Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quan điểm của V.I.Lênin về nghệ thuật hoạt động chính trị
Thứ tư, 28 Tháng 8 2013 14:15
14861 Lượt xem

Quan điểm của V.I.Lênin về nghệ thuật hoạt động chính trị

(LLCT) - Chính trị là mối quan hệ giữa các lực lượng, giai cấp trong việc giành, giữ và thực thi quyền lực nhà nước nhằm thực hiện các mục tiêu chủ yếu có lợi cho các lực lượng, giai cấp cầm quyền. Những người thực hiện các công việc trong quá trình chính trị đó chủ yếu là những nhà hoạt động chính trị - hay những “nhà chính trị” như cách nói của V.I.Lênin. Hoạt động chính trị thường xuyên gặp phải những vấn đề và những tình huống vô cùng phức tạp, đòi hỏi họ cần phải có nghệ thuật.

 

Nghệ thuật hoạt động chính trị của các nhà chính trị của giai cấp vô sản chính là nghệ thuật của họ trong việc giành, giữ và thực thi quyền lực nhà nước nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp, vì con người, không còn áp bức và bất công. Lênin đã viết: “Nghệ thuật của nhà chính trị... là phán đoán đúng đắn những điều kiện nào và thời cơ nào thì đội tiền phong của giai cấp vô sản có thể cướp chính quyền; có thể sử dụng sự ủng hộ đầy đủ của những tầng lớp khá rộng rãi trong giai cấp công nhân và quần chúng lao động không phải vô sản, trong và sau khi cướp chính quyền; có thể sau đó, giữ vững, củng cố, mở rộng quyền thống trị của mình bằng cách giáo dục, huấn luyện, lôi kéo ngày càng đông đảo quần chúng lao động”(1). Với cách quan niệm nêu trên, Lênin đã chỉ ra đặc trưng hàng đầu của nghệ thuật hoạt động chính trị của các nhà chính trị là cần phải biết dự đoán một cách sáng suốt những sự biến chính trị trước mắt cũng như lâu dài để kịp thời đề ra các nhiệm vụ chính trị và các giải pháp thực hiện chúng một cách phù hợp nhằm đạt được kết quả cao nhất.

Đặc trưng bản chất của nghệ thuật hoạt động chính trị được thể hiện trước hết ở tính khoa học và tính nhân bản của nó. Lênin đã từng khẳng định rằng: Chính trị vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, “đối với bất kỳ hoạt động chính trị nào cũng cần phải có sự chuẩn bị khoa học hết sức nghiêm túc”(2). Tính khoa học của nghệ thuật hoạt động chính trị tức là những người lãnh đạo, quản lý khi đề ra các chủ trương, đường lối, xác định các chiến lược, kế hoạch thực hiện, ... cần phải có căn cứ khoa học tùy theo những đòi hỏi về tri thức chuyên môn, chuyên ngành, lĩnh vực nhất định; đồng thời biết vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan kết hợp với tính năng động chủ quan của mình. Tính nhân bản của nghệ thuật hoạt động chính trị thể hiện chủ yếu ở sự “thành thực về chính trị” của các nhà chính trị, ở việc giải quyết các công việc chính trị luôn phải hướng tới mục tiêu vì con người, giải phóng họ khỏi áp bức và bất công. Theo Lênin, trái với tính nhân bản thì nghệ thuật hoạt động chính trị chỉ có thể được coi là thủ đoạn hay “thủ thuật chính trị”. Lênin thường sử dụng các thuật ngữ nêu trên khi nói đến những mánh khóe hoạt động của các nhà chính trị của giai cấp tư sản. Ông viết: “Thủ thuật hành động thường dùng và quen thuộc của bất cứ giai cấp tư sản tự do chủ nghĩa nào ở các nước tư bản chủ nghĩa đều là... dùng chiêu bài dân chủ để lừa bịp quần chúng, nhằm làm cho họ từ bỏ lý luận thực sự dân chủ và hoạt động thực sự dân chủ”(3). Tuy nhiên, Lênin cũng cho rằng, trong chính trị nhiều khi phải học tập ở kẻ thù, nghĩa là các nhà chính trị của giai cấp vô sản phải học cách sử dụng những thủ đoạn đấu tranh mà kẻ thù thường dùng. Ông nói: “một đội quân mà không học cách sử dụng tất cả những loại vũ khí, tất cả những phương pháp và thủ đoạn đấu tranh mà kẻ thù sẵn có hay có thể có thì đó là một điều ngu xuẩn, thậm chí là một tội ác nữa.... Nếu chúng ta biết sử dụng tất cả những thủ đoạn đấu tranh thì chúng ta nhất định thắng”(4).

Nghệ thuật hoạt động chính trị có vai trò rất lớn đối với sự nghiệp cách mạng của đảng của giai cấp vô sản. Các nhà lãnh đạo, quản lý các quá trình chính trị có nghệ thuật trong hoạt động mới có thể tạo nên được sức mạnh để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị đặt ra. Theo Lênin, để có sức mạnh này đòi hỏi các nhà chính trị rất cần phải “thành thực về chính trị”, nói phải đi đôi với làm. Điều đó cũng có nghĩa là nghệ thuật của các nhà chính trị phải thể hiện sự trung thực, bởi “Thái độ thành thực về chính trị là kết quả của sức mạnh, thái độ giả dối về chính trị là kết quả của sự hèn yếu”(5), đồng  thời, “sự thành thực có nghĩa là lời nói và việc làm đi đôi với nhau(6).

Lênin đánh giá vai trò to lớn, thể hiện như một vấn đề “mấu chốt” để đạt được thắng lợi đối với nghệ thuật hoạt động của các nhà lãnh đạo, quản lý trong quá trình xây dựng xã hội mới tiến bộ - xã hội xã hội chủ nghĩa. Ông nêu rõ: “để “chúng ta” có thể làm tròn một cách thắng lợi nhiệm vụ của chúng ta, tức là chuyển thẳng lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải hiểu những đường lối, thể thức, thủ đoạn và phương sách trung gian cần thiết để chuyển từ những quan hệ tiền tư bản chủ nghĩa lên chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là mấu chốt của vấn đề”(7).

Tính khoa học của nghệ thuật hoạt động chính trị đòi hỏi các nhà lãnh đạo, quản lý các quá trình chính trị cần phải có kiến thức chuyên sâu về lý luận chính trị, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú. Điều đó lại chỉ có thể có được qua việc đào tạo ở trường, ở lớp kết hợp với sự “từng trải” tự đào tạo, tự rèn luyện với tinh thần cố gắng rất lớn. Lênin chỉ rõ: “chính trị là một khoa học và một nghệ thuật không phải từ trên trời rơi xuống, mà đòi hỏi một sự cố gắng, rằng giai cấp vô sản muốn thắng giai cấp tư sản thì phải đào tạo lấy “những nhà chính trị giai cấp” thực sự của mình, những nhà chính trị vô sản và không thua kém các nhà chính trị của giai cấp tư sản”(8).

Tuy nhiên, nếu chỉ có kiến thức và kinh nghiệm chưa thể đảm bảo cho các nhà chính trị của giai cấp vô sản đạt tới tầm nghệ thuật cần thiết. Các nhà chính trị của giai cấp vô sản rất cần phải thể hiện tính năng động, sáng tạo và nhạy bén, kịp thời xử lý những biến cố chính trị thực tiễn đầy biến động và phức tạp thường diễn ra. Theo Lênin, đối với các nhà chính trị muốn đạt tới nghệ thuật trong hoạt động thì “ngoài kiến thức và kinh nghiệm - là tính nhạy bén chính trị cần thiết để giải quyết một cách chính xác và mau lẹ những vấn đề chính trị phức tạp”(9).

Nghệ thuật hoạt động chính trị gắn chặt với các phương pháp khéo léo trong công tác tư tưởng của đảng của giai cấp vô sản. Muốn tư tưởng của quần chúng nhân dân thông suốt và ủng hộ đường lối, chủ trương của đảng, các nhà chính trị của giai cấp vô sản không những phải thực sự trở thành những người làm công tác tư tưởng, mà họ còn phải “khéo léo” vận động, lôi kéo quần chúng nhân dân đi theo đảng của mình để thực hiện mục tiêu đặt ra. Về phương diện này, Lênin đã trở thành một kiểu mẫu của người làm công tác tư tưởng với “phương pháp khéo léo” hiếm có. Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã từng có nhận định rằng: “Với phương pháp khéo léo của mình, Lênin đã lay chuyển được quần chúng nhân dân chưa giác ngộ và lạc hậu nhất trong các nước thuộc địa”(10).

Theo Lênin, có nghệ thuật trong hoạt động chính trị, tức là các nhà chính trị, đặc biệt là những người lãnh đạo, quản lý các quá trình chính trị phải hết sức mềm dẻo trong quá trình dẫn dắt các phong trào chính trị, giải quyết những nhiệm vụ chính trị. Điều đó cho thấy, các nhà chính trị phải hết sức mau lẹ, không được cứng nhắc khi xử lý các tình huống chính trị, thậm chí nhiều lúc cũng phải thỏa hiệp với những nguyên tắc nhất định; cần phải mềm dẻo và quyết đoán đưa ra các quyết định chính trị; cần phải xuất phát từ thực tiễn khi mà thực tiễn luôn biến động theo những quy luật khách quan của xã hội. Lênin đã từng phê phán chủ nghĩa giáo điều hữu khuynh trong hàng ngũ lãnh đạo của giai cấp vô sản rằng, chính họ là những người “dạy phép biện chứng mácxít cho những người khác”, nhưng lại không biết vận dụng một cách biện chứng khi lãnh đạo quá trình phát triển của phong trào XHCN. Họ chỉ biết “lặp đi lặp lại những chân lý sơ đẳng đã học thuộc lòng mà thoạt nhìn thì dường như không thể tranh cãi gì nữa, như: ba thì lớn hơn hai. Nhưng chính trị thì lại giống đại số hơn là số học và càng giống toán học cao cấp hơn là toán học sơ đẳng. Thực ra, tất cả những hình thức cũ của phong trào xã hội chủ nghĩa đã chứa đầy một nội dung mới rồi; do đó mà một dấu mới, dấu “âm” đã xuất hiện trước các con số, trong khi đó thì các nhà thông thái của chúng ta lại cứ ngoan cố tiếp tục (và vẫn còn tiếp tục) tự đả thông mình và đả thông những kẻ khác rằng “âm ba” lớn hơn “âm hai””(11). Trong quá trình lãnh đạo thực hiện bước chuyển từ thời kỳ thực hiện chính sách cộng sản thời chiến sang thực hiện chính sách kinh tế mới ở nước Nga xôviết trước đây, Lênin đã chỉ rõ cho những nhà chính trị của giai cấp vô sản lúc bấy giờ rằng: “khi mà chính trị đòi hỏi một sự chuyển biến kiên quyết, một sự mềm dẻo và một bước quá độ khéo léo thì những người lãnh đạo phải hiểu được điều ấy”(12), rằng: “những người cộng sản ở tất cả các nước phải nhận thức sâu sắc là cần thiết phải hết sức mềm dẻo trong sách lược của mình. Hiện nay, phong trào cộng sản đang phát triển một cách tuyệt diệu; cái mà nó đang còn thiếu, nhất là ở các nước tiên tiến, chính là nhận thức đó và nghệ thuật biết vận dụng nhận thức đó trong thực tiễn”(13).

Nghệ thuật hoạt động chính trị tức là các nhà chính trị còn phải biết xác định và nắm lấy, giải quyết đúng đắn các vấn đề trọng tâm, chính yếu xuất hiện trong từng thời kỳ của thực tiễn đời sống chính trị. Lênin đã từng chỉ ra rằng: “Những sự biến chính trị thường thường rất rắc rối và rất phức tạp. Có thể so sánh những sự biến đó với một cái dây xích. Muốn nắm được tất cả cái dây xích, phải bám chắc lấy cái khâu chính của nó. Không thể tùy tiện lựa chọn bất cứ cái khâu nào mà người ta muốn bám lấy đâu”(14).

Nghệ thuật hoạt động chính trị không chỉ là nghệ thuật của những nhà lãnh đạo chính trị, mà còn là nghệ thuật của những nhà quản lý các quá trình chính trị.Lãnh đạo và quản lý liên quan chặt chẽ với nhau trong quá trình giải quyết, thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Trong lãnh đạo có quản lý, trong quản lý có lãnh đạo. Khi đảng lãnh đạo giành được chính quyền, thực hiện vai trò cầm quyền, những người lãnh đạo của giai cấp vô sản rất cần có nghệ thuật quản lý đất nước của mình. Tuy nhiên, để có nghệ thuật lãnh đạo cũng như nghệ thuật quản lý lại là điều vô cùng khó khăn đối với các nhà lãnh đạo, quản lý, đòi hỏi họ phải được đào tạo, được rèn luyện qua thực tiễn. Lênin viết rằng: “Nghệ thuật quản lý không phải từ trên trời rơi xuống và cũng không phải là do thần thánh ban cho; một giai cấp nào đó không phải vì là một giai cấp tiên tiến, mà trở thành có khả năng quản lý ngay tức khắc được”(15). Do vậy, các nhà lãnh đạo, quản lý rất cần phải được đào tạo qua trường, lớp và rèn luyện trong thực tiễn hoạt động. Hơn nữa, trong quá trình thâm nhập thực tiễn họ cần phải gần gũi với nhân dân, am hiểu tâm tư và giải quyết được nguyện vọng của nhân dân. Chỉ có như vậy những nhà lãnh đạo, quản lý mới đạt tới tầm nghệ thuật trong hoạt động của mình. Lênin đã từng nói: “trong quần chúng nhân dân, chúng ta chỉ tựa như một giọt nước trong đại dương, và chỉ khi nào biểu hiện được đúng ý nguyện của nhân dân, thì chúng ta mới quản lý nhà nước được. Nếu không, Đảng cộng sản sẽ không lãnh đạo được giai cấp vô sản, giai cấp vô sản sẽ không lôi cuốn được quần chúng theo mình, và tất cả bộ máy sẽ tan rã”(16).

Cũng như nghệ thuật của nhà lãnh đạo, nghệ thuật của những nhà quản lý trong các quá trình chính trị đòi hỏi họ rất cần phải khéo léo sử dụng con người trong quá trình quản lý đất nước nói chung và quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội nói riêng. Lênin đã từng lấy một ví dụ để chỉ dẫn cho các nhà lãnh đạo, quản lý của giai cấp vô sản về vấn đề này như sau: “khi giai cấp tư sản chiến thắng, nó tuyển lựa những người quản lý của nó trong những phần tử xuất thân từ một giai cấp khác, từ giai cấp phong kiến. Vả lại, nó không thể lấy ở đâu ra. Cần nhìn sự vật một cách sáng suốt: giai cấp tư sản đã chọn giai cấp tồn tại trước đó. Bây giờ, chúng ta cũng có nhiệm vụ như thế: phải biết cách nắm lấy, thu phục và lợi dụng được những điều hiểu biết và sự đào luyện của giai cấp trước chúng ta, khéo lợi dụng tất cả những cái đó cho sự thắng lợi của giai cấp chúng ta”(17).

Cùng với khéo sử dụng con người, nghệ thuật hoạt động chính trị của các nhà lãnh đạo, quản lý của giai cấp vô sản đòi hỏi họ cần phải am hiểu cả nghệ thuật đối ngoại, biết tiếp thu những kiến thức của nhân loại, đúc kết chúng thành những tri thức, kinh nghiệm, kết luận của mình để vận dụng vào lãnh đạo, quản lý đất nước. Lênin nêu rõ: “... bằng nghệ thuật biết hấp thụ toàn bộ kiến thức của nhân loại và hấp thụ nó sao cho chủ nghĩa cộng sản, ở trong các đồng chí, không còn là những điều học thuộc lòng, mà là những điều do chính các đồng chí đã nghiền ngẫm lại và là những kết luận tất nhiên được rút ra trên quan điểm giáo dục hiện đại”(18).

Tóm lại, nghệ thuật hoạt động chính trị của các nhà chính trị của giai cấp vô sản trong quan điểm của Lênin được thể hiện rõ nét ở tính nhân bản và những đặc trưng cần thiết trong giải quyết các nhiệm vụ chính trị, xử lý các tình huống chính trị, như: có tài dự đoán các xu hướng, tình hình chính trị; biết dựa trên cơ sở khoa học; tỏ rõ sự kiên định theo nguyên tắc kết hợp với sự sáng tạo, năng động, linh hoạt và mềm dẻo để đạt hiệu quả cao nhất, thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình là giải phóng nhân loại khỏi áp bức bất công, xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng và bác ái.

Những quan điểm của Lênin về nghệ thuật hoạt động chính trị của các nhà lãnh đạo, quản lý của giai cấp vô sản nêu trên còn giữ nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn đối với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Chính từ việc Đảng ta “kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin”, trong đó có quan điểm về nghệ thuật hoạt động chính trị, mà Đảng chỉ ra trong một nội dung của các bài học kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội X đã tạo tiền đề nền tảng quan trọng để cho đất nước ta trong những năm đổi mới gần đây đạt được nhiều thành tựu to lớn cả về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội; đời sống của đông đảo nhân dân được cải thiện đáng kể; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, vị thế của nước ta ngày càng được nâng cao hơn trên trường quốc tế. Cũng chính từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội X, Đảng ta còn đưa ra một bài học kinh nghiệm khác, thể hiện rất rõ những đặc trưng chủ yếu về nghệ thuật hoạt động chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước: “Trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo phải rất nhạy bén, kiên quyết, sáng tạo, bám sát thực tiễn đất nước; chú trọng công tác dự báo, kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình mới”(19).

__________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2011

(1),(4),(8),(9),(11),(13),(18) V.I.Lênin: Toàn tập,t.41, NXB Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.43, 101-102, 80-81, 66, 109-110, 109, 364.

(2) Sđd, t.7, tr.422-423.

(3) Sđd, t.22, tr.81.

(5) Sđd, t.20, tr.248.

(6) Sđd, t.32, tr.329.

(7),(12) Sđd, t.43, tr.274, 78.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.137.

(14),(16) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.45, tr.131-132, 134.

(15),(17) Sđd, t.40, tr.293.          

(19) Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về các Văn kiện Đại hội XI của Đảng, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 12-1-2011.

 

PGS,TS Nguyễn Hữu Đổng

TS Ngô Huy Đức

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền