Trang chủ    Diễn đàn    Triết lý kinh doanh trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Thứ hai, 21 Tháng 7 2014 14:38
21622 Lượt xem

Triết lý kinh doanh trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp

(LLCT) - Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng tinh thần, là yếu tố nội sinh, sức mạnh nội tại của mỗi doanh nghiệp. Chính vì vậy, vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp được các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, nhằm tạo ra nền tảng cho sự phát triển bền vững.

1. Vai trò của triết lý kinh doanh trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Hiện nay, có trên 300 khái niệm khác nhauvề văn hóa doanh nghiệp,trong đó, đa số các khái niệmđều coi văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị tương đối bền vững hình thành và phát triển cùng với doanh nghiệp, chi phối hoạt động của doanh nghiệp và tạo nên nét đặc trưng, sự khác biệt giữa các doanh nghiệp.

TheoA.William, P.DobsonvàM.Walters:“ Văn hóa doanh nghiệp là những niềm tin, thái độ và giá trị tồn tại phổ biến và tương đối ổn định trong doanh nghiệp” .

Văn hóa doanh nghiệp được biểu hiện ra qua cách thức hoạt động và sản phẩm hoạt động của doanh nghiệp, tạo nên bản sắc riêng của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa chính là con người, do đó sức mạnh của văn hóa nằm ở việc phát huy sức mạnh của con người. Nhiều doanh nghiệp ngày nay đã nhận ra rằng: “Mỗi doanh nghiệp cho dù là sản xuất hay dịch vụ thì đều được vận hành bởi đội ngũ những con người. Chính những con người này sẽ là sức mạnh hay lợi thế cạnh tranh khó lòng có thể sao chép được, hoặc chính những con người này sẽ là điểm yếu đẩy lùi hay làm chậm sự phát triển của doanh nghiệp”(1). Thậm chí nhiều người còn cho rằng lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp không được quyết định bởi vốn hay công nghệ mà bởi việc “tổ chức những con người như thế nào”. Vấn đề cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp cũng chính là vấn đề con người.

Xét về cấu trúc, có thể phân chia văn hóa doanh nghiệp thành ba lớp như sau: triết lý kinh doanh (hay còn gọi là giá trị ngầm định), phương thức hoạt động của doanh nghiệp bao gồm hệ thống các quy tắc, quy định, quy trình làm việc (hay còn gọi là các giá trị được thể hiện), thực thể hữu hình (sản phẩm, khẩu hiệu, trang phục, vật dụng, nghi thức...).

Triết lý kinh doanh là những tư tưởng chỉ đạo, định hướng dẫn dắt hoạt động kinh doanh. Yếu tố cấu thành của triết lý kinh doanh bao gồm lý tưởng, phương châm hoạt động, hệ giá trị và các mục tiêu của doanh nghiệp. Triết lý kinh doanh được hình thành từ thực tiễn kinh doanh và khả năng khái quát hóa, sự suy ngẫm, trải nghiệm của chủ thể kinh doanh. Triết lý kinh doanh là hạt nhân của văn hóa doanh nghiệp, nằm trong tầng sâu nhất, cốt lõi nhất của văn hóa doanh nghiệp. Nó thể hiện tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp đó. Một doanh nghiệp có nền tảng văn hóa mạnh thì trước hết phải có triết lý kinh doanh mạnh, có tầm ảnh hưởng sâu sắc. Triết lý kinh doanh không phải chỉ là những ý tưởng, lý tưởng nằm trong suy nghĩ, trên giấy tờ mà phải thẩm thấu vào các lớp khác của văn hóa doanh nghiệp, được hiện thực hóa qua hoạt động của doanh nghiệp đó, chứa đựng trong sản phẩm và kết quả của chính doanh nghiệp đó tạo ra.

Mỗi doanh nghiệp muốn kinh doanh bền vững phải bắt đầu từ yếu tố cơ bản nhất là quan niệm kinh doanh đúng đắn: tiến hành kinh doanh vì cái gì, như thế nào? Làm sao để có được quan niệm kinh doanh đúng đắn và phù hợp làm nền tảng cho sự phát triển của mỗi doanh nghiệp là điều không hề đơn giản,đòi hỏi tầm nhìn, cái tâm và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của chủ thể kinh doanh.

2. Một số tiêu chí xây dựng triết lý kinh doanh

Thứ nhất, triết lý kinh doanh phải lấy con người làm trung tâm.

Con người ở đây chính lànhững thành viên của doanh nghiệp, cụ thể là quan hệ giữa lãnh đạo - nhân viên, nhân viên - nhân viên. Những con người này và quan hệ giữa họ sẽ quyết định sự phát triển thịnh vượng và bền vững của doanh nghiệp. Triết lý kinh doanh cần coi nhân tố con người là nhân tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp, khơi dậy, phát huy sức mạnh của toàn thể những thành viên của doanh nghiệp, biến mục đích, sứ mệnh chung của doanh nghiệp trở thành mục đích, sứ mệnh của chính họ. Triết lý kinh doanh cần trở thành niềm tin, thẩm thấu vào suy nghĩ, tình cảm của mọi thành viên và trở thành hành động của họ. Bởi văn hóa không phải là cái được áp đặt từ bên ngoài mà cần trở thành động lực bên trong, tức phải được “nội tâm hóa” trong chính chủ thể, văn hóa do con người tạo ra và thể hiện. Như vậy, triết lý kinh doanh phải xác định được mục tiêu, lợi ích chung của doanh nghiệp trong sự thống nhất với lợi ích riêng của các thành viên; xác định được các nguyên tắc điều hòa mối quan hệ giữa những thành viên của doanh nghiệp có như thế mới trở thành nền tảng tinh thần của doanh nghiệp, phát huy hiệu quả nguồn lực con người. Đó là nguồn lực mà vốn, công nghệ không thể thay thế được.

Con người còn được hiểu là những đối tượng mà doanh nghiệp hướng tới, ở đây chính là khách hàng. Mỗi doanh nghiệp có đối tượng khách hàng riêng. Doanh nghiệp muốn phát triển, thành công thì triết lý kinh doanh hướng tới phục vụ, thỏa mãn lợi ích của khách hàng trong sự thống nhất với lợi ích của doanh nghiệp; đưa ra những chuẩn mực làm cơ sở cho sự ứng xử hợp lý giữa nhân viên doanh nghiệp với khách hàng của mình. Triết lý đó không chỉ là lời nói, là khẩu hiệu mà nó trở thành phong cách ứng xử, phong cách phục vụ của nhân viên doanh nghiệp đối với khách hàng, biểu hiện ra trong từng hành vi chứa đựng đặc trưng của văn hóa doanh nghiệp.

Thứ hai, triết lý kinh doanh mang tính hiện đại và tính đại chúng.

Văn hóa là cách thức sinh sống, hoạt động của con người nên luôn cần phải đổi mới khi nhu cầu sinh tồn và phát triển của con người thay đổi. Từ đó, có thể thấy rằng doanh nghiệp cần xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp theo hướng không ngừng đổi mới và phục vụ xã hội. Triết lý kinh doanh cấu thành nền tảng văn hóa của doanh nghiệp có tính ổn định nhưng không bất biến, luôn cần được bổ sung, đổi mới phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, môi trường xã hội. Bởi bản chất của hoạt động kinh doanh cũng như các hoạt động khác của con người là mang tính sáng tạo. Triết lý kinh doanh thể hiện tầm nhìn của doanh nghiệp, hiểu rõ “bản thân mình”,sứ mệnh, nhiệm vụcủa doanh nghiệp. Tầm nhìn đúng thì hướng đi, kế sách và hoạt động sẽ đúng và ngược lại. Chủ thể kinh doanh cần phải biết rõ mục tiêu, sứ mệnh, chức năng của doanh nghiệp trong từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể và cần biết thay đổi triết lý kinh doanh phù hợp với thực tiễn. Tính hiện đại của triết lý kinh doanh chính là ở sự phù hợp của nó với hoạt động kinh doanh và với thực tiễn cuộc sống, hơn nữa nó còn có khả năng vạch đường, chỉ lối cho doanh nghiệp trong tương lai. Ngày nay, ở nước ta quá trình hiện đại hóa không ngừng diễn ra trong các doanh nghiệp và đạt được những kết quả khả quan như nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượngsản phẩm,...Tuy nhiên, để đổi mới toàn diện, sâu sắc,đưa doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế cần bắt đầu từ đổi mới tư duy toàn diện, sâu sắc trên cơ sở triết lý kinh doanh hiện đại thể hiện tầm nhìn chiến lược.

Tính hiện đại của triết lý kinh doanh không tách rời tính đại chúng, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng phải hướng tới phục vụ lợi ích cộng đồng mới có thể tồn tại được. Sự gắn kết giữa lợi nhuận và trách nhiệm xã hội không hề mâu thuẫn mà tương trợ cho nhau trong hoạt động kinh doanh.     

Thứ ba, tạo dựng phong cách,bản sắc văn hóa của doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp kinh doanh thành công đều phải xây dựng đượcphong cách, bản sắc riêng của mình. Bản sắc đó thể hiện trên rất nhiều phương diện: biểu hiện bề ngoài là lôgô, khẩu hiệu, trang phục, vật dụng..; biểu hiện bên trong là ở phương thức làm việc, cách thức, quy trình triển khai công việc, phương thức giao tiếp, phương pháp kinh doanh…Những biểu hiện đó suy đến cùng đều bị chi phối bởi cách tư duy, tầm nhìn của doanh nghiệp ẩn chứa trong triết lý kinh doanh của doanh nghiệp đó. Triết lý kinh doanh thể hiện và tạo ra bản sắc văn hóa của doanh nghiệp phải thể hiện được “cách tiếp cận” hay “góc nhìn văn hóa” của chủ thể kinh doanh. Cách tiếp cận này do mục đích kinh doanh của doanh nghiệp và do thực tiễn chi phối. Chủ thể kinh doanh dựa trên sự phân tích hoàn cảnh thực tiễn, phân tích nhu cầu, mục đích, đối tượng của hoạt động kinh doanh từ đó tìm ra “cách tiếp cận” phù hợp để đưa ra triết lý kinh doanh và triển khai thành phương thức hoạt động của doanh nghiệp mình. Cách tiếp cận khác nhau sẽ tạo ra triết lý kinh doanh khác nhau từ đó chi phối cách thức hoạt động, triển khai công việc, sản phẩm khác nhau của doanh nghiệp.

Như vậy, sự tồn tại của mỗi doanh nghiệp không thể thiếu triết lý kinh doanh đúng đắn. Triết lý kinh doanh phải bảo đảm được tính nhân sinh, vì con người, xác định mục tiêu phục vụ cộng đồng, thể hiện được bản sắc của doanh nghiệp và không ngừng đổi mới mới có thể trở thành kim chỉ nam định hướng cho sự phát triển của doanh nghiệp.

__________________

(1) Xem: TS Đặng Đức Dũng: Văn hóa doanh nghiệp - nền tảng phát triển sau khủng hoảng (trực tuyến), Báo diễn đàn doanh nghiệp điện tử, năm 2012, http://dddn.com.vn

ThS Đào Thị Hữu

Học viện Ngân hàng

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền