Trang chủ    Quốc tế    Những tiêu chí cơ bản đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành lao động và phúc lợi xã hội Lào
Thứ ba, 09 Tháng 6 2015 15:59
3746 Lượt xem

Những tiêu chí cơ bản đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành lao động và phúc lợi xã hội Lào

(LLCT) - Ngành lao động và phúc lợi xã hội nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: việc làm, dạy nghề, phát triển kỹ năng nghề, tiền lương, lao động, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý các quỹ bảo hiểm xã hội), an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội… trong phạm vi cả nước. Ngoài ra, ngành còn quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành.

Ngành lao động và phúc lợi xã hội Lào có 1.640 cán bộ, công chức, trong đó nữ có 556 người, chiếm 33,90%; nam có 1.084 người, chiếm 66,10%; đội ngũ cán bộ, công chức thuộc Văn phòng Bộ, Cục, Vụ và các đơn vị thuộc Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào quản lý trực tiếp là 365 người, nữ có 147 người, chiếm 40,27%, nam có 218 người, chiếm 59,73%; đội ngũ cán bộ, công chức thuộc Sở Lao động và Phúc lợi xã hội cấp tỉnh và Thủ đô là 610 người, nữ có 213 người, chiếm 34,91%, nam có 397 người, chiếm 65,09%; đội ngũ cán bộ, cán bộ cấp huyện là 665 người, nữ có 196 người, chiếm 29,47%, nam có 469 người, chiếm 70,53%.Về trình độ chuyên môn: có 2 tiến sỹ, chiếm 0,12%; 58 thạc sĩ, chiếm 3,53%; 437 cử nhân, chiếm 26,64%; 518 người trình độ cao đẳng, chiếm 31,58%;  423 người trình độ trung cấp, chiếm 25,79%; 163 người trình độ sơ cấp, chiếm 9,93% và không có bằng cấp 39 người, chiếm 2,37%.

Hiện nay, để có tiêu chí đánh giá đúng về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành lao động và phúc lợi xã hội Lào, trước hết phải căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ, công chức, đảng viên trongĐiều lệ Đảng, Luật cán bộ-công chức, Nghị định về Quy chế công chức CHDCND Lào và các quyđịnh của Đảng và Nhà nước về cán bộ, công chức và đảng viên; đồng thời,phải căn cứ vào đặc thù của ngành lao động và phúc lợi xã hội Lào để đánh giá chính xác. Văn kiện Đại hội IX của Đảng NDCM Lào nêurõ: “Tăng cường công tác quản lý cán bộ vững chắc hơn nữa, hoàn thiện quy chế phân quyền quản lý cán bộ giữa Trung ương Đảng với cấp ủy Bộ, cơ quan và cấp ủy địa phương cụ thể,rõ ràng; theo dõi kiểm tra việc thực hiện quy chế công chức và nhiệm vụ trách nhiệm của cán bộ một cách hệ thống,toàn diện để phát huy mặt mạnh và hạn chế mặt yếu kém, đánh giá thành tích của cán bộ một cách khách quan, đúng và công bằng”(1).

Như vậy, tiêu chí đánh giá chất lượng của cán bộ, công chức ngành lao động và phúc lợi xã hội Lào hiện nay phải tập hợp tất cả các tiêu chí mà Đảng và Nhà nước đã quy định và ban hành kết hợp với nhiệm vụ được giao, cụ thể:

1. Về cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức ngành lao động và phúc lợi xã hội Lào

Thực tiễn cách mạng Lào thời gian qua đã chứng minh một cách sinh động vai trò quyết định thắng lợi của đội ngũ cán bộ, công chức do Đảng NDCM Lào đào tạo và rèn luyện. “Cán bộ nào phong trào ấy''; nơi nào, lúc nào đội ngũ cán bộ, công chức tốt, giỏi thì nơi đó, lúc đó cách mạng phát triển mạnh, thuận lợi, gặt hái nhiều kết quả; ngược lại, nơi nào, lúc nào đội ngũ cán bộ yếu kém thì nơi ấy, lúc ấy cách mạng gặp khó khăn, tổn thất. Ở thời điểm hiện tại và trong chặng đường sắp tới, trước yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, sự quản lý nhà nước bằng pháp luật, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước; yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trước sự chống phá của các thế lực thù địch; yêu cầu củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với Nhà nước và chế độ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc... công tác cán bộ, công chức càng quan trọng. Có thể nói, công tác cán bộ, công chức là công việc mấu chốt trong nhiệm vụ then chốt xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước Lào, có ý nghĩa sâu sắc về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại, an ninh quốc phòng, liên quan trực tiếp đến thành bại của cách mạng và sự an nguy của Đảng, của Nhà nước và của chế độ.

Để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng mà Đảng và Nhà nước giao cho ngành,cần nhận thức sâu sắc hơn, chuẩn xác hơn tính đồng bộ, tính hợp lý về cơ cấu trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Sự nghiệp đổi mới càng đi vào chiều sâu đòi hỏi chúng ta phải thiết kế và triển khai một chiến lược tổng thể về công tác cán bộ, công chức bảo đảm tính đồng bộ và tính hợp lý về cơ cấu nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả đội ngũ đó.

Về tính đồng bộ, phải được thể hiện rõ nét trong thế bố trí chiến lược thống nhất đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn bộ hệ thống chính trị ngành lao động và phúc lợi xã hội Lào, phù hợp với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ; sự thống nhất và đồng bộ của đội ngũ cán bộ, công chức từ trên xuống dưới, từ Trung ương tới cơ sở; sự thống nhất và đồng bộ giữa các loại hình cán bộ, công chức trong ngành: lãnh đạo - quản lý - chỉ huy - tham mưu - tác nghiệp. Tính đồng bộ của đội ngũ cán bộ, công chức đòi hỏi sự tính toán và bố trí khoa học số lượng cán bộ, công chức ngành theo một tỷ lệ tương thích, bảo đảm mối quan hệ thông suốt, thống nhất và gắn bó hữu cơ.

Về tính hợp lý, được thể hiện cụ thể trong việc tính toán, bố trí cơ cấu cán bộ, công chức bảo đảm sự hài hoà giữa các thành phần, cơ cấu nội ngành; hài hoà giữa các lĩnh vực, các địa bàn, vừa lo cho trước mắt vừa chuẩn bị cho lâu dài. Trên cơ sở hợp lý hoá các cơ cấu lớn, cần thiết kế phù hợp cơ cấu về độ tuổi, về giới tính, về thành phần dân tộc, trình độ chuyên môn. Tính đồng bộ, hợp lý không đồng nhất với sự phân bố bình quân, cào bằng mà phải giải quyết tốt yêu cầu phủ kín cán bộ, công chức ở các tổ chức trong ngành với ưu tiên đầu tư cán bộ, công chức cho các bộ phận quan trọng, các địa bàn trọng điểm, các lĩnh vực then chốt; vừa ưu tiên đội ngũ cán bộ, công chức tầm chiến lược, đồng thời, phải quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở - đội ngũ trực tiếp làm việc với dân hàng ngày, hàng giờ; đội ngũ trực tiếp triển khai mọi công việc, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Để đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ của ngành cầntiếp tục đổi mới công tác cán bộ, công chức cả về nội dung và phương pháp, tạo sự chuyển biến cơ bản, vững chắc trong công tác cán bộ, công chức; tiếp tục đổi mới, triển khai đồng bộ, có hệ thống các khâu: đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, xây dựng và thực hiện chính sách cán bộ, công chức. Phải tập trung làm rõ một số khâu quan trọng trong quy trình công tác cán bộ, công chức như: đánh giá cán bộ, công chức; xây dựng và thực hiện chế độ bỏ phiếu tín nhiệm, từ chức, thôi chức, miễn chức, cách chức đội ngũ cán bộ, công chức phạm khuyết điểm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ; thực hiện cơ chế đảng viên và nhân dân tham gia giám sát cán bộ, công chức và công tác cán bộ, công chức. Đó là những bước tiến thể hiện tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, công chức.

2. Về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành lao động và phúc lợi xã hội Lào

Vấn đề quan trọng nhất trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức là bảo đảm chất lượng về bản lĩnh chính trị; phẩm chất, đạo đức; năng lực trí tuệ và hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức. Thực tiễn cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt hiện nay đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức cần có sự vững vàng, nhạy bén, sắc sảo về chính trị, không hoang mang, giao động và đủ sức hướng dẫn, bồi đắp niềm tin cho nhân dân vào mục tiêu lý tưởng, vào đường lối chính sách của Đảng; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, chống phá chế độ của các thế lực thù địch. Hiện nay, công tác cán bộ còn nhiều yếu kém: sự suy thoái nghiêm trọng của một bộ phận cán bộ, điển hình là những vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện đang làm chấn động, gây bất bình trong dư luận xã hội.Vì vậy, xây dựng một đội ngũ cán bộ trong trong sạch, vững mạnh là yêu cầu cấp thiết.

Những tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành lao động và phúc lợi xã hội Lào:

Một là, có phẩm chất,lập trường quan điểm chính trị vững vàng, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trường của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời phải biết tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dânchấp hành tốtđường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật đó. Đây là một trong những quan điểm quan trọng phân biệt giữa cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân, là một trong những biểu hiện tư cách, vai trò tiên phong gương mẫu của người cán bộ, công chức Lào hiện nay.

Hai là, có phẩm chất đạo đứctốt, lối sống lành mạnh; không cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, cục bộ, đầu cơ, trục lợi; có quan hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, gia đình hòa thuận, được quần chúng nhân dân tín nhiệm. Trên cơ sở công tác, đạo đức lối sống của người cán bộ, công chức, tạo được sự đoàn kết thống nhất trong cơ quan và nơi gia đình sinh sống.

Ba là, có trình độ, năng lực công tác, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác, có trình độ học vấn phổ thông trung học; hiểu biết cơ bản về lý luận chính trị, quản lý nhà nước; có năng lực tổ chức thực hiện công tác được giao để hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở ngành lao động và phúc lợi xã hội.

Bốn là, có phong cách công táctốt. Cán bộ, công chức ngành lao động và phúc lợi xã hội Lào phải là người luôn luôn tiên phong trong mọi công tác phát triển ngành lao động và phúc lợi xã hội, xây dựng cuộc sống mới về kinh tế, việc làm, an sinh xã hội, chăm sóc trẻ em mồ côi, người già cô đơn, người có công với cách mạng, gương mẫu, năng động sáng tạo trong mọi hoạt động, biết làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình. Luôn có ý thức học hỏi phấn đấu vươn lên, đổi mới tư duy nắm bắt công nghệ thông tin mới trong thực hiện nhiệm vụ. Có ý thức tổ chức kỷ luật cao, tự giác chấp hành mọi sự phân công của tổ chức và cơ quan, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và có chất lượng, có ý thức tự phê bình và phê bình, biết tiếp thu và sửa chữa khuyết điểm. Đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện sai trái của những cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân, bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, các hủ tục ở ngoài xã hội.

Cán bộ, công chức ngành lao động và phúc lợi xã hội Lào cần cố gắng phấn đấu đạt được yêu cầu trên, đó cũng là yêu cầu mới về chất lượng cán bộ, công chức CHDCND Lào nói chung trong tình hình hiện nay.

Xác định được yêu cầu và tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở ngành lao động và phúc lợi xã hội Lào trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế là điều rất quan trọng để mọi cán bộ, công chức và các tổ chức lấy đó làm mục tiêu phấn đấu nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời những căn cứ đó cũng là cơ sở để xem xét, đánh giá, phân loại từng cán bộ, công chức và tổ chức cơ quan.

______________

(1)     Đảng NDCM Lào: Văn kiện Đại hội lần thứ IX của Đảng,Nxb Nhà nước, Viêng Chăn,2011,tr.55-56.

Xỏn MONVILAY

NCS Khóa 28, Học viện CTQG Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền