Trang chủ    Quốc tế    “Sách Xanh”: Ngoại giao Nhật Bản có gì mới?
Thứ tư, 15 Tháng 7 2015 15:55
6368 Lượt xem

“Sách Xanh”: Ngoại giao Nhật Bản có gì mới?

(LLCT)- Sách Xanh Ngoại giao là tài liệu được công bố hằng năm ở Nhật Bản. Ngày 4-4-2014, Nội các Nhật đã thông qua Sách Xanh Ngoại giao 2014, gồm 4 chương (Tình hình thế giới năm 2013; Chiến lược ngoại giao toàn cầu; Ngoại giao thúc đẩy lợi ích; Ngoại giao cùng với quốc dân), với những vấn đề mới được giới nghiên cứu và hoạch định chiến lược quốc tế và Việt Nam quan tâm.

 

1. Những động thái cơ bản trong năm 2013

Sự biến đổi tình hình thế giới hiện nay mang tính trung hạn, đó là sự thay đổi về cân bằng sức mạnh, toàn cầu hóa, đa dạng hóa và phức tạp hóa các nguy cơ, cơ hội và thách thức mới đối với “tài sản chung của thế giới”, các vấn đề liên quan đến an ninh con người, nguy cơ và sự nới rộng khoảng cách kinh tế giữa các quốc gia trên thế giới.

Cân bằng sức mạnh giữa các quốc gia đang có sự thay đổi lớn. Các quốc gia mới nổi tăng trưởng kinh tế nhanh, đặc biệt là Trung Quốc đang gia tăng tầm ảnh hưởng đối với kinh tế toàn cầu, sức mạnh chính trị và quân sự. Mặc dù ảnh hưởng của Mỹ trong cộng đồng quốc tế đã có sự thay đổi tương đối, nhưng sức mạnh tổng hợp và vị thế lãnh đạo của Mỹ vẫn chưa thay đổi; do có sự biến động về cân bằng sức mạnh giữa các quốc gia nên Mỹ ngày càng khó phát huy được vai trò lãnh đạo mạnh mẽ như trước đây, vì mất nhiều thời gian và công sức hơn cho việc tạo lập sự đồng thuận rộng rãi và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Môi trường an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng biến động phức tạp khi Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Môi trường an ninh Đông Á cũng gia tăng sự khắc nghiệt với việc Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nhật Bản và khu vực Đông Á.

Mặc dù đang phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế, xã hội nhưng Trung Quốc đã nâng cao hơn vị thế của mình trong cộng đồng quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự không minh bạch, thực hiện chủ trương đơn phương, không phù hợp với trật tự quốc tế hiện có, gia tăng hoạt động trên biển, nỗ lực sử dụng sức mạnh làm thay đổi hiện trạng, nhất là tại khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông; đơn phương thiết lập Khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông (11-2013), gây nguy hại tới nguyên tắc tự do hàng không theo luật pháp quốc tế và là mối quan ngại sâu sắc đối với các quốc gia trong khu vực.

Nhật Bản cho rằng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết khu vực Biển Đông đã ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định tại khu vực và gây ra quan ngại đối với các quốc gia láng giềng khác bao gồm cả Philippin. Nhật Bản kiên quyết phản đối việc Trung Quốc thiết lập Khu vực nhận diện phòng không trên vùng biển Hoa Đông. Ngoài ra, Nhật Bản cũng cho rằng tình hình Trung Đông - Bắc Phi và châu Phi nói chung vẫn đang gia tăng mức độ bất ổn.

2. Triển khai chiến lược ngoại giao mới

Trên cơ sở lập trường của “chủ nghĩa hòa bình tích cực”, chính sách ngoại giao của Nhật Bản tiếp tục theo đuổi các mục tiêu:

(1) Tăng cường quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ. Tiếp tục khẳng định đồng minh Nhật - Mỹ là trụ cột số một trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản; Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Mỹ để triển khai chính sách tái cân bằng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là trong lĩnh vực an ninh và kinh tế nhằm đối phó với Trung Quốc.

(2) Nhật Bản tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với các nước láng giềng. Trong đó, quan hệ Nhật - Trung vẫn là mối quan hệ láng giềng, kinh tế phụ thuộc lẫn nhau rất mật thiết nhưng có nhiều điểm khác biệt về chính trị, xã hội, không tránh khỏi sự đối lập, cọ xát. Nhật Bản tiếp tục khẳng định quần đảo Senkaku là lãnh thổ vốn có và hiện đang quản lý thực tế, không tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền.

Nhật Bản cũng chỉ trích các hành động của Trung Quốc nhằm “thay đổi hiện trạng bằng vũ lực” trong khu vực và cho rằng, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế hiện nay. Nhật Bản cũng phản đối việc Trung Quốc thường xuyên đưa các tàu đến gần các quần đảo thuộc quyền quản lý của Nhật Bản. Các tàu và máy bay của Trung Quốc hoạt động tại khu vực này có thể dẫn đến nguy cơ đụng độ trên biển và trên không.

Quan hệ Nhật - Hàn vẫn còn những vấn đề khó khăn. Nhật Bản vẫn xác định “Quần đảo Takeshima/Dokdo, cả về lịch sử cũng như luật pháp quốc tế, đều cho thấy rõ ràng là lãnh thổ vốn có của Nhật Bản”. Nhật Bản cũng phản đối việc các nhà lập pháp Hàn Quốc đến thăm quần đảo và quân đội Hàn Quốc diễn tập gần đảo Takeshima/Dokdo. Nhật Bản sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để giải quyết hòa bình vấn đề quần đảo Takeshima/Dokdo dựa trên luật pháp quốc tế. Nhật Bản cũng cho rằng: “không nên chính trị hóa, ngoại giao hóa vấn đề phụ nữ mua vui”, vấn đề lao động cưỡng bức đã được giải quyết hoàn toàn và kết thúc theo Hiệp định hợp tác kinh tế Nhật - Hàn năm 1965.

Trong quan hệ với chính quyền mới ở Trung Quốc và Hàn Quốc, Nhật Bản chưa tiến hành được hội đàm cấp cao. Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện quan hệ, xử lý bình tĩnh và kiên quyết trong vấn đề lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời với Trung Quốc; xây dựng quan hệ hợp tác đa tầng nấc hướng tới tương lai với Hàn Quốc. Quan hệ Nhật - Nga cũng đạt được những bước tiến cụ thể, cần duy trì đối thoại chính trị, nỗ lực đàm phán giải quyết vấn đề lãnh thổ và ký hiệp ước hòa bình.

Quan hệ Nhật Bản - ASEAN tiếp tục được tăng cường dựa trên nền tảng lịch sử quan hệ hữu nghị lâu dài. Nhật Bản cho rằng ASEAN đóng vai trò trung tâm của hợp tác khu vực là rất quan trọng đối với sự ổn định và phồn vinh của toàn khu vực Đông Á. Nhật Bản sẽ thúc đẩy đối thoại, hợp tác với các nước ASEAN về chính trị và an ninh, hỗ trợ xây dựng hạ tầng và môi trường đầu tư, tăng cường giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, đơn giản hóa thủ tục cấp visa...

Tăng cường hợp tác, tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác khu vực như: cơ chế đối thoại 3 bên Nhật - Trung - Hàn, Nhật - Mỹ - Hàn, Nhật - Mỹ - Ôxtrâylia ; hợp tác đa phương như: Nhật Bản - ASEAN, ASEAN+3, EAS, APEC, ARF. Về tăng cường trách nhiệm đối với các vấn đề khu vực, Sách Xanh cho rằng, Nhật Bản với vai trò là nền kinh tế lớn thứ hai tại châu Á, sẽ cố gắng cải thiện các mối quan hệ khó khăn với Trung Quốc nhằm “chia sẻ trách nhiệm” vì hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhật Bản cũng tăng cường ngoại giao kinh tế nhằm hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản và góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu.

3. Ngoại giao bảo đảm lợi ích

Sách Xanh Ngoại giao 2014 cũng chỉ rõ, tăng cường, mở rộng năng lực, vai trò của Nhật Bản, nhất là về ngoại giao, xây dựng “tiềm lực quốc phòng cơ động tổng hợp” phản ứng nhanh khi xảy ra tình huống; triển khai lực lượng quân đội Mỹ theo Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ và nâng cao tính răn đe của thể chế an ninh Nhật - Mỹ nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tăng cường quan hệ tin cậy, hợp tác, xây dựng quan hệ hợp tác an ninh đa tầng nấc với các đối tác trong và ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương có cùng chung giá trị và lợi ích chiến lược.

Nhật Bản sử dụng ODA mang tính chiến lược. Trong 60 năm qua (1954-2014), chính sách ODA của Nhật Bản đã góp phần xóa đói nghèo, kiến tạo hòa bình, thực hiện phát triển kinh tế bền vững cho các nước đang phát triển, giải quyết các vấn đề toàn cầu. Trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ sử dụng ODA mang tính chiến lược, vừa bảo đảm giúp đỡ các nước đang phát triển, các quốc gia mới nổi gặp khó khăn về tăng trưởng, nhờ đó cũng giúp tăng trưởng cho kinh tế Nhật Bản, đó là xuất khẩu hệ thống hạ tầng, giúp các địa phương, doanh nghiệp nhỏ và vừa hội nhập quốc tế, xuất khẩu kỹ thuật, dịch vụ y tế, tiếp nhận các chuẩn hóa quốc tế. ODA Nhật Bản được sử dụng để thúc đẩy “chủ nghĩa hòa bình tích cực”, cải thiện môi trường an ninh quy mô toàn cầu. Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGO), doanh nghiệp để triển khai thực hiện chính sách ODA.

4. Ngoại giao kinh tế Abenomics

Abenomics được Nhật Bản coi là “mũi tên thứ 3” của chính sách kinh tế, thông qua chính sách tiền tệ khổng lồ, chính sách tài chính linh hoạt, thúc đẩy đầu tư tư nhân. Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida đã đặt ngoại giao kinh tế là một trong “3 trụ cột” của chính sách ngoại giao Nhật Bản. Năm 2013 là năm Nhật Bản khởi động các cuộc đàm phán quy mô lớn nhất từ trước đến nay về các hiệp định liên kết kinh tế, gồm Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA Nhật - Trung - Hàn, Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) Nhật - EU. Nhật Bản kỳ vọng các hiệp định liên kết kinh tế này sẽ đóng góp cho việc hình thành Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) thông qua thảo luận tại APEC, góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng cho chính mình.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã thành lập Bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tại các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài, thành lập Ban thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản do Ngoại trưởng Kishida là Trưởng ban, thành lập mới Phòng hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản. Đồng thời, Nhật Bản thúc đẩy xuất khẩu hạ tầng và kỹ thuật ra nước ngoài, đặt mục tiêu tới năm 2020 đạt mức 30 nghìn tỷ yên. Thành lập các “Đặc khu chiến lược quốc gia” được hỗ trợ, ưu đãi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Tăng cường quan hệ toàn diện, cùng có lợi với các quốc gia nhiều tài nguyên, đa dạng hóa nguồn cung cấp thông qua ngoại giao cấp cao, biên chế chuyên gia về năng lượng tại các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài.

5. Sự phản ứng của Trung Quốc và Hàn Quốc

Ngày 4-4-2014, ngay sau khi Nhật Bản công bố về Sách Xanh Ngoại giao 2014, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản không có căn cứ cáo buộc chống lại Trung Quốc và cố tình mô tả Trung Quốc như một mối đe dọa. Nhật Bản gây kích động các nước trong khu vực thông qua vấn đề tranh chấp tại quần đảo Điếu Ngư và khu vực Biển Hoa Đông. Đồng thời, thúc giục Nhật Bản điều chỉnh thái độ của mình và ngừng các bình luận và hành động có tính khiêu khích gây tổn hại đến chủ quyền và các quyền hợp pháp của Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, Sách Xanh của Nhật Bản “phớt lờ sự thật cơ bản, cố tình bôi nhọ thanh danh Trung Quốc và chỉ trích Trung Quốc một cách phi lý”, bày tỏ hết sức quan ngại và kịch liệt bất bình trước việc coi Trung Quốc là mối đe dọa, cho rằng “việc làm của Nhật Bản thực chất là nhằm mở rộng năng lực quân sự”.

Trong một diễn biến khác, Trung Quốc kịch liệt phản đối việc Bộ Giáo dục Nhật Bản đã thông qua việc sửa đổi sách giáo khoa bậc tiểu học các môn xã hội, trong đó ghi rõ “quần đảo Senkaku và Takeshima là lãnh thổ vốn có của Nhật Bản”. Trung Quốc cho rằng “Nhật Bản nên nói với thế hệ sau về sự thật rằng, quần đảo Điếu Ngư là của Trung Quốc và đã bị đánh cắp bất hợp pháp”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng, “Chính phủ Hàn Quốc lấy làm tiếc trước việc Chính phủ Nhật Bản, trong Sách Xanh Ngoại giao, đã nhắc lại tuyên bố chủ quyền phi lý đối với quần đảo Dokdo, một phần lãnh thổ không thể tách rời của chúng tôi”, những tuyên bố của Nhật Bản sẽ “gây tổn hại nghiêm trọng quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á”, “Chính phủ Nhật Bản đang làm gia tăng mức độ khiêu khích”, cảnh báo “con đường hàn gắn quan hệ sẽ xa hơn” nếu Nhật Bản tiếp tục có các động thái tương tự. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc đến để phản đối. Hàn Quốc cảnh báo Nhật Bản nên hủy bỏ kế hoạch điều chỉnh nội dung sách giáo khoa trong trường học có những tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Dokdo/Takeshima.

Theo giới quan sát, những điểm mới của Sách Xanh ngoại giao Nhật Bản 2014 đã coi sự cân bằng sức mạnh là điểm nhấn quan trọng, vì tiền đề của duy trì trật tự thế giới cũ đã và đang thay đổi do những tiến triển mạnh mẽ của toàn cầu hóa và vai trò của các quốc gia mới nổi, nhất là Trung Quốc.

Các mối đe dọa quốc tế trở nên đa dạng hơn và môi trường an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang gia tăng mức độ khắc nghiệt. Trên cơ sở đó, Nhật Bản cấu trúc chính sách ngoại giao của mình xét từ quan điểm chiến lược toàn cầu và triển khai chính sách đối ngoại theo hướng bình tĩnh ứng phó.

Đối với hai nước láng giềng là Trung Quốc và Hàn Quốc, Nhật Bản một mặt khẳng định đây là hai quốc gia láng giềng quan trọng nhất, nỗ lực cải thiện quan hệ, nhưng mặt khác tiếp tục sử dụng cụm từ “mối đe dọa”, để ám chỉ Trung Quốc và coi Triều Tiên là “nhân tố rủi ro lớn nhất”, tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và Takeshima/Dokdo.

Chính sách ODA của Nhật Bản sẽ được điều chỉnh nhằm phục vụ hữu hiệu hơn cho các lợi ích của Nhật Bản ở nước ngoài, trong đó có các mục tiêu bảo đảm an ninh và lợi ích kinh tế.

Cũng theo giới phân tích, phản ứng của Trung Quốc và Hàn Quốc, tuy ở mức độ cứng rắn nhưng không đến mức cự tuyệt trong quan hệ với Nhật Bản, nhất là phía Hàn Quốc. Vì Nhật Bản và Hàn Quốc trước đó đã có kế hoạch thực hiện đối thoại cấp Cục trưởng và vấn đề cũng được hạ nhiệt sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới hai nước.

Thông qua Sách Xanh ngoại giao 2014, Nhật Bản đã nhấn mạnh cách tiếp cận đa phương, đa diện, nhiều tầng, nhiều nấc và coi trọng cải thiện quan hệ với những nước láng giềng nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia. Với chủ trương coi ngoại giao kinh tế là một trong các trụ cột của chiến lược tăng trưởng, Nhật Bản sẽ triển khai hàng loạt các giải pháp mới nhằm thúc đẩy xuất khẩu hạ tầng và kỹ thuật ra nước ngoài trong thời gian tới.

Trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản,những năm gần đây hai nước đã tiến hành hai phiên đối thoại chiến lược quốc phòng (26-11-2012 và 9-8-2013). Thông qua đối thoại, Bộ Quốc phòng hai nước đã thảo luận nhiều vấn đề quốc phòng - an ninh mà hai bên cùng quan tâm và đã đạt được những đồng thuận quan trọng, nhất là vấn đề bảo đảm an ninh biển.

Trong các cuộc thảo luận, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, ông Itsunori Onodera nhấn mạnh ý nghĩa của việc Thủ tướng Shinzo Abe chọn Việt Nam làm điểm đến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức, khẳng định Nhật Bản coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất và mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh khẳng định Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam.

Trong các cuộc đối thoại quốc phòng trước đây cũng như tại Diễn đàn Sangli-La 13 năm nay, Nhật Bản đã đề cập đến việc cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam để tăng cường khả năng thực thi pháp luật trên biển. Giới phân tích cho rằng, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách Việt Nam cần có cách thức tiếp cận hợp lý nhằm khai thác có hiệu quả chủ trương ngoại giao kinh tế, an ninh của Nhật Bản cho việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật của Việt Nam.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2014

 

Nguyễn Nhâm

Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền