Trang chủ    Quốc tế    Lý thuyết chính trị thực dụng đối với sự phát triển của Xinhgapo
Thứ ba, 28 Tháng 3 2023 14:16
796 Lượt xem

Lý thuyết chính trị thực dụng đối với sự phát triển của Xinhgapo

(LLCT) - Trong quá trình phát triển, các quốc gia đều lựa chọn cho mình những học thuyết, lý luận làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối, chính sách nhằm tập hợp mọi nguồn lực, tạo động lực cho xã hội phát triển. Những học thuyết chính trị này đóng vai trò định hướng cho toàn bộ quá trình phát triển, chi phối đến việc hoạch định mọi chính sách của quốc gia. Lý thuyết chính trị thực dụng được ra đời ở châu Âu và đã góp phần làm cho các quốc gia này có sự phát triển mạnh mẽ ở thế kỷ XIX. Bài viết làm rõ vai trò của lý thuyết chính trị thực dụng được áp dụng ở Xinhgapo, mang lại sự phát triển mạnh mẽ cho đảo quốc này.

Lý thuyết chính trị cơ bản mà Xinhgapo lựa chọn chính là lý thuyết thực dụng. Chủ nghĩa thực dụng đã định hướng xuyên suốt sự phát triển của đất nước từ khi lập quốc đến nay - Ảnh: vov.vn

Là một quốc gia nhỏ bé mới được độc lập năm 1965, trong hơn 1/2 thế kỷ phát triển, đến nay Xinhgapo đã trở thành một quốc gia phồn vinh với những thành tựu vô cùng to lớn: thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 8 trên thế giới(1); hầu hết người dân đều có việc làm, có nhà ở(2). Mức tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt con số đáng khâm phục, năm 2010 là 14,5% và năm 2021 là 7,61%(3). Xinhgapo là quốc gia có tỷ lệ triệu phú cao nhất thế giới (chiếm 15,5% dân số) - mỗi triệu phú sở hữu lượng tài sản hơn 1 triệu USD(4).

Có thể nói, đạt được những kết quả như trên là sự tổng hợp của nhiều nguyên nhân như: sự lãnh đạo với những bước đi đúng đắn, lựa chọn khôn ngoan của Đảng Nhân dân hành động (PAP: People Action Party); sự điều hành quyết liệt, trí tuệ và liêm khiết của một chính phủ mạnh; sự đồng lòng, quyết tâm và ủng hộ của người dân... Xuyên suốt những thành công đó mang tính định hướng là việc lựa chọn đúng đắn lý thuyết chính trị của đảng chính trị trong việc lãnh đạo chính phủ và toàn xã hội.

Lý thuyết chính trị cơ bản mà Xinhgapo lựa chọn chính là lý thuyết thực dụng(5). Chủ nghĩa thực dụng đã định hướng xuyên suốt sự phát triển của đất nước từ khi lập quốc(6) đến nay. Khi mới được độc lập, Xinhgapo hầu như không có các điều kiện, nguồn lực gì thuận lợi cho sự phát triển đất nước. Quốc gia này đối diện với vô vàn khó khăn: đời sống người dân cơ cực, đa số mù chữ, không có nhà ở, không có việc làm, không đủ ăn, dịch bệnh hoành hành; tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản hầu như không có gì, nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt của người dân cũng khan hiếm; tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước trầm trọng... Khi đó, ông Lý Quang Diệu trên cương vị là người đứng đầu Chính phủ đã bật khóc khi phải đối diện với những khó khăn, thách thức tưởng chừng khó có thể vượt qua.

Chủ nghĩa thực dụng đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân hành động(7) trong hoạt động kiến thiết đất nước. Chủ nghĩa thực dụng thể hiện là “bắt cái đầu phải suy nghĩ” trên cơ sở những điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có vô cùng khan hiếm.

Chính phủ đã xác định nhiệm vụ hàng đầu là tập trung vào phát triển kinh tế, diệt giặc dốt, xóa nạn mù chữ. Chính phủ đã lựa chọn quốc ngữ là tiếng Anh; tiếng Hoa chỉ được coi là một trong ba ngôn ngữ mẹ đẻ(8). Việc sử dụng tiếng Anh là quốc ngữ ngoài việc thể hiện lập trường quốc gia độc lập, nó còn giúp cho Xinhgapo thuận lợi trong việc tiếp cận trình độ khoa học - kỹ thuật - công nghệ và văn minh của nhân loại với tinh thần của chủ nghĩa thực dụng. Đồng thời, xóa bỏ sự hoài nghi của các nước láng giềng nhìn Xinhgapo như là một nước Trung Hoa thứ ba, ngoài Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (dân số Xinhgapo đa số là gốc Hoa, chiếm 75%). Bên cạnh đó, Xinhgapo đã chủ động tham gia và đồng sáng lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Điều này minh chứng với thế giới rằng: Xingapo là một quốc gia độc lập. Chính sự khôn ngoan này đã giúp

Xinhgapo có một diễn đàn đối thoại trong khu vực, từ đó đã làm giảm các áp lực từ bên ngoài.

Chính chủ nghĩa thực dụng này đã khai sinh ra Ý thức hệ sống còn (Ideology of survival). Lý Quang Diệu cho rằng: để một đất nước như Xinhgapo có thể tồn tại, phát triển, xã hội cần được tổ chức lại chặt chẽ hơn và người dân cần có kỷ luật hơn. Việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải phát triển kinh tế trên quy mô toàn quốc, nâng cao mức sống của mỗi người. Để làm được điều đó, các tổ chức, hiệp hội phải tìm kiếm các lợi nhuận cho riêng các thành viên của mình và đóng góp vào ngân sách chung của quốc gia. Do đó, việc phát triển kinh tế là mối quan tâm hàng đầu, mọi đóng góp về các nguồn lợi của toàn xã hội nhằm phát triển nền kinh tế trước mắt đã được hiểu là sự thực dụng và cần thiết cho quốc gia.

Mục tiêu trên hết của chủ nghĩa thực dụng là bảo đảm một sự phát triển kinh tế liên tục. Mục tiêu này nhằm định hướng và đánh giá sự điều hành các hoạt động quản lý của Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của đảng chính trị giúp tăng trưởng kinh tế. Về nguyên tắc, dựa vào mục tiêu duy nhất này, không một lĩnh vực nào của đời sống như xã hội, văn hóa, hay kinh tế, thậm chí mang tính chất đời sống riêng tư, mà không bị nhà nước can thiệp.

Theo ông Pang Te Cheng, tham tán kinh tế Đại sứ quán Xinhgapo tại Hà Nội cho rằng: quan niệm cơ bản của người Xinhgapo là “không ai cho không ai thứ gì”. Tư tưởng này được giáo dục trở thành một nguyên tắc ứng xử của công dân nước này. Do đó, đặc trưng cơ bản trong chính sách kinh tế quốc tế của nước này là tính thực dụng cao và biết thích nghi với hoàn cảnh: “Chúng tôi nhìn nhận thế giới một cách khách quan chứ không nhìn theo mong muốn của riêng mình và hiểu rằng thế giới không phải lúc nào cũng có sự công bằng”(9). Đồng thời, quan chức cũng như doanh nhân Xinhgapo luôn lo ngại rằng, nếu không đủ khả năng thích nghi với thế giới bên ngoài cũng như chứng tỏ vai trò của mình thì thế giới sẽ lãng quên đảo quốc này.

Ý thức rõ điều này, các quan chức và doanh nhân Xinhgapo luôn năng động, thường xuyên tăng cường sự hiện diện ở nước ngoài để khẳng định vị thế của đảo quốc này trên bản đồ thế giới cũng như trong tâm trí các nhà hoạch định chính sách kinh tế và trong tính toán của các doanh nghiệp lớn(10).

Tất cả mọi hoạt động, mọi chủ trương, chính sách phát triển của Xinhgapo đều tập trung cho việc phát triển kinh tế. Chẳng hạn, khi thấy những phụ nữ tốt nghiệp đại học có xu hướng sinh con ít hơn và không quan tâm nhiều đến hôn nhân so với phụ nữ chưa qua đại học, Chính phủ đã chỉ ra rằng, 80% khả năng của mỗi người do gen quyết định và có được là nhờ thừa hưởng bởi di truyền, sự sút giảm nguồn gen tài năng này có thể là một điều cực kỳ tệ hại cho một đảo quốc mà nguồn lực quan trọng duy nhất là con người cho phát triển kinh tế. Bởi vậy, năm 1983, Chính phủ đã nhanh chóng đề ra một chính sách nhằm tăng nguồn lực tài năng. Theo đó, phụ nữ nào đã tốt nghiệp đại học và chưa lập gia đình thì được khuyến khích lập gia đình, còn phụ nữ nào đã lập gia đình và có hơn hai con thì được hưởng những khoản giảm thuế lớn và được ưu tiên chọn trường cho con. Những phụ nữ chưa tốt nghiệp đại học thì được khuyến khích nên có ít con và nếu dừng ở hai con thì được số tiền hỗ trợ đến 10.000 đô la Xinhgapo - số tiền này sẽ được trừ đi khi họ mua nhà của chính phủ(11).

Hiện nay, một bộ phận khá lớn những người trẻ tuổi ở Xinhgapo chỉ tập trung vào việc kiếm tiền, thờ ơ với những vấn đề chính trị, họ cho rằng, kiếm được nhiều tiền là thước đo nhân phẩm và giá trị của bản thân, do đó, việc kết hôn đang bị họ coi nhẹ. Trên thực tế, nhiều thanh niên Xinhgapo không muốn kết hôn và sinh con, điều này làm cho dân số Xinhgapo bị già hóa, thiếu lực lượng lao động trẻ bổ sung cho nền kinh tế. Trước tình hình đó, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp như: khuyến khích dưới hình thức câu lạc bộ kết bạn, các hoạt động giao lưu ngoại khóa... nhưng không mang lại hiệu quả. Sau đó, Chính phủ chủ trương: tất cả các cặp nam nữ sau khi kết hôn mới được mua nhà của Chính phủ. Điều này đã có vai trò tích cực làm tăng việc kết hôn, tuy nhiên, tỷ lệ sinh cũng không tăng lên đáng kể. Vì vậy, Chính phủ đã khuyến khích việc sinh con bằng việc ưu đãi khi họ đóng các loại thuế.

Khi đất nước mới độc lập, đứng trước những khó khăn, Xinhgapo đã vươn lên bằng chính lý thuyết chính trị thực dụng, “bắt cái đầu phải suy nghĩ”, phải cải tạo thế giới theo quy luật. Chẳng hạn khi nước ngọt không đủ cho sinh hoạt, mặc dù hằng năm lượng mưa ở đây khá cao nhưng không giữ được nước do diện tích đất không nhiều, hồ ao không lớn(12), Xinhgapo đã phải mua nước sạch của Malaixia. Tuy nhiên, việc làm này không tạo được thế chủ động, ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc gia. Chính vì vậy, Xinhgapo đã tiến hành xây hệ thống đập ở cửa sông để ngăn không cho nguồn nước ngọt chảy ra biển(13). Đây là công trình vĩ đại và đáng tự hào bắt đầu từ những ý tưởng táo bạo.

Việc giữ nước ngọt từ các con đập này hiện nay vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt ngày các tăng của người dân và du khách đến tham quan đảo quốc này. Do đó, Chính phủ khuyến khích việc nghiên cứu và tiến hành sản xuất nước sạch (Newater) từ nguồn nước thải sinh hoạt(14). Công nghệ xử lý nước thải của Xinhgapo đã góp phần bảo vệ môi trường, được thế giới hoan nghênh, nhiều nước học tập kinh nghiệm.

Đồng thời, để tạo sự chủ động hơn nữa về nguồn nước sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của đất nước, bên cạnh việc xây đập ngăn sông và xây dựng nhà máy tái chế nước thải, Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng nhà máy chế biến nước biển thành nước ngọt với sản lượng 100 triệu lít nước ngọt/ngày. Bài học thành công về nước sinh hoạt đã chứng minh một lần nữa cho sự quan trọng của triết lý phát triển.

Như vậy, chủ nghĩa thực dụng phương Tây kết hợp với ý thức hệ châu Á mà cơ bản là nền tảng tư tưởng Nho giáo đã giúp Xinhgapo giải quyết được những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Đây chính là nguyên nhân cơ bản giúp Xinhgapo có sự bứt phá, phát triển mạnh mẽ. Trên con đường phát triển đất nước với triết lý mang tính thực dụng đã góp phần quan trọng mang lại sự thành công cho Xinhgapo. Triết lý này đã thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế phát triển, vượt qua mọi khó khăn, mang lại cho đảo quốc những thành tích lớn lao như ngày nay.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 540 (tháng 02-2023)

Ngày nhận bài: 08-01-2023; Ngày bình duyệt: 08-02-2023; Ngày duyệt đăng: 21-02-2023.

 

(1) Theo IMF, năm 2021, GDP bình quân đầu người của Xinhgapo là 66,263 USD.

(2) Thất nghiệp tạm thời chưa đến 2%; trên 90% dân số sở hữu nhà.

(3) https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/Xinhgapo-lac-quan-ve-trien-vong-tang-truong-kinh-te-604256.html.

(4) Theo số liệu nghiên cứu của Tập đoàn tư vấn Boston năm 2011.

(5) Lý thuyết thực dụng (thực tế, hành động), cái gì có lợi thì làm, đề cập hiệu quả cụ thể. Chủ nghĩa thực dụng quan niệm: chân lý của một lý thuyết được đánh giá bởi thành công thực tế của nó, cho nên hành động thực dụng không gắn liền với nguyên tắc bất biến. Lý thuyết này được ra đời ở thời kỳ đầu của xã hội tư bản chủ nghĩa khi xã hội rất cần một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển. Tác giả Charles Sanders Peirce và William James lập ra từ cuối thế kỷ XIX và được John Dewey, George Herbert Mead và George Santayana, tiếp tục phát triển ở thế kỷ XX.

(6) Thực chất là Malaixia không muốn cáng đáng thêm một vùng đất chẳng có nguồn lợi gì.

(7) Được thành lập năm 1954 từ một liên minh chính trị giữa các lãnh đạo Công đoàn cánh tả và một nhóm chuyên gia được đào tạo từ nền giáo dục Anh (British-educated professionals). Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1959 để bầu một chính quyền bản xứ có quyền tự trị, PAP đã thắng cử và liên tục lãnh đạo đất nước đến nay.

(8) Ở Xinhgapo, trẻ em đến trường bắt buộc phải học tối thiểu hai thứ tiếng là tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ. Tiếng mẹ đẻ có thể lựa chọn một trong ba thứ tiếng: Hoa, Ấn hay Malaixia.

(9), (10) Theo: http://vnn.vietnamnet.vn/kinhte/thegioi/2005/08/476969.

(11) Theo Bộ Giáo dục Xinhgapo, con của những bà mẹ đã tốt nghiệp đại học, chúng học hành đạt được nhiều thành tích hơn, đó là sự thừa hưởng nguồn gen từ mẹ.

(12) Xinhgapo có diện tích 683 km2, hằng năm vẫn tiếp tục được mở rộng bằng việc lấn biển.

(13) Đập Marina với 9 cửa lớn đã ngăn nước sông Xinhgapo lại thành một hồ nước với diện tích 10 nghìn ha.

(14) Nhà máy lọc nước thải thành nước sinh hoạt có công suất xử lý trên 600 triệu lít nước thải mỗi ngày.

PGS, TS NGUYỄN XUÂN PHONG

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền