Trang chủ    Diễn đàn    Cuộc đấu tranh của những người mácxít trên lĩnh vực tư tưởng ở nước ta hiện nay
Thứ ba, 26 Tháng 8 2014 09:43
3273 Lượt xem

Cuộc đấu tranh của những người mácxít trên lĩnh vực tư tưởng ở nước ta hiện nay

(LLCT) - Cuộc đấu tranh của Mác, Ăngghen và những ngườì mácxít chống lại các tư tưởng đối lập là một trong những cuộc đấu tranh tư tưởng lâu dài, đa dạng và phức tạp nhất trong trong suốt gần hai thế kỷ nay. Cuộc đấu tranh ấy có khi lắng đọng, có lúc bùng phát và dưới nhiều hình thức khác nhau, chưa bao giờ ngừng lại.

Mỗi khi có cơ hội thuận lợi, đặc biệt là những khi CNTB có những sự biến đổi tích cực nào đó, những khi phong trào cộng sản và công nhân quốc tế hay phong trào cách mạng thế giới nói chung gặp những khó khăn, các thế lực chống đối chủ nghĩa Mác lại mở một cuộc tấn công mới. Thậm chí, cả khi khoa học tự nhiên có những phát minh mới, phá vỡ các quan niệm cũ, các thế lực thù địch cũng không bỏ qua cơ hội này để phản bác chủ nghĩa Mác. Sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã được các thế lực phản động tận dụng đến mức tối đa để mong kết thúc sứ mệnh lịch sử của chủ nghĩa Mác.

Vấn đề đặt ra là vì sao chủ nghĩa Mác lại bị người ta thù ghét đến thế? Phải chăng vì nó đã mang lại những tai họa cho loài người như những kẻ đối lập từng rêu rao? Hay như GiôHan Plenghê, nhà xã hội học phản động, nhà kinh tế học và nhà triết học duy tâm Đức nói chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác “bất quá chỉ là một cử chỉ làm cảm động lòng người”, “một học thuyết duy lý chủ nghĩa đến cực độ”, “về thực chất sâu xa nhất, một quan điểm duy tâm chủ nghĩa về xã hội”?(1) Có thể nói, những kẻ chống đối chủ nghĩa Mác đã không từ bất cứ ngôn từ nào để hạ thấp giá trị của lý luận mà Mác, Ăngghen đã dày công xây dựng. Vậy đâu là thực chất của vấn đề? Điều này đã được chính Mác, Ăngghen, Lênin và các nhà mácxít giải thích một cách rõ ràng.                           

Nguyên nhân thứ nhất làsự xung đột về lợi ích. Trong lịch sử loài người, sự xung đột về lợi ích bao giờ cũng là sự xung đột lớn nhất, gay gắt nhất và quyết liệt nhất. Trong bài “Chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa Mác”, Lênin đã ghi một câu cách ngôn nổi tiếng: “nếu những định lý hình học mà phạm tới quyền lợi của con người, thì nhất định chúng sẽ bị bác bỏ”(2).

Tất nhiên, học thuyết của Mác không đơn giản như một định lý hình học mà nó là một hệ thống lý thuyết đồ sộ, là hệ tư tưởng của giai cấp vô sản, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đó là “vũ khí tinh thần” của giai cấp vô sản, là “đầu não” của cuộc đấu tranh giải phóng nhân loại. Nó đụng chạm đến lợi ích cơ bản và to lớn của các giai cấp có thế lực nhất, giàu có nhất, có sức mạnh vật chất và tinh thần lớn nhất trong thế giới hiện đại. Một thứ lợi ích đã giành được bằng bất cứ giá nào và đang được bảo vệ bằng  bất cứ phương tiện gì từ khi xã hội có giai cấp xuất hiện trên hành tinh chúng ta và đã phát triển đến đỉnh cao trong CNTB. Do đó, học thuyết của Mác không thể không “gây ra sự cừu địch mạnh nhất và lòng căm thù trong toàn thế giới khoa học tư sản…” và cũng “không thể trông mong có một thái độ nào khác thế được”, trong một xã hội còn tồn tại các giai cấp đối kháng(3).

Nguyên nhân thứ hai, chủ nghĩa Mác-Lênin là một tích hợp lý thuyết và hơn thế nữa, còn là một tổng tích hợp lý thuyết.

Tích hợp lý thuyết là một hình thức phổ biến của nhiều khoa học. Tích hợp lý thuyết là sự kết hợp, sát nhập, tổng hợp các lý thuyết khác nhau, tạo nên một lý thuyết thống nhất có khả năng khắc phục những khiếm khuyết của từng lý thuyết thành phần, phản ánh đầy đủ và đúng đắn hơn hiện thực khách quan. Ngày nay, các khoa học liên ngành đã ra đời từ phương thức này. Khác với tích hợp lý thuyết, tổng tích hợp lý thuyết là phương thức kết hợp giữa các lý thuyết ở mức độ cao hơn tích hợp lý thuyết. Ở đây có thể hiểu theo những cách khác nhau. Thứ nhất, tổng tích hợp lý thuyết có thể hiểu là sự kết hợp, tổng hợp các tích hợp lý thuyết để hình thành một lý thuyết mới có phạm vi khái quát cao hơn và phản ánh rộng hơn, chính xác hơn mỗi tích hợp lý thuyết đã có. Thứ hai, tổng tích hợp lý thuyết có thể  hiểu là sự hình thành một lý thuyết mới trên cơ sở kết hợp tất cả các lý thuyết đã có của một lĩnh vực hoặc của các lĩnh vực khác nhau, kể cả cùng chiều và trái chiều để tạo thành một lý thuyết mới có khả năng phản ánh một cách bao quát nhiều lĩnh vực khác nhau. Với cách hiểu trên đây, mặc dù thuật ngữ “tích hợp”, tổng tích hợp mới ra đời chỉ trên dưới vài ba thập kỷ nay nhưng nó đã có mầm mống ngay từ thời cổ đại, khi con người nhìn nhận mọi sự vật, hiện tượng trên thế giới như một chỉnh thể. Xuất phát từ đó, ta có thể nhận thấy rõ, chủ nghĩa Mác là một tổng tích hợp lý thuyết.

Đặc điểm này của chủ nghĩa Mác được thể hiện trước hết ở chỗ, toàn bộ lý luận của Mác được xây dựng trên cơ sở triết học, một lý luận ngay bản thân nó đã là một tích hợp lý thuyết. Sở dĩ khẳng định như vậy là bởi vì, triết học, theo Hêghen chính là thời đại đã được thâu tóm vào tư tưởng, là sự kết tinh tinh thần của thời đại. V.E. Đaviđôvích, nhà khoa học công huân Nga, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học nhân văn của Liên bang Nga cho rằng, trong triết học phương Tây hiện đại, người ta giải thích triết học theo nhiều cách khác nhau và mỗi định nghĩa đều hợp lẽ cả nhưng chỉ khi nào hiểu triết học “như là những giới hạn của cách tiếp cận toàn cầu, tích hợp về thế giới và về con người” thì sự giải thích ấy mới tìm được vị trí của mình(4).

Triết học Mác, với tư cách là khoa học chung nhất về thế giới, về cả tự nhiên, xã hội, về con người và tư duy của con người, nó không thể không khái quát những kiến thức của các khoa học tự nhiên và đặc biệt là các kiến thức của khoa học xã hội như sử học, chính trị học, xã hội học và văn hóa học,... Chính tính tích hợp lý thuyết của triết học đã làm cho vai trò thế giới quan và phương pháp luận của nó là vai trò nổi bật trong lịch sử nhân loại và xã hội càng phát triển thì vai trò của triết học càng được tăng cường. Triết học Mác, thực tế là sự tổng hợp, sự kết tinh tri thức của toàn nhân loại từ thời cổ đại cho đến thế kỷ XIX. Triết học Mác khai thác không chỉ các giá trị phổ biến của chủ nghĩa duy vật mà còn chắt lọc, kế thừa cái nhân hợp lý trong triết học duy tâm của Hêghen nên bản thân triết học Mác không chỉ là một tích hợp lý thuyết mà còn là một tổng tích hợp lý thuyết.

Riêng trong lĩnh vực xã hội, chủ nghĩa Mác cũng là một tích hợp lý thuyết của các khoa học khác trong đó có triết học, kinh tế chính trị học và CNXH khoa học. Ngoài ba khoa học ấy, không thể không nói đến chính trị học, xã hội học, văn hóa học,… cũng được bao hàm trong lý luận ấy. Điều đó đã làm cho chủ nghĩa Mác có thể phản ánh một cách toàn diện nhất và sâu sắc nhất các mặt của đời sống xã hội.

Một đặc điểm nổi bật trong lý luận của Mác là sự tích hợp lý thuyết ở đây đã đạt đến trình độ cao nhất. Điều đó có nghĩa là tất cả các lý thuyết được tích hợp mà chúng ta vừa điểm qua, đều hòa quyện vào nhau, gắn kết với nhau trong một thể thống nhất. Không một luận điểm nào trong lý luận này lại không liên quan gì đến khoa học khác. Ngay một luận điểm rất cơ bản của triết học cũng được minh chứng bằng những tài liệu cụ thể của kinh tế chính trị học và đồng thời cũng chỉ ra sự tan rã tất yếu của hình thái kinh tế- xã hội TBCN cũng như sự ra đời của hình thái kinh tế XHCN và CSCN trong tương lai. Ngay trong bộ Tư bản, bộ sách lớn nhất của Mác về kinh tế chính trị học, chúng ta cũng thấy cả một hệ thống các quan điểm triết học, phương pháp luận triết học cũng như sự luận chứng về tính tất yếu của sự hình thành một xã hội mới, xã hội XHCN và CSCN trong tương lai.

Chính sự tổng tích hợp lý thuyết ở trình độ như vậy đã làm cho chủ nghĩa Mác nhanh chóng chiếm lĩnh được vị trí cao trong các lý thuyết về xã hội và có tác dụng to lớn đối với mọi khoa học không chỉ khoa học xã hội mà cả khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, điều này đã làm cho kẻ thù của chủ nghĩa Mác càng ra sức chống Mác và tìm mọi cách để hạ thấp vai trò của lý luận này.

Mặt khác, cũng vì hệ thống lý luận của Mác là tổng tích hợp lý thuyết nên nhiều nhà khoa học đã tìm đến lý luận này. Họ mong tìm được câu trả lời cụ thể cho khoa học chuyên ngành của họ. Đồng thời, các nhà khoa học thuộc các chuyên ngành hẹp luôn có những phát hiện hoặc phát minh mới, Những điều này chưa được đề cập đến trong chủ nghĩa Mác, từ đó họ cũng phê phán Mác.

Như vậy là, chính tính tổng tích hợp lý thuyết của chủ nghĩa Mác đã không chỉ làm cho chủ nghĩa Mác có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội loài người mà còn tạo thêm sự chống đối, sự phê phán đối với chủ nghĩa Mác từ nhiều phía, từ các lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội.

Nguyên nhân thứ balà do một trong các đặc trưng quan trọng của chủ nghĩa Mác là sự thống nhất giữa lý luận-thực tiễn.

Trong “Luận cương về Phoiơbắc”, ở Luận cương thứ 11, Mác viết: “Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạothế giới”(5).

Theo nguyên tắc cơ bản ấy, Mác, Ăngghen ngay từ đầu đã hướng toàn bộ lý luận của mình vào việc phục vụ cho cuộc cách mạng của giai cấp vô sản toàn thế giới. Yêu cầu của nguyên tắc này là chuyển tư tưởng XHCN và CSCN thành hiện thực. Điều này đồng nhất với việc cổ vũ và chỉ đường dẫn lối cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động tiến hành một cuộc cách mạng nhằm xóa bỏ chế độ tư hữu nói chung và xóa bỏ chế độ sở hữu tư bản nói riêng. Đó là sự đe dọa trực tiếp không chỉ với giai cấp bóc lột mà đặc biệt là những giai cấp đang nắm mọi quyền hành trong xã hội hiện đại. Chính điều này đã làm cho những kẻ phản động nhất, bảo thủ nhất có thể mở những cuộc tấn công điên cuồng vào chủ nghĩa Mác, vào chủ nghĩa cộng sản. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnđược công bố vào tháng 2-1848, Mác và Ăngghen đã viết, từ khi CNCS mới chỉ là “một bóng ma” đang ám ảnh châu Âu, thì “tất cả những thế lực của châu Âu cũ: Giáo hoàng và Nga hoàng, Méttécních và Ghidô, bọn cấp tiến Pháp và bọn cảnh sát Đức, đều đã liên hợp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử bóng ma đó”(6).

Cũng vì vậy, Mác đã bị các thế lực chống đối quy là “kẻ cổ động đã kích động mọi bản năng thù hằn…” và cho rằng thực chất của vấn đề mà Mác đặt ra chỉ là “Khí chất cuồng nhiệt” và “đầu óc bốc cháy” của ông mà thôi(7).

Mặt khác, do sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn nên chủ nghĩa Mác được vận dụng rộng rãi ở hầu khắp các nước trên thế giới, ở mọi hoàn cảnh khác nhau với những con người có nhiều trình độ khác nhau. Chính quá trình vận dụng vào thực tiễn đã làm cho chủ nghĩa Mác có thể được hiểu không đúng, được vận dụng không sáng tạo, không đồng bộ hoặc máy móc, giáo điều. Điều đó đã đưa tới hững hậu quả xấu và Mác lại là người phải nhận mọi sự phê phán.

Cũng do yêu cầu vận dụng vào thực tiễn nên những người không nắm chắc tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác tỏ ra hoang mang, dao động khi xã hội có những biến đổi lớn. Sự bất lực trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác vào hoàn cảnh cụ thể đã làm xuất hiện chủ nghĩa cơ hội tả khuynh và hữu khuynh, chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cải lương… Điều đó lại làm nảy sinh sự chống đối chủ nghĩa Mác ngay trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Nguyên nhân thứ tưlà chủ nghĩa Mác bắt đầu hình thành từ giữa thế kỷ XIX, tính đến nay đã gần hai thế kỷ. Mặc dù lý luận này đã được Ăngghen, Lênin phát triển bổ sung, nhưng vẫn không tránh khỏi những giới hạn của lịch sử. Vì, như Ăngghen đã khẳng định, “Theo ý nghĩa đó thì tư duy của con người vừa là tối cao vừa là không tối cao, và khả năng nhận thức của con người vừa là vô hạn vừa là có hạn. Tối cao và vô hạn là xét theo bản tính, sứ mệnh, khả năng và mục đích lịch sử cuối cùng, không tối cao và có hạn là xét theo sự thực hiện riêng biệt và thực tế trong mỗi một thời điểm nhất định”(8).

Chính vì thế, Ăngghen nhấn mạnh, học thuyết của các ông chỉ là kim chỉ nam cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Lênin cũng khẳng định đi theo chủ nghĩa Mác, về thực chất là đi theo con đường mà Mác đã vạch ra để chúng ta sẽ tới đích. Bởi vậy, trong lý luận của Mác, tất yếu có những điểm chưa đúng hoặc chỉ đúng với giai đoạn trước đây mà không đúng trong điều kiện hiện nay. Những kẻ chống đối chủ nghĩa Mác đã bám lấy những thiếu sót nào đó, khuyếch đại chúng lên, xem đó là những sai lầm cơ bản để phủ định toàn bộ các giá trị của chủ nghĩa Mác.

Chỉ xét trên một số nguyên nhân đó, đã có thể thấy, chủ nghĩa Mác luôn luôn có thể bị chống phá từ rất nhiều phía. Và vì vậy, lịch sử hình thành và phát triển của chủ nghĩa Mác cũng là lịch sử của một cuộc đấu tranh lâu dài chống lại các thế lực thù địch.

Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy, ngay trong thời kỳ đầu, khi tiến hành xây dựng một thế giới quan mới, Mác và Ăngghen đã phải đấu tranh với phái Hêghen trẻ, những kẻ đã gieo rắc tư tưởng duy tâm, tác động tiêu cực đến phong trào đấu tranh của công nhân Đức và công nhân Tây Âu nói chung ở thời kỳ này. Mác và Ăngghen cũng phải chống lại các loại lý luận phản động về CNXH (CNXH phong kiến, CNXH tiểu tư sản, CNXH tư sản) và chỉ rõ những hạn chế cơ bản của CNXH không tưởng để làm cơ sở cho việc xây dựng và truyền bá lý luận CNXH khoa học.

Cuối những năm 40 thế kỷ XIX, các ông đã tiến hành cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Pruđông là chủ nghĩa cải lương và trào lưu vô chính phủ đang được truyền bá trong phong trào công nhân và có ảnh hưởng lớn ở các nước như Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Đó là những nước có nền tiểu sản xuất chiếm ưu thế.

Sau khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnra đời, Mác và Ăngghen đã phải chống lại các tư tưởng xuyên tạc, chống đối chủ nghĩa Mác dưới nhiều hình thức khác nhau.

Sau Công xã Pari, nhiệm vụ thành lập chính đảng XHCN ở các nước và việc giáo dục, huấn luyện giai cấp công nhân trở thành nhiệm vụ  hàng đầu. Nhưng chính trong giai đoạn này chủ nghĩa cơ hội và CNXH tiểu tư sản lại nảy sinh. Quốc tế I, dưới sự lãnh đạo của Mác và Ăngghen đã phải đưa vào chương trình nghị sự cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Bacunin và phê phán chủ nghĩa Látxan. Chủ nghĩa Bacunin là chủ nghĩa vô chính phủ. Nó không chỉ phủ định mọi nhà nước, mọi quyền uy mà còn phản đối cả đấu tranh chính trị và phê phán tư tưởng về chuyên chính vô sản. Khác với chủ nghĩa Bacunin, chủ nghĩa Lát xan lại cổ vũ cho quan điểm duy tâm, siêu hình về lịch sử, tuyên truyền tư tưởng về nhà nước siêu giai cấp và đưa ra những lý lẽ có tính chất biện hộ cho chế độ TBCN. Chủ nghĩa cơ hội của Látxan đã ảnh hưởng xấu đến phong trào công nhân Đức và nó còn ảnh hưởng cho đến cuối thế kỷ XIX. Sau hai cuộc đấu tranh ấy, Mác và Ăngghen lại phải tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa Đuyrinh. Chủ nghĩa Đuyrinh là một hệ thống lý luận phản khoa học. Nó là một thứ lý luận của CNXH không tưởng mà về triết học, nó dựa trên cơ sở chiết trung chủ nghĩa và về kinh tế, nó dựa trên cơ sở của kinh tế học tầm thường. Với một số lượng tác phẩm khá lớn, Đuyrinh đã tấn công chủ nghĩa Mác một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực cơ bản từ triết học, kinh tế chính trị học đến CNXH khoa học. Ông ta còn phê phán cả bộ Tư bản, một bộ sách ưu tú nhất của Mác trong thời kỳ này. Ảnh hưởng của chủ nghĩa Đuyrinh không nhỏ. Một số người lãnh đạo trong Đảng Xã hội Đức đã tỏ ra dao động, thậm chí Đuyrinh được xem là “Một người cộng sản mới” và lý luận của ông ta là CNXH “cấp tiến”.

Song, lý luận ấy đã không thể đứng vững được trước những lập luận hết sức sắc bén của Ăngghen. Kết cục là sau hàng loạt bài phê phán của Ăngghen trên báo Tiến lên, theo yêu cầu của Trường Đại học Tổng hợp Béclin, Bộ Giáo dục Đức đã ra quyết định bãi chức giảng viên nhà trường của Đuyrinh với lý do “đã bôi nhọ trường và giáo sư đại học”.

Đến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác đã toàn thắng ở các nước phương Tây. Các đảng cộng sản và công nhân quốc tế đều lấy chủ nghĩa Mác làm kim chỉ nam để đề ra đường lối cách mạng của mình và để chỉ đạo phong trào công nhân trong nước.

Tuy vậy, từ những năm 90 thế kỷ XIX, do những biến đổi của CNTB, nhất là khi có sự ra đời của CNTB độc quyền và CNTB bước vào thời kỳ chuyển thành chủ nghĩa đế quốc thì chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa cải lương lại xuất hiện. Đại biểu điển hình của nó là Bécstanh. Sau khi Ăngghen mất, chủ nghĩa xét lại Bécstanh đã công khai phủ định toàn diện triết học Mác, xét lại toàn diện lý luận kinh tế chính trị học và bác bỏ lý luận về CNXH khoa học của Mác. Không chỉ riêng ở Đức mà ở bất cứ nơi nào có tư bản độc quyền như Đức, Pháp, Anh và cả ở nước Nga Sa hoàng đều có loại tư tưởng này. Song với tinh thần đấu tranh kiên cường và bền bỉ, chủ nghĩa Mác không những được bảo vệ mà còn được phát triển, hoàn thiện, bổ sung và càng có sức sống mãnh liệt hơn. Sự thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, sự phát triển của Liên xô, sự ra đời của hệ thống XHCN từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đã chứng minh hùng hồn cho tính chân lý và sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác. Vì vậy, chủ nghĩa Mác đã có ảnh hưởng lớn đến hầu khắp các nước trên thế giới, làm cho các thế lực thù địch phải hoảng sợ.

Để chống lại ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác trên toàn cầu, chủ nghĩa “chống cộng” và các tổ chức “chống cộng” đã ra đời. Từ đó chủ nghĩa Mác đã bị các kẻ thù của mình chống phá bằng những thủ đoạn tinh vi hơn, xảo quyệt hơn và có quy mô lớn hơn.

Về mặt lý luận, chủ nghĩa chống cộng là tập hợp các quan điểm chính trị của các lực lượng thù địch nhằm chống lại lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác. Về mặt thực tiễn, chủ nghĩa chống cộng chống lại phong trào cộng sản và công nhân, phong trào chống đế quốc, giành độc lập dân tộc trên toàn thế giới. Đặc biệt, chủ nghĩa chống cộng tập trung mũi nhọn của mình vào các nước XHCN, nơi có các đảng cộng sản nắm quyền lãnh đạo. Chúng khai thác, thổi phồng những sai lầm, khuyết tật ở các nước XHCN. Chúng mê hoặc quần chúng nhân dân bằng các ngôn từ hấp dẫn như “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, “đa nguyên”, “đa đảng”. Chúng đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản. Mục tiêu của chủ nghĩa “chống cộng” là xóa bỏ sự tồn tại của CNCS cả trên phương diện lý luận và trong đời sống hiện thực.

Sự tan rã của Liên Xô và sự sụp đổ của các nước XHCN Đông Âu là khúc ca khải hoàn của chúng, là cơ hội để chúng có thể viết bài điếu văn cho chủ nghĩa Mác và CNCS. Vì vậy, chúng đã xây dựng những kế hoạch, định ra những thời điểm để xóa bỏ CNCS trên toàn hành tinh và tất cả kẻ thù đủ loại của chủ nghĩa Mác đã hân hoan chuẩn bị để đón chào cái ngày thắng lợi mà chúng đã chỉ ra. Tuy nhiên, chủ nghĩa Mác và CNCS mà hiện nay là CNXH đã không thể chết một cách dễ dàng như vậy. Chính Níchxơn, cựu Tổng thống Mỹ đã thấy rằng mặc dù CNXH Liên Xô và Đông Âu sụp đổ nhưng chủ nghĩa Mác vẫn sống và sống ngay ở các trường đại học của Mỹ. Các nước do đảng cộng sản lãnh đạo vẫn phát triển theo con đường XHCN và đang thu được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Phong trào cộng sản và công nhân thế giới đã bắt đầu có sự phục hồi. Trước những cuộc khủng hoảng của các nước tư bản, người ta đang tìm lại chủ nghĩa Mác và thấy ở đó có những giải pháp chiến lược cho sự bế tắc của xã hội ngày nay. Đồng thời, sau những thử thách ngặt nghèo của lịch sử, chủ nghĩa Mác đang được phát triển, bổ sung trên cơ sở thực tiễn của lịch sử và trên cơ sở tổng tích hợp những tri thức của nhân loại và của thời đại.

Ở Việt Nam, cho đến nay, những kẻ chống đối ở cả trong và ngoài nước vẫn còn phụ họa theo bài đồng ca “chống cộng” đầy tính hận thù với cách mạng Việt Nam. Họ vẫn lớn tiếng phê phán chủ nghĩa Mác và CNCS. Họ không thể phê phán Mác như những người trước đây. Toàn bộ lý lẽ của họ nhằm đi đến đòi đa nguyên, đa đảng và phủ định tất cả những gì mà nhân dân Việt Nam đã làm được từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay, kể cả những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử như các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Tất nhiên, đối với những kẻ luôn bám giữ những mối hận thù sâu sắc với cách mạng Việt Nam thì không thể có một sự nghiêm túc về mặt khoa học. Nhưng điều đáng tiếc là đứng trước những khó khăn thách thức mới, một số người đã tỏ ra hoang mang, dao động, tỏ rõ sự  hưởng ứng hoặc truyền bá một số luận điệu của các thế lực thù địch. Từ đó, họ cũng đòi xóa bỏ chủ nghĩa Mác, xóa bỏ mục tiêu XHCN và xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước hiện nay.

Đương nhiên, trong quá trình vận động của lịch sử, bao giờ cũng phải loại bỏ cái gì là lỗi thời, không còn phù hợp để thay bằng cái mới tiến bộ hơn. Nhưng những cái mà họ muốn xóa bỏ đã thực sự lỗi thời chưa và nếu xóa bỏ chủ nghĩa Mác, xóa bỏ mục tiêu XHCN và xóa bỏ vai trò lãnh đâọ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước hiện nay thì đất nước ta sẽ đi về đâu? Chúng ta sẽ bàn đến vai trò của từng nhân tố này.

Trước hết, vì sao lại phải lấy chủ nghĩa Mác làm kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam?

Có thể thấy, bất kỳ một quốc gia nào trong thời đại ngày nay, không thể phát triển nếu không có lý luận dẫn đường. Chủ nghĩa Mác, được Lênin phát triển, được Hồ Chí Minh truyền bá và vận dụng sáng tạo vào Việt Nam.   Nhờ có lý luận này, cách mạng Việt Nam mới giành được những thắng lợi to lớn trong suốt gần một thế kỷ qua và ngày nay vẫn được vận dụng thành công vào quá trình đổi mới. Thực tế lịch sử Việt Nam và thế giới đã khẳng định các giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác trong lịch sử nhân loại và trong thời đại ngày nay. 

Còn vì sao Việt Nam lại phải phát triển theo con đường XHCN?

Trong thời đại ngày nay, một điều rõ ràng là mọi dân tộc chỉ có thể đứng trước hai con đường phát triển, đó là con đường XHCN và con đường TBCN. Nhưng con đường TBCN mà các bậc cách mạng tiền bối của chúng ta như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học lựa chọn đã không thành công, tức là ngay từ đầu đã không cứu được đất nước ta thoát khỏi vòng nô lệ. Mặt khác, hàng trăm năm dưới ách thống trị của tư bản thực dân Pháp và hơn 20 năm CNTB phát triển ở miền Nam nước ta dưới thời Mỹ - ngụy, đất nước ta đã có được những gì? Những sự đàn áp đẫm máu phong trào yêu nước, những sự tàn phá và cướp bóc xảy ra hàng ngày, hàng trăm nghìn tấn bom mang tính hủy diệt đã trút xuống cả thành thị và nông thôn, những cuộc đời quằn quại vì hậu quả của chất độc màu da cam vẫn đang còn là một nỗi đau tâm thế… Tất cả những điều đó đã làm cho nhân dân ta hiểu thế nào là tương lai của đất nước nếu chúng ta không phát triển theo con đường XHCN. Vậy là thực tế lịch sử đã dẫn chúng ta đến con đường này và lịch sử lại đã chứng minh sự lựa chọn đó là đúng đắn... Tất nhiên chúng ta đã mắc không ít sai lầm trong thời kỳ bao cấp trước đây, nhưng chúng ta đã nhận ra và đang cố gắng khắc phục. Thực tế đã và đang chỉ rõ những sự khắc phục ấy ngày càng có hiệu quả.

Vấn đề thứ ba vì sao không bỏ được vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ?

Trong thời đại ngày nay, một đất nước muốn phát triển được không thể không có sự lãnh đạo của một đảng nhất định. Vậy ở Việt Nam, Đảng có khả năng lãnh đạo đất nước phát triển trong điều kiện hiện nay là đảng nào nếu không phải là Đảng Cộng sản Việt Nam? Người ta có thể nêu lên những bất cập, những hạn chế yếu kém của Đảng kể cả sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, không một ai có thể phủ nhận công lao to lớn của Đảng trong cuộc cách mạng giành lại nền độc lập cho dân tộc, trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược và trong quá trình đổi mới. Thử hỏi, ở Việt Nam hiện nay, có lực lượng chính trị nào có đủ trí tuệ, có đủ năng lực và được nhân dân tin tưởng để dẫn dắt hàng trăm triệu người Việt Nam tận dụng được thời cơ và vượt qua những thách thức trong điều kiện thế giới đầy những biến động khôn lường để giữ vững nền độc lập dân tộc và đưa đất nước phát triển lên một trình độ cao hơn, có vị thế xứng đáng hơn trên trường quốc tế?

Như vậy, đủ thấy, những mưu đồ xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, xóa bỏ con đường XHCN và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thực chất là nhằm đưa Việt Nam đi vào quỹ đạo mà chủ nghĩa chống cộng đã vạch ra. Vì vậy, việc giữ vững vai trò của chủ nghĩa Mác trong lĩnh vực lý luận, giữ vững định hướng XHCN và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là những vấn đề cốt tử của cách mạng nước ta hiện nay. Xóa bỏ  ba điểm mấu chốt này đồng nghĩa với việc xóa bỏ toàn bộ những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đã giành được trong suốt gần một thế kỷ nay. Vì vậy, Đảng ta luôn khẳng định phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, phải giữ vững định hướng XHCN và không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là những quan điểm có tính chiến lược để giữ vững nền độc lập dân tộc và làm cho đất nước được phồn vinh.

Lịch sử nhân loại đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Những biến động toàn cầu đang đặt ra những nhiệm vụ lớn và nặng nề nhưng cũng đang mở ra nhiều khả năng lớn. Một dân tộc như dân tộc ta có đầy đủ bản lĩnh và năng lực để tạo nên những thành tựu mới trong điều kiện lịch sử mới. Điều quan trọng trong điều kiện hiện nay là mỗi người phải xác định rõ trách nhiệm của mình đối với đất nước, với dân tộc, cảnh giác với các thế lực thù địch, chung tay, góp sức để tìm ra những phương thức phát triển đất nước thực hiện mục tiêu cao nhất là độc lập dân tộc và CNXH.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2014

(1), (7) V.I.Lênin: Toàn tập, t.29, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.431, 432.

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, t.17, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.19.

(3) Xem V.I.Lênin: Toàn tập, t.23, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.49

(4) Xem V.E. Đaviđôvích: Dưới lăng kính triết học,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.45

(5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.12

(6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.595

(8) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.127.

 

GS, TS Trần Phúc Thăng

Viện triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền