Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Thắng lợi của ý chí độc lập, thống nhất Tổ quốc
Thứ sáu, 29 Tháng 4 2016 08:45
1879 Lượt xem

Thắng lợi của ý chí độc lập, thống nhất Tổ quốc

(LLCT) - Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc có được là nhờ sự hy sinh to lớn của nhân dân, của toàn dân tộc, do đó trở thành thiêng liêng, cao cả trong mỗi người Việt Nam yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước trở thành sức mạnh và tài sản vô giá của dân tộc và con người Việt Nam. Phát huy niềm tự hào, truyền thống và giá trị lịch sử của Đại thắng mùa Xuân 1975 để mỗi người Việt Nam ra sức xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa và quyết tâm giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, biển đảo của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, khát vọng độc lập luôn luôn gắn liền ý chí thống nhất toàn vẹn của quốc gia, dân tộc. Từ kỷ nguyên dựng nước mấy nghìn năm trước đã diễn ra sự hợp nhất, thống nhất giữa Văn Lang và Âu Việt thành quốc gia Âu Lạc năm 208 trước Công nguyên. Trải qua thời kỳ Bắc thuộc kéo dài 1.117 năm, nền độc lập của dân tộc đã được khôi phục năm 938 với chiến thắng Bạch Đằng do Ngô Quyền lãnh đạo. Trong suốt thời đại phong kiến độc lập từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX cũng đã đôi lần diễn ra sự cát cứ, chia cắt lãnh thổ. Đó là nạn cát cứ 12 sứ quân thế kỷ X và Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp xong nạn 12 thế lực cát cứ, củng cố vững chắc nền độc lập và thống nhất của quốc gia Đại Cồ Việt. Sự phân chia chính quyền Lê - Trịnh ở đàng ngoài và chính quyền chúa Nguyễn ở đàng trong kéo dài từ cuối thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII và với vai trò của Quang Trung - Nguyễn Huệ với chiến thắng Kỷ Dậu 1789 đã bảo toàn nền độc lập và thống nhất của quốc gia Đại Việt. Độc lập và thống nhất quốc gia là xu thế khách quan của lịch sử dân tộc.

Ngày 1-9-1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và với Hiệp ước J.Patenôtre ngày 6-6-1884 Việt Nam chính thức trở thành thuộc địa của Pháp. Pháp mở rộng cuộc xâm lăng đánh chiếm Campuchia và Lào, lập ra Liên bang Đông Dương (Union Indochinoise) ngày 17-10-1887. Với Việt Nam, thực dân Pháp thực hiện chính sách chia để trị với những chính sách khác nhau ở Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản và Hồ Chí Minh lãnh đạo thắng lợi đã mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất của nước Việt Nam. Thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam từ ngày 23-9-1945 hòng xóa bỏ nền độc lập và chính quyền cách mạng non trẻ. Họ còn mưu mô chia cắt nước Việt Nam khi sử dụng thế lực tay sai để lập ra các xứ tự trị, mưu toan tách Nam Bộ ra khỏi nước Việt Nam.

Trước khi rời Hà Nội sang thăm nước Pháp, ngày 31-5-1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã có thư gửi đồng bào Nam Bộ nêu rõ:

“Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam.

Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”(1).

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội khóa I (bầu cử ngày 6-1-1946) chính thức thành lập và hoạt động theo Hiến pháp 1946. Đó là Chính phủ của một Nhà nước hợp pháp, hợp hiến, đại biểu cho ý chí và lợi ích của toàn dân Việt Nam. Với âm mưu chia cắt Việt Nam, ngày 13-6-1949, Pháp đã đưa Bảo Đại về Sài Gòn làm Quốc trưởng chính quyền bù nhìn, tay sai Pháp và ngày 1-7-1949, Bảo Đại tuyên bố thành lập “Quốc gia Việt Nam”.

Hiệp định Giơnevơ được ký kết (21-7-1954) với việc các nước lớn cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia. Đó là thắng lợi rất quan trọng về chính trị và pháp lý, thắng lợi của ý chí độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam. Nước Việt Nam tạm thời chia làm 2 miền mà vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời. Phía Bắc vĩ tuyến 17 do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát; phần Nam vĩ tuyến 17 do chính quyền Quốc gia Việt Nam kiểm soát. Hai miền sẽ hiệp thương tổng tuyển cử và thống nhất đất nước Việt Nam vào tháng 7-1956.

Đế quốc Mỹ đã từng bước thay thế thực dân Pháp ở miền Nam Việt Nam. Tháng 6-1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về nước giữ chức Thủ tướng trong chính quyền Bảo Đại. Ngày 4-3-1956, Ngô Đình Diệm tổ chức bầu cử riêng rẽ ở miền Nam, lập Quốc hội và thông qua Hiến pháp. Ngày 28-4-1956, quân Pháp rút khỏi miền Nam Việt Nam. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Ngô Đình Diệm đứng đầu với sự chỉ đạo của Mỹ đã cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam và thực hiện chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam. Trong chuyến thăm Mỹ, ngày 13-5-1957, Ngô Đình Diệm đã tuyên bố “Biên giới của Hòa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17”.

Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao lập trường hòa bình, kiên trì đấu tranh theo tinh thần của Hiệp định Giơnevơ 1954, để đi đến hiệp thương tổng tuyển cử, hòa bình thống nhất Tổ quốc. Lập trường đó đã không được Mỹ và chính quyền Sài Gòn đáp lại. Họ không những phá hoại có hệ thống Hiệp định Giơnevơ, mà còn thẳng tay đàn áp nhân dân yêu nước ở miền Nam với chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” tàn bạo. Không còn con đường nào khác, nhân dân toàn miền Nam phải đứng lên đấu tranh bảo vệ quyền sống và cũng là thực hiện khát vọng độc lập, thống nhất đất nước. Năm 1959, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II đã quyết định đường lối cách mạng ở miền Nam, mở ra thời kỳ đấu tranh mới, phát triển đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị để đánh đổ sự thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mùa Xuân 1960, phong trào Đồng khởi trên toàn miền Nam đã làm thất bại hình thức điển hình của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam và phải tiến hành chiến tranh cách mạng lâu dài.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Nam đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với sự chi viện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã kiên cường tiến hành chiến tranh cách mạng, làm thất bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ (1961-1965). Để cứu vãn tình thế, Mỹ đã đưa quân đội viễn chinh vào miền Nam từ 8-3-1965, phát động Chiến tranh cục bộ, đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc. Trong lời kêu gọi cả nước chống Mỹ cứu nước ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ý chí: “Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”(2).

Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân Việt Nam trên toàn chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris từ ngày 13-5-1968. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra trong cục diện “vừa đánh, vừa đàm”. Mỹ vẫn ngoan cố đẩy mạnh chiến tranh với lực lượng chủ yếu là quân ngụy Sài Gòn với sự yểm trợ của Mỹ. Những trận chiến ác liệt diễn ra ở Đường 9 - Nam Lào 1971, và Xuân Hè 1972, thành cổ Quảng Trị và Mỹ dùng B52 ném bom hủy diệt Hà Nội cuối năm 1972, quân dân cả nước đã giành chiến thắng, buộc Mỹ và tay sai phải ký Hiệp định Pari ngày 27-1-1973.

Khi mở cuộc đàm phán ở Paris, mục tiêu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất rõ ràng là buộc Mỹ phải rút hết quân về nước và công nhận, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Trải qua 4 năm 8 tháng 16 ngày đàm phán ở Paris, Việt Nam đã đạt được mục tiêu đó bằng cuộc chiến đấu bền bỉ, thông minh và quả cảm. Điều 1 của Hiệp định Paris khẳng định: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơnevơ năm một nghìn chín trăm năm mươi tư về Việt Nam đã công nhận”(3). Sau Hiệp định Paris, quân Mỹ đã rút hết về nước ngày 29-3-1973. Hiệp định Pari là thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam cả về quân sự, chính trị và pháp lý.

Sau Hiệp định Pari, Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ cho chính quyền và quân đội Sài Gòn. Phía chính quyền Sài Gòn liên tiếp vi phạm Hiệp định, cho quân đội lấn chiếm vùng giải phóng do Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - một bên ký Hiệp định - kiểm soát. Cách mạng miền Nam có thể phát triển theo hai khả năng: (1) Hiệp định được thi hành từng bước, xung đột quân sự giảm dần, hòa bình được lập lại về cơ bản, đấu tranh chính trị ngày càng phát triển, cách mạng ở thế tiến lên mạnh mẽ, (2) địch gây chiến tranh trở lại, ta phải tiến hành chiến tranh cách mạng để giành thắng lợi. Nghị quyết Trung ương 21 (1973) đã phân tích và nêu rõ: “Trong mỗi khả năng phát triển của tình hình, sẽ còn có nhiều tình huống phức tạp. Song, dù tình hình phát triển theo khả năng nào, con đường tiến lên giành thắng lợi của cách mạng miền Nam chỉ có thể là con đường bạo lực diễn ra dưới hình thức này hay hình thức khác. Ta phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó chắc thắng với khả năng xấu nhất là địch gây lại chiến tranh(4).

Nghị quyết 21 nhấn mạnh con đường cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên. Chú trọng nêu cao ngọn cờ hòa bình, chính nghĩa, đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao. Vấn đề bức thiết là giành dân, giành quyền làm chủ, phát triển thực lực. Chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp phải tiến hành chiến tranh cách mạng trên khắp chiến trường miền Nam để giành thắng lợi hoàn toàn.

Để giành thắng lợi hoàn toàn, phải tăng cường phát triển thực lực cách mạng. Chú trọng phát triển thực lực tại chỗ, đồng thời tăng cường sự chi viện của hậu phương miền Bắc về mọi mặt. Ý chí và quyết tâm giành độc lập, thống nhất là nội dung quan trọng trong lãnh đạo tư tưởng và đó cũng là nguồn sức mạnh to lớn. Tháng 11-1973, Hội đồng Chính phủ phê duyệt hệ thống vận tải chiến lược Đông Trường Sơn để kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam. Hơn 30 nghìn cán bộ, công nhân, thanh niên xung phong được điều động cho tuyến vận tải quan trọng này. Trong 2 năm (1973-1974), miền Bắc đã đưa vào chiến trường miền Nam 263.691 cán bộ, chiến sỹ. Gần nửa triệu thanh niên nhập ngũ từ năm 1973 đến năm 1975.

Năm 1974, phong trào cách mạng toàn miền Nam phát triển mạnh theo những quyết định của Đảng đề ra trong Nghị quyết 21. Chiến thắng Thượng Đức (Quảng Nam) từ tháng 8 đến tháng 12-1974 đã tạo thế và lực mới. Quân ta đã giải phóng và giữ được nhiều chi khu quân sự, quận lỵ của chính quyền Sài Gòn. Với sự chuyển biến nhanh của tình hình, Bộ Chính trị đã họp từ ngày 30-9-1974 đến ngày 8-10 thì tạm dừng để chờ thêm ý kiến của đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Bộ Chính trị đã phân tích tình hình và có những quyết định rất quan trọng. Về việc ký Hiệp định Pari, Bộ Chính trị nêu rõ: “Tuy nói Mỹ phải ra vì thua, vì yếu, nhưng ta biết rằng Mỹ vẫn còn tiềm lực lớn và nhiều mưu đồ độc ác. Ta không bao giờ chủ quan mà cho rằng chúng đã “sức tàn lực kiệt”. Ta tuy thắng liên tiếp và đã mạnh lên, nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Đến lúc này, sự viện trợ của phe ta không phải đầy đủ và kịp thời như ta mong muốn… Trong hoàn cảnh đó, ta phải tạo ra một thế đi lên vững nhất, một thế thắng chắc nhất. Chính vì lẽ đó mà ta ký Hiệp định Pari. Đối với ta, điều quan trọng của Hiệp định Pari không phải là ở chỗ thừa nhận hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát, tiến tới thành lập Chính phủ ba thành phần, mà mấu chốt là ở chỗ quân Mỹ phải ra còn quân ta thì ở lại, hành lang Nam Bắc vẫn nối liền, hậu phương gắn với tiền phương thành một dải liên hoàn thống nhất, thế trận tiến công của ta vẫn vững. Ý định của ta là giữ nguyên thế và lực của mình ở miền Nam để tiến lên tiếp tục tiến công địch(5). Bộ Chính trị khẳng định: “Ký hiệp định, ta tỏ ra rất kiên quyết, nhưng cũng rất mềm dẻo. Ta quyết giành thắng lợi cuối cùng, nhưng biết thắng từng bước. Điều đó thể hiện chúng ta đã quán triệt quan điểm cách mạng không ngừng của Lênin. Từ Cách mạng Tháng Tám đến nay, nhân dân ta phải liên tiếp đương đầu với nhiều tên đế quốc lớn mạnh. Cách mạng đã trải qua nhiều chặng đường, không ngừng phát triển từ bước này đến bước khác và cuối cùng nhất định phải thành công trong cả nước Việt Nam. Con đường phát triển của cách mạng Việt Nam tất yếu phải như vậy”(6).

Cuối năm 1974, thế và lực của cách mạng ở miền Nam đã rất mạnh. Thời cơ chiến lược đã có. “Lúc này, chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo dựng thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn”(7).

Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam. Điều cần phải cân nhắc là liệu Mỹ có trở lại miền Nam hay không? Vấn đề đặt ra là phải suy nghĩ cách đánh như thế nào và thắng như thế nào cho tốt. Nếu để mươi, mười lăm năm nữa sẽ rất nguy hiểm, còn đánh mà không đánh tốt, đánh một cách trầy trật cũng đẻ ra phức tạp. Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Thời cơ đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để, nhưng phải khôn khéo. Có như thế mới tạo được bất ngờ, không ai kịp trở tay. Có làm được như thế không? Chúng ta đã nhất trí cần thiết phải làm và nhất định làm được”(8).

Với chiến thắng giải phóng Phước Long (6-1-1975) của quân giải phóng cho thấy thế và lực của ta ngày càng mạnh lên, quân ngụy ngày càng suy yếu và Mỹ khó có khả năng quay trở lại. Ngày 7-1-1975, Bộ Chính trị có Kết luận đợt hai Hội nghị Bộ Chính trị với quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975 hoặc năm 1976: “Nhiệm vụ sắp tới của chúng ta là nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp, liên tiếp đánh những trận quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc”(9). Bộ Chính trị chỉ đạo cụ thể trên các chiến trường Nam Bộ, Khu V, Tây Nguyên và Trị-Thiên. Bộ Chính trị đứng đầu là Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, cơ quan Tổng hành dinh do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng đầu đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ cuộc tiến công và nổi dậy.

Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, ngày 10-3-1975, với đòn tiến công Buôn Ma Thuột mở đầu Chiến dịch Tây Nguyên. Ngày 25-3-1975, Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng. Ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị thành lập Hội đồng chi viện miền Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Sau giải phóng Tây Nguyên, mở tiếp Chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh ven biển miền Trung. Kế hoạch bao vây, chia cắt Sài Gòn đã được Bộ Chính trị đề ra từ ngày 29-3-1975. Ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị chỉ đạo kế hoạch đánh chiếm Sài Gòn. Điện của Bộ Chính trị ngày 1-4-1975 nêu rõ: “Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm”(10). Ngày 6-4-1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Ngày 26-4, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu và 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Sài Gòn được giải phóng, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng.

Độc lập, thống nhất Tổ quốc là khát vọng, ý chí của toàn dân tộc Việt Nam trong suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là một trong những thắng lợi vẻ vang thể hiện khát vọng, ý chí đó của dân tộc. Đó là thắng lợi của toàn dân tộc Việt Nam, từ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, từ sức sống bền vững và trí tuệ, sáng tạo của dân tộc Việt Nam. Bất kỳ một thế lực xâm lược nào xâm phạm đến ý chí và truyền thống đó của dân tộc Việt Nam đều phải chuốc lấy thất bại. Hai mươi năm sau ngày kết thúc hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S.McNaMaRa trong cuốn sách Nhìn lại quá khứ tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam (1995) đã tổng kết và nêu rõ 11 nguyên nhân Mỹ gây ra thảm họa và thất bại ở Việt Nam. Nguyên nhân thứ ba là: “Chúng ta (Mỹ) đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc (trong trường hợp này là Bắc Việt Nam và Việt cộng) đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó, và cho đến nay, chúng ta vẫn tiếp tục đánh giá thấp chủ nghĩa dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới”(11). Thực tế lịch sử, các thế lực bán nước, dựa vào thế lực bên ngoài như Lê Chiêu Thống, Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu đi ngược lại ý chí và lợi ích dân tộc đều bị lịch sử loại bỏ.

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập luôn luôn là đại biểu trung thành cho ý chí và lợi ích dân tộc, quốc gia, kiên định đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, của Chiến dịch Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ, thắng lợi của Hiệp định Pari và Đại thắng mùa Xuân 1975 đã chứng minh sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, hoàn thành sứ mệnh lịch sử giải phóng dân tộc vì một nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Đảng lãnh đạo, dẫn dắt cuộc đấu tranh bền bỉ của toàn dân tộc suốt 45 năm để giành độc lập, thống nhất trọn vẹn. Cán bộ, đảng viên của Đảng đã đi đầu trong đấu tranh cách mạng và kháng chiến, chấp nhận sự hy sinh to lớn vì nước, vì dân. Độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất của Tổ quốc chỉ có được bởi sự phát triển của khoa học, nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh với sự sáng tạo không ngừng từ thực tiễn chiến tranh cách mạng Việt Nam.

Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc có được là nhờ sự hy sinh to lớn của nhân dân, của toàn dân tộc, do đó trở thành thiêng liêng, cao cả trong mỗi người Việt Nam yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước trở thành sức mạnh và tài sản vô giá của dân tộc và con người Việt Nam. Phát huy niềm tự hào, truyền thống và giá trị lịch sử của Đại thắng mùa Xuân 1975 để mỗi người Việt Nam ra sức xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa và quyết tâm giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, biển đảo của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2015

(1) Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.280.

(2)Sđd, t.15, tr.131.

(3) Bộ Ngoại giao: Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.481.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.34, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.160.

(5), (6), (7), (8), (9) Sđd, t.35, tr.176-177, 177, 177, 179-180, 192.

(10) Sđd, t.36, tr.96.

(11) Robert S.McNaMaRa: Nhìn lại quá khứ tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.316.

 

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền