Trang chủ    Thực tiễn    Công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
Thứ tư, 24 Tháng 9 2014 10:32
6175 Lượt xem

Công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

(LLCT) - Tây Nguyên là địa bàn cư trú của đồng bào thuộc nhiều dân tộc, chủ yếu thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer như: Ba Na, Brâu, Bru - Vân Kiều, Chơ Ro, Cơ Ho, Cơ Tu, Giẻ Triêng, Hrê, M’Nông, Xơ Đăng… Do đặc điểm lịch sử, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, sự am hiểu của đồng bào về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước còn đơn giản. Địa bàn cư trú của đồng bào hầu hết là những vùng trọng yếu về quốc phòng - an ninh. Các thế lực thù địch hết sức chú ý đến những vùng này để lôi kéo quần chúng thực hiện ý đồ chính trị chống phá cách mạng nước ta.  Vì vậy công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở đây là hết sức quan trọng.

Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên phân bố trên một địa bàn rộng lớn và chủ yếu thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Nét nổi bật của đồng bào các dân tộc thiểu số là đời sống xã hội mang đậm tính huyết thống (dòng họ) và tính cộng đồng hết sức bền chặt. Trong từng đơn vị buôn, làng có sự tồn tại bền vững những mối quan hệ xã hội cổ truyền tốt đẹp được hình thành qua lịch sử lâu dài, nổi bật là quan hệ giữa dân làng với già làng, chủ buôn; giữa các thành viên trong buôn, làng; giữa các gia đình trong một dòng tộc...

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tuyệt đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh dũng đứng lên theo Đảng làm cách mạng, bất chấp mọi hy sinh, gian khổ để giành thắng lợi hoàn toàn.

Tây Nguyên là một vùng đất đa dạng về sắc thái văn hóa: sắc thái văn hóa của các dân tộc thiểu số bản địa và sắc thái văn hóa của các dân tộc thiểu số từ nơi khác đến. Văn hóa, phong tục, tập quán, tâm lý, lối sống của các dân tộc bản địa vô cùng phong phú và đặc sắc. Trải qua nhiều thế hệ, các dân tộc ở đây đã tạo dựng nên những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên năm 2008. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên còn có một kho tàng văn học dân gian với những những bản trường ca (khan), truyện cổ, truyện ngụ ngôn, lời nói vần; những làn điệu dân ca đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, luật tục (tập quán pháp) của hai dân tộc Êđê, M’nông có thể coi là một di sản văn hóa tộc người rất đặc sắc, bao gồm hàng trăm điều, phản ánh những lề luật, tục lệ nghiêm ngặt của cộng đồng thị tộc cổ đại. Ngoài ra, các dân tộc Êđê, M’nông còn có cả chữ viết mà sau này được phiên âm sử dụng phổ biến từ thời kháng chiến cho đến nay.

Đồng bào có rất nhiều lễ hội và sinh hoạt truyền thống như lễ thổi tai, lễ mừng sức khỏe, lễ cưới, lễ tang, lễ bỏ mả, lễ cúng voi, lễ đâm trâu,... Các sinh hoạt truyền thống này mang tính cộng đồng cao, có tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm của con người và mỗi thành viên trong cộng đồng, thu hút mọi người cùng tham gia và trở thành một nét đẹp trong đời sống.

Để làm tốt công tác công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trong thời gian tới, cần chú ý đến những đặc điểm sau:

Do đặc điểm lịch sử, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, sự am hiểu của đồng bào về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước còn đơn giản. Địa bàn cư trú của đồng bào hầu hết là những vùng trọng yếu về quốc phòng - an ninh. Chính vì thế, các thế lực thù địch hết sức chú ý đến những vùng này để lôi kéo quần chúng thực hiện ý đồ chính trị chống phá cách mạng nước ta. Hiện nay, vấn đề dân tộc, tôn giáo là vấn đề hết sức nhạy cảm trong cuộc đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hòa bình”. Nếu chúng ta không chú ý làm tốt công tác vận động quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì các thế lực thù địch sẽ có cơ hội lợi dụng, lôi kéo đồng bào thành lực lượng đối trọng với ta.

Công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hiện nay, còn xuất phát từ những đặc điểm sau:

- Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên sinh sống ở nhiều buôn, làng trong toàn vùng, không hình thành những lãnh thổ tộc người riêng biệt, mà sinh sống xen kẽ, đan xen nhau và có sự giao lưu sâu sắc về văn hóa.

- Về phương diện văn hóa, đồng bào dân tộc thiểu số có một nền văn hóa bản địa vô cùng phong phú và đặc sắc. Tuy nhiên, trong những năm qua, trước sự tác động của nền kinh tế thị trường và một phần của những yếu tố cực đoan trong việc truyền bá đạo Tin lành, nhiều giá trị văn hóa tinh thần bị mai một, nhiều tập tục, lễ hội, nhiều hình thức sinh hoạt cộng đồng bị mất dần. Điều này đã làm giảm sự đề kháng văn hóa và tạo điều kiện cho tôn giáo, đặc biệt là đạo Tin lành phát triển.

- Số dân các dân tộc rất chênh lệch nhau (có dân tộc như Êđê gần 25 vạn dân, có nhiều dân tộc hiện chỉ có vài chục người như Khơmú, Hà nhì, Churu, Pupéo...), nên dễ sinh tư tưởng định kiến, phân biệt dân tộc lớn, dân tộc nhỏ.

Trên cơ sở quát triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thường xuyên đi sâu tìm hiểu, nắm rõ được tâm trạng, nguyện vọng của nhân dân, nắm chắc được tình hình đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, giải quyết kịp thời những vấn đề do tình hình thực tế đặt ra.

Những vấn đề nảy sinh trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hiện nay chủ yếu liên quan đến nhu cầu tôn giáo, đến vấn đề tranh chấp đất đai giữa người Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những vấn đề đó, nhiều vụ việc bị lợi dụng, thường đi tới những yêu sách không hợp lý, không phù hợp với quy định của pháp luật, như: đòi tách tôn giáo đồng bào dân tộc thiểu số ra khỏi tôn giáo người Kinh; đòi người Kinh trả đất cho đồng bào dân tộc thiểu số… Nội dung công tác dân vận ở đây là phải biết tách những yêu cầu chính đáng của quần chúng với những kích động vì mục đích chính trị đen tối để có phương pháp vận động, thuyết phục hiệu quả.

Để hiểu sâu tình hình quần chúng, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân có sự điều tra, phân tích cụ thể tình hình các mặt như: dân cư; tâm trạng, nguyện vọng, thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần, những nhu cầu thiết yếu, chính đáng của người dân; tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội… Đây là những vấn đề cần thiết cho việc xác định và đề ra các chủ trương sát đúng với tình hình và phù hợp với nguyện vọng quần chúng, giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh, không để xảy ra mâu thuẫn.

Hai là, tiến hành thường xuyên công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng để chuyển tải được các chủ trương, chính sách, pháp luật, vận động nhân dân thực hiện các chính sách, pháp luật và nhiệm vụ cách mạng. Khi người dân đã nhận thức được đầy đủ các chủ trương, chính sách và đồng lòng thực hiện thì việc gì cũng thành công.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua việc tổ chức phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật đến với đồng bào bằng các hình thức thích hợp. Thực tế vừa qua ở Tây Nguyên cho thấy, các thế lực thù địch thường lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo để tạo nên sự bất ổn xã hội. Vì vậy, việc tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc thiểu số cần được thực hiện thường xuyên, với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của người dân, để đồng bào hiểu được chính sách của Đảng và Nhà nước, thấy được âm mưu của kẻ thù, từ đó tạo sự đồng thuận trong quần chúng cùng thực hiện các nhiệm vụ cách mạng.

Ba là, lãnh đạo việc tập hợp quần chúng vào các hình thức tổ chức thích hợp, đồng thời chú trọng xây dựng Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức quần chúng đủ sức làm công tác quần chúng có hiệu quả. Ngay sau các vụ biểu tình, bạo loạn ở Tây Nguyên, hầu hết các tổ chức quần chúng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gần như không hoạt động, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng; một số cán bộ ở cơ sở bị khống chế, không dám hoạt động, phong trào quần chúng hầu như tê liệt; một số quần chúng bị lôi kéo, kích động có thái độ chống đối, cực đoan, số khác mất niềm tin hoặc hoang mang, dao động. Vì vậy, việc các cấp ủy đảng thường xuyên lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân xây dựng, củng cố tổ chức, tập hợp quần chúng vào tổ chức đoàn thể có vai trò hết sức quan trọng và là nhiệm vụ cấp thiết đối với xây dựng hệ thống chính trị ở Tây Nguyên.

Bốn là, lãnh đạo triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, làm cho nhân dân cảm nhận rõ không khí dân chủ ngay tại buôn, làng, từ đó tích cực tham gia xây dựng các phong trào hành động cách mạng. Một trong những yếu tố gây phản ứng tiêu cực trong một bộ phận quần chúng là những khuyết điểm chủ quan của đội ngũ cán bộ, đảng viên; hệ thống chính trị các cấp chưa thật sự phát huy dân chủ rộng rãi; việc triển khai thực hiện các quyết định của cấp trên chưa thực sự hiệu quả; chưa có các chủ trương cụ thể giải quyết các vấn đề của địa phương. Chỉ có phát huy dân chủ, xây dựng phong trào hành động cách mạng của quần chúng mới tạo được cơ sở để lôi kéo, tập hợp quần chúng vào tổ chức, từ đó phát huy tính tích cực, sáng tạo của họ, đồng thời để đồng bào tránh được sự lôi kéo của kẻ địch và những phần tử xấu.

Năm là, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống đồng bào, nhất là những nơi khó khăn, những vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ. Công tác dân vận của chính quyền các cấp là tổ chức điều hành, thực thi các nhiệm vụ này có hiệu quả. Lợi ích là động lực của sự phát triển, do vậy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng và có tính quyết định đến sự ổn định chính trị, xã hội trong vùng đồng bào, đến hiệu quả của công tác vận động quần chúng.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2014

TS Lê Văn Cường

Học viện Xây dựng Đảng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền