Trang chủ    Thực tiễn    Tư duy đổi mới trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thứ tư, 24 Tháng 9 2014 10:46
2420 Lượt xem

Tư duy đổi mới trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(LLCT) - Toàn bộ Di chúc bàn về tương laicủa đất nước với “một kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”: “khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế”; “sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập, nửa ngày lao động”… thể hiện tinh thần của Cương lĩnh xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, theo như cách diễn đạt hiện nay.

 

(“Vì lợi ích mười năm phai trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”)

Hồ Chí Minh có tư duy cách tân, đổi mới từ rất sớm. Xuất thân trong một gia đình nhà Nho nhưng không bị ràng buộc bởi những tư tưởng trung quân, mà tư tưởng yêu nước của Người thấm nhuần những giá trị dân tộc và nhân bản Việt Nam, gắn nước với dân và lấy đó làm chuẩn mực cao nhất cho mọi giá trị tinh thần. Tuổi niên thiếu, Hồ Chí Minh thích học những thầy thức thời, không nệ cổ, không học theo lối “tầm chương trích cú”. Người thường tìm hiểu thêm những điều ngoài sách “thánh hiền”. Khi độ 13 tuổi, Người đã muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau khẩu hiệu Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Người quyết định ra nước ngoài tìm hiểu về nước Pháp và các nước khác, sau khi xem xét họ làm như thế nào, sẽ trở về giúp đồng bào mình. Ra đi tìm đường cứu nước như Hồ Chí Minh là đổi mới.Người sớm nhận thức, muốn cứu nước, giải phóng dân tộc phải đi ra thế giới, tìm hiểu, tiếp nhận thành quả văn hóa, khoa học - kỹ thuật của các nước. Sau này, Đâyvít Hanbớtxtơn đã viết rằng, Hồ Chí Minh “đã dùng tới nền văn hóa và tâm hồn của kẻ địch để chiến thắng”(1).

Tư duy đổi mới của Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ phân biệt rõ mục đích với phương thức cứu nước. Theo Người, mục đích chỉ có một là độc lập dân tộc và CNXH, phương pháp và cách thức để đạt mục đích thì có nhiều. Việc Người học chữ Pháp, quyết định sang Pháp, rồi viết đơn xin vào học Trường Thuộc địa ở Pháp, v.v.. là sự “vạn biến” về phương thức cứu nước của Người để đạt mục đích “bất biến” là độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân.

Tư duy đổi mới của Hồ Chí Minh được nâng cao, mang nội dung khoa học và cách mạng dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin. Người quan niệm “cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới”, và “công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”. Theo Hồ Chí Minh, đổi mới là tất yếu và bao hàm cả giá trị cũ, trên cơ sở cải biến cái cũ. Người giải thích “cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”. Người chỉ ra rằng “phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ, hàng phút, một chủ trương hôm nay của ta đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước”(2). Đổi mới để tiến lên là một tất yếu, đòi hỏi khách quan của cuộc sống, bởi “xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng phải ngày càng tiến… Chúng ta phải tiến đến chủ nghĩa xã hội, rồi tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy, năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái”(3). Người nhấn mạnh: “Thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”(4).

Di sản Hồ Chí Minh là một kho tàng văn hóa, chứa đựng những giá trị đổi mới. Tác phẩm lý luận đầu tiên là Đường cách mệnhchứa đựng tinh thần đổi mới. Tác phẩm Đời sống mới, chứa đựng tư duy mới về đời sống. Sửa đổi lối làm việc viết về đổi mới đầu tiên trong điều kiện Đảng cầm quyền. Tác phẩm Dân vận là cương lĩnh đổi mới về công tác quần chúng. Di chúc là kết tinh tư tưởng đổi mới hơn nửa thế kỷ từ lúc Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước.

Người viết Di chúc khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang ác liệt, nhân dân ta còn phải kinh qua gian khổ nhiều hơn nữa, nhưng Người đãtrăn trở với công việc sau cuộc kháng chiến. Người viết: “Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man”(5).

Phác thảo một kế hoạch bao quát về mở rộng kinh tế, phát triển công tác vệ sinh, y tế, giáo dục, quốc phòng, công việc thống nhất Tổ quốc, tư duy đổi mới của Người được thể hiện qua các nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, “đầu tiên là công việc đối với con người”. Hồ Chí Minh quan tâm tới tất cả mọi đối tượng trong xã hội với một tinh thần nhân văn cao cả “nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Người căn dặn những việc cần làm đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình; các liệt sỹ; cha mẹ, vợ con của thương binh liệt sỹ; những chiến sỹ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong; phụ nữ; đối với nạn nhân của chế độ xã hội cũ; nông dân. Người lo lắng tới đời sống mọi mặt cả vật chất và tinh thần của đồng bào như “nơi ăn chốn ở yên ổn”, không để ai bị đói rét. Người quan tâm tới “cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Người hướng những nạn nhân của chế độ cũ theo con đường “trở nên những người lao động lương thiện”. Đối với đồng bào nông dân, Người mong muốn đem lại cho họ sự “hỉ hả, mát dạ, mát lòng”. Nhưng điều quan trọng nhất mà Hồ Chí Minh hướng tới là trang bị cho mọi người tinh thần tự vươn lên, không ỷ lại, ngồi chờ. Người dặn “phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”(7). Với cha mẹ, vợ con thương binh, liệt sỹ, “phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp”. Người cũng bàn tới mối quan hệ giữa “đức trị” và “pháp trị” để cải tạo những nạn nhân của chế độ cũ theo tinh thần “Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lương thiện”(8). Người kỳ vọng vào các giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc mà hàng đầu là chủ nghĩa yêu nước trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước. Vì vậy, Người dặn: “cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”(9).

Thứ hai, trên cơ sở nhận thức về quy luật sự tiếp nối của các thế hệ trong tiến trình cách mạng, Hồ Chí Minh rất quan tâm tới đoàn viên thanh niên. Người kỳ vọng đó là lực lượng “thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Người dặn dò “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(10). Không đơn thuần là thế hệ sau mà là thế hệ cách mạng.Vì vậy, phải “chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ”, đào tạo họ thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Thứ ba, Hồ Chí Minh có một tầm nhìn xa về bảo vệ môi trường, một trong những yếu tố quan trọng cho phát triển bền vững. Tư duy Hồ Chí Minh về giữ gìn môi trường sống có từ sớm khi  Người bàn về đời sống mới, Tết trồng cây. Trong Di chúc, Người chỉ ra một cái nhìn mới qua việc thực hiện “hỏa táng, điện táng”. Người mong rằng “cách làm này dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất”. Người khẳng định lại lợi ích của việc trồng cây, để “lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.

Thứ tư, chỉnh đốn lại Đảng. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, sứ mệnh của Đảng rất nặng nề, vì từ nhiệm vụ xóa bỏsang xây dựnglà hai loại quy luật hoàn toàn khác nhau. Người chỉ rõ “thắng đế quốc phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều”(11). Cách mạng XHCN là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Là Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên của Đảng có quyền lực nên dễ nảy sinh nhiều thói hư, tật xấu, như quan liêu, lãng phí. Mặt khác, nước tatừ một nước nông nghiệp lạc hậu đi lên CNXH, không chỉ khó khăn về lực lượng sản xuất, mà còn là tư duy tiểu nông.

Trong Di chúc, Hồ Chí Minh coi “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi là một cuộc chiến đấu khổng lồ”. Sự hư hỏng con người, tư tưởng, tổ chức là vô cùng nguy hại. Từ năm 1947, trong Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”. Người lường trước những khó khăn, phức tạp đối với cách mạng Việt Nam, đòi hỏi Đảng phải chỉnh đốn toàn diện: đoàn kết nhất trí từ các đồng chí Trung ương đến các chi bộ; thực hành dân chủ rộng rãi bằng cách thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; thái độ nhân văn “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”; thật sự thấm nhuần và tu dưỡng đạo đức cách mạng; nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tròn nhiệm vụ Đảng giao, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân.

Thứ năm, thương yêu, kính trọng, tin tưởng nhân dân. Những quan điểm “trong thế giới này không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân”; “mọi việc đều do người làm ra”, “có dân là có tất cả”; “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”; “dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được”... được đúc kết lại trong Di chúc: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Thứ sáu, mở rộng quan hệ quốc tế. Hồ Chí Minh sớm có tầm nhìn thời đại, ra nước ngoài khám phá thế giới để trở về giải quyết vấn đề Việt Nam. Tầm nhìn và cách nhìn đó thể hiện sự nhất quán và xuyên suốt trong suốt cuộc đời cách mạng của Người. Di chúcthể hiện trách nhiệm cao cả của một chiến sĩ cộng sản, một người suốt đời phục vụ cách mạng đối với phong trào cộng sản quốc tế. Người có ý định sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sẽ đi thăm và cảm ơn các nước XHCN và bạn bè khắp năm châu đã ủng hộ và giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Đó cũng là cách duy trì và mở rộng quan hệ quốc tế theo tinh thần “bốn phương vô sản đều là anh em” và “bốn bể đều là anh em” mà trước đây Người đã thực hiện. Người kỳ vọng Đảng và Nhà nước ta sẽ góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới và “tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”.

Toàn bộ Di chúc bàn về tương laicủa đất nước với “một kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”: “khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế”; “sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập, nửa ngày lao động”… thể hiện tinh thần của Cương lĩnh xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, theo như cách diễn đạt hiện nay.

_________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2014

(1) Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại, Nxb Lao động -  Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993, tr.36

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.26

(3), Sđd, t.7, 1995, tr.259

(4) Sđd, t.8, 1995, tr.125

(5), (6), (7), (8), (9), (10) Sđd, t.12, 1995, tr. 503, 503, 503, 504, 503, 510

(11) Sđd, t.10, 1995, tr.4

 

PGS, TS Bùi Đình Phong

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền