Trang chủ    Diễn đàn    Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống hoạt động lợi dụng tự do báo chí chống phá Việt Nam
Thứ tư, 23 Tháng 5 2018 16:49
3381 Lượt xem

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống hoạt động lợi dụng tự do báo chí chống phá Việt Nam

(LLCT) - Trong những năm qua, nhằm thực hiện “diễn biến hoà bình”, các thế lực thù địch ráo riết sử dụng mọi phương thức, thủ đoạn nhằm chống phá Đảng, Nhà nước. Chúng triệt để lợi dụng quyền tự do báo chí để xuyên tạc tình hình thực tế, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền… gây mất ổn định chính trị - xã hội; xâm phạm lợi ích chính đáng của Nhà nước và công dân.

Cũng như các quyền cơ bản khác của con người, quyền tự do báo chí được quy định cụ thể trong luật pháp quốc tế. Khoản 1, Điều 19, Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR) khẳng định: Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào.

Tuy nhiên, quyền này cũng có chế tài hạn chế. Khoản 3, Điều 19, ICCPR khẳng định: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”. Khoản 2, Điều 29, Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948 cũng nhấn mạnh: “Trong khi thụ hưởng các quyền và tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền và tự do của những người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung”.

Pháp luật nhiều quốc gia cũng quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, theo đó, việc thực hiện quyền này phải trong khuôn khổ pháp luật. Ðiều 5, Hiến pháp Ðức quy định, mọi người có quyền thể hiện quan điểm qua hình ảnh, lời nói, bài viết trên sách báo hay phát tán qua phát thanh, truyền hình. Nhưng “Ai lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do báo chí, tự do tuyên truyền…làm công cụ chống lại trật tự của xã hội tự do dân chủ sẽ bị tước bỏ quyền công dân”.

Tại Mỹ, một quốc gia vốn được coi là “đất nước của tự do báo chí”, Điều 2358, Bộ luật Hình sự Mỹ nghiêm cấm: “in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực”; “Việc viết, in, phát biểu hay phổ biến…mọi văn bản sai sự thực, có tính chất xúc phạm hay ác ý chống chính quyền đều là tội”.

Như vậy, luật pháp quốc tế cũng như pháp luật các quốc gia đều khẳng định: quyền tự do báo chí không phải là một quyền tuyệt đối. Khi thực hiện quyền này, mỗi công dân phải chịu những hạn chế nhất định nhằm bảo vệ lợi ích chung của xã hội, nhà nước, nhân dân.

Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn nhất quán quan điểm tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó, có quyền tự do báo chí. Trên cơ sở nội luật hóa pháp luật quốc tế về quyền tự do báo chí, Hiến pháp năm 1946, khẳng định: người dân có quyền tự do báo chí và được pháp luật bảo đảm thực hiện. Các bản Hiến pháp sau này đều kế thừa và phát triển nội dung của Hiến pháp 1946 về quyền tự do báo chí. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” và khẳng định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng”. Hiến định này được thể chế trong các văn bản pháp luật nhằm bảo đảm quyền tự do báo chí được thực hiện trên thực tế, như: Bộ Luật hình sự 2015, Luật Báo chí năm 2016...

Trong những năm qua, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng quyền tự do báo chí để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với nước ta, trong đó, chúng tập trung vào một số hoạt động cơ bản sau:

Một là, lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của ta trong thực hiện chính sách, pháp luật hoặc khi Nhà nước xử lý các cá nhân, tập thể vi phạm pháp luật về báo chí để vu cáo Nhà nước Việt Nam: “Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”;“Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do internet”; “bắt bớ nhiều blogger”…Chúng vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tự do báo chí; hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Hai là, ra sức tuyên truyền, cổ vũ, cường điệu hóa “các giá trị” dân chủ tư sản, các quan điểm của phương Tây về tự do báo chí. Chúng viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế và Việt Nam về quyền tự do báo chí, nhưng bỏ qua những điều khoản nghĩa vụ kèm theo để thực hiện các quy định đó rồi phát tán qua internet, mạng xã hội, làm cho nhiều người hiểu lầm rằng “tự do báo chí” là một quyền tuyệt đối; từ đó cổ súy các phần tử bất mãn, các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị lợi dụng quyền tự do báo chí hoạt động tích cực, quyết liệt hơn.

Ba là, triệt để tác động Quốc hội Mỹ và các nước phương Tây, các tổ chức quốc tế thông qua các dự luật, nghị quyết, báo cáo thường niên.v..v..với nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam “vi phạm tự do báo chí”,điển hình như: Báo cáo nhân quyền thế giới hằng năm của Anh, Úc; Nghị quyết của Nghị viện châu Âu; các báo cáo thường niên, thông cáo báo chí của các tổ chức quốc tế: Phóng viên không biên giới (RSF), Tổ chức Theo dõi nhân quyền(HRW), Ủy ban bảo vệ nhà báo(CPJ)...mặc dù phải thừa nhận Việt Nam “có tiến bộ” về bảo đảm quyền tự do báo chí nhưng vẫn xuyên tạc tình hình, vu cáo Nhà nước vi phạm “tự do báo chí”, “đàn áp, bắt giữ trái phép các blogger”…Chúngcòn tác động các chính khách cực đoan trong Quốc hội Mỹ, Anh, Úc…tổ chức điều trần, hội thảo nhằm xuyên tạc tình hình tự do báo chí trong nước nhằm tác động Quốc hội các nước này ra Nghị quyết bất lợi cho nước ta.

Bốn là, dùng quyền tự do báo chí làm điều kiện để gây sức ép, can thiệp vào nội bộ nước ta. Trong đó, luôn gắn vấn đề viện trợ, hợp tác kinh tế, tài trợ với các điều kiện về dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam; yêu cầu Nhà nước phải cho xuất bản báo chí tư nhân, đòi tự do báo chí theo kiểu phương Tây.

Năm là, tác động, lôi kéo, mua chuộc các phần tử chống đối, cơ hội chính trị, phóng viên tha hóa, biến chất tăng cường viết bài xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, vu cáo Việt Nam vi phạm “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí” rồi phát tán trên mạng xã hội, internet... Đặc biệt, chúng còn thành lập các câu lạc bộ, diễn đàn trên mạng xã hội dưới chiêu bài “tự do ngôn luận, tự do báo chí” để tập hợp lực lượng, hình thành các tổ chức chống Đảng, Nhà nước.

Trong những năm qua, Việt Namđạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí của người dân. Theo thống kê, tính đến năm 2017, cả nước có 857 cơ quan báo chí gồm 199 cơ quan báo chí in, 658 Tạp chí (trong đó có 105 báo, Tạp chí điện tử), 1 hãng thông tấn quốc gia; 67 cơ quan phát thanh truyền hình. Ở Việt Nam, báo chí đã thực sự trở thành cầu nối giữa "ý Đảng - lòng dân", tạo đồng thuận xã hội, thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, là phương tiện để người dân kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật và đóng góp ý kiến phản biện đối với các chính sách, pháp luật của Nhà nước; là công cụ bảo vệ lợi ích xã hội, bảo vệ quyền của người dân, tích cực phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng, hành vi vi phạm pháp luật. Đó là minh chứng hùng hồn cho việc bảo đảm quyền tự do báo chí ở Việt Nam, phản bác luận điệu vu cáo Nhà nước Việt Nam “bóp nghẹt tự do ngôn luận, tự do báo chí”, “kiểm soát báo chí, Internet”…Cũng như hoạt động khác, việc thực hiện quyền tự do báo chí đều phải trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam; không một cá nhân, tổ chức hoạt động báo chí nào được phép đứng ngoài hoặc đứng trên lợi ích quốc gia, dân tộc. Thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã xử lý các đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí vi phạm quyền và lợi ích của Nhà nước và công dân theo pháp luật, điều này phù hợp với luật pháp quốc tế quy định trên lĩnh vực này. Tự do báo chí đúng nghĩa luôn được xây dựng trên cơ sở thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, của nhân dân.

Nhằm góp phần đấu tranh có hiệu quả với hoạt động lợi dụng quyền tự do báo chí để chống phá Đảng, Nhà nước ta, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối vớicông tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông và phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí chống phá Việt Nam. Giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện đối với các cơ quan báo chí, truyền thông trong cả bốn khâu: định hướng phát triển; định hướng nội dung; công tác cán bộ; công tác kiểm tra, kiểm soát, trong đó khâu cán bộ giữ vai trò quyết định. Cần coi trọng công tác rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý báo chí; thực hiện nghiêm các quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm, thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông. 

Hai là, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiêp[j cho đội ngũ nhà báo. Do đó, mỗi nhà báo cần không ngừng học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tự giác học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng, thực hiện nghiêm Luật Báo chí và các quy định của pháp luật trên lĩnh vực báo chí; hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích vì lợi ích của đất nước, của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí, truyền thông, quản lý internet. Tiếp tục tăng cường cơ chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông với các cơ quan chức năng trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí - xuất bản. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định đạo đức nghề nghiệp và giáo dục các chủ thể trong hoạt động báo chí, truyền thông tự giác thực hiện. Các chế tài xử lý vi phạm cần đủ mạnh để bảo đảm ngăn ngừa, răn đe; kiên quyết sắp xếp lại các cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực báo chí, truyền thông. Qua đó, chủ động phát hiện những hành vi sai phạm, xu hướng lệch lạc của các cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên, nhà báo để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Đặc biệt, qua công tác thanh, kiểm tra, cần kịp thời phát hiện và kiên quyết đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo, quản lý những người không đủ bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối nội và đối ngoại qua nhiều kênh và nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú làm cho các tầng lớp nhân dân, cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài hiểu đúng quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thành tựu đã đạt được trong bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam; quảng bá hình ảnh đất nước hòa bình, ổn định, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu vu cáo, xuyên tạc về tự do báo chí.

Những năm tới, quyền tự do báo chí vẫn sẽ là một mũi tiến công quan trọng được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm chống phá nước ta. Do vậy, phòng chống hoạt động này cũng chính là giúp các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; góp phần nâng cao vị thế, vai trò của báo chí nước ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Nguyễn Đức Quỳnh

Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền