Trang chủ    Quốc tế    Những diễn biến mới trong hệ thống chính trị Mỹ hiện nay
Thứ hai, 13 Tháng 3 2023 13:06
7014 Lượt xem

Những diễn biến mới trong hệ thống chính trị Mỹ hiện nay

(LLCT) - Nước Mỹ trong những năm gần đây chứng kiến nhiều biến động trong chính trường: sự phân cực chính trị cao độ, những chia rẽ về giá trị, trạng thái của nền dân chủ có nguy cơ khủng hoảng cũng như tính bền vững của nó trên nền những biến cố trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2020. Hệ thống chính trị Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức mới, đặc biệt là trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ. Nhận diện tác động của nhân tố nội bộ và những diễn biến mới trong hệ thống chính trị Mỹ hiện nay, bài viết phân tích dưới các chiều cạnh: (1) Gia tăng sự phân cực các đảng chính trị; (2) Nhóm lợi ích với sự hình thành các siêu ủy ban hành động chính trị (Super PAC); (3) Maketing chính trị trong cuộc cách mạng truyền thông số.

Các đại biểu trong kỳ họp khóa 118 của Hạ viện Mỹ ngày 03-01-2023 - Ảnh: AFP

1. Gia tăng sự phân cực các đảng chính trị

Trong đời sống chính trị Mỹ hiện nay, sự xung đột đảng phái trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ngày càng khác nhau rõ rệt về quan điểm, chính sách. Điều này làm sâu sắc tình trạng chia rẽ được biết đến với tên gọi “sự phân cực”. Phân cực chính trị đã ngăn cản quá trình lập pháp lưỡng đảng, ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng của chu trình chính sách công. Nó tác động mạnh mẽ đến hệ thống chính trị và tạo ra những nét mới cho hệ thống này.

Thứ nhất, lịch sử chính trị Mỹ trước đây trong các cuộc bầu cử có các nhóm cử tri cụ thể sẽ gắn kết với đảng chính trị nhờ hệ tư tưởng. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển nền dân chủ, đời sống chính trị Mỹ ngày càng phân cực dẫn đến tình trạng xói mòn mối quan hệ truyền thống giữa cử tri với đảng thông qua quan điểm, chính sách. “Trong những thập kỷ qua, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa trong khu vực bầu cử đã trở nên phân cực sâu sắc về quan điểm và vấn đề chính sách, điều này xảy ra tương ứng với mâu thuẫn ngày càng tăng của các đảng trong chính phủ. Quan điểm của dân chúng về các vấn đề văn hóa như phá thai, hôn nhân đồng tính, cũng như các vấn đề liên quan đến quy mô và vai trò của chính quyền liên bang đã trở nên khác xa nhau và bất đồng đã trở nên rõ rệt hơn”(1).

Sự phân cực sâu sắc trong xã hội và đời sống chính trị khiến cử tri phải tìm những phương cách mới để giúp mình đưa ra những lựa chọn hợp lý trong các chiến dịch bầu cử. Đó có thể là dựa vào tính xác định đảng phái (một tình cảm gắn bó lâu dài với một đảng cụ thể); hoặc dựa vào mong muốn tối đa hóa lợi ích từ chính phủ một cách hợp lý (ủng hộ đảng nào có thể sẽ phân phối lợi ích tốt hơn thông qua hệ thống chính sách công nếu đảng đó cầm quyền); nhưng cũng có khi họ dựa vào các vấn đề chính sách được quan tâm đặc biệt như giới tính, quyền tự do dân sự và bảo vệ môi trường.

Trong chiến dịch bầu cử, đảng chính trị dần mất đi các cử tri trung thành, bắt buộc họ phải mở rộng biên độ chính sách và cách thức hoạt động ngày càng chuyên nghiệp hơn. Các công nghệ chính trị được đảng sử dụng, đặc biệt là công nghệ xây dựng thương hiệu chính trị được đưa vào phục vụ chiến dịch tranh cử.

Thứ hai, nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc và gặp phải nhiều thách thức tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến nền dân chủ. Một loạt các sự kiện đáng lo ngại tiếp tục xảy ra sau nhiệm kỳ của ông D.Trump. Ví dụ như vụ tấn công quá khích vào tòa nhà Quốc hội của những người ủng hộ D.Trump nhằm ngăn cản kết quả bầu cử vào tháng 1-2021, mà đa phần người dân Mỹ coi là mối đe dọa với nền dân chủ(2). Những biểu hiện thiếu tôn trọng Hiến pháp và các nguyên tắc dân chủ của tổng thống cũng dẫn đến những phản ứng gay gắt từ cử tri. Điều này cũng khiến cho sự phân cực đảng phái trở nên trầm trọng hơn với các thành viên của hai đảng trong Quốc hội, bỏ phiếu theo đúng phe cánh trật tự đảng.

Đáng chú ý có các tranh cãi gay gắt ở Quốc hội và trên mặt báo về “Đạo luật vì nhân dân” (For the people), được Đảng Dân chủ thúc đẩy nhằm cải cách cơ chế bầu cử. Các cuộc đấu tranh này đặt trong bối cảnh phản ứng của cấp liên bang, nơi Đảng Dân chủ đang có lợi thế, đối với cấp tiểu bang, nơi Đảng Cộng hòa có lợi thế, khi hai bên có quan điểm chính sách khác nhau (47 bang đang đề ra 361 dự luật cải cách thắt chặt bầu cử, tính đến ngày 24-2-2021)(3). Sâu xa hơn, các cuộc đấu tranh này phản ánh những bất cập trong cơ chế bầu cử và đại diện dân chủ ở Mỹ, đã tồn tại từ nhiều năm và không phù hợp với tình hình hiện nay, đặc biệt là tình hình phân bố dân cư(4).

Thứ ba, chính trị Mỹ đang có sự phân cực ngày càng lớn, từ phân cực đảng phái tới phân cực cử tri, thậm chí có khả năng vẽ lại bản đồ bầu cử. Sự phân cực giữa các nhóm cử tri bắt đầu từ hai nguyên nhân:

(i) Nhận thức của cử tri Mỹ về quan điểm chính trị, chính sách ngày càng phân cực theo quan điểm của các đảng lớn.

(ii) Các cử tri trong cùng một đơn vị bầu cử tại Mỹ ngày càng được chia theo đảng phái hơn. Việc tái phân bổ các đơn vị bầu cử miền Nam nước Mỹ vào những năm 1970 đã chuyển những người da màu ở miền Nam vào các đơn vị bầu cử ủng hộ Đảng Dân chủ, khiến các cử tri da trắng bảo thủ chuyển từ truyền thống ủng hộ Đảng Dân chủ sang ủng hộ Đảng Cộng hòa có quan điểm ít bảo thủ hơn.

Sự phân cực trong xã hội Mỹ từ đó đến nay không được cải thiện mà còn sâu sắc hơn khiến Quốc hội nhiều lần bị tê liệt(5). Sự phân cực trong cử tri Mỹ dần chuyển thành phân cực trong Quốc hội. Hệ quả của sự phân cực này là các ứng viên tổng thống tập trung vào vận động các cử tri trung thành của đảng hơn là vận động toàn bộ cử tri Mỹ. Điều này càng làm cho cử tri Mỹ phân cực mạnh hơn.

Tổng thống D.Trump tập trung vào chính sách có thể thu hút sự ủng hộ của các cử tri Đảng Cộng hòa. Do đó, D.Trump tập trung vào các chính sách chống Obama, chống nhập cư, chống Mêhicô, chống Hồi giáo, chống toàn cầu hóa vì đây là các quan điểm được đa số cử tri Đảng Cộng hòa ủng hộ. Đối tượng cử tri mà D.Trump ưu tiên là các cử tri Đảng Cộng hòa, những người lao động có bằng cấp thấp, đặc biệt là nam giới, họ thất vọng trước tình hình kinh tế và sự suy thoái các giá trị văn hóa(6).

Hệ thống chính trị Mỹ đã khiến cử tri có vai trò quan trọng đối với các chính trị gia. Thể chế chính trị dân chủ kiểu Mỹ cho phép cử tri thể hiện sự tin tưởng của mình thông qua các cuộc bầu cử định kỳ và tỷ lệ ủng hộ đối với quyết sách của lãnh đạo. Do đó, mối quan tâm hàng đầu của bất kỳ chính trị gia nào là tỷ lệ ủng hộ của cử tri. Cử tri ảnh hưởng và chi phối tới quyết sách của chính trị gia theo hai phương cách: i) cử tri lựa chọn đảng phái hoặc ứng viên có các ưu tiên phù hợp với ý kiến của mình, cho dù không chắc chắn rằng ứng viên đó sẽ thực hiện cam kết của mình sau khi trúng cử hay không, (ii) Chính trị gia bị ép phải đáp ứng ý kiến công luận vì lo ngại cử tri có thể khiến chính trị gia phải trả giá nếu không tuân theo.

Thứ tư, xét về hệ thống lưỡng đảng, với hai đảng chính là Dân chủ và Cộng hòa, được gọi là những “người gác cổng” của nền dân chủ Mỹ(7). Tuy nhiên, cả hai đảng không có trang bị đủ mạnh để thực hiện chức năng “gác cổng” trong việc lựa chọn ứng viên tổng thống, nên đã để xảy ra trường hợp như D.Trump. Từ đó đến nay, sự phân cực càng trở nên gay gắt, quá trình phân cực hóa bề ngoài tạo cảm giác đoàn kết và thống nhất của từng đảng, nhưng thực chất không được như vậy.

Việc đoàn kết thống nhất mỗi khi cần bỏ phiếu cho chính sách của đảng mình, hoặc chống lại đảng kia ở Quốc hội không đồng nghĩa với việc thống nhất trong các vấn đề chính sách và lợi ích phức tạp khác. Trong khi đó, phân cực hóa khiến cho bầu không khí chính trị trở nên căng thẳng và tiến trình chính sách trở nên bế tắc. Chính các vấn đề này đã góp phần khiến cử tri cho rằng các đảng chỉ quan tâm đến lợi ích của họ hoặc các nhà tài trợ của họ, không đếm xỉa tới lợi ích của người dân và những giá trị nền tảng của dân chủ như bình đẳng, công bằng(8).

Như vậy, tình trạng phân cực chính trị biểu hiện rõ nhất chính là mâu thuẫn giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa cho dù tồn tại từ lâu nhưng chưa bao giờ căng thẳng như giai đoạn hiện nay: đối kháng, ngăn cản và khống chế nhau.

2. Sức mạnh mới của các nhóm lợi ích: Siêu ủy ban hành động chính trị

Trong hệ thống chính trị Mỹ hiện đại, các nhóm lợi ích nổi lên như một chủ thể quan trọng của quá trình đổi mới nền dân chủ. Có rất nhiều phương thức tác động đến chính trị và chính sách mà mỗi nhóm lợi ích có thể sử dụng, phụ thuộc vào mục đích theo đuổi, vị thế của nhóm và chiến lược của các nhà lãnh đạo nhóm đó. Một trong những phương thức không thể thiếu của các nhóm lợi ích chính là sử dụng các Ủy ban hành động chính trị (Political Action Committees, PACs). Từ năm 2010 đến nay, Siêu Ủy ban hành động chính trị (Super Political Action Committee, Super PAC) - hình thức tổ chức mới của Ủy ban hành động chính trị ra đời đã tác động mạnh mẽ đến chính trường nước Mỹ.

Để nhận diện được Siêu Ủy ban hành động chính trị, trước hết, cần phải hiểu về Ủy ban hành động chính trị. Ủy ban hành động chính trị (PAC) là “một tổ chức với mục đích huy động và sau đó phân phối tiền của chiến dịch cho các ứng cử viên chính trị”(9). Vì luật liên bang hạn chế số tiền mà một tổ chức, liên minh, nghiệp đoàn hay cá nhân có thể trao cho một ứng cử viên nên PAC đã trở thành công cụ quan trọng mà thông qua đó những khoản tiền đóng góp lớn có thể tác động mạnh mẽ đến cuộc bầu cử.

Các PAC được hình thành theo mục tiêu và đặc điểm của các nhóm lợi ích. Trước năm 2010, pháp luật Mỹ cho phép tồn tại hai loại PAC:

(1) các PAC kết nối (Connected PACs) - hình thức quỹ biệt lập, hoàn toàn chịu trách nhiệm trước tổ chức tiền thân và có thể không xin tiền từ công chúng(10). Các PAC kết nối chủ yếu được thành lập bởi các nhóm lợi ích đại diện cho các doanh nghiệp, các công đoàn lao động, các nhóm thương mại hoặc các tổ chức y tế. Họ thường nhận và quyên góp tiền từ các nhà quản lý, các cổ đông của các tổng công ty hay thành viên của các công đoàn. PAC của tập đoàn Microsoft hay Liên đoàn Teamsters (công đoàn lao động) là những ví dụ tiêu biểu cho PAC kết nối.

(2) các PAC không kết nối (Non-connected PACs) - ủy ban chính trị không liên kết, huy động tiền từ đại chúng (chủ yếu bằng thư trực tiếp) để hỗ trợ độc lập các ứng cử viên - nghĩa là dùng tiền nhân danh một ứng cử viên vì luật liên bang hạn chế số tiền mà các ứng cử viên và đảng có thể tự mình sử dụng(11). Các PAC không kết nối chủ yếu được hình thành từ các nhóm lợi ích tư tưởng, các nhóm chỉ tập trung vào một vấn đề chính sách. Ví dụ như PAC của Hiệp hội súng quốc gia (National Rifle Association - NRC) chuyên bảo vệ vấn đề sở hữu súng(12) hay PAC của Tổ chức Emily’s List dành riêng cho việc đấu tranh bảo vệ quyền của phụ nữ phá thai và các vấn đề kế hoạch hóa gia đình(13).

Bên cạnh các PAC do các nhóm lợi ích thiết lập, còn có PAC của các chính trị gia với tên gọi PAC lãnh đạo (Leadership PACs). Do trên cương vị của nghị sĩ hoặc thành viên Chính phủ, các chính trị gia không thể trực tiếp quyên góp và ủng hộ tiền cho các ứng cử viên nên họ lập ra các PAC lãnh đạo nhằm quyên góp tiền để giúp quỹ chiến dịch bầu cử cho các ứng cử viên khác mà mình ủng hộ.

Theo quy định của Ủy ban Bầu cử liên bang (Federal Election Commission - FEC), PAC lãnh đạo được xếp vào PAC không kết nối. PAC lãnh đạo có thể quyên góp từ bất cứ ai. Nhưng Ủy ban Bầu cử liên bang cấm PAC lãnh đạo trực tiếp hỗ trợ các ứng cử viên thuộc tổ chức của mình. Tuy nhiên, PAC lãnh đạo cũng có thể cung cấp hỗ trợ gián tiếp ứng cử viên thuộc tổ chức mình như chi trả chi phí đi lại, phí tư vấn chính trị...

Theo Luật Vận động bầu cử liên bang Mỹ, ở cấp độ liên bang, một PAC được thành lập khi nhận được hoặc chi hơn 2.600 USD với mục đích gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử liên bang(14). Để có thể được hoạt động hợp pháp, PAC phải đăng ký và nộp báo cáo tài chính chi tiết các khoản tiền huy động và cung ứng cho FEC. PAC hợp pháp giới hạn có thể đóng góp tối đa 5.000 USD cho một ứng cử viên trong mỗi cuộc bầu cử, 15.000 USD cho một đảng chính trị và 5.000 USD cho một PAC khác mỗi năm.

Những giới hạn trên chỉ tồn tại đến năm 2010. Tháng 7 - 2010, trong vụ Citizens United v. Federal Election Commission, 558 U.S. 08-205 (2010), Tòa án tối cao Mỹ đã ra phán quyết chấm dứt những giới hạn đối với các PAC trong việc đóng góp tiền bạc ủng hộ, hay chống lại các ứng cử viên ra tranh cử. Hai tháng sau, trong vụ SpeechNow v. Federal, Tòa án liên bang cũng đã chấp nhận cho những đóng góp không giới hạn từ các cá nhân, công đoàn và các doanh nghiệp cho các PAC truyền thống. Sau khi hai quyết định này có hiệu lực, một loại hình mới của PAC xuất hiện trên chính trường nước Mỹ - các Siêu Ủy ban hành động chính trị (Super PAC).

Theo Từ điển Oxford, Siêu PAC là “một ủy ban hành động chính trị độc lập mà có thể làm tăng số tiền không giới hạn từ các tập đoàn, công đoàn và các cá nhân nhưng không được phép đóng góp hoặc trực tiếp phối hợp với các đảng hoặc các ứng cử viên”(15).

Như vậy, Siêu PAC, trước hết, là một PAC. Siêu PAC hoạt động tương tự như các PAC truyền thống, vận động và cung ứng tiền cho các ứng cử viên ủng hộ hay “tấn công” đánh bại các ứng cử viên đối lập thông qua mua quảng cáo trên truyền hình, đài phát thanh, báo in và các phương tiện truyền thông khác. Nhưng khác với các PAC truyền thống, Siêu PAC được phép huy động tiền không giới hạn từ các cá nhân, tập đoàn, công đoàn và các nhóm khác nhưng không được đóng góp trực tiếp cho các ứng cử viên(16). Tất nhiên, Siêu PAC hoạt động cũng phải đăng ký và nộp báo cáo tài chính cụ thể cho FEC(17).

Siêu PAC còn được biết đến với tên gọi Ủy ban duy nhất chi tiêu độc lập (Independent-Expenditure-Only Committees - IEOCs). Các chi tiêu độc lập (IEs) thường được sử dụng để mua quảng cáo chính trị hoặc các dịch vụ liên quan đến quỹ (như vận động cử tri) chứ không được xem như một chiến dịch tranh cử. Nguyên tắc bầu cử của Mỹ cấm tổ chức các chiến dịch tranh cử và Siêu PAC làm việc cùng nhau. Họ không thể thảo luận về các chiến lược, kế hoạch chung. Họ không được chia sẻ những thông tin quan trọng như cuộc điều tra dư luận hay các cuộc thăm dò. Các ứng cử viên có thể tham dự các sự kiện của Siêu PAC nhưng họ không được phép yêu cầu người dân đóng góp tiền ủng hộ.

Siêu PAC đang ngày càng phổ biến trong đời sống chính trị Mỹ. Là một chủ thể mới, nhưng với cơ chế thực tiễn hoạt động và việc chưa có một đạo luật, quy định nào được ban hành từ Nghị viện nên Siêu PAC trở thành một chủ đề gây nhiều tranh cãi trong giới chính trị cũng như giới nghiên cứu chính sách Mỹ, đặc biệt trong việc luận giải tác động của nó đến nền dân chủ Mỹ. Những thách thức về tính minh bạch của Siêu PAC trong bầu cử đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải có những đạo luật cụ thể về vấn đề này.

3. Makerting chính trị trong cuộc cách mạng truyền thông số hiện đại

Cùng với quá trình phát triển của nền dân chủ Mỹ là sự phân cực chính trị sâu sắc. Hiện nay, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ngày càng có sự khác biệt về quan điểm, nhiều đảng viên của hai Đảng luôn bày tỏ quan điểm tiêu cực đối với đảng đối lập. “Cử tri bình thường cũng tự phân loại chặt chẽ hơn vào các đảng phù hợp với giá trị cốt lõi của nó”(18). Chính vì thế, việc xác định kỳ vọng của cử tri đã được bổ sung cho các hoạt động định hình hình ảnh chính trị của ứng cử viên.

Các chiến dịch hướng tới cử tri và các cuộc khảo sát đã trở thành một chiến lược quan trọng, nó không chỉ giúp xác định các vấn đề chính trong tường thuật chiến dịch mà còn có thể phân loại những người nhận thông điệp bầu cử một cách rõ ràng hơn. Để làm được điều đó, các cuộc khảo sát về các chiến dịch chính trị phải được hỗ trợ bởi công nghệ xử lý dữ liệu. Máy tính trở thành công cụ không thể thiếu để điều hành các chiến dịch marketing chính trị.

Những năm 1990 là thời điểm internet đã được sử dụng vào các chiến dịch bầu cử, đặc biệt là với mục đích liên hệ với cử tri, tuyển dụng tình nguyện viên và tổ chức các cuộc họp cũng như gây quỹ. Giao tiếp trên internet với cử tri đã cho thấy hiệu quả ngay từ đầu thế kỷ XXI, nổi bật là chiến thắng của Barack Obama trong cuộc bầu cử năm 2008. Kể từ đó đến nay, việc sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (big data) để phân tích hàng loạt dữ liệu cá nhân được tạo ra qua truy dấu các hoạt động trực tuyến, đặc biệt là trên mạng xã hội của cử tri là nét đặc sắc của marketing chính trị.

Trong cuộc bầu cử năm 2004, các đảng chính trị và ứng cử viên của họ chỉ dựa vào các quảng cáo truyền hình để tấn công các đối thủ cạnh tranh nhằm làm lung lay cử tri, thì đến kỳ bầu cử năm 2008, một làn sóng mới xuất hiện trong marketing chính trị Mỹ - marketing chính trị trực tuyến. Lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử Mỹ, hầu hết tất cả các ứng cử viên Tổng thống và Quốc hội cố gắng kết nối trực tiếp với cử tri Mỹ thông qua các trang mạng xã hội trực tuyến như Facebook và MySpace. Điều này cũng đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ công nghệ marketing chính trị, mô hình marketing truyền thống được thay thế bởi marketing trực tuyến với sức mạnh của các trang mạng xã hội. Không có rào cản nào khi vào các trang web như Facebook và YouTube, chính vậy nó đã tạo sức lan tỏa rất lớn bởi mọi người đều có thể tham gia. Web đang được tận dụng không chỉ để kêu gọi bỏ phiếu mà còn để gây quỹ cơ bản.

Obama đã xây dựng cho mình thương hiệu một ứng cử viên luôn gửi các thông điệp của mình bằng chiếc điện thoại BlackBerry trong chiến dịch tranh cử, ông là một chính trị gia thế hệ mới, hiểu rõ sức mạnh của Web trong bầu cử. Chiến dịch marketing của Obama không chỉ sử dụng Facebook và YouTube mà còn cả MySpace, Twitter, Flickr, Digg, BlackPlanet, LinkedIn, AsianAve, MiGente, Glee...

Với sức mạnh của công nghệ truyền thông mới được minh chứng qua chiến thắng của Tổng thống Obama năm 2008, trong các cuộc bầu cử tiếp theo, marketing kỹ thuật số càng được sử dụng phổ biến. Các ứng cử viên đăng thông tin cập nhật trên Twitter thay cho thông cáo báo chí truyền thống, tạo video ngắn trên các trang mạng xã hội Facebook và Youtube thay vì quảng cáo truyền hình thông thường, v.v.. trở thành những chiến lược phổ biến. Đặc biệt với chiến thắng bất ngờ của D. Trump trước Hilary Clinton đã càng chứng minh hiệu quả của marketing chính trị kỹ thuật số.

Trong chiến dịch bầu cử năm 2016, hầu hết các chiến thuật marketing chính trị của D.Trump đều gắn liền với công cụ kỹ thuật số. Trước hết, D.Trump đã thiết kế và sử dụng thông điệp mang tính cực đoan để làm nổi bật so với các ứng cử viên khác. Việc lựa chọn bỏ phiếu cho một ứng cử viên giống như một quyết định mua một sản phẩm mà người tiêu dùng cần nhiều thời gian suy nghĩ vì nó có rủi ro cao nếu lựa chọn sai. Tên thương hiệu có thể quan trọng nhưng giá trị mà sản phẩm mang lại cho người mua mới là trung tâm của hoạt động marketing hiệu quả. Chính vì thế, D.Trump của Đảng Cộng hòa đã tạo ra, truyền đạt một “giá trị” với thông điệp “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” để hướng tới thị trường mục tiêu mà ông muốn tiếp cận là những cử tri có nhân sinh quan, thế giới quan, tâm trạng, mối quan tâm về cơ hội việc làm. D.Trump truyền tải những thông điệp đó qua các trang mạng xã hội, đặc biệt là Twitter một cách thường xuyên. Đồng thời, ông ta toàn quyền kiểm soát các tài khoản mạng xã hội của mình, nhấn mạnh sự tương tác thực sự với những người theo dõi với mục đích là để tạo ra một nhân vật mà mọi người có thể liên hệ và trò chuyện.

Không những vậy, chiến dịch marketing chính trị của D.Trump còn sử dụng chiến thuật định vị lại các đối thủ cạnh tranh để làm cho họ có vẻ kém hấp dẫn hơn trong mắt cử tri. D.Trump đã áp dụng một công thức tiếp thị vấn đề khi ông định hình “vấn đề”: khi nước Mỹ đang gặp khó khăn về kinh tế và xã hội cần tập hợp người dân để kích động sự bất mãn của họ đối với chính quyền của Đảng Dân chủ và tự định vị mình là tác nhân thay đổi vấn đề đó, còn các đối thủ của mình chỉ làm vấn đề thêm trầm trọng. Chính vì thế, D.Trump đã gán nhãn các đối thủ cạnh tranh bằng những cái tên không mấy hay ho như “Crooked Hillary” hay “Lyin’ Ted”. Chiến thuật này gắn liền với việc sử dụng các quảng cáo trực tuyến tấn công đối thủ.

Brad Parscale - Giám đốc truyền thông kỹ thuật số trong chiến dịch bầu cử năm 2016 và là cố vấn cấp cao cho chiến dịch bầu cử năm 2020 của D.Trump đã từng khẳng định: “Nhóm của Hillary Clinton đã đưa ra 66.000 thông điệp khác nhau. Nhóm của tôi đã thực hiện 5,9 triệu quảng cáo. Đó là những quảng cáo được nhắm mục tiêu trực tiếp đến mọi người theo cách họ muốn tiêu thụ chúng. Tôi đã ngừng xem xét người dân dưới dạng nhóm. Tôi nói: hãy nhìn mọi người với tư cách cá nhân, họ hành động như thế nào. Bởi vì hai người trông giống nhau có thể hành động khác nhau. Đó là tương lai của marketing chính trị”(19).

Chiến dịch marketing chính trị của D.Trump đã phân loại cử tri thành các phân khúc dựa trên các đặc điểm hành vi và tâm lý. D.Trump tiếp thị tới họ dựa trên mong muốn, tầng lớp xã hội, thu nhập, sắc tộc, vị trí, ý kiến, giá trị, lối sống và tổ chức các sự kiện có sự tham gia của các phân khúc thị trường đó. Các quảng cáo cũng được hình thành theo các đặc điểm này. Sở dĩ chiến dịch marketing của D.Trump làm được điều này là nhờ vào hệ thống thông tin dữ liệu thu thập được qua các trang web của người dùng. Người dùng thường cung cấp thông tin trực tiếp của mình (ví dụ như tuổi, sở thích) khi thiết lập tài khoản của họ trên mạng xã hội. Các thông tin khác, chẳng hạn như việc họ có con hay không, có thể được suy ra bằng thuật toán thu thập dữ liệu phân tán (chẳng hạn như sở thích các sản phẩm dành cho trẻ em trong các cửa hàng trực tuyến, tìm kiếm nhạc cho trẻ sơ sinh, v.v.). Các thông tin cá nhân của người dùng có thể tương quan với quan điểm chính trị và do đó nhắm mục tiêu nội dung quảng cáo phù hợp đến đúng người nhận.

Một xu hướng nổi trội của marketing chính trị ở Mỹ hiện nay là tận dụng sức mạnh của hệ thống dữ liệu lớn. “Ngày nay, mạng xã hội và microblogging tạo ra một lượng lớn thông tin. Mặc dù dung lượng thông tin từ đây tạo ra và chia sẻ tương đối nhỏ, nhưng số lượng người dùng là rất lớn, và do đó tần số cao hơn, lượng thu thập thông tin là rất lớn. Thậm chí với 140 ký tự được chia sẻ trên Twiiter, tốc độ cao của dữ liệu Twitter bảo đảm tạo ra khối lượng dữ liệu lớn (hơn 8 thông báo/ngày)”(20). Với một tốc độ hình thành dữ liệu nhanh chóng nên dữ liệu lớn được các nhà marketing chính trị xem như một động lực mới cho quy trình tiếp thị chính trị.

Chính vì thế, gần đây ở Mỹ xuất hiện xu hướng hợp nhất trong ngành truyền thông và dữ liệu. Làn sóng hợp nhất và hợp tác diễn ra giữa các công ty môi giới dữ liệu và các công ty chuyên về công nghệ quảng cáo. Điều này đã giúp thúc đẩy sự phát triển không ngừng của một hệ sinh thái marketing kỹ thuật số mạnh mẽ, cùng với một loạt các hệ thống phần mềm, các công ty chuyên môn và kỹ thuật đang mở rộng các chiến dịch bầu cử chính trị. Các công ty quảng cáo đa quốc gia hàng đầu đã thực hiện các vụ mua lại đáng kể các công ty dữ liệu, chẳng hạn như Interpublic Group (IPG) mua Acxiom vào năm 2018 và Publicis Groupe tiếp quản Epsilon vào năm 2019. Công ty báo cáo tín dụng tiêu dùng TransUnion đã mua TruSignal, một công ty tiếp thị kỹ thuật số hàng đầu cũng vào năm 2019.

Các chiến dịch marketing chính trị của đảng có sự kết hợp mạnh mẽ giữa sử dụng truyền thông kỹ thuật số và dữ liệu lớn. Tháng 4 - 2020, Trung tâm Centro đã thực hiện một cuộc điều tra khảo sát 65 cơ quan, nhà tư vấn và tổ chức vận động chính trị ủng hộ hai đảng về công cụ marketing chính trị, 63% những người được hỏi coi tivi được kết nối internet (connected TV (CTV) là một trong những sự phát triển hứa hẹn của các chiến dịch tiếp thị kỹ thuật số của họ(21). Điều này phù hợp với thực tiễn, hiện nay ở Mỹ hơn 30 triệu người không còn xem tivi qua cáp truyền thống và gần 3/4 số hộ gia đình truyền phát video tới thiết bị được kết nối mạng internet(22).

Việc sử dụng ứng dụng OTT (Over-the-top app, thuật ngữ để chỉ các ứng dụng và các nội dung như âm thanh, video được cung cấp trên nền tảng Internet và không một nhà cung cấp hoặc bất kỳ cơ quan nào có thể can thiệp vào) là một xu hướng không thể đảo ngược trong marketing chính trị Mỹ hiện đại. “Đối với các nhà quảng cáo chính trị, bản chất tập trung vào dữ liệu và địa chỉ của CTV/OTT rất hấp dẫn vì khả năng nhắm mục tiêu cao hơn so với truyền hình truyền thống”(23).

Như vậy, hệ thống chính trị Mỹ hiện nay chịu tác động sâu sắc của sự phân cực chính trị trên nhiều phương diện: sự gia tăng căng thẳng về đảng phái tiếp diễn, các liên minh chính trị sẽ khó đi đến thỏa hiệp. Trong môi trường phân cực, các mâu thuẫn, chia rẽ xã hội, những bất mãn và nghi ngờ đối với chính thể vẫn tồn tại trên diện rộng, các cuộc đấu tranh chính trị gay gắt ở Mỹ, đặc biệt là trong thời gian D.Trump lên cầm quyền đặt ra những thách thức đến nền dân chủ Mỹ. Chính quyền Biden với mục tiêu “hàn gắn nước Mỹ” và xu thế “khôi phục lại nền dân chủ”(24). Các thể chế dân chủ và cơ chế tam quyền phân lập vẫn đứng vững. Bộ máy nhà nước vẫn thực hiện hiệu quả chức năng thực thi chính sách, quản trị đất nước. Các các nhóm lợi ích hay truyền thông chính trị đều tạo ra những điểm mới để khẳng định được vị trí và sức mạnh của mình cũng như thích nghi với sự vận động của thực tiễn đời sống chính trị. Thực tế này góp phần duy trì cục diện cạnh tranh chính trị ở Mỹ trong khuôn khổ hiến định, loại trừ nhu cầu thay đổi thể chế một cách sâu sắc.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 539 (tháng 01-2023)

Ngày nhận bài: 09-12-2022; Ngày bình duyệt: 07-01-2023; Ngày duyệt đăng: 27-01-2023.

 

(1), (18) Lê Thị Thu: Phân cực chính trị ở Mỹ hiện nay - Tình hình, nguyên nhân và tác động, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2019, tr.83, 14.

(2) Matthew Smith, Jamie Ballard, Linley Sanders, “Most voters say the events at US Capital are a threat to democracy”, YouGov, 7 January 2021, https://today.yougov.com/politics/articles-reports/2021/01/07/US-capital-trump-poll

(3) Zachary Cohen& Geneva Sands, “US intelligence report says election fraud claims will almost certainly’ spur more violence by domestic extremists, CNN, 17 March 2021.

(4) Cơ chế này trao lợi thế nắm Thượng viện cho đảng nào nắm được nhiều bang hơn bất kể tỷ lệ phần trăm dân số, mà cụ thể ở đây là Đảng Cộng hòa. Cơ chế này cũng trao phần thắng cho ứng cử viên tổng thống nào nhận được nhiều phiếu đại cử tri hơn dù nhận được ít phiếu bầu phổ thông hơn, như trường hợp của D.Trump. D.Trump đã nhận được ít hơn Hillary Clinton gần 3 triệu phiếu phổ thông trong cuộc bầu cử năm 2016, nhưng đã thắng cử tổng thống. Điều này thể hiện rõ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, khi D.Trump chỉ còn thiếu 50.000 phiếu là chiến thắng, trong khi nhận được ít hơn Biden đến 7 triệu phiếu phổ thông. Damonlinker, “The revealing showdown on voting rights”, The Week, 10 March 2021. https;//theweek.com/articles/971036/revealing-showdown-voting-rights.

(5) Gary C.Jacobson: “Partisan Polarization in American Politics: A Background Paper”, Presidential Studies Quarterly 43, No.4 (12/2013), tr.688-708.

(6) Gary C.Jacobson: “The Effects of the Early Trump Presidency on Public Attitudes Toward the Republican Party”, Presidential Studies Quarterly 48, no.3 (9-2018), tr.404-435.

(7) Steven Levitsky và Daniel Ziblatt, How Democracies Die (New York: Crown, 2018, 111.

(8) Rosenbluth, Shapiro, Responsible Parties: Saving Democracy from Itself, tr. 95-127.

(9), (10), (11) Jay M. Shafritz: Từ điển về chính quyền và chính trị Hoa Kỳ - Kho thông tin về chính quyền và chính trị cấp liên bang, bang và địa phương, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.689, 690, 690.

(12) https://home.nra.org/

(13) https://www.emilyslist.org/

(14) http://www.fec.gov/law/feca/feca.pdf

(15) https://en.oxforddictionaries.com/definition/us/super_pac

(16) http://www.opensecrets.org/outsidespending/index.php

(17) Quy trình báo cáo, xem: http://www.fec.gov/pages/brochures/indexp.shtml

(19) Frederic Filloux: Trump’s Digital Campaign for 2020 Is Already Soaring. https://mondaynote.com/trumps-digital-campaign-for-2020-is-already-soaring-d0075bee8e89, truy cập ngày 17-07-2020.

(20) Houbing Song, Ravi Srinivasan, Tamin Sookoor, Sabina Jeschke (biên soạn): Thành phố thông minh - Nền tảng, nguyên lý và ứng dụng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.72.

(21) Grance Briscoe: Digital Media Insights in Political Marketing-2020 Elections Editionm, https://www.centro.net/blog/2020/08/digital-media-insights-in-political-marketing-2020-elections, truy cập ngày 29-07-2020.

(22) Paul Calderbank: Why a Total Video strategy is the right choice for political campaigns, https://www.spotx.tv/resources/blog/spotxer/why-a-total-video-strategy-is-the-right-choice-for-political-campaigns/, truy cập ngày 29-07-2020.

(23) https://www.spotx.tv/press-release/spotx-appoints-allan-welch-to-strengthen-political-vertical/, truy cập ngày 01-08-2020.

(24) James Politi, “Joe Biden: the new president seeks to heal a divides US”, Financial Times, 22 January 2021, https://www.ft.com/content/fe3c46fb-6fda-4370-ba18-e7322465e55ea.

TS LÊ THỊ THU MAI

                             Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS PHAN DUY ANH

Trường Đại học Bách khoa,

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền