Trang chủ    Thực tiễn    Chất lượng tăng trưởng kinh tế của thủ đô Hà Nội - nhìn từ hiệu quả đầu tư
Thứ năm, 24 Tháng 4 2014 10:53
2600 Lượt xem

Chất lượng tăng trưởng kinh tế của thủ đô Hà Nội - nhìn từ hiệu quả đầu tư

(LLCT) - Thời gian qua, Hà Nội đã thu được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của Thủ đô vẫn còn nhiều bất cập, kết quả đạt được còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế sẵn có của Thủ đô. Một trong những nguyên nhân làm hạn chế chất lượng tăng trưởng kinh tế của Hà Nội trong thời gian qua là hiệu quả sử dụng vốn đầu tư còn thấp.

 

1. Thực trạng thu hút và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Hà Nội

 Tăng trưởng kinh tế có chất lượng là sự tăng trưởng kinh tế với nhịp độ tương đối cao, diễn ra liên tục trong một thời gian dài, đồng thời sự tăng trưởng đó phải bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội và cải thiện môi trường. Để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế cần phải tiến hành nhiều nội dung khác nhau, mà một trong những nội dung quan trọng là sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Với những ưu thế về tự nhiên và xã hội, trong thời gian vừa qua, Hà Nội đã thu hút được một lượng vốn đầu tư đáng kể, tốc độ thu hút vốn đầu tư tăng rất nhanh và đặc biệt là tỷ lệ vốn đầu tư trên giá trị tổng sản phẩm (GDP) tăng thêm của Hà Nội thuộc vào hạng cao nhất nước. Nếu năm 2005, lượng vốn đầu tư của Hà Nội chỉ chiếm12,35% lượng vốn đầu tư của cả nước (42.384 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư cả nước là 343.135 tỷ đồng), thì trong giai đoạn 2006- 2008 tỷ trọng đó đã tăng lên trên 16% và vào những năm 2009-2011 lên tới trên 20%, đặc biệt năm 2011, lượng vốn đầu tư của Hà Nội chiếm 22,05% lượng vốn đầu tư của cả nước. Cơ cấu vốn đầu tư phát triển ngày càng được cải thiện theo hướng tăng dần tỷ trọng nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Công tác xã hội hóa đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh, Hà Nội là địa phương luôn đi đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cả về số lượng dự án lẫn quy mô vốn đăng ký.

Tỷ trọng vốn đầu tư so với GDP của Hà Nội và cả nước

                                                                                                                               (Đơn vị tính: Tỷ đồng theo giá thực tế)

Chỉ tiêu

Năm

Năm

Năm

Năm

Năm

Năm

2005

2006

2008

2009

2010

2011

Hà Nội

GDP

92425

110736

178535

205890

246 737

283767

(1)Vốn đầu tư  (VĐT)

42384

67180

99013

147815

175063

193587

VĐT/GDP (%)

45.9

60.7

55.5

71.79

70.3

68.2

ICOR (hệ số sử dụng vốn) của Hà Nội

3.70

4.97

5.23

10.72

6.51

6.43

Cả nước

GDP

839211

974264

1485038

1658389

1980914

2535008

(2)Vốn đầu tư  (VĐT)

343135

404712

616735

708826

830278

877850

VĐT/GDP(%)

40.9

41.5

41.5

42.74

41.9

34.6

ICOR của cả nước

4.84

5.05

6.58

8.03

6.18

5.88

            Nguồn:Tính toán theo số liệu thống kê của Hà Nội và cả nước

Việc thu hút được một lượng vốn đầu tư lớn đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP của Hà Nội. Tính riêng từng năm cũng như bình quân toàn giai đoạn 2005 - 2011 thì tốc độ tăng trưởng GDP của Hà Nội luôn gấp khoảng 1,5 lần so với cả nước. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Hà Nội còn thấp, điều đó được thể hiện qua hệ số ICOR của Hà Nội còn cao so với cả nước và đặc biệt là so với thế giới. Trong giai đoạn từ năm 2005 - 2011, hệ số ICOR của nước ta nằm trong khoảng 4,8 - 6,5 (riêng năm 2009 là 8,03). Nhìn chung, chỉ số này cao so với các nước khác trong thời kỳ đầu của quá trình công nghiệp hóa như nước ta hiện nay. Hiệu quả đầu tư của Hà Nội vào thời gian gần đây còn thấp hơn của cả nước, điều đó được thể hiện qua hệ số ICOR của Hà Nội trong những năm gần đây.

Những năm 2005 - 2008, hệ số ICOR của Hà Nội vẫn thấp hơn mức chung của cả nước, tuy nhiên những năm 2009 - 2011, hệ số này đã tăng lên và cao hơn mức của cả nước. Điều đó chứng tỏ rằng, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội thời gian qua là chưa hiệu quả. Mô hình tăng trưởng còn chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, chất lượng tăng trưởng thấp và kém bền vững.

2. Một số giải pháp

Để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, gắn tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu bảo đảm công bằng xã hội và bảo vệ môi trường cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu dựa vào tri thức và khoa học công nghệ.

Trong thời gian đầu cần kết hợp hài hòa giữa mô hình phát triển theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo. Nội dung cơ bản của việc chuyển đổi mô hình là tăng cường đầu tư vào các yếu tố tăng trưởng theo chiều sâu như đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ khoa học và công nghệ, giảm bớt vai trò của các yếu tố phát triển theo chiều rộng dựa vào vốn đất đai và khai thác tài nguyên. Lựa chọn những ngành, lĩnh vực có khả năng phát triển theo chiều sâu để dành sự ưu tiên phát triển trước, thông qua việc tăng cường đầu tư nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học và công nghệ. Duy trì ở mức độ thích hợp các ngành lĩnh vực mà trong quá trình phát triển không cần nhiều vốn nhưng có thể cần nhiều lao động, đất đai để góp phần tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội và từng bước nâng cao trình độ của nguồn nhân lực cũng như hàm lượng công nghệ nhằm hướng những ngành này phát triển theo chiều sâu. Hạn chế phát triển những ngành, những lĩnh vực cần nhiều vốn, tài nguyên và năng lượng ảnh hưởng đến môi trường nhưng hiệu quả kinh tế, xã hội thấp. Đầu tư đào tạo nguồn nhân lực để từng bước chuyển lao động những ngành này sang những ngành có mức độ ưu tiên trung bình.

Hai là, tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng...

Cải thiện môi trường đầu tư, tạo lợi thế để huy động, thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước. Kêu gọi đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng lớn của mạng lưới giao thông, thuỷ lợi, bệnh viện, trường đại học..., trên địa bàn Thủ đô. Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong quá trình làm thủ tục cũng như triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Tăng cường huy động vốn đầu tư từ các hình thức đầu tư BOT, BTO, BT để đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng; nghiên cứu, áp dụng thí điểm một số hình thức đầu tư mới trong đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội và cung cấp dịch vụ.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư, cần kiên quyết và có biện pháp mạnh mẽ chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư từ ngân sách nhà nước. Hoàn thiện cơ chế giám sát và tăng cường công tác giám sát đầu tư. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình quốc gia, các dự án hỗ trợ của quốc tế để đạt hiệu quả cao các nguồn vốn. Thay đổi cơ cấu đầu tư theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư vốn từ thành phần kinh tế tư nhân, giảm dần tỷ trọng đầu tư vốn nhà nước. Tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước trong sử dụng đất đai, vốn và các nguồn lực khác. Nâng cao hiệu quả phân bổ các nguồn lực. Việc định hướng đầu tư của cơ quan nhà nước phải dựa trên cơ sở nâng cao chất lượng và hiệu quả. Đối với doanh nghiệp nhà nước, chỉ nên phát triển trong những lĩnh vực then chốt, trọng yếu của nền kinh tế và các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quốc phòng - an ninh. Đầu tư từ ngân sách nhà nước cần được tập trung vào tạo lập các điều kiện để phát triển các hoạt động kinh doanh, như kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, cải cách thể chế...

Ba là, việc định hướng đầu tư phải nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, gắn phát triển nhanh với phát triển bền vững, đảm bảo cho việc phát triển trước mắt đồng thời tạo điều kiện cho việc phát triển trong tương lai, gắn đầu tư phát triển kinh tế với đảm bảo công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Tăng cường đầu tư theo chiều sâu đối với các yếu tố làm nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Trước hết, cần chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật về giao thông, truyền tải điện, hạ tầng viễn thông, khu công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao, các khu kinh tế mở. Quan tâm đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng văn hóa - xã hội, như trường học, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí. Đa dạng hóa các hình thức và nguồn vốn đầu tư, xây dựng hệ thống danh mục đầu tư và có chương trình vận động đối với các nhà đầu tư cụ thể ứng với từng dự án cụ thể, ban hành chính sách khuyến khích tư nhân trong nước và ngoài nước tham gia phát triển hạ tầng.

Chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý sản xuất, đào tạo nâng cao trình độ của người lao động, bố trí hợp lý và tạo động lực thúc đẩy tính năng động, sáng tạo của người lao động. Đặc biệt chú trọng nâng cao năng suất lao động ở khu vực kinh tế ngoài Nhà nước và trong các ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Cần tạo môi trường thông thoáng để lao động có thể dễ dàng dịch chuyển từ những lĩnh vực, những ngành kinh tế có năng suất lao động thấp sang các lĩnh vực, các ngành kinh tế có năng suất lao động cao hơn.

Tăng cường đầu tư mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực. Tập trung vào các mục tiêu đào tạo đón đầu, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp của người lao động phục vụ cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế... Tăng cường xã hội hóa hoạt động giáo dục - đào tạo, để khai thác các nguồn lực của toàn xã hội cho phát triển giáo dục - đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, có chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức của đội ngũ công chức.

Đổi mới mô hình tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả, chuyển chức năng từ tập trung quản lý sang cung cấp dịch vụ; từng bước áp dụng mô hình chính quyền đô thị; xây dựng chính quyền điện tử của Thành phố đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế tri thức và phù hợp với tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử của cả nước.

Mở rộng phân cấp trên các lĩnh vực để quản lý có hiệu lực và hiệu quả. Sắp xếp tổ chức bộ máy hợp lý từ cấp thành phố đến quận, huyện, thị xã. Nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức. Phát hiện, thu hút nhân tài, bồi dưỡng, đào tạo một cách chủ động, cơ bản và toàn diện đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp của Thành phố. Tiêu chuẩn hóa các chức danh cán bộ, sử dụng và quản lý cán bộ căn cứ vào hiệu quả công việc thực tế. Tăng cường, kiểm tra giám sát cán bộ công chức. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy hành chính những cán bộ công chức thiếu trách nhiệm, tiêu cực, tham nhũng. Công khai, minh bạch hóa quá trình tuyển dụng công chức hành chính ở tất cả các ngành, các cấp.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng, thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính thời kỳ 2011 - 2020 trên tất cả các khâu: thể chế, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức và hiện đại hóa nền hành chính hiện đại. Xây dựng và thực hiện có kết quả cơ chế phối hợp liên cấp, liên ngành; thực hiện chế độ trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp. Thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch, phục vụ và chi phí thấp. Công khai hóa mọi thủ tục và chế tài nghiêm đối với các cấp, các ngành tự đặt ra những thủ tục, quy định gây phiền hà cho doanh nghiệp, nhân dân. Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện Chính phủ điện tử.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2013

ThS Vũ Thúy Anh

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền