Trang chủ    Thực tiễn     Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Vĩnh Phúc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Thứ năm, 20 Tháng 11 2014 11:54
2178 Lượt xem

Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Vĩnh Phúc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

(LLCT) - Sinh hoạt chi bộ đảng có vai trò và có tác dụng to lớn trong hoạt động xây dựng Đảng Cộng sản trong sạch vững mạnh; củng cố, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, khẳng định và phát huy những mặt mạnh, chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm, sai lầm của cán bộ, đảng viên và tập thể. Sinh hoạt chi bộ cũng là diễn đàn dân chủ phát huy tính sáng tạo của đảng viên, để quyết định những chủ trương, giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị. Qua đó, trình độ mọi mặt của từng đảng viên được nâng lên, từng đảng viên trưởng thành hơn. Do vậy, chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong những yếu tố quyết định sức sống, sự tồn tại, phát triển của chi bộ. Không tổ chức sinh hoạt hoặc tổ chức sinh hoạt với chất lượng thấp thì chi bộ không thể hoàn thành nhiệm vụ. 

Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Vĩnh Phúc có 54 chi, đảng bộ cơ sở, trong đó có 33 đảng bộ và 21 chi bộ trực thuộc, có 249 chi bộ trực thuộc các đảng ủy cơ sở với 3.323 đảng viên.

Trong thời gian qua, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ: Đảng ủy đã ra Nghị quyết số 01-NQ/ĐU, ngày 10-10-2007 về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ”; Ban Thường vụ Đảng ủy ban hành Kế hoạch số 46-KH/ĐU, ngày 27-3-2014 về “Năm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ - 2014”. Hằng năm, chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy đều có ít nhất 1 cuộc kiểm tra về sinh hoạt chi bộ theo Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW ngày 25-5-2007 của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ trong các loại hình tổ chức cơ sở đảng (nay là Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 2-3-2012 về nội dung sinh hoạt chi bộ) 1 cuộc kiểm tra về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đảng ủy cơ sở và các đồng chí đảng ủy viên; 1 cuộc giám sát tiêu chí xây dựng chi, đảng bộ trong sạch vững mạnh… Bởi vậy, chất lượng sinh hoạt chi bộ nói chung đã có nhiều chuyển biến. Hầu hết các chi bộ đã cố gắng tìm tòi, cải tiến nội dung và hình thức sinh hoạt theo hướng gắn liền với thực tiễn của cơ quan, đơn vị, phát huy tính tiên phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên. Công tác đánh giá, phân loại đảng viên từng bước được nâng cao, sát thực hơn. Nhiều chi bộ đã quan tâm đến công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên, tăng cường quản lý đảng viên thông qua sinh hoạt chi bộ. Chất lượng sinh hoạt của các loại hình chi bộ trong toàn Đảng, nhìn chung đã được nâng lên một bước, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các chi bộ nói chung và các TCCSĐ nói riêng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan đơn vị. Tuy nhiên, chất lượng sinh hoạt chi bộ vẫn còn thấp, chưa thực sự đáp ứng tốt yêu cầu của cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng và yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới. Tình trạng khá phổ biến là nội dung sinh hoạt chi bộ nghèo nàn, ít thiết thực, hình thức sinh hoạt đơn điệu; sinh hoạt chi bộ kém hấp dẫn đối với không ít đảng viên… Đây thực sự vấn đề đang được toàn Đảng quan tâm.

Từ thực tiễn sinh hoạt chi bộ ở các đảng bộ cơ sở thuộc Đảng ủy khối, bước đầu rút ra một số kinh nghiệm trong nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ:

Thứ nhất, sinh hoạt chi bộ có chất lượng hay không là do nội dung, cách thức của nó quyết định, mà nội dung, cách thức sinh hoạt chi bộ là do bí thư chi bộ cùng với ban chi uỷ trực tiếp chuẩn bị trước. Do vậy, khi bí thư có đủ trình độ, năng lực và tinh thần trách nhiệm, dành nhiều thời gian tâm huyết để chuẩn bị kỹ nội dung, cách thức tiến hành, bàn bạc thảo luận dân chủ trong chi uỷ, phối hợp hành động thống nhất, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng chi uỷ viên thì buổi sinh hoạt chi bộ sẽ có chất lượng cao.

Vai trò quan trọng hàng đầu của Bí thư chi bộ còn thể hiện trong điều hành sinh hoạt chi bộ, đảm bảo cho sinh hoạt chi bộ đi đúng hướng, sôi nổi, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, ra được nghị quyết, kết luận có chất lượng cao.

 Thứ hai, trình độ nhận thức, tinh thần trách nhiệm, vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên là yếu tố cực kỳ quan trọng để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở các đảng bộ cơ sở thuộc Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh.

Mỗi đảng viên có nhận thức đầy đủ, có ý thức tự giác chấp hành, tham gia sinh hoạt đầy đủ, thường xuyên sẽ là yếu tố có tính quyết định vào việc bảo đảm chất lượng sinh hoạt chi bộ. Bởi lẽ, chất lượng sinh hoạt chi bộ phụ thuộc rất lớn vào sự tham gia xây dựng của đảng viên. Chất lượng các nghị quyết, kết luận của chi bộ thể hiện bằng ý chí, trí tuệ của một tập thể chi bộ đoàn kết, thống nhất, có trình độ, năng lực, có tinh thần trách nhiệm, luôn thể hiện được vai trò lãnh đạo chi bộ.

Thứ ba, sự tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của cấp ủy cấp trên, của các ban chuyên môn của Đảng ủy khối làm cho các chi bộ duy trì và tổ chức sinh hoạt chi bộ đầy đủ góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Để sinh hoạt chi bộ có chất lượng trách nhiệm là của toàn thể đảng viên, trước hết là trách nhiệm trực tiếp của đồng chí bí thư và chi uỷ viên. Tuy nhiên, tính tích cực chủ động sáng tạo của chi bộ chỉ có thể phát huy đầy đủ và đúng hướng trên cơ sở có sự hướng dẫn cụ thể và sự giúp đỡ của cấp trên.

Thực tiễn tại Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh cho thấy, số chi bộ yếu kém do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân do sinh hoạt chưa bảo đảm chất lượng, ý thức trách nhiệm của một số đồng chí bí thư, chi uỷ viên còn hạn chế. Điều đó đòi hỏi cần nâng cao trình độ nhận thức về Đảng và xây dựng Đảng cho đội ngũ chi uỷ viên. Song việc nâng cao trình độ cho chi uỷ để có khả năng giải quyết công việc, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động cần phải tăng cường sự chỉ đạo của Đảng uỷ khối các cơ quan tỉnh, của cấp uỷ cấp trên, phải thường xuyên coi trọng hướng dẫn, kiểm tra, phát hiện và uốn nắn kịp thời những sai sót lệch lạc trong việc vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của cấp trên, nhiệm vụ chính trị của chi bộ ở đơn vị. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên đối với các chi bộ yếu kém không dừng lại ở việc đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, mà cần phải tăng cường cán bộ có trình độ chuyên môn, có năng lực tổ chức thực hiện xuống chi bộ giúp đỡ trực tiếp. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên phải bảo đảm những yếu tố cơ bản để chi bộ chủ động vươn lên, không thụ động, trông chờ, ỷ lại cấp trên. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên là điều kiện cơ bản cho các chi bộ xác định đúng nội dung, hình thức sinh hoạt phù hợp với đặc điểm của từng chi bộ và từng thời điểm nhất định, bảo đảm cho các chi bộ đi đúng hướng.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay là một yêu cầu, một nhiệm vụ, một biện pháp hết sức quan trọng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ cơ sở và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, qua nâng cao chất lượng sinh hoạt là trực tiếp xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và giữ vững nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, từ đó nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng từ chi bộ.

Nguyễn Mạnh Nguyên

                                                  Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Vĩnh Phúc

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền