Trang chủ    Ảnh chính    Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới
Thứ hai, 07 Tháng 11 2022 10:05
1187 Lượt xem

Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới

Lời Ban Biên tập: Sáng 11-10-2022, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới”. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công Thương (13/10/1945 - 13/10/2022) và 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2022). Tạp chí Lý luận chính trị trân trọng giới thiệu bài phát biểu của GS, TS NGUYỄN XUÂN THẮNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tại Hội thảo.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: vov.gov.vn

Ngày 13-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới “công thương Việt Nam”, trân trọng và khẳng định vai trò to lớn của giới công thương trong việc làm ích quốc lợi dân, góp phần tạo nên sự thịnh vượng của nền kinh tế nước nhà.

Ngày 20-9-2004, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 990/QĐ - TTg  về Ngày Doanh nhân Việt Nam, hằng năm lấy ngày 13-10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam”, thể hiện sự tôn vinh doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường; biểu dương doanh nghiệp, doanh nhân có nhiều thành tích, động viên phong trào thi đua, nâng cao đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân.

Văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh, niềm tin của khách hàng và là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp xây dựng, giữ gìn, phát triển thương hiệu. Không một thương hiệu mạnh nào không được xây dựng trên một nền tảng văn hóa doanh nghiệp ngày càng vững chắc và hấp dẫn. Nói rộng ra, văn hóa chính là nền tảng phát triển của doanh nghiệp, khi nền tảng văn hóa vững thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững. Văn hóa tạo nên hình ảnh và thể hiện qua hình ảnh, diện mạo, thương hiệu đặc sắc của doanh nghiệp. Chúng ta đều biết, không bao giờ có hai công ty có cùng một bản sắc và giá trị văn hóa. Để cạnh tranh, đối thủ có thể sao chép nhiều thứ, từ chiến lược, sản phẩm, quy trình cho đến bí quyết công nghệ... song không thể sao chép được những giá trị văn hóa, tinh thần. Để tiện lợi, công nghệ có thể thay thế được nhiều thứ song không thể thay thế được niềm tin, đạo đức và kết nối tinh thần giữa mọi người. Văn hóa có sức mạnh to lớn, truyền cảm hứng và tác động trực tiếp đến thái độ, động cơ và ý chí của đội ngũ lãnh đạo, nhân viên của doanh nghiệp. 

Đặc biệt, văn hóa, đạo đức kinh doanh càng có vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức để phát triển thành công trong một thế giới thay đổi nhanh, nhiều rủi ro, bất ổn và khó dự báo. Đó là “trụ đỡ”, “điểm tựa” giúp doanh nghiệp đứng vững trước những biến cố, chấn động bất ngờ, các “cú sốc” của thị trường, của đại dịch Covid-19 và cả những tác động sâu sắc của “làn sóng” toàn cầu hóa, “cơn bão” chuyển đổi số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang “nổi lên” trên toàn cầu và tràn qua mọi quốc gia.

Cốt lõi của văn hóa kinh doanh chính là đạo đức doanh nhân. Để hình thành văn hóa kinh doanh, nhất thiết phải bắt đầu từ xây dựng con người doanh nhân mà đạo đức là gốc rễ, nền tảng và khát vọng phát triển là đích đến. Trong bài viết này, tập trung đề cập đến những khát vọng phát triển của lực lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong nền kinh tế thị trường:

Một là, khát vọng làm giàu, đó là mong muốn chiến thắng sự nghèo nàn, lạc hậu; là khát khao có được sự giàu có, thịnh vượng cho bản thân, doanh nghiệp, cho cộng đồng và đất nước. Doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam chính là lực lượng nòng cốt hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Sau hơn 35 năm đổi mới, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu và thu nhập thấp, Việt Nam đã trở thành một nước đang phát triển, thu nhập trung bình. Thu nhập bình quân đầu người trong năm 2021 đã gấp 14 lần, quy mô GDP đã tăng gấp 26 lần so với những năm đầu đổi mới. Có được kết quả to lớn đó một phần cực kỳ quan trọng là chúng ta đã khơi dậy được tinh thần và khát vọng phát triển của các chủ thể trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt có sự nỗ lực, đóng góp hết sức to lớn của hàng triệu doanh nghiệp và doanh nhân trong cả nước.

Bắt nhịp với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, từ tâm lý thụ động, trông chờ vào Nhà nước, các tầng lớp nhân dân đã chuyển sang ý thức chủ động, tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ tâm lý không thích người giàu, phủ nhận sự phân hóa giàu - nghèo, chúng ta đã khuyến khích mọi người dân làm giàu hợp pháp, coi việc một bộ phận dân cư giàu lên trước là sự phát triển cần thiết. Từ chỗ kiềm chế, thậm chí có ý kiến cực đoan muốn xóa bỏ khu vực tư nhân, chúng ta đã coi đây là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Từ chỗ xa lánh, xem nhẹ, xã hội đã ngày càng tôn vinh đội ngũ doanh nhân trên thương trường, có hẳn Ngày Doanh nhân Việt Nam (ngày 13 tháng 10 hằng năm). Chúng ta cũng cần thấy rõ, xã hội ngày càng tôn vinh thì xã hội cũng ngày càng kỳ vọng nhiều hơn về những phẩm chất tốt đẹp của đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp.

Bởi vậy, khi nói đến khát vọng làm giàu, chúng ta mong muốn tầng lớp doanh nhân lựa chọn con đường phát triển phồn vinh, thịnh vượng dựa trên nền tảng của việc thực hành đạo đức doanh nhân và những chuẩn mực của văn hóa kinh doanh; mong muốn đội ngũ doanh nhân Việt Nam có đạo đức, có tri thức, tài năng, có tinh thần yêu nước, tinh thần cống hiến bằng sản phẩm và thương hiệu và là người kế thừa, chuyển tải, lan tỏa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; lực lượng doanh nghiệp Việt Nam phát triển trên nền tảng kết hợp hài hòa giữa văn hóa, đạo đức và kinh doanh để vững vàng và thích ứng với một thế giới luôn không ngừng thay đổi.

Các đồng chí chủ trì Hội thảo - Ảnh: vov.gov.vn

Hai là, khát vọng khởi nghiệp, đó là mong muốn, khát khao hiện thực hóa sự nghiệp làm giàu. Quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã mở đường cho khu vực doanh nghiệp nước ta từng bước phát triển cả về lượng và chất. Từ chỗ chủ yếu chỉ có các hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ chúng ta đã có những doanh nghiệp tư nhân theo đúng nghĩa. Từ chỗ chỉ có những doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngày nay chúng ta đã có các tập đoàn kinh tế lớn, kể cả kinh tế tư nhân, mang tầm toàn cầu.

Quá trình hội nhập quốc tế đã góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, sự đoàn kết và tự tôn của các doanh nhân. Các doanh nhân đã xích lại gần nhau hơn, chia sẻ để cùng xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Việt Nam đã có hơn 100 doanh nghiệp với gần 300 sản phẩm có thương hiệu quốc gia nổi tiếng, khẳng định được vị thế trên thị trường khu vực và thế giới. Càng vươn xa phạm vi ra toàn cầu, đối mặt với sức ép cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế, chúng ta càng thấu hiểu ý nghĩa và giá trị to lớn của văn hóa Việt Nam; càng nung nấu khát vọng cháy bỏng xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam vững mạnh. 

Đặc biệt, trong những năm qua, làn sóng khởi nghiệp diễn ra đã và đang đem lại một sức sống mới, năng động hơn cho nền kinh tế. Khởi nghiệp là một quá trình gian nan và luôn đối mặt với nguy cơ thất bại. Điều đó sẽ thách thức bản lĩnh vững vàng, sự kiên trì và kiên định của mọi doanh nhân khởi nghiệp. Có những lúc doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với sự trì trệ hay thậm chí thụt lùi và đứng bên bờ vực phá sản. Trong những hoàn cảnh khó khăn như vậy, sự nóng vội, hấp tấp rất có thể dẫn dắt doanh nhân vào con đường làm giàu sai trái, thậm chí vi phạm pháp luật. Văn hóa, đạo đức kinh doanh chính là khiên chắn, là thành trì bảo vệ doanh nghiệp với nỗ lực bền bỉ ngày đêm gây dựng chữ tâm, chữ tín với mọi đối tác, khách hàng trước cám dỗ của những khoản lợi nhuận nhanh chóng có thể đạt được bằng các thủ đoạn làm ăn chộp giật, phi pháp. Đó thực sự là một cuộc chiến đã đẩy không ít doanh nghiệp rơi xuống vực sâu, nhưng cũng đưa nhiều doanh nghiệp lên đỉnh thành công trong nền kinh tế thị trường. Nhưng không bao giờ là quá muộn cho việc bắt đầu xây dựng một nền tảng văn hóa, đạo đức kinh doanh; và một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dựa trên nền tảng thực hành văn hóa, đạo đức sẽ luôn có được sự tôn trọng, hỗ trợ của các doanh nghiệp khác, luôn có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường và luôn được xã hội trân trọng.

Ba là, khát vọng sáng tạo, đó là mong muốn, khát vọng đổi mới để bứt phá vươn lên của mọi doanh nghiệp, doanh nhân. Nền kinh tế thị trường chính là sân chơi của sự sáng tạo; và doanh nghiệp, doanh nhân chính là những người có khả năng thể hiện sự sáng tạo của mình bằng những công nghệ, quy trình sản xuất kinh doanh mới để tăng năng suất, giảm chi phí, bằng những sản phẩm mới, hữu ích, thiết thực hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo luôn mang lại động lực phát triển to lớn. Đây là chìa khóa để các doanh nghiệp, doanh nhân tạo dựng nên những không gian phát triển mới, thậm chí không có giới hạn trong nền kinh tế số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Doanh nhân Việt Nam phải là lực lượng đi đầu trong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Phải dám thay đổi, táo bạo và kiên trì để vượt qua khỏi những tư duy cố hữu, thiếu đột phá, sáng tạo là đòi hỏi cấp thiết đối với mọi doanh nghiệp, doanh nhân; sẵn sàng khởi nghiệp đối với những doanh nhân chưa bắt đầu và quyết tâm khởi nghiệp lại đối với những ai đang thấy mình đã đi chệch hướng.

Văn hóa, đạo đức là nền tảng để nuôi dưỡng và định hướng sự sáng tạo, phát triển lành mạnh, trong sáng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nó sẽ giúp một doanh nghiệp nhận ra ranh giới giữa việc học tập lẫn nhau với sự sao chép, bắt chước một cách giả dối, vi phạm bản quyền để trục lợi; ranh giới giữa thủ đoạn tìm cách lách qua những kẽ hở của pháp luật với nỗ lực tận dụng những ưu đãi, khuyến khích của pháp luật và chính sách. 

Hơn 35 năm qua, những khát vọng trên là xung lực thôi thúc các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phát triển, đứng vững trên thương trường. Nhưng sẽ là chưa đủ, nếu chúng ta không nói đến khát vọng cống hiến của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đổi mới của đất nước.

Khi những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp thẩm thấu vào hoạt động kinh tế, mục tiêu phát triển của doanh nghiệp sẽ vượt qua việc tìm kiếm những lợi ích chỉ cho mình, mà thăng hoa trở thành sứ mệnh và trách nhiệm cống hiến cho sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước. Trước đây, sự cống hiến của doanh nghiệp, doanh nhân yêu nước thể hiện bằng những hành động đóng góp của cải, vật chất cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, sự cống hiến thể hiện bằng những nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân làm giàu cho chính mình, cho cộng đồng và đất nước với mục tiêu xuyên suốt: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Liêm chính và trách nhiệm xã hội là những phép thử đầu tiên về sự cống hiến của doanh nghiệp và doanh nhân.

Trong hoạt động kinh doanh, liêm chính là tấm hộ chiếu thông hành để doanh nhân chiếm lĩnh niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Sự liêm chính của doanh nhân thể hiện ở việc tuân thủ pháp luật, minh bạch các thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp của mình và luôn nói không với tiêu cực, tham nhũng. Theo đuổi lợi nhuận là mong muốn chính đáng của mọi doanh nghiệp, doanh nhân mà Nhà nước, xã hội cần nhận thức rõ ràng và tôn trọng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà doanh nhân bất chấp các chuẩn mực văn hóa, đạo đức mà chạy theo những lợi ích ích kỷ trước mắt mà không cân nhắc lợi ích, sự an toàn và sức khỏe của người tiêu dùng. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã và đang đào thải dần những doanh nghiệp theo đuổi thứ kinh doanh phản văn hóa, phi đạo đức; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, có trách nhiệm phát triển ngày càng lớn mạnh.

Trách nhiệm xã hội thể hiện trong sự đồng hành cùng xã hội, phát huy trách nhiệm đối với cộng đồng của doanh nghiệp. Ở nhiều nước trên thế giới, hàng hóa của doanh nghiệp khi được dán nhãn - tức là xác nhận trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - mặc dù giá cả có cao hơn so với các hàng hóa khác nhưng vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp, doanh nhân có uy tín trong xã hội cũng là những doanh nghiệp, doanh nhân đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng và môi trường, bảo đảm hài hòa giữa các yếu tố trách nhiệm kinh tế, pháp lý, đạo đức và từ thiện trong sản xuất, kinh doanh. Đó là những minh chứng sinh động cho thấy rằng, trách nhiệm xã hội cũng là một nét đẹp của đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Với đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam tiếp tục chung tay xây dựng, phát triển và gìn giữ nền tảng văn hóa, đạo đức, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển Việt Nam thịnh vượng, hùng cường như nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của toàn dân tộc.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 536 (tháng 10-2022)

BBT

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền