Trang chủ    Diễn đàn    “Doanh nghiệp nhà nước” - Khái niệm và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay
Thứ năm, 26 Tháng 4 2018 17:55
9569 Lượt xem

“Doanh nghiệp nhà nước” - Khái niệm và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Từ thực tiễn hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước trong những năm qua, từ kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp mà trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước từ 2011 đến nay cho thấy, những nhận thức và lý luận về doanh nghiệp nhà nước chưa phù hợp với thực tiễn. Mô hình hoạt động, đặc biệt là mô hình tổ chức và quản lý của khối doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập dẫn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu mà Đảng, Nhà nước cũng như nền kinh tế đòi hỏi. Vì vậy, chúng ta phải có những lý luận phù hợp hơn, phải nhận thức lại, nhận thức đúng đắn hơn về doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam hiện nay.

 

Sau 30 năm đổi mới, sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, vấn đề doanh nghiệp nhà nước vẫn luôn là vấn đề kinh tế nổi cộm trong nền kinh tế Việt Nam. Bàn về vấn đề này, có nhiều nhận thức khác nhau, nhiều khía cạnh gắn với từng trường hợp, từng diễn biến cụ thể của các doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước có vai trò như thế nào đối với nền kinh tế, đối với hoạt động quản lý, điều hành nền kinh tế của Nhà nước? Sau30 năm đổi mới, Doanh nghiệp nhà nước chưa đạt được hiệu quả tương xứng với những nguồn lực được nắm giữ, với vị thế và những ưu đãi chính sách mà Đảng, Nhà nước, xã hội dành cho. Doanh nghiệp nhà nước đang trở thành bộ phận gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của nền kinh tế, của thể chế chính trị mà Đảng, nhân dân ta đã lựa chọn. Chính vì vậy, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã và đang là một trong ba nội dung chính mà Đảng, Nhà nước tập trung thực hiện trong chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế.

1. Khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” ở Việt Nam hiện nay

Theo quan điểm kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp cùng với Nhà nước và người dân là ba chủ thể của nền kinh tế. Trong đó, doanh nghiệp là đơn vị kinh tế có tư cách pháp nhân, quy tụ các phương tiện tài chính, vật chất và con người nhằm thực hiện các hoạt động sản xuất, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ, trên cơ sở tối đa hóa lợi ích của người tiêu dùng, thông qua đó tối đa hóa lợi của chủ sở hữu, đồng thời kết hợp một cách hợp lý các mục tiêu xã hội. Loại hình doanh nghiệp được phân biệt dựa trên hình thức sở hữu (hình thức huy động vốn) và phạm vi trách nhiệm. Hai nội dung này sẽ quy định các quy tắc quản lý, điều hành, phân công trách nhiệm và phân chia lợi nhuận của doanh nghiệp. Định nghĩa về doanh nghiệp, Điều 4,Luật Doanh nghiệp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2014 quy định:Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.Luật Doanh nghiệp cũnggiải thích về “doanh nghiệp nhà nước”:“Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”.

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, có hiệu lực năm 2007, nền kinh tế Việt Nam có 4 loại hình doanh nghiệp gồm:công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH từ hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh.

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, ngoài 4 loại hình doanh nghiệp trên, Luật có bổ sung loại hình doanh nghiệp thứ 5 là doanh nghiệp tư nhân. Như vậy, “doanh nghiệp nhà nước” theo cách giải thích tại Điều 4,Luật Doanh nghiệp, thực chất là công ty TNHH một thành viên.Doanh nghiệp nhà nước có thể tồn tại với quy mô khác nhau theo 1 trong 2 mô hình quản lý như Điều 78, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định cho công ty TNHH một thành viên.

Phải khẳng định điều này vì hiện nay, với mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, lấy thành phần kinh tế nhà nước làm thành phần kinh tế chủ đạo, vẫn đang tồn tại quan niệm rằng “doanh nghiệp nhà nước” là một loại hình doanh nghiệp - công ty nhà nước, chứ không đơn thuần là một bộ phận của kinh tế nhà nước - một thành phần kinh tế của nền kinh tế quốc dân. Sự nhầm lẫn về mặt khái niệm dẫn đến tư tưởng rằng “doanh nghiệp nhà nước” là những doanh nghiệp cơ bản trong nền kinh tế thị trường, các nhiệm vụ trọng tâm, cốt yếu của nền kinh tế sẽ do doanh nghiệp nhà nước đảm nhận và chỉ có thể được đảm nhận bởi doanh nghiệp nhà nước. Thực tế là, có rất nhiều chương trình kinh tế trọng điểm, các công trình đầu tư trọng điểm của nhà nước đều do các doanh nghiệp nhà nước thực hiện. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác rất khó tham gia vào sân chơi này chứng tỏ rằng chưa thực sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

2. Thực trạng mô hình tổ chức và hiệu quả hoạt động của “doanh nghiệp nhà nước”

Mô hình tổ chức của các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước được hình thành, cấu trúc lại trong 10 năm trở lại đây, đặc biệt là đợt thay đổi mô hình vào năm 2010.Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước được hình thành bằng hình thức tập hợp các doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh cùng ngành, cùng lĩnh vực nhằm tạo ra ưu thế về quy mô vốn, nguồn lực con người, kỹ thuật và các nguồn lực kinh doanh khác. Đây là mô hình tổ chức chung của các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nhà nước trong giai đoạn đầu.

Trong 5 năm trở lại đây, các tập đoàn, các tổng công ty tiếp tục đầu tư bằng nguồn vốn của mình để hình thành các doanh nghiệp mới hoặc mua lại cổ phần với tỷ lệ vốn nhất định tại các công ty khác. Nếu Điều lệ tổ chức của các doanh nghiệp không có vốn chi phối của nhà nước thì Điều lệ tổ chức, hoạt động sẽ do Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên soạn thảo ban hành theo quy định của pháp luật, sau đó đăng ký thực hiện. Riêng doanh nghiệp nhà nước lại do cơ quan nhà nước ban hành. Tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nêu: Tổ hợp công ty mẹ - công ty con Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là nhóm công ty không có tư cách pháp nhân bao gồm: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (doanh nghiệp cấp I); các công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (doanh nghiệp cấp II); các công ty con của doanh nghiệp cấp II (doanh nghiệp cấp III); các công ty liên kết của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Mô hình tổ chức này là mô hình tổ chức chung áp dụng tại toàn bộ các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước hiện nay ở Việt Nam. Điều này lại vừa được thể hiện trong Luật Doanh nghiệp năm 2014. Đó là mô hình tổ chức công ty mẹ - công ty con, được chia thành nhiều tầng, nhiều nấc quản lý với các khái niệm công ty mẹ, công ty con, công ty thành viên, công ty liên kết... trong đó công ty mẹ đương nhiên trở thành đại diện vốn nhà nước ở các công ty con, công ty thành viên bằng nghiệp vụ hạch toán vốn của các công ty này về công ty mẹ. Được đầu tư vốn từ công ty mẹ, được chia sẻ thương hiệu và quyền kinh doanh trong các lĩnh vực của công ty mẹ;song theo Luật Doanh nghiệp, các công ty này cũng là các doanh nghiệp, là các tế bào của nền kinh tế. Do đó, ngoài quan hệ về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vốn đầu tư, các quan hệ kinh tế khác phải được thực hiện qua hợp đồng kinh tế. Các doanh nghiệp thuộc tập đoàn, tổng công ty, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần, hoàn toàn có quyền tự chủ kinh doanh trên nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn của các nhà đầu tư. Đây cũng là tinh thần mà Luật pháp về doanh nghiệp hướng tới và khuyến khích.

Thực tế tại các doanh nghiệp nhà nước không phải lúc nào hoạt động kinh doanh cũng diễn ra phù hợp với quy luật thị trường. Điều đầu tiên nhận thấy, mô hình tổ chức này tạo ra cơ cấu tổ chức và bộ máy quản lý, điều hành rất cồng kềnh, nhiều tầng, nấc...Mô hình tổ chức nhiều tầng, nhiều nấc như hiện nay (chưa tính đến sự quản lý của nhà nước) tạo ra nhiều bất cập trong quản lý, điều hành. Về mặt pháp lý, các doanh nghiệp con, doanh nghiệp thành viên có đủ điều kiện để tự chủ và độc lập phát triển. Chính sự phát triển độc lập, tự chủ của công ty con, công ty thành viên tạo ra những mâu thuẫn trong mối quan hệ quản lý, điều hành đối với công ty mẹ (tập đoàn, tổng công ty). Để khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo, kiểm soát của bộ máy tập đoàn, tổng công ty, đồng thời hướng tới xử lý các mẫu thuẫn, mô hình tổ chức này đã tạo ra mối quan hệ và phương thức quản lý theo hình thức cấp trên, cấp dưới, tạo ra mối quan hệ xin - cho (phân cấp từng phần). Mặc dù pháp luật về doanh nghiệp không quy định nội dung này nhưng những mối quan hệ này đã được quy định hóa bằng hệ thống những quy chế nội bộ, quy chế phân cấp trong bộ máy tổ chức, trong đầu tư, trong sản xuất kinh doanh, trong hoạt động quản lý, điều hành và trở thành mối quan hệ mang tính hành chính, trở thành rào cản cho sự hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thành viên, công ty con. Trong mô hình tổ chức các tập đoàn, các tổng công ty hiện này, cấp trên - công ty mẹ (công ty có vốn đầu tư trên 50%), được quyết định về nhân sự, vốn, chiến lược kinh doanh của công ty con mà không có cơ chế chịu trách nhiệm. Mặc dù có đủ bộ máy điều hành theo quy định của pháp luật nhưng công ty con - cấp dưới, muốn làm công tác tổ chức, muốn được mở rộng kinh doanh, huy động vốn, cải tiến công nghệ... đều phải có tờ trình, kế hoạch xin ý kiến cấp trên - công ty mẹ, được cấp trên đồng ý mới được thực hiện. Thậm chí, một số doanh nghiệp không được hoạt động độc lập theo đúng tinh thần doanh nghiệp mà phải hoạt động dưới hình thức ủy quyền, ủy quyền từng phần (công ty 100% vốn đầu tư của công ty mẹ). Cũng có những trường hợp, có hợp đồng kinh tế, dự án kinh tế do công ty con khai thác, thực hiện nhưng theo quy định quản lý, phân cấp nội bộ, công ty con không được trực tiếp ký kết mà phải để công ty mẹ ký kết rồi giao lại cho công ty con thực hiện. Phần lợi nhuận sẽ do công ty mẹ thụ hưởng mặc dù công ty mẹ không trực tiếp thực hiện, công ty con chỉ được hưởng theo định mức do công ty mẹ quy định. Những diễn biến như vậy là trái với tinh thần của Luật Doanh nghiệp, nó thể hiện ý chí áp đặt, nó tạo ra môi trường kinh doanh “thân hữu” không bình đẳng, không minh bạch, môi trường kinh doanh mà các bên có khả năng và nhu cầu không trực tiếp gặp nhau, làm tăng thêm các chi phí trung gian, tính trách nhiệm không rõ ràng, gây thất thoát và lãng phí.

Mô hình tổ chức như hiện nay biến công ty mẹ - các tập đoàn, tổng công ty trở thành bộ phận quản lý trung gian. Quyền lực quản lý, điều hành tập trung vào bộ máy quản lý tại công ty mẹ - bộ máy quản lý trung gian dẫn đến nhiệm vụ, chức năng sản xuất, kinh doanh trực tiếp bị suy giảm (trừ các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có đặc tính kỹ thuật, công nghệ cao hoặc sử dụng các nguồn lực độc quyền). Trên thực tế, chức năng kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh của công ty mẹ thường rất rộng nhưng công ty mẹ chia sẻ hết cho công ty con, công ty mẹ không trực tiếp thực hiện lĩnh vực nào ngoài chức năng và lĩnh vực đầu tư, quản lý vốn. Như vậy, công ty mẹ cùng một lúc đảm nhận hai vai trò là đại diện quản lý vốn của nhà nước và là nhà đầu tư. Điều này tạo điều kiện và môi trường để công ty mẹ mở rộng đầu tư, thậm chí đầu tư ra ngoài ngành dẫn đến tình trạng thiếu kiểm soát, gây thất thoát nguồn vốn của nhà nước. Đồng thời với đó là hiện tượng góp vốn chéo (các công ty con, công ty thành viên góp vốn vào nhau hoặc cùng góp vốn hình thành doanh nghiệp mới). Hiện tượng này làm tăng quy mô ảo, làm dòng tiền của công ty mẹ luân chuyển lòng vòng gây hiện tượng mất kiểm soát, gây lãng phí, thất thoát vốn.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII, ngày 5-5-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Không ít doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng “đắp chiếu”, làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân...”.

Báo cáo hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2016 do Chính phủ trình lên Quốc hội nêu rõ, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính, cả nướccó 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong đó có 7 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty nhà nước (không bao gồm số liệu của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam do đang thực hiện tái cơ cấu theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ); 17 Công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con (Công ty mẹ - con); 492 doanh nghiệp độc lập thuộc các Bộ, ngành, địa phương.

Doanh nghiệp nhà nước giữ một lượng vốn cùng khối lượng tài sản lớn trong nền kinh tế. Cụ thể, tổng vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp nhà nước hiện là 1,234 triệu tỷ đồng; tổng tài sản là 3,105 triệu tỷ đồng. Về hoạt động kinh doanh năm 2016, tổng doanh thu do các doanh nghiệp tạo ra đạt 1,5 triệu tỷ đồng, đóng góp 28,8% cho GDP.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, sau 15 năm sắp xếp lại theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 Khóa IX, doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh về số lượng. Về cơ bản, doanh nghiệp nhà nước đã tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, quá trình sắp xếp, tái cơ cấu còn chậm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ. Trên thực tế, những hạn chế, yếu kém của khối doanh nghiệp nhà nước đã được chỉ ra từ lâu, nhưng qua nhiều nhiệm kỳ vẫn chậm có sự chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn. Theo Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán các doanh nghiệp nhà nước năm 2016, nhiều đơn vị lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu, có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc giải thể. Nhiều doanh nghiệp lỗ lớn thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem). Cụ thể Vicem Tam Điệp lỗ 1.156 tỷ đồng, Vicem Hải Phòng 359 tỷ đồng. Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam cũng có một số doanh nghiệp trực thuộc nằm trong tình cảnh tương tự. Cụ thể, Công ty cổ phần vật liệu Bưu điện Việt Nam lỗ 53,3 tỷ đồng. Công ty cổ phần phát triển dịch vụ học tập và giải trí trực tuyến VDC-NET2Elỗ 26,9 tỷ đồng. Công ty TNHH sản xuất thiết bị viễn thông (TELEQ) lỗ 22,5 tỷ đồng...Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) cũng có Công ty cổ phần Thương mại, dịch vụ và du lịch cao su lỗ 317,9 tỷ đồng. Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 68 (trực thuộc Handico) lỗ 52,3 tỷ đồng. Công ty cổ phần Thủy điện Sông Vàng (trực thuộc Lilama) lỗ 94,3 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trực thuộc doanh nghiệp nhà nước bị âm vốn chủ sở hữu. Công ty liên doanh Sakura Hà Nội Plaza (trực thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội) âm 168,7 tỷ đồng - lỗ trước khi bàn giao về Tổng công ty. Công ty TNHH một thành viên Petrolimex Singapore (trực thuộc Petrolimex) âm 1.335,2 tỷ đồng. Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific Airlines (thuộc Vietnam Airlines) âm 129 tỷ đồng. Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoàn Kiếm và Công ty cổ phần du lịch và thương mại Dân chủ (thuộc Tổng công ty du lịch Hà Nội) âm là 79,2 và 51,83 tỷ đồng. Công ty tài chính TNHH một thành viên Bưu điện (thuộc VNPT) âm 43,1 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết có không ít các khoản đầu tư tài chính của một số doanh nghiệp có vốn nhà nước đạt hiệu quả thấp. Thí dụ, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đầu tư vào 3 công ty liên kết gần 123 tỷ đồng với tỷ lệ cổ tức bình quân năm 2015 là 1,34%. Ngoài ra, PTI cũng đầu tư dài hạn vào 7 doanh nghiệp khác hơn 57 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức bình quân năm 2015 chỉ là 0,48%. Các khoản đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)vào các dự án Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty Bột giấy Phương Nam, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh, Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, Công ty cổ phần Nhiệt điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đều không hiệu quả. Đáng chú ý, ngành Công Thương có 12 dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, làm ăn thua lỗ, điển hình là nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, nhà máy đạm Ninh Bình... Tổng tài sản của 12 nhà máy là hơn 57.600 tỷ đồng, thì tổng nợ phải trả là hơn 55.000 tỷ đồng. Những tập đoàn lớn khác như Dầu khí, Than, Điện lực, Hóa chất liên tục có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tình trạng nợ xấu, tình trạng đình trệ sản xuất...

Trong bất ổn kinh tế vĩ mô thời gian vừa qua, hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước được coi là một trong những nguyên nhân chính. Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng hiện nay của các “doanh nghiệp nhà nước”, trong đó, nhận thức đúng đắn về bản chất của “doanh nghiệp nhà nước” là nguyên nhân cơ bản. Từ sự nhận thức thiếu đúng đắn dẫn đến việc quản lý của nhà nước đối với khối doanh nghiệp này còn nhiều bất cập, mô hình quản lý không khoa học và tạo nhiều kẽ hở. Đây cũng là thực trạng của khối “doanh nghiệp nhà nước” hiện nay.

3. Nhận thức rõ hơn về bản chất và hình thức để “doanh nghiệp nhà nước” tồn tại và phát triển.

Từ những lý luận và thực trạng nêu trên về “doanh nghiệp nhà nước” tại Việt Nam hiện nay đòi hỏi chúng ta cần nghiêm túc nghiên cứu, nhìn nhận lại mô hình khối “doanh nghiệp nhà nước”. Nguyên nhân của những bất cập trên có thể xem xét từ nhiều khía cạnh, song cần nhấn mạnh khía cạnh rất cơ bản là tư duy và nhận thức của chúng ta về vấn đề này chưa đầy đủ, chưa đúng

Về bản chất kinh tế, doanh nghiệp nhà nước phải được hiểu là “công ty có 100% vốnđiều lệtừ nhà nước”. “Doanh nghiệp nhà nước” vẫn là một trong các loại hình doanh nghiệp mà Luật Doanh nghiệp quy định, theo đó, doanh nghiệp nhà nước tồn tại theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Mô hình tổ chức, quản lý, điều hành sẽ tuân theo đúng các quy định của pháp luật về doanh nghiệp với một trong hai mô hình quản lý như Điều 78, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định. Hoạt động của “doanh nghiệp nhà nước” sẽ gần với thị trường hơn, trách nhiệm trước nhà đầu tư sẽ cao hơn, hiệu quả hoạt động sẽ tốt hơn. Sẽ không có chuyện các cơ quan quản lý Bộ, ngành trực tiếp điều hành doanh nghiệp, quyết định phương hướng kinh doanh, quản lý lương, thưởng và các chế độ chính sách cho doanh nghiệp mà không dựa trên hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như mức độ đóng góp của mỗi cá nhân, tập thể. Mọi hoạt động của doanh nghiệp sẽ do Chủ tịch công ty, Hội đồng thành viên, Ban Kiểm soát tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về tính hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với mô hình nền kinh tế thị trường định hướng XHCNmà chúng ta lựa chọn, việc nhà nước đầu tư vào nền kinh tế thông qua các doanh nghiệp nhà nước do nhà nước giữ 100% vốnđiều lệ hoặc nắm giữ cổ phần chi phối ở các loại hình doanh nghiệp kháclà điều cần thiết để bảo đảm vai trò chỉ đạo và điều hành của nhà nước đối với nền kinh tế. Nhà nước chọn giải pháp duy trì sự chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế quốc dân và một trong những công cụ thực hiện là hình thành các doanh nghiệp mà nhà nước có thể chỉ đạo, điều hành nhưng phải bằng biện pháp kinh tế. Nhà nước đầu tư 100% vốn hoặc đầu tư vốn với tỷ lệ chi phối để giành quyền quản lý, điều hành doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Vì vậy, tùy từng lĩnh vực, từng ngành nghề có tính trọng yếu mà nhà nước tham gia đầu tư nhiều hay ít, đầu tư chi phối hoặc đầu tư 100% vốn vào các doanh nghiệp thuộc phạm vi kinh tế mà nhà nước muốn quản lý và điều hành. Đặc biệt, với những doanh nghiệp sử dụng tư liệu sản xuất thuộc sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước như đất đai, tài nguyên khoáng sản... thì nhà nước bắt buộc phải đầu tư và kiểm soát. Nhưng sau đó, các doanh nghiệp này vẫn phải hoạt động theo cơ chếcủa thị trường trong khuôn phổ pháp luật.

Về quản lý nhà nước, bắt buộc tách bạch sự điều hành trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước với khối “doanh nghiệp nhà nước”. Nhà nước không được can thiệp vào kế hoạch sản xuất kinh doanh, vào bộ máy tổ chức. Nhà nước quản lý, điều hành nền kinh tế bằng pháp luật, kể cả với các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư từ nhà nước. Những bộ luật Hình sự, Dân sự, Luật doanh nghiệp, Luật đấu thầu, Luật cạnh tranh, Luật phá sản, Luật kế toán...là nền tảng cơ bản để các doanh nghiệp vận hành, không loại trừ bất cứ doanh nghiệp nào. Nhà nước, nếu là chủ đầu tư thì chỉ được tác động vào doanh nghiệp thông qua người đại diện vốn theo các quy trình pháp luật đã ban hành. Nhà nước chỉ thực hiện các chương trình kinh tế của nhà nước, thông qua đó, kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực tham gia vì hiệu quả của cả doanh nghiệp và nhà nước.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2017

1. Luật Doanh nghiệp năm 2005.

2. Luật Doanh nghiệp năm 2014.

3. Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệpnăm 2014.

4. Trần Thọ Đạt, Ngô Thắng Lợi (Đồng chủ biên): Kinh tế Việt Nam 2016 - Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và vai trò của nhà nước kiến tạo phát triển, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2017.

5. Võ Văn Đức, Đinh Văn Trung (Đồng chủ biên): Tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam - Lý luận và thực tiễn, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2015.

6. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

7. Báo cáo hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2016, Chính phủ.

8. Báo cáo kiểm toán Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước năm 2016.

9. www.pvn.vn

10. www.vnpt.vn

11. Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, năm 2014.

12. Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, năm 2014.

ThS Đinh Văn Trung

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền