Trang chủ    Thực tiễn    Hoạt động sinh kế thích ứng với tình trạng hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long
Thứ ba, 15 Tháng 6 2021 16:20
1561 Lượt xem

Hoạt động sinh kế thích ứng với tình trạng hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long

(LLCT) - Bài viết tập trung phân tích hoạt động sinh kế của cư dân vùng hạn mặn thích ứng với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, bài viết gợi mở một số giải pháp cải thiện vốn sinh kế, cải thiện môi trường dễ bị tổn thương, đổi mới cơ chế, chính sách đảm bảo hoạt động xây dựng sinh kế cho cư dân vùng hạn mặn.

Từ khóa: sinh kế vùng hạn mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

  1. Hiện trạng hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long

Trong những năm qua, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn (XNM) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn biến khá phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về hạ nguồn ít cộng với yếu tố thủy triều đưa nước biển đi sâu vào các kênh, mương nội đồng, lượng mưa giảm, nắng nóng kéo dài.

Qua quan sát tại Trạm quan trắc Cà Mau cho thấy, lượng mưa ở ĐBSCL ít thường tập trung từ tháng 12 đến tháng 4. Năm 2018, lượng mưa trung bình của toàn vùng thấp nhất là 0,2 mm vào tháng 3, các tháng 2 và 4 có lượng mưa từ 10,1-11,2 mm; thấp hơn so với lượng mưa trung bình của cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, số giờ nắng của vùng khá cao, tập trung vào khoảng tháng 2-4, số giờ nắng trung bình từ 196,6 giờ đến 248,3 giờ/tháng(1). Điều này dẫn đến tình trạng bốc hơi nhanh và làm gia tăng độ mặn. Những tác động của con người cũng góp phần không nhỏ gây ra XNM như khai thác và sử dụng nước ngầm quá mức, thay đổi mục đích sử dụng đất.

Kết quả khảo sát bằng phương pháp phân tích lịch thời vụ ở xã Vân Khánh (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang), xã Trung Bình (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) và xã Hàm Tân (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) cho thấy, xã Hàm Tân là địa phương có thời gian bắt đầu hạn mặn sớm nhất (từ tháng 11 âm lịch), số tháng hạn mặn là nhiều nhất (6 tháng) và các xã còn lại tập trung vào tháng 1. Trong khi đó, ở các địa điểm trên cùng có thời gian kết thúc hạn mặn vào khoảng tháng 5-6 dương lịch (khoảng tháng 4-5 âm lịch). Theo kết quả khảo sát bằng bảng hỏi đánh giá về thời gian hạn mặn ở các địa phương, đa số người dân và cán bộ đều cho rằng, thời gian diễn ra hạn mặn bắt đầu dao động từ tháng 11 của năm trước hoặc tháng 1 của năm sau và thời gian kết thúc vào khoảng tháng 5-6.

Như vậy, dựa vào các kết quả điều tra định tính và định lượng cho thấy, thời gian diễn ra hạn mặn ở các địa phương khảo sát kéo dài từ 4-6 tháng trong năm. Câu hỏi đặt ra là tình trạng hạn mặn tại thời điểm khảo sát diễn ra như thế nào so với năm trước và kết quả khảo sát cho thấy, có 95,3% cán bộ và 75,5% người dân đánh giá tình trạng hạn mặn diễn ra sớm hơn và 90,6% cán bộ và 79,3% người dân đánh giá ở mức độ nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân là do, năm 2019-2020, trên lưu vực sông Mekong ít nước, lưu lượng về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn cả năm 2015-2016 (năm xuất hiện XNM kỷ lục). Trong thực tế, tháng 1, 2 và 3-2020, lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong (trạm Kratie - Campuchia) về đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, khoảng 18­ ÷ 20% và ở mức xấp xỉ cùng kỳ năm 2016 do có tác động giảm xả nước của các hồ thủy điện ở thượng nguồn(2).

2. Sự thích ứng của cư dân với tình trạng hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long

Trước tình trạng hạn mặn ngày càng nghiêm trọng, người dân ở ĐBSCL đã có những thay đổi trong chiến lược sinh kế để bảo đảm ổn định cuộc sống.

Sự lựa chọn mô hình sinh kế

Trước tình trạng hạn mặn diễn biến phức tạp người dân đã có những xu hướng lựa chọn mô hình sản xuất nào? Để đánh giá vấn đề này, nghiên cứu tiến hành khảo sát nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý và người dân địa phương để có thể phản ánh đầy đủ thực trạng về chuyển đổi mô hình sinh kế. Kết quả cho thấy, có hơn 50% số cán bộ được khảo sát cho rằng, người dân ở địa phương đã chuyển sang nuôi thuỷ sản và chuyển đổi cây trồng phù hợp. Cũng có một tỷ lệ dưới 50% số cán bộ cho rằng, người dân đã chuyển sang mô hình lúa tôm, chuyển từ trồng lúa sang chăn nuôi, hoặc chuyển sang hoạt động đánh bắt xa bờ và chuyển sang hoạt động phi nông nghiệp.

Như vậy, qua quan điểm của cán bộ cho thấy, hoạt động nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi cây trồng phù hợp là hai mô hình sinh kế được cư dân lựa chọn nhiều để thích ứng với hạn mặn. Điều này cũng hoàn toàn hợp lý vì khi đất nhiễm mặn, hiệu quả canh tác không cao thì cán bộ địa phương phải có quy hoạch cụ thể về diện tích nuôi trồng thủy sản hoặc nghiên cứu tìm kiếm cây trồng có khả năng chịu mặn để giảm thiểu rủi ro trong sản xuất xuống mức thấp nhất, bảo đảm ổn định sinh kế của người dân. Đối với cán bộ địa phương, kết quả khảo sát cho thấy, có 34,0% người dân cho rằng họ có chuyển mô hình sản xuất. Cụ thể các mô hình sản xuất được cư dân thay đổi là:

+ Trong hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Kết quả khảo sát cho thấy, có 17,6% người dân có sinh kế trong hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trả lời rằng họ chuyển mô hình sản xuất. Trong đó, có 45,8% cho rằng họ chuyển sang nuôi tôm, cá hoặc các loài khác; 41,7% chuyển sang mô hình lúa - tôm; 12,5% chuyển sang hoạt động đánh bắt xa bờ. Điều này cho thấy, cư dân có sinh kế trong hoạt động này ít có sự thay đổi, nếu có thay đổi thì họ chỉ lựa chọn cách thức nuôi và loại thủy sản phù hợp để thích ứng với hạn mặn hoặc thay đổi phương thức đánh bắt thủy sản.

+ Trong hoạt động canh tác nông nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy, 51,7% người dân chuyển đổi mô hình sản xuất. Trong đó, có 66,7% người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp, 20,6% chuyển sang mô hình lúa - tôm, 4,8% chuyển sang mô hình nuôi trồng thủy sản; 3,2% chuyển trồng lúa sang chăn nuôi và 4,8% chuyển sang làm dịch vụ nông nghiệp và thủy sản. Điều này cho thấy, người dân vẫn duy trì hoạt động canh tác nông nghiệp nhưng đã có sự chuyển đổi cây trồng theo hướng thích ứng với hạn mặn. Ngoài ra, các nghiên cứu tìm ra các giống lúa chịu mặn đã góp phần làm giảm thiệt thại cho người dân trong điều kiện xâm nhập mặn.

+ Trong hoạt động phi nông nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy, có 36,2% người dân trả lời họ có chuyển đổi mô hình sản xuất. Trong đó, có 58,8% chuyển sang hoạt động làm dịch vụ nông nghiệp và thủy sản; 41,2% chuyển sang buôn bán hoặc làm dịch vụ khác. Kết quả này đã phản ánh, các hộ gia đình có sinh kế phi nông nghiệp vẫn duy trì hoạt động sinh kế này nhưng hình thức hoạt động có thể khác so với hoạt động trước đó của gia đình. Chẳng hạn, nếu trước đây họ buôn bán thì bây giờ chuyển sang hoạt động dịch vụ nông nghiệp, thủy sản. Hầu hết, các cư dân có sinh kế này không chuyển sang sinh kế nông nghiệp hoặc nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

Như vậy, qua kết quả khảo sát cho thấy, cư dân vùng hạn mặn vẫn duy trì mô hình sinh kế cũ nhưng cách thức hoạt động của mô hình có thay đổi. Một số ít hộ gia đình có sinh kế canh tác nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp hoặc nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; trong khi đó cư dân có sinh kế trong hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản không chuyển sang canh tác nông nghiệp mà chuyển sang sinh kế phi nông nghiệp.

Áp dụng khoa học và đầu tư công nghệ vào hoạt động sản xuất

Kết quả khảo sát cho thấy, có 39,7% người dân trả lời có áp dụng khoa học vào hoạt động sản xuất, trong đó 67,2% cư dân có sinh kế trong hoạt động canh tác nông nghiệp, 22,6% cư dân có sinh kế nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, 20,5% cư dân làm các công việc phi nông nghiệp. Khi được hỏi về lợi ích của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, có 60,5% người dân cho rằng việc này giúp giảm được tác động xấu của thời tiết, 56,3% cho rằng giảm rủi ro trong sản xuất và 47,1% cho rằng tăng năng suất. Có thể nói, áp dụng và đầu tư công nghệ vào sản xuất đã góp phần làm cho sinh kế của cư dân vùng hạn mặn được ổn định.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy, có hơn 50% tổng số người dân chưa áp dụng khoa học và đầu tư công nghệ vào sản xuất. Nguyên nhân của tình trạng này phần lớn là do họ không có nguồn lực, sợ rủi ro và trình độ hạn chế. Qua thống kê các ý kiến trả lời có 59,9% người dân và 68,3% cán bộ cho rằng, người dân không áp dụng khoa học và đầu tư công nghệ là do thiếu vốn; 63,7% người dân và 34,1% cán bộ cho rằng do sợ rủi ro; 30,6% người dân và 68,3% cán bộ cho rằng do trình độ hạn chế. Có thể nói, nguyên nhân chính khiến người dân không áp dụng đầu tư công nghệ là do họ thiếu vốn và sợ rủi ro. Điều này hoàn toàn phù hợp trong thực tế vì hoạt động nuôi trồng thủy sản có chi phí đầu tư lớn, đòi hỏi nguồn vốn nhiều nhưng thời tiết thất thường đã khiến cho người dân không dám mạo hiểm. Như vậy, hoạt động thích ứng với hạn mặn thông qua đầu tư công nghệ, áp dụng khoa học công nghệ vẫn còn hạn chế. Do đó, để xây dựng sinh kế bền vững cho cư dân vùng hạn mặn cần chú ý đến đẩy mạnh đầu tư và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Kết quả khảo sát phản ánh có sự khác nhau về quyết định áp dụng khoa học và đầu tư công nghệ vào sản xuất ở các nhóm dân cư có sinh kế trong các hoạt động sản xuất.

+ Đối với cư dân có sinh kế nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Các hoạt động sản xuất mô hình này thường phụ thuộc nhiều vào nguồn nước. Do đó, trong bối cảnh hạn mặn, cư dân đã có nhiều biện pháp để thích ứng. Thí dụ như pha loãng nồng độ muối trong nước nuôi trồng từ hệ thống tưới tiêu của địa phương; đắp đê; xây cống thoát nước cao hơn; xây dựng thêm cống thoát nước nhằm hạn chế ảnh hưởng triều cường. Mặt khác, người dân đã thay đổi giống loài thủy sản, đổi mới các kỹ thuật nuôi và hạn chế quy mô nuôi trồng để tránh tổn thất. Có thể nói, các hoạt động thích ứng này đã góp phần củng cố sinh kế của người dân trong hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, nhằm hạn chế những rủi ro do thiên tai mang lại.

+ Đối với cư dân có sinh kế canh tác nông nghiệp: họ phải điều chỉnh các hoạt động để ứng phó với tình trạng ngập lụt làm mất đất canh tác, tình trạng xâm nhập mặn, thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Người dân thường có những biện pháp thích ứng như làm giảm độ mặn bằng cách rửa mặn cho đất, những vùng đất nhiễm mặn được chuyển sang nuôi trồng thủy sản (ví dụ nuôi tôm), trồng những giống cây chịu được mặn và tăng cường nạo vét kênh, mương để thoát nước mặn ra khỏi ruộng đồng.

Đầu tư giáo dục cho con cái để có nghề nghiệp ổn định

Thực tế cho thấy, giáo dục là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy di động xã hội, những người có trình độ học vấn càng cao thì tính di động xã hội càng lớn. Các nghiên cứu trước đây cũng chỉ rõ, giáo dục là yếu tố quan trọng tạo ra sự chuyển đổi thành công cấu trúc nghề nghiệp trong bối cảnh xã hội đang chuyển đổi. Nhận thức được điều này, có tới 93,7% người dân cho rằng họ sẵn sàng đầu tư giáo dục cho con cái, trong đó có 90,5% cư dân có sinh kế canh tác nông nghiệp, 95,6% cư dân có sinh kế nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, có 95,7% cư dân có sinh kế phi nông nghiệp. Điều này cho thấy, các hộ gia đình vùng hạn mặn ở ĐBSCL đã có sự chuẩn bị cho tương lai của con cái, góp phần giúp tính di động nghề nghiệp trong các hộ gia đình ở vùng hạn mặn diễn ra ngày càng nhanh hơn. Các dữ liệu định tính cũng cho thấy, đa số hộ gia đình không mong muốn con cái theo nghề nông bởi công việc vất vả nhưng thu nhập thấp; trong khi thời tiết ngày càng khắc nghiệt đã tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống. Cho nên, theo họ đầu tư giáo dục cho con cái là đầu tư lâu dài. Như vậy, các bằng chứng định lượng và định tính cho thấy, các hộ gia đình đã có ý thức đầu tư giáo dục cho con cái và xem đây là biện pháp thích ứng lâu dài của nhiều hộ gia đình vùng hạn mặn.

Di cư là phương án thích ứng với rủi ro do thiên nhiên

Hoạt động di cư được xem là một biện pháp thích ứng đối với biến đổi khí hậu. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, di cư được coi là phương tiện sinh kế để giúp người dân có thể thoát nghèo, vì họ di chuyển từ nơi ít có cơ hội việc làm, thu nhập thấp đến nơi có nhiều cơ hội làm việc, thu nhập cao hơn. Chính vì thế, họ sẵn sàng chấp nhận tha phương cầu thực để mong tìm kiếm cơ hội đổi đời. Bằng chứng của các nghiên cứu quốc tế(3) đã khẳng định, di cư có tác động khá mạnh mẽ đến sự phát triển của nơi đến và nơi đi. Hogo (1993) cho rằng, xét về phương diện kinh tế, di cư làm tăng thu nhập của các gia đình có người di cư. Tiền gửi về của người di cư cho gia đình, nếu được đem đầu tư sẽ là một phương tiện thúc đẩy phát triển kinh tế trong các làng quê(4). Nghiên cứu của Castles cho rằng, di dân đã đóng góp tích cực vào việc giảm áp lực của nghèo đói và bất bình đẳng(5). Có thể nói, di cư có tác động tích cực đến sinh kế của người dân.

Theo UN (2014)(6), có mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu với di cư và tái định cư. “Di cư thường được cho là giải pháp tiềm năng để đối phó và giảm nhẹ tác động của các hiểm họa khí hậu và mang lại lợi ích cho những đối tượng dễ bị tổn thương”. Cũng theo nghiên cứu tại hai tỉnh Long An và Đồng Tháp cho thấy, “áp lực môi trường có ảnh hưởng lớn đến sinh kế, và hai trong số ba nguyên nhân hàng đầu dẫn đến di cư là do khó khăn về sinh kế và thu nhập tại các vùng di cư đi”(7).

Có thể nói, di cư tự phát ở các tỉnh Tây Nam Bộ được xem là di chứng của hạn mặn. Trong đợt hạn mặn năm 2016, chỉ riêng hai tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng đã có hơn 40.000 người bỏ quê đi làm ăn xa do họ bị mất sinh kế, trong đó có không ít lao động trẻ. Bởi lẽ, hạn mặn đã làm đảo lộn toàn bộ sinh kế của người dân, đất nhiễm mặn canh tác không hiệu quả, mùa màng bị thất thu nên không có vốn để tái đầu tư. Trong bối cảnh hạn mặn, người dân của các tỉnh ĐBSCL đã xem di cư là một chiến lược để bảo đảm sinh kế, vì thế trong những năm qua, một số tỉnh ở ĐBSCL có tỷ lệ di cư khá nhiều như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, v.v.  Khảo sát của nghiên cứu cũng cho thấy, có 97,6% cán bộ khẳng định người dân bỏ đất, bỏ nhà đi làm ăn xa là do tác động của hạn mặn. Có 91,8% cán bộ cho rằng do đất sản xuất không hiệu quả và có 25,9% cho rằng, mất đất sản xuất do ngập lụt và xâm nhập mặn; có 25,9% cho rằng do không có vốn để tái sản xuất.

Về phía người dân, nghiên cứu đã khảo sát về ý định di cư khi gặp khó khăn trong sản xuất và kết quả cho thấy, có 56,7% người dân cho rằng họ có dự định di chuyển lên các thành phố/tỉnh khác để tìm việc. Trong đó, nhóm 20% thu nhập thấp nhất có ý định di cư chiếm 62,3% so với 40,7% của nhóm 20% thu nhập cao nhất; người dân có sinh kế trong nuôi trồng thủy sản dự định di cư chiếm 66,4% so với 44,8% của cư dân có sinh kế hoạt động canh tác nông nghiệp. Điều này cho thấy, người dân có ý định di cư đều tập trung vào nhóm có thu nhập thấp nhất và hoạt động sinh kế có rủi ro cao, vốn đầu tư nhiều. Như vậy, di cư được xem là phương án sinh kế thay thế khi gặp rủi ro do tác động của thiên tai. 

3. Kiến nghị

Như vậy, nghiên cứu sử dụng đa dạng phương pháp như điều tra xã hội học, phương pháp đồng tham gia để đánh giá thực trạng sinh kế của cư dân vùng hạn mặn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hạn mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng trong những năm gần đây và tác động đến sinh kế của cư dân ở các địa phương khảo sát như Kiên Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh. Nghiên cứu chỉ ra rằng, sinh kế của cư dân vùng hạn mặn chủ yếu là hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Đây là loại sinh kế thường gắn với đất và nước cho nên gặp khó khăn khi thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là hạn mặn.

Kết quả khảo sát cho thấy, người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi sinh kế, nếu có chuyển đổi thì chỉ thay đổi cách thức sản xuất. Để giúp cho người dân vùng hạn có chuyển đổi sinh kế nhằm bảo đảm tính bền vững, nghiên cứu gợi mở một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, cải thiện môi trường dễ bị tổn thương. Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã làm đảo lộn sinh kế của người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm. Điều này đã làm gia tăng tính dễ bị tổn thương cho sinh kế của cư dân. Vì thế, cải thiện môi trường là rất cần thiết. Để làm được điều này, trước hết là cần tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng chống hạn mặn; tiếp đến là nâng cao chất lượng công tác dự báo và tập huấn kiến thức về sản xuất và kinh nghiệm ứng phó với hạn mặn.

Thứ hai, cải thiện hoạt động sinh kế bằng việc đa dạng hóa sinh kế; tư vấn, hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm tại chỗ cho bà con nông dân; đảm bảo cơ chế chính sách trong xây dựng sinh kế bền vững cho cư dân thông qua việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ tư liệu sản xuất; đồng thời đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với xây dựng nông thôn mới; phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý thực thi các chính sách giữa các đơn vị có liên quan.

Thứ ba, cải thiện các nguồn lực sinh kế. Các nguồn lực sinh kế có ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược sinh kế của cư dân vùng hạn mặn. Để làm được điều này, cần chú trọng nâng cao chất lượng nhân lực ở địa phương; đầu tư phương tiện sản xuất hiện đại, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường...

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2021

(1) Tổng Cục thống kê: Niên giám thống kê năm 2018, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.48,51.

(2) Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang: Báo cáo tình hình hạn mặn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, 2020.

 (3) PAI: Why population matters to Migration and Urbanization, 2011.

(4) Hugo, Qraene J.: Migan woment in development countries. In expert meetinh on the feminization of internal migration, UN secretariat, New York, 1993.

(5) Castles: Internation migration at the beginning ot the twenty- first century global trends and issues, UNESCO, 2000.

(6) UN: Di cư, tái định cư và biến đổi khí hậu tại Việt Nam: Giảm nhẹ mức độ phơi bày trước hiểm họa và tổn thương từ khí hậu cực đoan thông qua di cư tự do và di dân theo định hướng, Hà Nội, 2014.

(7) Jane Chun - Lê Thanh Sang: Nghiên cứu và Đối thoại chính sách về biến đổi khí hậu, di cư và tái định cư tại Việt Nam, UN Việt Nam, Hà Nội, 2012.

ThS Phan Thuận

Học viện Chính trị Khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền