Trang chủ    Diễn đàn    Lợi ích nhóm với vấn đề tham nhũng ở Việt Nam hiện nay
Thứ hai, 06 Tháng 10 2014 14:35
3310 Lượt xem

Lợi ích nhóm với vấn đề tham nhũng ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Tham nhũng là căn bệnh phổ biến ở mọi quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, lịch sử, văn hóa,… là một trong những vấn đề phức tạp và có tính nguy hại nhất đối với sự phát triển của mỗi xã hội. Đối với nước ta, tham nhũng được nhận định là một trong bốn nguy cơ, thách thức đối với sự nghiệp đổi mới, cản trở sự phát triển đất nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ XHCN. Tham nhũng gây nên những tổn hại rất lớn đối với nền kinh tế, làm thất thoát lớn về tài sản, tiền của, công sức của xã hội; làm băng hoại giá trị đạo đức, chuẩn mực xã hội, làm vẩn đục môi trường kinh doanh, bóp nghẹt sự cạnh tranh lành mạnh. Tham nhũng làm tha hóa, biến chất một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; gây nên những bất bình, bức xúc, phản ứng gay gắt của một bộ phận nhân dân đối với chính quyền, tạo thành “điểm nóng chính trị”, cản trở sự phát triển đất nước theo định hướng XHCN.

Về bản chất, tham nhũng là chiếm đoạt lợi ích công làm lợi ích tư. Tham nhũng có chủ thể là những người có chức, có quyền lực làm việc trong các bộ máy, cơ quan nhà nước, lợi dụng chức vụ và quyền lực, lợi dụng vị trí, địa vị công tác để trục lợi, hoặc những cá nhân chiếm của công làm của tư nhằm thực hiện những mục đích cá nhân nhất định.Có thể nói, lợi ích là yếu tố cốt lõi để luận giải về căn nguyên của hiện tượng tham nhũng trong đời sống xã hội. 

Theo quan điểm mácxít, lợi ích nảy sinh trên cơ sở nhu cầu của con người. Nhu cầu của con người lại vô cùng phong phú, đa dạng và luôn phát triển. Tuy vậy, không phải mọi nhu cầu của các cá nhân trong xã hội đều được thỏa mãn đầy đủ và trực tiếp, bởi vì có rất nhiều cá nhân có nhu cầu giống nhau, trong khi đối tượng thỏa mãn nhu cầu lại có hạn. Về bản chất, lợi ích là cái phản ánh quan hệ nhu cầu giữa các chủ thể xã hội (cá nhân, tập đoàn, giai cấp, tầng lớp...). Về nội dung, lợi ích dùng để thỏa mãn nhu cầu của các chủ thể xã hội. Như vậy, nhu cầu của con người là một phạm trù vĩnh viễn, nhưng lợi ích là một phạm trù lịch sử.

Khi nói về vai trò của lợi ích, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, lợi ích là động lực sâu xa thúc đẩy con người hoạt động. Nó là yếu tố liên kết các thành viên xã hội, tạo cơ sở cho việc xác lập các quan hệ xã hội. Trong xã hội có nhiều loại lợi ích khác nhau, dựa trên những căn cứ khác nhau, người ta chia lợi ích thành nhiều loại khác nhau. Căn cứ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội: chia thành lợi ích kinh tế, lợi ích văn hoá, lợi ích chính trị... khái quát hơn là lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần. Căn cứ vào chủ thể lợi ích: chia thành lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích tập thể, lợi ích giai cấp, lợi ích toàn xã hội, lợi ích nhân loại… khái quát hơn là lợi ích riêng và lợi ích chung. Căn cứ vào thời gian tồn tại của lợi ích: chia thành lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài; căn cứ vào tầm quan trọng của lợi ích: chia thành lợi ích căn bản và lợi ích không căn bản, lợi ích cấp bách và lợi ích không cấp bách; căn cứ vào tính chất và các biện pháp thực hiện lợi ích: chia thành lợi ích chính đáng và lợi ích không chính đáng. Tuy nhiên, do dựa vào một mặt nhất định trong các quan hệ lợi ích, do đó, sự phân loại này chỉ có tính tương đối. Thực tế, các lợi ích này luôn tồn tại trong sự đan xen, tác động qua lại và cùng tồn tại trong các chủ thể lợi ích. Điều đó cho thấy quan hệ lợi ích là quan hệ nhiều thứ bậc, nhiều cấp độ, nhiều tầng nấc, nhiều chiều cạnh và có những tính chất khác nhau.  

Trong các loại lợi ích trên, lợi ích nhóm được phân định dưới góc độ các chủ thể lợi ích. Lợi ích nhóm là lợi ích của một số cá nhân nhất định. Lợi ích nhóm được hình thành trên cơ sở nhu cầu chung của các cá nhân nhằm tìm kiếm những lợi ích nhất định. Trong quá trình đó, các chủ thể nhu cầu có những cách thức hợp tác, liên kết với nhau nhằm cùng thực hiện những mục tiêu nhất định. Các cá nhân chỉ tham gia vào nhóm nếu họ nhận thấy không thể thực hiện được lợi ích của mình với tư cách là chủ thể đứng tách biệt, độc lập. Do vậy, lợi ích nhóm thể hiện sự thống nhất, sự ràng buộc ở mức độ nhất định lợi ích của một số cá nhân với nhau.

Về bản chất, lợi ích nhóm là sự phản ánh lợi ích chung của nhiều chủ thể nhu cầu đang tìm kiếm những phương tiện, điều kiện thực hiện những lợi ích riêng (cá nhân) nhất định. Như vậy, lợi ích riêng thì phong phú, đa dạng trong khi lợi ích nhóm có tính bao quát và sâu sắc hơn lợi ích riêng. Mỗi cá nhân trong xã hội có thể tham gia nhiều nhóm khác nhau để thực hiện những lợi ích khác nhau nên các nhóm lợi ích tồn tại trong xã hội cũng đan xen phức tạp. Mặt khác, trong xã hội, những nhu cầu của mỗi cá nhân rất phong phú đa dạng, có những nhu cầu tích cực và nhu cầu tiêu cực, nên xét theo tính chất, cũng có lợi ích tích cực (lợi ích chính đáng) và lợi ích tiêu cực (lợi ích không chính đáng). Theo đó, cũng sẽ có lợi ích nhóm tích cực, phù hợp với xu thế phát triển tiến bộ của xã hội và lợi ích nhóm tiêu cực, đi ngược lại với xu thế tiến bộ của xã hội. Lợi ích nhóm tiêu cực chính là cơ sở sâu xa của hiện tượng tham nhũng.

Trong điều kiện hiện nay, lợi ích nhóm ở Việt Nam hình thành ngày càng nhiều, quan hệ lợi ích ngày càng đa dạng, tính chất ngày càng phức tạp. Trong đó, những lợi ích nhóm tiêu cực đang cản trở những nỗ lực chung của cộng đồng xã hội, cản trở sự phát triển của đất nước. Biểu hiện cụ thể của lợi ích nhóm đi liền với tham nhũng là hiện tượng móc nối, liên kết ngầm nhằm thay đổi chính sách, dự án đầu tư; thực hiện đấu thầu ảo các dự án hoặc chuyển thầu, chọn nhà đầu tư mới; thay đổi cán bộ quản lý các dự án; liên kết để đẩy giá hàng hóa, dịch vụ, tăng giá bất hợp lý; thao túng thị trường hàng hóa, tạo khan hiếm giả tạo; thao túng lãi suất; chạy dự án… Nguy hiểm hơn, những liên kết ngầm có thể can dự vào quá trình ban hành, hoạch định chính sách, pháp luật nhằm trục lợi cá nhân hoặc một nhóm nhất định. Hành vi này có thể cản trở sự thực thi pháp luật, làm sai lệch bản chất đúng đắn của đường lối, chính sách, làm tha hóa quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị, xâm phạm trực tiếp lợi ích của nhân dân.

Mặc dù trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp để phòng và chống tham nhũng, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế khiến công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả mong muốn. Nạn tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp cả về tính chất, mức độ, phạm vi và tác hại. Điều này có nhiều nguyên nhân, như chính sách, pháp luật, cơ chế  hạn chế lợi ích nhóm tiêu cực, ngăn chặn, phòng chống tham nhũng chính sách còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa có một cơ chế thật sự minh bạch để kiểm soát và chống tham nhũng. Ý thức trách nhiệm, ý thức công dân của nhiều cá nhân trong việc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực còn hạn chế, đã tạo ra “mảnh đất nuôi dưỡng” cho những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng có điều kiện tồn tại. Trong điều kiện kinh tế thị trường, dưới sự tác động của lợi ích vật chất, lợi ích kinh tế, nhiều cá nhân đã bất chấp mọi thủ đoạn để mưu lợi cho cá nhân. Điều này đã cản trở những nỗ lực chống tham nhũng của các cơ quan chức năng. Những năm qua, chúng ta mới chỉ chú ý chủ yếu đến hành vi tham nhũng của các cá nhân mà chưa làm rõ tính chất và biểu hiện ngày càng phức tạp của nó dưới góc độ liên kết, sự móc nối. Do vậy, việc nhận thức và xử lý các vấn đề này còn nhiều hạn chế, mới chỉ dừng lại ở những vụ án tham nhũng có tính cá nhân. Theo đó, để công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hơn, thì việc nhìn nhận đúng bản chất và biểu hiện của nó cần bổ sung một số yêu cầu sau:

Một là, cần có quan điểm khách quan, biện chứng trong việc giải quyết các vấn đề lợi ích. Chúng ta không chủ quan, nóng vội khi giải quyết vấn đề lợi ích. Bởi vì lợi ích gắn chặt với từng cá nhân con người khi các cá nhân mất lợi ích dễ sinh ra tư tưởng tiêu cực, chống đối, cản trở lợi ích xã hội. Cần tạo sự hài hòa trong việc giải quyết vấn đề lợi ích, thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Để hạn chế những lợi ích nhóm tiêu cực cần nhận diện đúng bản chất và những phương diện thể hiện của nó.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, lợi ích nhóm hình thành ngày càng nhiều. Nhiều nhóm xã hội tự cho mình là tinh hoa, tốt đẹp, nhân danh dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng để đánh giá được tính tích cực, đúng đắn, tiến bộ của các nhóm lợi ích phải lấy mục tiêu vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh kiểm chứng. Tất cả những lợi ích nhóm đi ngược lại mục tiêu này đều là tiêu cực, cản trở sự phát triển và tiến bộ của xã hội.

Khi giải quyết vấn đề lợi ích giữa các giai cấp trong xã hội, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin không hướng vào giải quyết các lợi ích cá nhân riêng biệt mà là các lợi ích xã hội, tức là lợi ích của các tầng lớp, các giai cấp, các cộng đồng xã hội, các dân tộc với tư cách là chủ thể của các quan hệ chính trị. Do đó, khi đánh giá quan điểm hoặc tuyên bố của các nhà hoạt động chính trị hay của các tổ chức, các đảng phái, phải xét đến những lợi ích xã hội nào có khả năng trở thành hiện thực. Nói cách khác, quan điểm của các nhà hoạt động chính trị hay các tổ chức đảng phái về lợi ích xã hội, là yếu tố căn bản quy định bản chất và xu hướng của một thể chế chính trị nhất định. Như vậy, khi xem xét, đánh giá vị trí, vai trò, tính chất của lợi ích nhóm phải dựa trên cơ sở những lợi ích chung của xã hội.

Hai là, cần có quan điểm khoa học, khách quan trong nhận thức và giải quyết vấn đề tham nhũng. Tham nhũng là hiện tượng xã hội, gắn với con người, nó có cơ sở kinh tế - xã hội, có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Do vậy, phải tìm ra căn nguyên thực sự, cơ chế vận động, sự biểu hiện thì mới có thể phòng và chống tham nhũng. Chống tham nhũng không thể dùng nhiệt tình cách mạng, mà phải có phương pháp, phải có cách thức phù hợp trong mỗi điều kiện cụ thể. Xét đến cùng, bản chất của tham nhũng chính là lợi ích cá nhân vị kỷ, nên việc nhận thức và giải quyết vấn đề tham nhũng phải gắn với quan điểm giải quyết hài hòa vấn đề lợi ích.

Bên cạnh những yêu cầu trên, để hạn chế những lợi ích tiêu cực trong xã hội, góp phần phòng và chống tham nhũng cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm điều chỉnh các vấn đề nhóm lợi ích và tham nhũng chính sách ở Việt Nam hiện nay. Cần xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; xây dựng và hoàn thiện pháp luật để điều chỉnh nhóm lợi ích và các quan hệ lợi ích trong xã hội.

Thứ hai, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội nhằm chống nhóm lợi ích tiêu cực và tham nhũng chính sách hiện nay. Giáo dục, nâng cao trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân, qua đó góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội. Lên án mạnh mẽ các hành vi tiêu cực, lợi ích nhóm tiêu cực và hành vi tham nhũng dưới góc độ đạo đức xã hội.

Thứ ba, thực hiện công bằng xã hội trong các lĩnh vực phân chia và thụ hưởng lợi ích xã hội, trong việc phân bổ nguồn lực xã hội; phân phối lại các lợi ích xã hội. Coi trọng việc hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội để góp phần điều tiết sự phân cực xã hội.

Thứ tư, xử lý nghiêm minh vấn đề tham nhũng và nhóm lợi ích tiêu cực xâm phạm lợi ích của nhân dân, cản trở việc xây dựng xã hội lành mạnh, tiến bộ. Xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, móc ngoặc giữa nhóm lợi ích tiêu cực với các cá nhân thoái hóa, biến chất trong bộ máy, các cơ quan nhà nước. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng.

Thứ năm, đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân và trong toàn xã hội tác hại và hậu quả xấu của lợi ích nhóm và tham nhũng. Toàn Đảng, toàn dân chăm lo xây dựng con người mới Việt Nam có nhân cách trong sáng; tạo lập môi trường kinh tế, văn hóa, xã hội lành mạnh cho việc xây dựng con người mới Việt Nam sống có văn hóa, đạo lý và tuân thủ pháp luật.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2014

TS Đặng Quang Định

Viện Triết học, 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền