Trang chủ    Thực tiễn    Phát triển thêm nhiều doanh nghiệp để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Thứ ba, 15 Tháng 4 2014 15:24
3087 Lượt xem

Phát triển thêm nhiều doanh nghiệp để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

(LLCT) - Hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế quan trọng, từng bước hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Tuy vậy, Việt Nam vẫn nằm trong số những nước có nền kinh tế chậm phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp. Để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Việt Nam cần có những chính sách kích cầu nhằm phát triển hơn nữa các doanh nghiệp - các tế bào của nền kinh tế.
 

Trong những năm qua, Việt Nam với những chính sách kinh tế hợp lý đã tạo đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và đi liền với đó là tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể, năm 2000, Việt Nam chỉ có 14.453 doanh nghiệp mới được đăng ký kinh doanh, thì đến năm 2007 đã lên tới 58.196 doanh nghiệp được đăng ký kinh doanh, tức là tổng số doanh nghiệp đã tăng gấp 4 lần. Theo thống kê của Cục Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bình quân mỗi năm tính từ 2000 đến 2009, tỷ lệ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp mới là trên 22%.    

Từ những thập niên cuối thế kỷ XX, một xu hướng hình thành các khối liên minh trong các khu vực với nhiều hình thái khác nhau đã xuất hiện. Theo dự báo của các nhà chuyên môn về quan hệ quốc tế thì xu hướng này thậm chí còn mạnh mẽ hơn trong tương lai.      

Tái xây dựng, tái cấu trúc, rút gọn quy mô và đổi mới công nghệ đang dẫn đến một thế giới trong đó quan hệ sản xuất dây chuyền giữa các công ty có thể trở thành một tiêu chuẩn. Khả năng thương lượng những khối liên minh phức hợp và quản lý những mạng lưới quan hệ phức tạp sẽ ngày càng trở nên quan trọng, nhu cầu và đòi hỏi của người tiêu dùng đối với những dòng sản phẩm ngày càng khắt khe. Năng lực cũng như tư duy điều hành các mô hình kinh doanh mới là vấn đề sống còn đối với một doanh nghiệp toàn cầu thành công.

Các con số thống kê cho thấy, trong vài thập niên cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ nhất của các hoạt động khởi nghiệp kinh doanh trên khắp thế giới. Tại Mỹ, trong suốt 10 năm liền từ cuối những năm thế kỷ XX, mỗi năm có thêm 600 nghìn công ty mới thành lập. Xu thế đồng loạt thành lập mới, mở rộng hoặc phát triển công ty trong thời gian này đã thể hiện một cách rõ ràng sự hưng thịnh của các hoạt động kinh doanh. Cụ thể hơn, bước sang thế kỷ XXI, con số các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ đã lên đến 26 triệu, tăng trưởng ở mức trung bình 2%/năm. Tương ứng như vậy, doanh thu hàng năm từ các công ty đạt tới 20 nghìn tỷ USD(1).     

Theo Cục Quản lý Doanh nghiệp nhỏ Hoa Kỳ, trong năm 2005 đã có 672 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập. Đây là con số lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ (thậm chí nhiều hơn 12% so với giai đoạn bùng nổ các doanh nghiệp dotcom). Theo báo cáo của Tổ chức Thuế phi lợi nhuận (Tax Foundation), các doanh nhân đã đóng góp đến 54% trong tổng số thuế thu nhập cá nhân trong toàn quốc. Hơn nữa, 60% thuế doanh nghiệp thu được là từ các công ty nhỏ. 37% trong số những người phải trả thuế thu nhập cá nhân là các doanh nhân. Những con số này đưa đến một kết luận là các doanh nghiệp mới đang thống trị nền kinh tế Mỹ - một nền kinh tế thương mại thực thụ(2).

Nước Mỹ có tốc độ thành lập các doanh nghiệp rất cao. Hằng năm, có 600 nghìn doanh nghiệp thuê nhân công được thành lập, cùng với khoảng 2 triệu doanh nghiệp tự làm chủ khác cũng đi vào hoạt động. Trung bình cứ 300 người trưởng thành ở Mỹ thì sẽ có thêm 1 doanh nghiệp với nhân công thuê được thành lập. Cùng với xu hướng phát triển số lượng các doanh nghiệp mới trên thế giới, Việt Nam cũng nằm trong trào lưu này. Trong giai đoạn 2000 - 2009, số lượng đăng ký kinh doanh trung bình tăng 22% mỗi năm. Trong thời gian này, số lượng các doanh nghiệp ở Việt Nam đã tăng đáng kể, riêng năm 2000 - 2001 tăng 37%, 2003 - 2004 tăng 34% và 2008 - 2009 tăng 29%. Trong năm 2008 và 2009, mặc dù nền kinh tế khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, số lượng doanh nghiệp được đăng ký vẫn tiếp tục tăng. Số lượng doanh nghiệp đăng ký năm 2008 tăng 12,2% so với 2007, số lượng doanh nghiệp đăng ký năm 2009 tăng 29,4% so với năm 2008.

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, từ năm 2006 - 2008 đã có 155.771 doanh nghiệp hoạt động trên toàn quốc, phần lớn là doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể, chỉ có 3.494 doanh nghiệp nhà nước (chiếm 2%), các doanh nghiệp ngoài nhà nước 147.316 (chiếm 94%) và các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 4.961 (chiếm 3%).        

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước đã có gần 312 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký. Vì vậy, khoảng 50% số doanh nghiệp đăng ký được coi là đang hoạt động trong năm 2007.      

Cũng theo Tổng cục Thuế, tính đến cuối năm 2008, có hơn 303 nghìn doanh nghiệp đóng thuế. Cùng thời điểm đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký là hơn 378 nghìn. Như vậy, tỷ lệ các doanh nghiệp đang hoạt động, so với các doanh nghiệp đã đăng ký là 80,2%. Tỷ lệ tương tự ở các nước OECD là 60 - 70% sau 2 năm hoạt động, và 40 - 50% sau 7 năm hoạt động(3).          

Bảng 1: Số doanh nghiệp đăng ký trong giai đoạn 2000-2009

Năm

Số lượng đăng ký kinh doanh

Tỷ lệ phát triển (%)

Tổng

2000

14.453

-

14.453

2001

19.642

35,9

34.095

2002

21.668

10,31

55.763

2003

27.774

28,18

83.537

2004

37.306

34,32

120.843

2005

39.958

7,11

160.801

2006

46.744

16,98

207.545

2007

58.196

24,5

265.741

2008

65.296

12,2

331.037

2009

84.493

29,4

415.530

2010

59.000

14, 2

474.530

2011

77.548

16, 3

552.078

9/2012

51.000

9, 2

603.078

Nguồn: Cục Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trên thế giới, trong những năm cuối thập niên 90 thế kỷ XX, các công ty lớn tồn tại lâu dài trong các ngành công nghiệp cũ đã tìm cách thích nghi, thu gọn, tái cấu trúc và đổi mới để phát triển. Giờ đây họ quay lại mạnh mẽ và nhanh nhạy hơn. Các công ty này đã học được cách thích ứng với môi trường kinh doanh tự do, trở nên linh hoạt hơn, doanh số bán hàng và lợi nhuận cũng tăng rõ nét. Chẳng hạn, trong vòng 20 năm, General Electric (Hoa Kỳ) đã cắt giảm 40% nhân công, từ 400 nghìn xuống còn 240 nghìn nhân viên; nhưng doanh số bán hàng của họ lại tăng gấp 4 lần, từ dưới 20 tỷ USD lên gần 80 tỷ USD. Một trường hợp ở Việt Nam là Tập đoàn FPT đã nhanh chóng chuyển đổi hướng kinh doanh mũi nhọn từ việc kinh doanh xuất nhập khẩu, chế biến lương thực thực phẩm (chữ gốc FPT ban đầu có nghĩa là Food Processing Technology - chế biến thực phẩm, sau này (năm 1990) đã đổi thành Financing Promoting Technology - Công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ) sang lĩnh vực kinh doanh chính là cung cấp các dịch vụ liên quan công nghệ thông tin. Với chiến lược thay đổi mũi nhọn kinh doanh, FPT đã gặt hái được nhiều thành công quan trọng trong các lĩnh vực như: phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin và điện thoại di động; tích hợp hệ thống; giải pháp và xuất khẩu phần mềm; dịch vụ ERP; cung cấp các giải pháp - dịch vụ viễn thông và internet; lắp ráp máy tính; cung cấp dịch vụ truyền thông và giải trí; đào tạo nguồn nhân lực... Trong rất nhiều trường hợp, các công ty đạt được mục tiêu của họ khi quay về với những giá trị cốt lõi nhất của mình và thuê các công ty nhỏ hơn thực hiện nhiều công đoạn phụ mà trước đây họ tự làm.       

Trong khi các công ty lớn liên tục đổi mới để thích ứng thì các công ty nhỏ cũng không ngừng được thành lập. Thí dụ Công ty Nucor Corporation (Hoa Kỳ), cách đây 20 năm chỉ là một công ty sản xuất thép khiêm tốn với vài trăm công nhân. Tuy nhiên, họ sở hữu độc quyền một công nghệ đúc thép tấm mỏng mới. Trong khi các công ty thép khác liên tục sụp đổ vì khủng hoảng thì công nghệ này đã giúp Nucor Corporation đứng vững và phát triển. Số nhân công lên tới 59 nghìn người, doanh thu bán hàng là 3,4 tỷ USD với 274 triệu USD lợi nhuận. Các công ty mới hơn - một số ra đời trong khoảng 25 năm lại đây - đã tạo ra tổng cộng 1,4 triệu việc làm trong 10 năm qua(4).     

Với các xu hướng phát triển doanh nghiệp trên đây, các doanh nghiệp mới đã đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế sôi động trong thời gian qua. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Liên bang (Hoa Kỳ), các tổ chức kinh doanh và công ty nhỏ ở nước này đã cung cấp trên 12 triệu việc làm mới, trong đó trên 2/3 số này từ những công ty siêu nhỏ (dưới 20 người làm việc). Trong thập niên vừa qua, những dự án công nghiệp bởi những công ty, tổ chức kinh doanh nhỏ đã đóng góp 60% việc làm mới và nắm trên 40 triệu nhân công. 99,7% ông chủ của những doanh nghiệp và 96% ông chủ của những công ty xuất khẩu ở Hoa Kỳ là những tổ chức kinh doanh và công ty nhỏ.    

Theo kết quả nghiên cứu của John Calverley từ Ngân hàng Standard Chartered, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm phần lớn số doanh nghiệp ở châu Á, đóng góp 30 - 60% GDP và chiếm khoảng 50% lực lượng lao động chính thức. Một số nghiên cứu gần đây nói rằng SME chỉ chiếm khoảng 16% GDP của các nền kinh tế có mức thu nhập thấp, 39% GDP của các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình và 51% GDP của các nền kinh tế có mức thu nhập cao. Tiến trình toàn cầu hóa đã và đang đem đến nhiều cơ hội cho các SME tự quảng bá và tiếp thị, trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khối ASEAN cũng như giữa  ASEAN với các nước Ốtxtrâylia, Niu Dilân, Trung Quốc, Ấn Độ đã và đang hình thành.       

Hiện tại, Trung Quốc có khoảng 42 triệu SME, thu hút tới 75% lực lượng lao động và đóng góp khoảng 60% GDP. Ở Ấn Độ, SME và doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 45% ngành chế tạo và cung cấp khoảng 40% lượng hàng hóa xuất khẩu. Trong khi đó, tại Inđônêxia, SME đóng góp 55% GDP, trong lúc SME của Hàn Quốc cung cấp 87,7% chỗ làm việc. Ở Malaixia, SME chiếm đa số doanh nghiệp, cung cấp 56% tổng số việc làm và đóng góp 32% vào GDP.           

Cũng tương tự, Philíppin đang có những bước đi rất đúng đắn để tạo dựng một nền kinh tế phát triển. Sau 31 năm chìm trong khủng hoảng chính trị và kinh tế, lần đầu tiên họ đã đạt được mức tăng trưởng GDP 7,4% (2007). Kết quả phát triển kinh tế ấy, phần lớn là sự đóng góp của những công ty nhỏ và siêu nhỏ. Lực lượng lao động thuộc những công ty nhỏ và siêu nhỏ chiếm 69,2%.        

Thực tiễn đã khẳng định, các doanh nghiệp mới có hai đóng góp thiết yếu đối với nền kinh tế quốc gia và quốc tế.     

Thứ nhất, các doanh nghiệp mới là một bộ phận quan trọng trong quá trình đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường; đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi về mặt công nghệ và tăng năng suất lao động; phân chia lại cơ cấu thị trường, làm cho nền kinh tế thế giới trở nên năng động và sống động hơn.    

Thứ hai, các doanh nghiệp mới đã góp phần tạo việc làm cho hàng triệu người; đóng vai trò thiết yếu tạo ra sự gắn kết các hoạt động kinh doanh truyền thống và công nghệ cao lại với nhau. Sự thành lập các công ty cũng là điều kiện tiên quyết dẫn đến tăng trưởng việc làm trên khắp thế giới.

Theo báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2011 của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB), tính đến hết ngày 31-12-2011, cả nước có 622.977 doanh nghiệp, trong đó đã giải thể 79.014 doanh nghiệp. Tính riêng năm 2011, số doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh đạt 77.548, với số vốn đăng ký trên 513 nghìn tỷ đồng. Tuy số lượng doanh nghiệp đăng ký lớn, nhưng trên thực tế số lượng doanh nghiệp hoạt động thấp hơn rất nhiều, chỉ khoảng trên 290 nghìn doanh nghiệp.        

Năm 2011 là một năm khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đã chậm lại so với năm 2010, GDP đạt 5,89%. Tính hết năm 2011, tổng doanh nghiệp đã giải thể là 79.014 doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp tư nhân đã giải thể 2.082 doanh nghiệp, công ty TNHH một thành viên là 16.748 doanh nghiệp, công ty TNHH 2 thành viên trở lên là 18.826 doanh nghiệp. Nhiều nhất là số công ty cổ phần với 41.357 doanh nghiệp, ít nhất là công ty hợp danh với chỉ một doanh nghiệp.      

Năm 2012, nền kinh tế Việt Nam lại càng khó khăn, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2012 tăng 5,2%, trong đó quý I tăng 4%; quý II tăng 4,66%; quý III tăng 5,05%; quý IV ước đạt 5,44%. Như vậy, tốc độ phát triển kinh tế thấp, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện nguồn vốn tín dụng hạn hẹp, lãi suất đã bắt đầu giảm xuống nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp và đặc biệt việc tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng cũng còn gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giảm hiệu quả, thậm chí bị thua lỗ.           

Bảng 2:Tỷ lệ số người trên một doanh nghiệp ở một số quốc gia

Quốc gia

 

Dân số

(người)

 

Số

doanh nghiệp

 

Thu nhập bình quân (USD)

 

Trung bình người/

doanh nghiệp

Xingapo

Hoa Kỳ

Nhật Bản

Đức

Philíppin

Việt Nam

5.183.000

313.802.000

127.799.000

81.799.600

92.337.832

91.519.209

161.000

6.500.000

4.703.000

1.665.329

780.437

448.393

49.270

48.386

34.739

37.896

4.073

1.300

32

48

27

49

118

204

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ nhiều nguồn.

Số lượng doanh nghiệp cao hay thấp sẽ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định mức thu nhập cao hay thấp của một quốc gia. Hay nói cách khác, để phát triển kinh tế của một quốc gia, thì quốc gia đó cần phải đưa ra một chiến lược dài hạn nhằm phát triển, nâng cao số lượng doanh nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ từ việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, đến việc hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.      

Nhìn vào bảng thống kê trên ta thấy Xingapo là nước có tỷ lệ số người trên một doanh nghiệp thấp nhất, chỉ có 32 người/1 doanh nghiệp, trong khi đó mức thu nhập bình quân đầu người ở Xingapo lại cao nhất (49.270 USD/người, năm 2011). Các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức cũng tương tự với tỷ lệ lần lượt 48 người, 27 người và 49 người/doanh nghiệp và thu nhập bình quân đầu người của họ cũng rất cao như Hoa Kỳ thu nhập bình quân 48.386 USD/người, Nhật Bản có thu nhập bình quân 34.739 USD/người và Đức có thu nhập bình quân 37.896 USD/người. Trong khi đó, nhóm các quốc gia có thu nhập thấp, mà đơn cử Philíppin và Việt Nam chỉ có mức thu nhập 4.073 USD/người và 1.300 USD/người và khi ta nhìn vào tỷ lệ số người trên một doanh nghiệp lại rất cao.    

Nhìn vào bảng thống kê (bảng 2) cho thấy, nếu Việt Nam muốn có nền kinh tế phát triển như Xingapo, chúng ta cần phải có khoảng 3 triệu doanh nghiệp, tức là chúng ta còn thiếu khoảng 2,5 triệu doanh nghiệp, nếu so với Hoa Kỳ, hay Nhật, Đức thì chúng ta cũng cần có thêm khoảng 2 triệu doanh nghiệp tức là chúng ta còn thiếu khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp             

_______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2013

(1) Donald F. Kuratko, “A Tribute to 50 Years of Exellence in Entrepreneurship and Small Business”, Journal of Small Business Management 44, số 3 (2006): 483-92.

(2) www.bizstat.com, June 2005; U.S. Small Business Administration (SBA), www.sba.gov, 2006.      

(3) “Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam: Khát khao ra “biển lớn”, Báo Điện tử VietNamNet (http://vef.vn.).

(4) Benyamin B.Lichtenstein, Kevin J. Dooley,
and G.T. Lumpkin, “Measuring Emergence in the Dynamics of New Venture Creation,” Journal of Business Venturing 21, số 2 (2006).    

 

TS Đinh Việt Hòa

Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền