với các dụng cụ âm nhạc truyền thống, như: đàn cò, đàn kìm, phách, sáo, nhị. Nhờ đó, kế thừa, phát huy và góp phần bảo tồn âm nhạc dân gian Nam Bộ.

Lễ hội sáng tạo trên nền tảng văn hóa dân tộc, với 2 lễ hội: lễ vía Đức Chí Tôn (9-1 Âm lịch) và lễ hội Yến Diêu Trì Cung (15-8 Âm lịch) thu hút hàng trăm ngàn tín đồ tham dự.

Kinh điển, thơ văn của đạo Cao đài đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, giữ gìn ngôn ngữ, giai điệu trong sáng của dân tộc. Báo chí của đạo Cao đài ra đời rất sớm (1928) và có nhiều đóng góp vào hoạt động phổ biến chữ Quốc ngữ, giữ gìn tiếng Việt.

Kiến trúc thờ tự của đạo Cao đài là sự sáng tạo độc đáo của cư dân Nam Bộ, biểu hiện của sự dung hòa nghệ thuật Đông - Tây, tạo ra sự hài hòa vừa có nét của nhà thờ Công giáo, vừa có nét của chùa Phật giáo.

Trang phục của người theo đạo Cao đài gồm có: thường phục, đại phục và tiểu phục. Thường phục là bộ quần áo bà ba trắng, dùng trong sinh hoạt thường ngày như đi đường hay làm công quả. Tiểu phục là trang phục áo dài, quần trắng của chức sắc, tín đồ đạo Cao đài mặc khi hành đạo, làm lễ tại tư gia, nơi thờ tự. Đại phục là trang phục mặc khi hành lễ tại nơi thờ tự. Trang phục màu trắng của đạo Cao đài mang tính triết lý sâu sắc. “Ở đó còn là lấy hình thức bên ngoài để chế phục tham dục bên trong, giữ cội nguồn, không vong bổn”(5)bởi “…màu trắng tượng trưng cho sự sạch sẽ. Người mặc trang phục màu trắng phải cẩn thận giữ gìn kẻo bị vấy bẩn; như nhắc nhở mình hành động, cử chỉ phải cẩn trọng, giữ gìn sự trong sáng tâm hồn”(6)

Các giá trị văn hóa của đạo Cao đài đã được tín đồ phát huy trong quá trình tồn tại và trở thành những chuẩn mực trong đạo đức, lối sống, góp phần hình thành nhân cách con người, tạo dựng giá trị nhân sinh trong đời sống vật chất và đời sống tinh thần của cư dân Nam Bộ.

Các giá trị văn hóa đạo Cao đài được biểu hiện sinh động trong sinh hoạt của chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài. Với tinh thần nhập thế, chức sắc, tín đồ đạo Cao đài tích cực tham gia các hoạt động thế tục, đoàn kết cộng đồng, xây dựng xã hội đạo đức, văn minh, làm giàu cho bản thân và xã hội.

Tuy vậy, trước những tác động của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, đạo Cao đài có những biến đổi về cơ cấu thiết chế tổ chức và một số giá trị văn hóa để thích nghi với sự thay đổi của môi trường xã hội. Để phát huy các giá trị văn hóa của đạo Cao đài trong đời sống cư dân Nam Bộ hiện nay cần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa của đạo Cao Đài, bảo đảm sự thống nhất giữa kế thừa và đổi mới, truyền thống và hiện đại góp phần xây dựng truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam ngày càng giàu bản sắc và bền vững.

Giải pháp phát huy giá trị văn hóa đạo Cao đài

Một là, nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa của các tôn giáo nói chung và đạo Cao đài nói riêng

Đảngtakhẳng định:“Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân”(7); “đạo đức tôn giáo có nhiều điểmphù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”(8).Vớiđạo Cao đài, Đảng cho rằng:“Đại bộ phận quần chúng tín đồ và chức sắc đạo Cao đài có tinh thần yêu nước, có đóng góp tích cực cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cho công cuộc xây dựng đất nước”(9). Trên tinh thần đó, các phái Cao đài được công nhận tư cách pháp nhân, hoạt động bình đẳng cùngcác tôn giáo ở Việt Nam.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu chưa đánh giá đúng giá trị văn hóa của đạo Cao Đài, cho rằng: nghi lễ của đạo Cao đài có “đốt vàng mã” lãng phí.Theo giáo luật và thực tế hoạt động, đạo Cao đài là tôn giáo không sử dụng vàng mã. Các đàn lễ của đạo Cao đài thường dâng sớ cầu nguyện Ngọc Hoàng Thượng Đế ban ơn lành cho nhân sinh,trăm họvàđốt lá sớ đó. Bên cạnh đó, có ý kiếncho rằng:đạo Cao đài thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tìm hiểucho thấy, quy định của đạo Cao đài chỉ thờ Thiên Nhãn biểu tượng cho Ngọc Hoàng Thượng Đế và các vị giáo chủ của các tôn giáo cùng các Đấng Phật Tiên Thánh Thần. Các cơ sởthờ tựcủa đạo Cao đài đều lập Báo Ân từ để thờ những vị chức sắc, tín đồ có công với Đạo. Việc thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện từ khi các phái Cao đài tham gia kháng chiến cứu quốc, tiêu biểu là phái Cao đài Minh Chơn đạo thờ Chủ tịch Hồ Chí Minhđể ghi nhớ công lao của Người với Tổ quốc. Nên việc đạo Cao đài thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được hiểu là tôn thờ, tôn kính người có công với đất nước. Một số nhà nghiên cứu cũng cho rằng đạo Cao đài thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tôn Trung Sơn và Victor Hugo. Thực tế trong nghi thức thờ phụng không có thờ 3 vị trên. Đây là hình vẽ do Hiền tài Lê Minh Tòng thực hiện và được Hộ pháp Phạm Công Tắc cho gắn lên bức tường ởHiệp Thiên đài tại Tòa thánh Tây Ninh (1948)thể hiện tinh thần đại đồng của đạo Cao đài cùng sứ mạng truyền giáo đạo Cao đài ra nước ngoài. Việc thờ 3 vị này không có quy định trong Pháp Chánh truyền, Tân luật và các phái Cao đài (không kểCao đài Tây Ninh) và khôngcó hình vẽ Tam thánh ở Hiệp Thiên đài.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dụctrong đạo Cao Đài

Chức sắc, tín đồ đạo Cao đài còn hạn chế khi thực hành các quy định của pháp luật trong hoạt động tôn giáo. Để nâng cao kiến thức về pháp luật trong đồng bào đạo Cao Đài, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, tôn giáo cần: thường xuyên tuyên truyền, giáo dục phápluậtcủa Nhà nướctrong lĩnh vực tín ngưỡng,tôn giáo đối với các Hội thánhCao Đài; vận động chức sắc, tín đồ các phái Cao đài tích cực tham giacác phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, văn hoá,xã hội ở địa phương; hướng dẫn các hội thánhCao đài có quá trình hoạt động gắn bó với dân tộc tổ chức kỷ niệm ngày lễ, đại hội, hội nghị... Qua đó, giáo dục truyền thống tốt đẹp của các Hội thánh Cao đài trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc; xây dựng phòng truyền thống tại các hội thánh, họ đạo Cao đài bằng các tư liệu lịch sử, tranh ảnh, sách báo có liên quan đến truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng hoặc hoạt động yêu nước của các hội thánh Cao Đài.

Ba là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo Cao đài

Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị để phục vụ nhân dân nói chung và tôn giáo nói riêng. Hoàn thiện tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo từ trung ương đến cơ sở bảo đảm thực thi chính sách pháp luật. Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp phối hợp với các ngành liên quan tập trung giải quyết tình hình các họ đạo Cao đài hoạt động ly khai, tách rời hội thánh; vận động họ trở về hoạt động trực thuộc các hội thánh theo truyền thống của các phái Cao Đài. Vấn đề đất đai, cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo của đạo Cao đài còn nhiều vụ việc phức tạp, cần được giải quyết từng bước, đồng bộ theo quy định của pháp luật. Thông qua Hiến chương, có thể cho phép các Hội thánh Cao đài được thiết lập quan hệ với các tổ chức Cao đài trực thuộc ở nước ngoài và công nhận chức sắc, chức việc ở nước ngoài.

Bốn là, cụ thể hóacác quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được thông qua năm 2016 đã bảo đảm cho hoạt động tôn giáo theo quan điểm đổi mới của Đảng, Nhà nước; tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động. Tuy nhiên, một số quy định của Luật cần có Nghị định hướng dẫn thực hiện để phù hợp với tính chất, đặc thù của đạo Cao đài.

Năm là, phát huy giá trị văn hóa của đạo Cao đài gắn liền với chiến lược xây dựng giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam

Đạo Cao đài là tôn giáo ra đời tại Việt Nam nên mang tính dân tộc đậm nét, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc như:trang phục, ngôn ngữ, đạo đức, lối sống, lễ hội, nhạc lễ, yêu nước, tinh thần dân tộc, biểu tượng tôn giáo,… Trong quá trình phát huy giá trị văn hóa của đạo Cao đài cần lưu giữ các giá trị văn hóa đó trong đời sống của cư dân Nam Bộ mà cụ thể là chức sắc, tín đồ của đạo Cao Đài. Đạo đức, lối sống, tinh thần đoàn kết, yêu nước, cốkết cộng đồng,… được chức sắc, tín đồ đạo Cao đài phát huy trong việc tham gia các hoạt động xã hội đóng góp vào thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Thực tế ở địa phương có đồng bào theođạo Cao đài sinh sống,đều được đánh giá là bảo đảm tốt về an ninh trật tự, lối sống văn hóa, tinh thần đoàn kết, thương yêu;quan hệ giữa chính quyền và cư dân gần gũi, gắn bó;các tệ nạn xã hội ít xâm nhập. Đó chính là giá trị văn hóa của đạo Cao đài đã được phát huy trong đời sống cư dân ở Nam Bộ.

Để bảo đảm phát huy các giá trị văn hóa của đạo Cao đài gắn với chiến lược xây dựng giá trị truyền thống của dân tộc cần loại bỏ những giá trị văn hóa lạc hậu, bảo thủ,như:hoạt động mê tín, ý thức tiểu nông của chức sắc, tín đồ,… Khắc phục tình trạng, chức sắc, tín đồ và người dân lợi dụngcầu lợi cá nhân làm biến đổi đời sống tâm linh theo hướng tiêu cực. Lợi dụng việc xây dựng cơ sở thờ tự để thu lợi cá nhân và nhóm lợi ích. Tổ chức lễ hội nhằm khuếch trương thanh thế, gây lãng phí cho tài sản của cộng đồng, của nhân dân làm lệch chuẩn văn hóa lễ hội truyền thống.

__________________

(1) Theo thống kê năm 2009 của các tổ chức Cao đài,

(2), (3) http://btgcp.gov.vn/Mot_so_dac_diem_van_hoa_cua_dao_Cao_dai

(4) Các Hội thánh và tổ chức Cao Đài:Văn kiện lễ kỷ niệm 90 năm khai đạo Cao Đài, Hà Nội, 2015, tr.15.

(5) Bùi Văn Côn: Trả lời phỏng vấn ngày 24-7-2016, Tây Ninh.

(6) Cao Bạch Liên: Trả lời phỏng vấn, ngày 2-8-2016, TP. Hồ Chí Minh.

(7) ĐCSVN: Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới

(8) Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam: 25 năm nhìn lại, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2015, tr. 23.

(9) ĐCSVN: Thông báo số 34-TB/TW ngày 14-11-1992 thông báo ý kiến của Ban Bí thư về chủ trương công tác đối với đạo Cao Đài, Hà Nội, 1992, tr.1.

ThS Đinh Quang Tiến

Ban Tôn giáo Chính phủ

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền