Trang chủ    Thực tiễn    Biến đổi cấu trúc tuổi dân số và thị trường lao động
Thứ sáu, 22 Tháng 8 2014 14:57
9483 Lượt xem

Biến đổi cấu trúc tuổi dân số và thị trường lao động

(LLCT) - Cấu trúc dân số, đặc biệt là cấu trúc tuổi có tác dụng thúc đẩy thị trường lao động phát triển trong thời kỳ cơ cấu dân số “vàng”. Thị trường lao động phát triển càng làm biến đổi cơ cấu dân số trên nhiều chiều cạnh: tuổi, giới tính, học vấn, nghề nghiệp...

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc, dân số có vai trò rất to lớn, bởi dân số vừa là lực lượng sản xuất, vừa là lực lượng tiêu dùng. Vì vậy, quy mô, cơ cấu, phân bố, tốc độ tăng và chất lượng dân số có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Xã hội càng phát triển, mức sinh và mức chết sẽ giảm, tuổi thọ bình quân được nâng cao. Nó cho thấy tác động mạnh mẽ của các yếu tố kinh tế - xã hội đến các quá trình dân số (sinh, chết, kết hôn, di dân). Quy mô, cơ cấu, phân bố và tốc độ tăng dân số có ảnh hưởng cả đến sản xuất, thị trường lao động và tiêu dùng của cải vật chất. Ngược lại, trình độ phát triển sản xuất, thị trường lao động lại có ảnh hưởng đến quy mô, cơ cấu, phân bố và tốc độ tăng dân số.

Nền kinh tế thị trường có rất nhiều nhân tố trong đó có một nhân tố quan trọng không thể thiếu là thị trường sức lao động (gọi tắt là thị trường lao động). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi quan tâm tìm hiểu về biến đổi cấu trúc tuổi dân số trong mối quan hệ với thị trường lao động ở Việt Nam.

1. Một số khái niệm

Dân sốlà số lượng và chất lượng người của một cộng đồng dân cư, cư trú trong một vùng lãnh thổ (hành tinh, châu lục, quốc gia…) tại một thời điểm nhất định. Dân số luôn biến động theo thời gian và không gian. Những biến động về dân số có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

Cấu trúc dân số là sự phân chia toàn bộ dân số thành các bộ phận khác nhau theo một số tiêu chí nhất định. Các loại cấu trúc dân số chủ yếu được sử dụng nhiều trong dân số học là: cấu trúc theo giới tính, theo tuổi, cấu trúc dân số theo lao động, theo trình độ học vấn. Sự thay đổi cấu trúc tuổi dân số của một quốc gia là căn cứ rất quan trọng để quốc gia đó có thể hoạch định chính sách phát triển kinh tế, thị trường lao động, y tế, giáo dục, chính sách xã hội,…

Lợi tức dân số(Demographic dividend) được định nghĩa đơn giản là những ích lợi kinh tế có được từ biến đổi dân số. Nó tạo khả năng cho xã hội có nguồn nhân lực năng suất hơn dẫn đến tăng trưởng kinh tế. Lợi tức dân số chỉ xuất hiện trong một giai đoạn nhất định của quá độ dân số, và thường chỉ diễn ra trong vài thập niên.

Thị trường lao độnglà một bộ phận của hệ thống thị trường, trong đó diễn ra quá trình trao đổi giữa một bên là người lao động tự do và một bên là người có nhu cầu sử dụng lao động. Sự trao đổi này được thoả thuận trên cơ sở mối quan hệ lao động như tiền lương, tiền công, điều kiện làm việc... thông qua một hợp đồng làm việc bằng văn bản hay bằng miệng.

Những yếu tố cơ bản của thị trường lao động là: cầu sức lao động; cung sức lao động; giá cả của sức lao động (tiền lương); cạnh tranh trên thị trường lao động; cơ sở hạ tầng của thị trường lao động.

Thị trường lao động bao gồm những chủ thể sau: những người thuê lao động (người mua) và đại diện của họ; những người làm thuê (người bán) và đại diện của họ; nhà nước và các đại diện của mình; các tổ chức môi giới trung gian.

2. Xu hướng biến đổi cấu trúc tuổi dân số ở Việt Nam

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, vào ngày 1-11-2013, quy mô dân số nước ta đã lên tới 90 triệu người, trong đó dân số thành thị chiếm 32,3% và dân số nữ là 50,5% tổng dân số. Đến thời điểm này, Việt Nam là nước đông dân thứ 3 ở Đông Nam Á và thứ 14 trên thế giới. Với quy mô dân số không ngừng tăng lên kéo theo nhiều biến đổi về cấu trúc dân số.

Cấu trúc dân số theo nhóm tuổi thay đổi từ dân số trẻ, tỷ số phụ thuộc cao sang “cơ cấu dân số vàng”.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và triển khai mạnh mẽ của các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, hơn 30 năm qua, dân số Việt Nam có những sự thay đổi rõ rệt. Tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 4,81 vào năm 1979, xuống 3,8 năm 1989 và 2,03 năm 2009. Tốc độ tăng dân số trung bình giảm từ 2,21%/năm giai đoạn 1976 - 1985 xuống mức 1,6% giai đoạn 1985-2008 và chỉ ở mức 1,1% vào năm 2009. Hệ quả là cấu trúc tuổi dân số Việt Nam biến đổi mạnh với xu hướng:

Giảm tỷ lệ trẻ em(0 - 14 tuổi): từ 41,8% tổng dân số năm 1979 xuống 24,5% năm 2009, sau 30 năm giảm 17,3%.

Tăng tỷ lệ dân sốtrong tuổi lao động (15-59 tuổi): từ 51,3% năm 1979 lên 66,5% năm 2009, sau 30 năm tăng lên 15,2%.

Tăng tỷ lệ người cao tuổi(60 tuổi trở lên): từ 6,9% năm 1979 lên 9% năm 2009, sau 30 năm tăng lên 2,1%.

Như vậy, cấu trúc tuổi dân số Việt Nam đang có sự thay đổi từ dân số trẻ sang “cơ cấu dân số vàng” cùng với già hóa dân số.

Trong ba thập kỷ qua, do mức sinh giảm, tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi giảm mạnh từ 43% xuống dưới 25% của tổng dân số, trong khi tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao động 15 - 64, tăng từ 53% lên 69%.

Do những khuynh hướng này, tổng tỷ số phụ thuộc(1) giảm mạnh từ gần 90 vào năm 1979 xuống dưới 45 năm 2009. Lý do chủ yếu của khuynh hướng giảm này là do tỷ số phụ thuộc trẻ giảm mạnh (2)trong khi tỷ số phụ thuộc già(3)chỉ tăng lên chút ít.

Với tổng tỷ số phụ thuộc nhỏ hơn 50, Việt Nam đã bước vào thời kỳ có cơ cấu dân số vàng(4), có nghĩa là cứ hai hoặc hơn hai người trong độ tuổi 15 - 64 gánh một người độ tuổi phụ thuộc. Thời kỳ này bắt đầu vào khoảng năm 2007 và theo dự báo thì sẽ kết thúc vào năm 2041. Vào khoảng năm 2015, dân số Việt Nam sẽ có tổng tỷ số phụ thuộcở mức cực tiểu là 42.

Dân số trong độ tuổi lao động và dân số tham gia hoạt động kinh tế tăng nhanh trong khi dân số trẻ giảm mạnh, dân số già tăng làm cho tỷ số phụ thuộc giảm.

Bảng 3 cho thấy, tỷ số phụ thuộc không ngừng giảm xuống, tức là giảm “gánh nặng” cho mỗi người trong độ tuổi lao động. Khi tỷ số phụ thuộc giảm đến 50 trở xuống, tức là 2 người trong độ tuổi lao động mới phải “gánh” một hoặc ít hơn một người ăn theo thì sẽ đạt đến cơ cấu dân số “vàng”. Năm 2006, tỷ số phụ thuộc ở nước ta chỉ còn 49,9 nghĩa là dân số đã bước vào giai đoạn có cơ cấu “vàng”. Theo dự báo của Liên hợp quốc, nước ta có cơ cấu dân số vàng từ khoảng năm 2008 và kết thúc vào năm 2035, nghĩa là kéo dài 27 năm. 

Để có thể tận dụng cơ cấu dân số vàng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, cần hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm mới đòi hỏi lao động có chất lượng và năng suất cao. Muốn như vậy phải có những chính sách tăng cường đầu tư cho phát triển, đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ thông qua các chương trình y tế, giáo dục, đào tạo nghề hiện đại.

Xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam     

Do mức sinh giảm, tuổi thọ tăng, cùng với xu hướng chung của thế giới, người cao tuổi Việt Nam không ngừng tăng lên cả về số lượng và tỷ lệ. Từ năm 1979 đến 2009, số người cao tuổi tăng thêm 4,02 triệu người và tỷ lệ tăng từ 6,9% tổng dân số lên 9,0%.

Số liệu Bảng 4 cho thấy, nhịp độ tăng người cao tuổi ở Việt Nam rất nhanh và nhanh hơn nhịp độ tăng dân số. Nếu trong 10 năm, từ năm 1979 dến 1989, dân số tăng thêm 20% thì người cao tuổi tăng thêm 25%, trong 10 năm tiếp theo (1989 - 2009), các tỷ lệ tương ứng là 18% và 33%. Trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, dân số tăng thêm 12%, người cao tuổi tăng thêm 20%. Sau 30 năm (1979 - 2009), dân số tăng lên 1,6 lần, người cao tuổi tăng 2,08 lần.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, nước ta thực sự bước vào quá trình già hóa dân số vào khoảng năm 2017 và trở thành nước có dân số già vào năm 2037, tức là quá trình đến ngưỡng “dân số già” diễn ra trong vòng 20 năm, thuộc nhóm nước già hóa dân số ngắn nhất trên thế giới. Nước ta đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số với tốc độ quá nhanh (so với quãng thời gian chuyển đổi từ giai đoạn “già hóa” sang dân số già của Pháp là 115 năm, Thụy Điển 85 năm và Trung Quốc là 26 năm). Đến năm 2037, tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta sẽ tăng nhanh, dự báo lớn hơn hoặc bằng 20% tổng dân số.

Vấn đề già hóa dân số đặt ra gánh nặng về tỷ số phụ thuộc già tăng và tăng thêm khoản đầu tư ngân sách vào chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội cho người cao tuổi. Việc quy định độ tuổi nghỉ hưu khá thấp như hiện nay, nhất là đối với nữ (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi), sẽ trở thành thách thức lớn đối với quỹ hưu trí trong tương lai cũng như khả năng tận dụng cơ cấu dân số vàng. Vì vậy, Chính phủ cần sớm quan tâm xây dựng kế hoạch nâng độ tuổi nghỉ hưu một cách hợp lý.

3.  Quan hệ giữa cấu trúc tuổi dân số và thị trường lao động ở Việt Nam

Cơ cấu dân số “vàng” ở Việt Nam và tiềm năng cung lao động cho thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đặc điểm nổi bật của dân số nước ta trong giai đoạn cơ cấu “vàng” là cả số lượng và tỷ lệ dân số có khả năng lao động tăng lên trong 20 năm (1999 - 2019). Đến năm 2019, tỷ lệ này theo cả 3 phương án Dự báo dân số trong độ tuổi lao động Việt Nam đều đạt cực đại, chiếm tới gần 70% tổng dân số. Vận hội do cơ cấu dân số “vàng” mang lại là lao động nhiều, tỷ số phụ thuộc thấp có thể nâng cao tiết kiệm, thúc đẩy đầu tư tăng trưởng kinh tế. Đây là các yếu tố mang lại lợi thế làm tăng tốc độ GDP bình quân đầu người.

Khi tỷ lệ dân số trong tuổi lao động (15 - 60 tuổi) tăng thêm 1% thì tăng trưởng kinh tế tăng thêm 2,78%. Dân số trong tuổi lao động tăng mạnh làm cho tiết kiệm tăng lên, từ đó đóng góp cho đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Khi dân số trong độ tuổi lao động tăng làm gia tăng tiết kiệm và tái đầu tư trong xã hội, 1% gia tăng của vốn đầu tư sẽ làm tăng
0,4% GDP.

Trong thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” tác động của lợi thế lao động luôn luôn dương. Riêng thay đổi cơ cấu dân số đóng góp trung bình 2,29% cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1999 - 2009. Tác động tổng hợp của sự gia tăng dân số và thay đổi cơ cấu dân số giai đoạn 1999 - 2009 làm tăng trưởng kinh tế tăng thêm đến 1,19%, sau đó tác động tích cực này giảm dần, thậm chí sau năm 2020 là tác động âm. Do đó, sau khi kết thúc thời kỳ dân số “vàng”, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tăng năng suất lao động.

Tác động của phát triển thị trường lao động đến sự thay đổi cấu trúc tuổi dân số.

Kinh tế thị trường là một nền kinh tế được điều tiết bởi những quy luật khách quan như quy luật quan hệ cung-cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh,… Các quy luật này không chỉ tác động, điều chỉnh các hoạt động kinh tế mà còn tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và hoạt động của dân cư. Khi kinh tế thị trường nói chung và thị trường lao động nói riêng phát triển làm cho mức sống dân cư được cải thiện, người dân có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản, làm cho mức chết trẻ em giảm, dẫn đến mức sinh giảm vì không phải sinh nhiều con để dự phòng. Mức chết giảm, mức sinh giảm làm thay đổi rõ nét cấu trúc dân số đặc biệt là cấu trúc tuổi. Nhóm tuổi tuổi trẻ em từ 0 - 14 tuổi giảm, gánh nặng phụ thuộc giảm và nhóm tuổi trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 60 tuổi) tăng cao sẽ bước vào thời kỳ cơ cấu dân số “vàng”, tạo ra lợi tức dân số. Nó tạo khả năng cho xã hội có nguồn nhân lực năng suất hơn dẫn đến tăng trưởng kinh tế.

Mặt khác, khi thị trường lao động phát triển, các yếu tố cạnh tranh và tính linh hoạt, di động trong lực lượng lao động càng được thúc đẩy. Người lao động sẽ tìm đến những nơi có nhiều “lực hút” trong tìm kiếm việc làm thuận lợi và việc làm có thu nhập cao hơn. Một bộ phận dân số đang hoạt động kinh tế và gia đình của họ sẽ di cư đến các vùng khác nhau (di dân nội tỉnh, ngoại tỉnh, di dân quốc tế) để làm việc, sinh sống dẫn tới sự thay đổi quy mô và cấu trúc dân số ở các vùng nhập cư và xuất cư.

Nếu thị trường lao động đủ năng động và linh hoạt cho phép phát huy lao động, nếu chính sách kinh tế vĩ mô khuyến khích đầu tư và nguồn lao động được trang bị đủ kỹ năng thích hợp với yêu cầu của nền kinh tế thì sẽ tận dụng được lợi thế sức lao động cho năng suất và hiệu quả cao.

Như vậy, cấu trúc dân số là một bộ phận nền tảng của cấu trúc xã hội, gắn bó mật thiết với cấu trúc xã hội. Cùng với biến động của cấu trúc xã hội,  cấu trúc dân số Việt Nam có nhiều biến đổi sâu sắc về độ tuổi, giới tính, học vấn, nghề nghiệp…và đang có lợi thế về cơ cấu dân số “vàng” và những thách thức về già hóa dân số.

Thị trường lao động Việt Nam là một bộ phận quan trọng của kinh tế thị trường. Thị trường lao động đã có những chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều bất cập về cung - cầu lao động, chất lượng lao động, quản lý lao động, tiền công, hệ thống giáo dục, đào tạo nghề v.v..  

Cấu trúc dân số, đặc biệt là cấu trúc tuổi có tác dụng thúc đẩy thị trường lao động phát triển trong thời kỳ cơ cấu dân số “vàng”. Thị trường lao động phát triển càng làm biến đổi cơ cấu dân số trên nhiều chiều cạnh: tuổi, giới tính, học vấn, nghề nghiệp v.v.. Lực lượng lao động lớn và có kỹ năng sẽ góp phần thúc đẩy thị trường lao động phát triển không chỉ trong nước mà còn thâm nhập thị trường lao động quốc tế. Cần phải quan tâm thích đáng tới vấn đề tạo việc làm và đào tạo lao động bằng các chính sách cụ thể như: chính sách giáo dục đào tạo, chính sách lao động, việc làm.

________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2014

(1)Tổng tỷ số phụ thuộcđược tính bằng tỷ số phụ thuộc trẻcộng với tỷ số phụ thuộc già.

(2) Tỷ số phụ thuộc trẻđược tính bằng tỷ số giữa số người dưới 15 tuổi với số người trong độ tuổi
15 - 64 và nhân với 100.

(3)Tỷ số phụ thuộc già được tính bằng tỷ số số giữa số người từ 65 tuổi trở lên với số người trong độ tuổi 15 - 64 và nhân với 100.

(4) Các cách gọi khác của hiện tượng này là “Lợi thế nhân khẩu học” hay “Dư lợi  dân số”. Xem: UNFPA Tận dụng thời kỳ dân số vàng ở Việt Nam:

cơ hội, thách thức và gợi ý chính sách,2010.

 

ThS Võ Thị Hồng Loan

Viện Xã hội học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền