Trang chủ    Diễn đàn    Tuyên truyền về công tác quốc phòng - an ninh trên báo chí hiện nay
Thứ tư, 06 Tháng 8 2014 15:07
6359 Lượt xem

Tuyên truyền về công tác quốc phòng - an ninh trên báo chí hiện nay

(LLCT) - Giữ vững quốc phòng - an ninh (QP-AN) là yêu cầu sống còn của quốc gia, là sự bảo đảm vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Hội nghị Trung ương  8 khóa IX, Đảng ta đã thông qua Nghị quyết về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Quán triệt Nghị quyết Trung ương 8, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và toàn dân về nhiệm vụ xây dựng nền QP-AN vững mạnh, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 12/CT-TW, ngày 3-5-2007 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng - an ninh trong tình hình mới; Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2007/NĐ-CP, ngày 10-7-2007 về giáo dục quốc phòng - an ninh.

Với khả năng tác động nhanh chóng, mạnh mẽ và rộng lớn, báo chí - truyền thông có vai trò to lớn trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về QP-AN, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và toàn dân về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền về QP-AN đã được các cơ quan báo chí thực hiện một cách hiệu quả và đi vào chiều sâu, làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và của các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ xây dựng nền QP-AN vững mạnh.

Tuyên truyền về QP-AN đã được các cơ quan báo chí thực hiện với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú. Hằng năm, Bộ Thông tin và Truyền thông đều ban hành Chương trình tuyên truyền, giáo dục về QP-AN trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông, các lực lượng tuyên truyền thực hiện tốt công tác này.

Tại nhiều địa phương, cơ quan Thường trực Hội đồng giáo dục QP-AN phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan báo đài trên địa bàn xây dựng kế hoạch, chương trình nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương lồng ghép các nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục QP-AN trong các dịp lễ, kỷ niệm của Đảng, của dân tộc và địa phương.

Nhiều tờ báo duy trì đều đặn các trang chuyên đề, chương trình chuyên đề hàng tuần để tuyên truyền và phản ánh kịp thời sinh động nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ thi đua phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Các cơ quan báo chí trung ương đã tập trung tuyên truyền các quan điểm, đường lối, chính sách về QP-AN. Đồng thời, chú trọng đi sâu vào những vấn đề lý luận và thực tiễn về QP-AN mà thực tế cuộc sống đang đặt ra, tích cực tham gia tổng kết thực tiễn, giới thiệu các nhân tố mới, kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến, góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện đường lối, chủ trương về QP-AN.

Các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp chặt chẽ với các cơ quan an ninh tổ chức nhiều đợt đấu tranh với các cá nhân, tổ chức có hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Trên các số báo, chương trình phát thanh - truyền hình, trang mạng thường xuyên đăng tải các bài có nội dung đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ sự trong sáng và tính đúng đắn, khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng về QP-AN.

Các cơ quan báo chí đã vạch trần nhiều thủ đoạn, âm mưu, ý đồ cản trở sự phát triển của đất nước; đồng thời tạo sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo dư luận trong và ngoài nước đối với hoạt động đấu tranh, trấn áp tội phạm của cơ quan công an. Đây chính là những đóng góp có ý nghĩa to lớn của báo chí đối với công tác QP-AN.

Báo chí đã biểu dương kịp thời những thành tích, gương người tốt việc tốt trong lực lượng công an và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; phản ánh những điển hình tiên tiến, những mô hình mới trên mặt trận bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng lực lượng Công an; nêu những kinh nghiệm trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng thời phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch, những hành vi tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Các cơ quan báo chí đã bám sát các cơ chế, chính sách, các văn bản chỉ đạo về công tác giáo dục QP-AN, từ đó thường xuyên tuyên truyền truyền thống của dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Các cơ quan báo chí đã phản ánh, cổ vũ các hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân; công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới. Cụ thể, nhiều báo, đài đã tổ chức hàng loạt cụm, tuyến tin bài về các sự kiện như: Tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, đặc biệt là khẳng định chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…

Bên cạnh những thành công đạt được, hoạt động tuyên truyền về công tác QP-AN trên báo chí cũng bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm:

Đội ngũ phóng viên, biên tập viên có trình độ, hiểu biết sâu sắc về QP-AN của nhiều cơ quan báo chí tuy từng bước đã được bổ sung và củng cố nhưng vẫn còn thiếu về số lượng, còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều bài viết trên một số tờ báo, tạp chí, chương trình phát thanh - truyền hình có tính chiến đấu chưa cao, chưa thực sự cập nhật với những vấn đề bức xúc mà thực tiễn cuộc sống đặt ra.

Công tác tuyên truyền nhiệm vụ QP-AN còn nhiều khó khăn: nguồn lực bảo đảm cho công tác tuyên truyền còn thiếu; Bộ Chỉ huy quân sự nhiều tỉnh chưa có bàn dựng kỹ thuật số nên chủ yếu nhờ sự giúp đỡ của đài phát thanh - truyền hình tỉnh trong việc xây dựng chương trình về QP-AN… Sự phối hợp giữa Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố với cơ quan báo, đài phát thanh - truyền hình trong xây dựng kế hoạch và thực hiện tuyên truyền có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; nhất là lựa chọn nội dung, chủ đề tuyên truyền; thời gian và thời lượng phát sóng …

Một vấn đề đáng lo ngại hiện nay trong tuyên truyền về an ninh trật tự và an toàn xã hội là hiện tượng giật gân, câu khách, sa vào việc miêu tả các vụ án ly kỳ, rùng rợn, chuyện tình ái thô thiển, dung tục, tình trạng xa rời tôn chỉ mục đích có biểu hiện gia tăng; vẫn còn một số báo chỉ quan tâm việc thỏa mãn thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng nhằm thu lợi nhuận mà không tính tới hậu quả tiêu cực do việc làm đó gây ra.

Xác định đối tượng phục vụ của báo chí cũng là vấn đề đáng quan tâm. Nhiều cơ quan báo chí chỉ coi trọng địa bàn đô thị dẫn đến mức hưởng thụ sách báo quá chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Hiện nay, báo chí chủ yếu phát hành ở thành phố, thị xã, vùng trung tâm (75%), còn 25% phát hành ở vùng nông thôn.

Vẫn còn nhiều vụ việc vi phạm các quy định của Luật Báo chí, một số thông tin gây tác động xấu đến QP-AN, ảnh hưởng đến bí mật về QP-AN… vẫn chưa được khắc phục có hiệu quả.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc khó lường, đặt ra nhiều thách thức, nhất là về QP-AN, để làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền về QP-AN, báo chí cần tập trung một số nội dung sau:

Tiếp tục làm tốt việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới, về 2 nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng và phát huy dân chủ, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm QP-AN.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền giáo dục QP-AN, xây dựng ý thức trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho mọi công dân, trong đó chú trọng giới trẻ, nhằm khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc trong điều kiện lịch sử mới.

Chú trọng phát hiện, biểu dương, nhân rộng những nhân tố mới, gương “người tốt, việc tốt”, những điển hình tiên tiến; đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội. Tích cực cổ vũ cho cái đúng, cái tốt, cái đẹp; phê phán, đẩy lùi những thói hư tật xấu, chủ nghĩa cá nhân,… Các nhà báo cần phát huy tinh thần chủ động tiến công, luôn tỉnh táo, cảnh giác, có nhiều bài viết sắc sảo, có sức thuyết phục cao nhằm đấu tranh chống những quan niệm sai trái, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Chú trọng phối hợp tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng về nhiệm vụ QP-AN; nhất là kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền QP-AN phù hợp với từng đối tượng. Về nội dung, ngoài việc giáo dục lòng yêu nước, yêu chế độ, lịch sử, truyền thống của Đảng và dân tộc, lòng tự tôn dân tộc, cần chú trọng tuyên truyền giáo dục quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện; đồng thời, nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm về nhiệm vụ quốc phòng để mỗi người, mỗi tổ chức thấy rõ trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ QP-AN.

Các cơ quan, đơn vị trong quân đội, công an, các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan đại chúng để kết hợp giữa tuyên truyền thường xuyên với tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, nhất là vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, địa phương và đơn vị. Các cơ quan cần thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện để các nhà báo hoạt động theo quy định của pháp luật…

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2013

ThS Phạm Thu Phong

Tạp chí Tài chính, Bộ Tài chính

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền