Trang chủ    Thực tiễn    Phát huy giá trị văn hoá truyền thống trong xây dựng làng văn hoá
Thứ năm, 18 Tháng 9 2014 10:54
2437 Lượt xem

Phát huy giá trị văn hoá truyền thống trong xây dựng làng văn hoá

(LLCT) - Những giá trị truyền thống của văn hoá Việt Nam được sản sinh, phát triển trong môi trường làng. Những giá trị đó vừa có tác động tích cực và tiêu cực đến công cuộc xây dựng làng văn hoá, xây dựng nông thôn mới hiện nay. Vì vậy, cần phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp đồng thời đấu tranh, loại bỏ những yếu tố đã lạc hậu, gây cản trở sự nghiệp đổi mới đất nước.

Mô hình làng văn hóa được cấu thành từ nhiều tiêu chí khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi địa phương. Song, nhìn chung gồm một số nội dung chủ yếu sau: Có kinh tế ổn định và phát triển, không có hộ đói nghèo; phát huy ý thức cộng đồng, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong tình làng nghĩa xóm; chăm sóc người già cô đơn tàn tật và gia đình liệt sĩ; trẻ em đến tuổi được đi học; không có người trong độ tuổi lao động mù chữ; nhân dân được hưởng thụ văn hóa và tham gia các hoạt động lễ hội cổ truyền; có khu vui chơi, sinh hoạt cho các đoàn thể; không có các hiện tượng mê tín, hủ tục trong việc cưới, tang, hội lễ; không tàng trữ, sử dụng văn hóa phẩm có nội dung đồi truỵ, phản động, bạo lực; an ninh trật tự tốt; công trình văn hoá được tôn tạo, bảo vệ, đường làng ngõ xóm xanh, sạch đẹp; có từ 80% gia đình trở lên được công nhận là gia đình văn hoá; thực hiện tốt các chính sách, pháp luật của nhà nước…(1)

Thực tiễn xây dựng làng văn hóa những năm qua cho thấy, bên cạnh những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống đã được phát huy cũng còn không ít những yếu tố tiêu cực, lạc hậu cần khắc phục, “gạn đục khơi trong” để xây dựng làng văn hóa trong thời kỳ mới, đó là:

Nếp sinh hoạt, lao động sản xuất tiểu nông là một lực cản nặng nề trong sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Bởi nó tạo ra tâm lý tiểu nông, tư hữu, con người cá thể, không thích hợp với hợp tác, phân công lao động chặt chẽ của công nghiệp hiện đại.

Tư duy đa thần làm cho đời sống tâm linh phong phú và đa dạng song cũng là một tiền đề để xuất hiện trở lại những hiện tượng mê tín như bói toán, xem xăm, rút thẻ, và cũng làm nảy sinh việc buôn thần bán thánh. Nhiều lễ hội cổ truyền được khôi phục nhưng chưa có sự nghiên cứu, tìm hiểu thấu đáo về chiều sâu văn hoá truyền thống, do đó còn có sự pha trộn thô lậu giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại làm lu mờ bản sắc tốt đẹp và độc đáo của mỗi lễ hội nói riêng và của văn hoá làng nói chung.

Tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, lối sống thực dụng, làm phương hại đến mối gắn kết cộng đồng vốn là đặc trưng tốt đẹp của văn hoá làng truyền thống. Sự phát triển của các phương tiện thông tin hiện đại một mặt làm khởi sắc trong việc hưởng thụ các giá trị văn hoá, mặt khác cũng du nhập vào đời sống văn hóa nông thôn lối sống lai căng.

Hiện nay, việc thiếu ruộng đất, thiếu việc làm ở nông thôn khiến cho nhiều người dân phải ra thành phố tìm việc làm. Đây là một vấn đề bức xúc lớn dẫn đến nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết như: nhiều người phải rời bỏ làng quê kiếm sống...

Tinh thần cộng đồng, một mặt là chất men gắn kết cá nhân lại, mặt khác làm nảy sinh tư tưởng cục bộ địa phương cản trở việc hình thành một lối sống bao dung mới mà thời đại toàn cầu hoá đặt ra... Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên cần khắc phục và xây dựng một số vấn đề mấu chốt sau:

1. Khắc phục nếp tư duy và phương thức lao động tiểu nông

Một trong những tiêu chí của một làng văn hoá là phải có kinh tế phát triển, không có hộ đói nghèo. Để đạt tiêu chí này, kinh tế làng phải phát triển theo hướng CNH, HĐH, xoá đói, giảm nghèo. Đây là vấn đề cấp thiết trong xây dựng làng văn hoá hiện nay. Nếp sản xuất, lao động tiểu nông theo mô hình “Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” đã không còn phù hợp, là cản trở đối với sự nghiệp CNH, HĐH hiện nay. Nền sản xuất tiểu nông chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi manh mún, kinh nhiệm phụ thuộc thiên nhiên, lao động thiếu tính kỷ luật, và khoa học. Lối tư duy tiểu nông khiến con người không có tầm nhìn xa trông rộng, dẫn đến lối sống ích kỷ, hẹp hòi, hay đối kỵ. Trong sự nghiệp CNH, HĐH hiện nay, để khắc phục tận gốc tư duy tiểu nông cần thực hiện các biện pháp sau:

Đẩy mạnh giáo dục những tri thức khoa học - kỹ thuật tiên tiến cho người nông dân, tạo điều kiện cho con em nông dân học nghề…

Để trở thành lực lượng sản xuất thích nghi với nền kinh tế CNH, HĐH thì người nông dân phải lao động có kỷ luật, nề nếp, trước hết, phát triển các ngành nghề tại địa phương để tạo điều kiện cho thanh niên tham gia các hoạt động phi nông nghiệp như ngành nghề thủ công, gia công công nghiệp, dịch vụ, nâng cao hơn thu nhập cho người nông dân. Thúc đẩy sản xuất ở làng, xã phù hợp với điều kiện từng địa phương. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, việc tạo lập các xí nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương là biện pháp hữu hiệu để người dân không cần thoát ly khỏi nông thôn, nhưng vẫn thoát ly khỏi nông nghiệp, và đó cũng là điều kiện quan trọng để tạo môi trường lao động mới theo hướng CNH, HĐH, để thanh niên nông thôn lao động theo kiểu công nghiệp, có kỷ luật, phân công lao động. Để trở thành lực lượng sản xuất thích nghi với sự nghiệp CNH, HĐH thì người nông dân phải là những cá nhân năng động, tự chủ, linh hoạt, có khả năng thích ứng với các hình thức sản xuất, kinh doanh, hợp tác, liên kết với nhau để phát triển sản xuất.
Tại Nhật Bản, các trang trại đã hình thành theo nhu cầu tự thân, kết hợp với nhau tạo thành những liên hiệp nông nghiệp lớn với sự phân công lao động chuyên sâu để cùng nhau sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả lao động. Sự hợp tác sản xuất xuất phát từ nhu cầu thực tế, hoàn toàn khác với việc áp đặt thành lập các hợp tác xã như thời kỳ trước đổi mới ở nước ta. Môi trường lao động mới này kết hợp với việcphát huy tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng truyền thống, trong quan hệ láng giềng, sẽ đưa các mối quan hệ truyền thống tốt đẹp phát triển về chất là quan hệ hợp tác trong lao động sản xuất, có trách nhiệm và có quyền lợi chung.

Cần khắc phục tính khép kín trong văn hoá làng cổ truyền, chủ động hội nhập với các tổ chức kinh tế để phát huy nội lực và nguồn lực của địa phương. Để thực hiện được, phải tuyên truyền, tạo điều kiện để người dân tham gia giao lưu, tiếp xúc, nắm bắt được những thông tin về tình hình trong nước và thế giới. Có như vậy mới thay đổi được lối suy nghĩ kinh nghiệm, tâm lý tiểu nông, tư hữu.

2. Xây dựng nếp sống cộng đồng theo tiêu chí làng văn hoá

Bài trừ các hiện tượng mê tín và lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín, xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh, thực chất là phát huy những giá trị truyền thống trong văn hoá làng, lành mạnh hoá những không gian văn hóa nông thôn. Các di tích lịch sử văn hóa, nơi thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng phải thực sự là nơi con người thể hiện tín ngưỡng, niềm tin thiêng liêng, tâm thức uống nước nhớ nguồn, thoả mãn nhu cầu tâm linh, củng cố niềm tin hướng thiện, tìm thấy và củng cố những giá trị văn hoá cao đẹp nhất.

Việc tang, lễ hội là một nét văn hoá truyền thống, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn tổ tiên, cha mẹ. Tuy nhiên trong văn hoá làng truyền thống nếp sinh hoạt cộng đồng này cũng có nhiều hủ tục. Để hạn chế sự tốn kém, rườm rà và thái quá trong hủ tục này, cần phát huy những phương châm ứng xử đúng đắn, vừa thể hiện được ý nghĩa cao đẹp của đạo lý uống nước nhớ nguồn, vừa phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi gia đình. Theo phương châm này, những quy định cụ thể trong việc tang, lễ hội cũng ghi rõ trong tiêu chí làng văn hoá.

Tiêu chí "phát huy ý thức cố kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, chăm sóc người già cô đơn, gia đình liệt sĩ"là nhằm phát động phong trào bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống đồng thời đấu tranh kiên quyết loại trừ những biểu hiện tiêu cực.  Những giá trị này trong thời nay còn phải phát triển ở mức cao hơn, cụ thể hơn, đó là: quan hệ láng giềng tốt đẹp, cùng đồng kham cộng khổ, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau khi tắt lửa tối đèn; sự quan tâm, chăm sóc những người có công với đất nước, những gia đình thương binh, liệt sỹ, những người già cô đơn.

Nhiều giá trị truyền thống cần được phát huy, kế thừa và phát triển về chất, phù hợp với thời đại mới góp phần xây dựng làng văn hóa và nếp sống cộng đồng lành mạnh.

Thay đổi nếp suy nghĩ, nếp sinh hoạt không còn phù hợp là một công việc khó khăn. Tuy nhiên, bản thân văn hoá luôn có tính thích nghi và biến đổi, văn hoá luôn phân bổ lại các giá trị cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Hiểu được quy luật này, chúng ta cần định hướng các thay đổi đó sao cho phù hợp và bền vững.

ThS Nguyễn Thị Kim Loan

Đại học Nội vụ Hà Nội

 

 

Thông tin tuyên truyền