Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Xây dựng tiêu chí đội ngũ giảng viên Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu mới
Thứ năm, 20 Tháng 6 2013 09:01
3943 Lượt xem

Xây dựng tiêu chí đội ngũ giảng viên Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu mới

(LLCT)-Trong lý luận và thực tiễn, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục luôn được xem là lực lượng cốt cán của sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, là nhân tố quan trọng nhất quyết định việc nâng cao chất lượng giáo dục. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 khoá VIII đã xác định: “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục”. Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chỉ rõ: “Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng nòng cốt, có vai trò quan trọng”. Do vậy, muốn phát triển giáo dục - đào tạo, điều quan trọng trước tiên là phải chăm lo xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên.   

 

Việc quan niệm “người học là trung tâm của hệ thống giáo dục” đã làm vai trò của người giảng viên có nhiều thay đổi căn bản. Người giảng viên phải chuyển từ vai trò của người đơn thuần truyền thụ kiến thức sang vai trò của người hướng dẫn, hỗ trợ và cố vấn. Bản thân người giảng viên phải nỗ lực không ngừng, phải thấu hiểu sâu sắc lĩnh vực chuyên môn mà mình đảm nhiệm, luôn tìm tòi sáng tạo, áp dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại vào quá trình giảng dạy để bài giảng có sức hấp dẫn cao, có hiệu quả nhất. Mỗi bài giảng của giảng viên phải mở ra một trang mới trong thế giới kiến thức vô tận, không lặp lại, nhàm chán. Do vậy, việc thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật tri thức và công nghệ mới là công việc thường xuyên người giảng viên phải quan tâm. Bên cạnh đó, người giảng viên còn phải là tấm gương sáng  về sự tâm huyết với nghề, với sự nghiệp đào tạo.            

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh là đơn vị trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. Học viện có các chức năng cơ bản là: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cấp, cao cấp, công chức hành chính, công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp nhà nước và các đối tượng khác theo quy định của cấp có thẩm quyền, cán bộ khoa học chính trị và hành chính của hệ thống chính trị; nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng; nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm của một số đảng cộng sản và các trào lưu tư tưởng trên thế giới; nghiên cứu các khoa học chính trị, khoa học hành chính và quản lý nhà nước, một số ngành khoa học xã hội và nhân văn; tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới; nghiên cứu, xây dựng, bổ sung chương trình, nội dung, tổ chức biên soạn, chỉnh lý các giáo trình, tài liệu học tập cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện; tham mưu đề xuất, tư vấn cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, xây dựng chính sách, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, cải cách nền hành chính nhà nước. 

Để đáp ứng yêu cầu thời kỳ cách mạng mới, Học viện đang đẩy mạnh đổi mới một số các mặt hoạt động.       

Với yêu cầu nhiệm vụ mới như vậy, giảng viên của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh ngoài việc đạt tiêu chí của giảng viên nói chung thì phải đạt được những tiêu chí riêng như sau: 

Thứ nhất, về trình độ chuyên môn: giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên.          

Là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trung, cao cấp, 100% học viên các lớp cao cấp lý luận - chính trị, đại học chính trị các chuyên ngành đều đã có trình độ đại học. Trong đó, tỷ lệ học viên có trình độ thạc sĩ thường chiếm khoảng 10-15%. Riêng đối với lớp hoàn chỉnh cao cấp lý luận - chính trị của Học viện, 100% học viên đã có bằng cao học, tiến sĩ được đào tạo trong hệ thống Học viện. Vì vậy, giảng viên tại Học viện phải có bằng thạc sĩ trở lên. Giảng dạy các môn khoa học lý luận, có sự vận động liên tục, giảng viên phải thật sự là người tâm huyết với nghề nghiệp và có phông kiến thức sâu rộng về khoa học lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng và khoa học chuyên ngành; nắm vững quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bởi vì, giữa các bộ môn đó có mối quan hệ khăng khít, gắn bó chặt chẽ với nhau, bổ sung, hỗ trợ nhau trong mỗi bài giảng; trang bị thế giới quan, nhân sinh quan, phép biện chứng, phương pháp luận khoa học... giúp cho giảng viên soạn và trình bày bài giảng có hệ thống lôgích và giàu sức thuyết phục.    

Cùng với bằng cấp, giảng viên phải có khả năng nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn, kết hợp lý luận với thực tiễn trong giảng dạy và nghiên cứu. Hiện nay, cần phải coi nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên là tiêu chí để đánh giá chất lượng đào tạo. Người giảng viên cần chú trọng nghiên cứu khoa học và xem đây là một nhiệm vụ không thể thiếu để cập nhật kiến thức cũng như trong đổi mới phương pháp giảng dạy. Nghiên cứu khoa học là động lực thúc đẩy say mê nghề nghiệp, giúp cho giảng viên làm chủ được tri thức trên cơ sở độc lập suy nghĩ, sáng tạo, biết vận dụng tri thức vào bài giảng cũng như thực tiễn cuộc sống. Mỗi bài viết, mỗi vấn đề nghiên cứu đòi hỏi giảng viên phải vạch ra đề cương, đọc những tài liệu liên quan... vì thế, giảng viên có quá trình tích luỹ về lượng để biến đổi về chất; tri thức ngày càng được mở rộng và chuyên sâu. Giảng viên sẽ thực sự chủ động trước mọi vấn đề đặt ra và sẽ kết hợp tốt, sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp trong mỗi giờ giảng để nâng cao hiệu quả đào tạo.           

Thứ hai, về kỹ năng sư phạm, cùng với năng lực sư phạm, phương pháp giảng dạy thuyết trình tốt và giảng viên phải sử dụng thành thạo các phương pháp, phương tiện kỹ thuật hiện đại trong giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học viên. Một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với giảng viên lý luận chính trị là phải sử dụng các phương tiện kỹ thuật trong nghiên cứu và giảng dạy. Các phương tiện đó bao gồm: các phần mềm ứng dụng vi tính văn phòng, radio, ghi âm, video, Projecto, đèn chiếu... Các phương tiện này nhằm bổ sung và làm phong phú thêm những nội dung của bài giảng; thay đổi cách học và phương pháp học, tạo sự hứng thú, kích thích tìm tòi, đi sâu nghiên cứu của học viên. Làm cho học viên phát huy được tính chủ động, sáng tạo. Sử dụng các phương tiện kỹ thuật nhằm thay đổi phương pháp dạy chay, học chay; giúp học viên tiếp cận được khoa học kỹ thuật, gợi mở cho những người làm công tác xã hội gắn lý luận với thực tiễn, gắn học với hành. Đây là những kỹ năng mà người giảng viên bắt buộc phải thực hiện trong đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận.           

Thứ ba, về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống: giảng viên của Học viện phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu CNXH, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; có phẩm chất đạo đức trong sáng; có thái độ khách quan, trung thực, khiêm tốn, cầu thị; có tinh thần hợp tác đồng chí, đồng nghiệp; tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đào tạo cán bộ của Đảng và Nhà nước.

Yêu cầu giảng viên phải là đảng viên vì đối tượng học viên được đào tạo tại các lớp cao cấp lý luận chính trị,  cao cấp lý luận chính trị - hành chính; đại học chính trị chuyên ngành; học viên sau đại học tham gia thi hoặc xét tuyển vào đào tạo tại Học viện với tiêu chuẩn bắt buộc là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Riêng đối với cán bộ học đại học chính trị chuyên ngành (tổ chức, kiểm tra, tư tưởng - văn hóa, dân vận, tôn giáo...) và cán bộ trẻ học cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung nếu chưa phải là đảng viên thì phải là đoàn viên ưu tú, có đủ điều kiện, triển vọng kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam(1). Điều đó cho thấy, học viên tại Học viện là đội ngũ cán bộ được tuyển chọn khá cẩn trọng trên nhiều tiêu chí. Trong đó, tiêu chí là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là tiêu chuẩn bắt buộc, đặc trưng so với các cơ sở đào tạo khác.       

Giảng viên phải là đảng viên cũng để bảo đảm tính đảng, tính khoa học trong giảng dạy các môn lý luận. Tính đảng là một nguyên tắc trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy các môn lý luận đòi hỏi người giảng dạy phải tuân theo, vì nó là vũ khí để đấu tranh tư tưởng, chính trị. Nói đến tính chính trị là nói đến tư tưởng, sự lãnh đạo của Đảng, là quan điểm, lập trường. Giảng viên phải đứng trên lập trường, quan điểm giai cấp công nhân để nghiên cứu, giảng dạy lý luận; đứng trên lập trường lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin; phục tùng tổ chức và giữ vững nguyên tắc phát ngôn của Đảng. Tôn trọng khách quan của lịch sử, sự thật lịch sử và phải trung thành với lịch sử. Tính khoa học yêu cầu giảng viên phải sử dụng phương pháp nghiên cứu khoa học, năng lực tư duy khoa học, thái độ vô tư, công bằng trong đánh giá và phải có trách nhiệm trước lịch sử, trước sự tiến bộ của khoa học: bảo vệ chân, thiện, mỹ. Đấu tranh phê phán, loại bỏ những quan điểm phản động, xuyên tạc, chống đối của các thế lực thù địch. Trong mối quan hệ giữa tính đảng và tính khoa học thì tính đảng phải đặt lên hàng đầu, vì tính đảng phục vụ cho sự nghiệp chính trị.     

Thứ tư, giảng viên phải có hiểu biết thực tiễn. Đối tượng học viên của Học viện là những cán bộ đã có thời gian công tác nhất định (trong biên chế hoặc hợp đồng dài hạn) tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội và doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, học viên của Học viện đều là cán bộ có nhiều kinh nghiệm tích lũy trong thực tiễn công tác và thường đã có chức danh cán bộ của ngành, địa phương đang công tác. Do đó, đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức thực tiễn thì bài giảng mới có sức thuyết phục.        

Mặt khác, giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin nhất thiết phải liên hệ với thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn. Bài giảng muốn sinh động, giàu sức thuyết phục, giảng viên cần phải liên hệ với thực tiễn của thế giới, của đất nước; của địa phương; của các đối tượng học viên. Sự liên hệ này tuỳ thuộc vào khả năng của mỗi giảng viên, có thể giảng viên tự liên hệ trong bài giảng và chỉ cho học viên thấy rõ điều đó được thể hiện trong thực tế cuộc sống. Kiến thức thực tiễn của học viên vô cùng phong phú, vì thế giảng viên có thể gợi mở, đàm thoại với học viên, dẫn ra những thực tiễn của địa phương, đất nước hay cá nhân và từ đó khái quát làm sáng tỏ về mặt lý luận. Theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả đào tạo chưa cao là do phương pháp giảng dạy của chúng ta chưa chú trọng liên hệ với thực tiễn. Vì thế, sau khi học viên  tốt nghiệp ra trường phần lớn chưa biết vận dụng lý luận đã học vào thực tiễn công tác của địa phương, của ngành. Các bộ môn lý luận Mác - Lênin có liên quan đến tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, từ vấn đề nhỏ nhặt nhất trong sinh hoạt đời thường đến những vấn đề trọng đại của đất nước. Vì thế, một trong những vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận ở Học viện nhất thiết phải chú trọng liên hệ với thực tiễn mới nâng cao được chất lượng, hiệu quả đào tạo.  

Thứ năm, giảng viên phải sử dụng được ngoại ngữ trong công tác nghiên cứu, giảng dạy. Bởi vì trong thời đại ngày nay, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế vừa là cơ hội thuận lợi, có tác động tích cực, vừa là thách thức, khó khăn, có tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực hoạt động của các quốc gia, trong đó có đội ngũ cán bộ và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của Học viện. Sử dụng được ngoại ngữ sẽ giúp ích rất nhiều cho giảng viên trong việc tiếp cận các trường phái khoa học, những kết quả nghiên cứu mới và giao lưu, hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, chia sẻ kinh nghiệm giữa cán bộ của Học viện với các nước trên thế giới.  

Từ thực tiễn gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta nhận định: muốn đất nước thoát khỏi tình trạng một nước kém phát triển, trước hết Đảng phải thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển về lý luận. Là trung tâm quốc gia về đào tạo và nghiên cứu lý luận của cả nước, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh có vai trò và nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đảm đương những cương vị quan trọng trong hệ thống chính trị và những cán bộ nghiên cứu lý luận chính trị, hành chính của Đảng và Nhà nước. Do đó, giảng viên của Học viện phải đi đầu, tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, bằng kết quả nghiên cứu khoa học góp phần tham mưu cho Đảng và Nhà nước về chủ trương, đường lối về công tác đào tạo cán bộ, giải đáp những vấn đề lý luận và thực tiễn hết sức cơ bản và bức xúc về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Xây dựng đội ngũ giảng viên Học viện có đủ những phẩm chất, tiêu chuẩn ấy chính là đóng góp vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và quản lý, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đang đặt ra.

(1)   Công văn số 1611-CV/BTCTW ngày 29-3-2007 của Ban Tổ chức Trung ương.     

 

ThS Nguyễn Văn Lượng

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền