Trang chủ    Diễn đàn    Tiếp tục đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị
Thứ ba, 26 Tháng 8 2014 09:45
2976 Lượt xem

Tiếp tục đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị

(LLCT) - Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (12-2011) đã chỉ ra tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, Hội nghị cũng nêu rõ tình trạng này chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan gây nên, liên quan đến không chỉ công tác tư tưởng, mà cả hoạt động và tổ chức chính trị thực tiễn.

1. Suy thoái về tư tưởng chính trị và về thực tế chính trị

Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (12-2011) đã chỉ ra tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, Hội nghị cũng nêu rõ tình trạng này chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan gây nên, liên quan đến không chỉ công tác tư tưởng, mà cả hoạt động và tổ chức chính trị thực tiễn.

Các Đại hội X (2006), XI (2011) của Đảng đã đề cập tới tình trạng suy thoái về tư tưởng (trong đó có tư tưởng chính trị) và về chính trị (gồm cả hiện thực chính trị). Về vấn đề này, từ tháng 6-1988 tại Hội nghị Trung ương  5 khóa VI, Đảng ta đã nhận định: “…sự giác ngộ lý tưởng và phẩm chất của một bộ phận đảng viên giảm sút đáng lo ngại; một số cán bộ, kể cả ở cấp cao, không gương mẫu, thậm chí thoái hóa, biến chất”; “…tính chất giai cấp công nhân và tính chất tiền phong của Đảng đang bị giảm sút; nhiều truyền thống tốt đẹp của Đảng bị lãng quên và bị tổn thương nặng”. Ở đây, suy thoái về cả tư tưởng chính trị, lẫn thực tế chính trị đã được đề cập đến.

Như vậy, suy thoái về tư tưởng chính trị cần được xem xét và giải quyết không chỉ từ góc độ công tác tư tưởng đơn thuần. Để ngăn chặn và đẩy lùi nó, còn phải tập trung khắc phục những hạn chế, sai lầm từ lĩnh vực hoạt động và tổ chức chính trị thực tiễn, mà trọng tâm là ở hệ thống chính trị. Những hạn chế, sai lầm này về căn bản không phải là có từ bên ngoài mà là nội tại, nội sinh. Chúng không chỉ gây ra các tác hại chính trị thực tế trực tiếp, mà còn làm suy thoái lĩnh vực tư tưởng chính trị.

2. “Nhà nước hóa Đảng” và “Đảng hóa Nhà nước”

Tại Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trước đây, trong những thập niên cuối thế kỷ XX đã xảy ra sự suy thoái nghiêm trọng về chính trị, dẫn đến hậu quả tan rã, sụp đổ của các đảng cộng sản cầm quyền và các nhà nước XHCN. Một trong những nội dung quan trọng của tình trạng này là việc các đảng cộng sản cầm quyền ở đây ngày càng buông lỏng, từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình. Tức là khi đó đảng chỉ tập trung chủ yếu thực hiện nhiệm vụ cầm quyền, chấp chính, quản lý nhà nước một cách phi đảng tính, do vậy trở nên bị “nhà nước hóa”, “chính quyền hóa”. Còn nhà nước vốn là cơ quan dân cử, do nhân dân bầu ra dưới sự lãnh đạo của đảng, và khi đã hình thành thì vẫn tiếp tục được đảng lãnh đạo trực tiếp thường xuyên, thì lại quay trở lại “đồng hóa”, chuyển hóa đảng.

Tình trạng này làm biến dạng cấu trúc-hệ thống, chức năng - vai trò của đảng thành một thiết chế đảng - nhà nước. Thiết chế đó vừa mang tính chuyên quyền, độc đoán, mệnh lệnh chỉ huy vừa có đặc điểm của một bộ máy thừa hành quan liêu, bị động, phi dân chủ. Đảng đã được tuyệt đối hóa thành một siêu nhà nước, đồng thời cũng bị hạ thấp thành một tổ chứcquản lý hành chínhvới quyền lựcchính trị - pháp luật được định lượng cụ thể, hạn hẹp. Tình trạng “nhà nước hóa đảng” cũng loại bỏ vai trò lãnh đạo và quyền lực chính trị chung của Đảng; xóa nhòa bản chất chính trị - giai cấp của cả đảng lẫn nhà nước. Điều này làm vô hiệu hóa, tê liệt, tan rã, tiêu vong đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức trong môi trường hành chính sự vụ của bộ máy nhà nước.

Tình trạng trên khác với việc đảng “làm thay”nhà nước. Trong trường hợp này, đảng vẫn nắm giữ vai trò lãnh đạo và quyền lực chính trị chung, nhưng khi cầm quyền thì không thực hiện đầy đủ chức năng quản lý hành chính theo các luật định, chế độ, nguyên tắc nhất định và bằng quyền lực chính trị - pháp luật. Do vậy mà từ đây hình thành một nền chính trị không kém phần bất hợp lý với thể chế “đảng trị”, có khuynh hướng “đảng hóa nhà nước” và hạn chế tính chất pháp quyền của nhà nước XHCN.

Tại một số nước phương Tây đã từng xảy ra tình trạng giai cấp tư sản mới giành được chính quyền nhưng bị thất thế, buộc phải để cho chế độ phong kiến phục hồi. Chẳng hạn, ở nước Pháp cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, viên tướng pháo binh Napôlêông vốn thuộc phe tư sản nhưng được các thế lực bảo hoàng ủng hộ, đã tái lập vương triều phong kiến và lên ngôi hoàng đế. Trong thế kỷ XX cũng xảy ra trường hợp: ở một nước châu Phi đã dựng lại chính thể quân chủ với nhà vua tự phong chính là vị nguyên Tổng thống của chế độ cộng hòa vừa bị xóa bỏ. Tuy nhiên, nhìn chung trong các nước TBCN phương Tây thời hiện đại, từ lâu đã không còn có các quá trình “lội ngược dòng lịch sử”.

Sự kiện “Đông Âu, Liên Xô sụp đổ” cho thấy, trong thời kỳ quá độ lên CNXH, nhất là khi bỏ qua chế độ TBCN, đảng cộng sản cầm quyền không phải dễ dàng vượt qua được nguy cơ thoái hoá, biến chất theo hướng phi vô sản hóa, hữu sản hóa thành chính đảng tư sản thực thụ. Khi đảng chưa cầm quyền hoặc đã cầm quyền mà phải tiến hành chiến tranh chống kẻ thù xâm lược, thì chưa hoặc ít có nguy cơ ấy. Nhưng khi đảng đã giành được chính quyền, lại là trong điều kiện hoà bình xây dựng đất nước nhiều năm, thì nguy cơ này bắt đầu xuất hiện và phát huy tác hại của nó. Bởi vì lúc này trong cấu trúc quyền lực chính trị chung của đảng, bên cạnh nội dung lãnh đạo về chính trị - tư tưởng và tổ chức - bộ máy, còn có thêm nội dung quản lý hành chính - nhà nước bằng quyền lực chính trị - pháp luật mang tính chính thức, chính thống và có tác động, hiệu lực đối với tất cả mọi lĩnh vực xã hội, gồm cả lĩnh vực kinh tế.

Như vậy, ngay trong thực tiễn cầm quyền của các đảng cộng sản ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trước đây, đã xuất hiện và tồn tại điều kiện khách quan cho một khuynh hướng sai lầm, lệch lạc trong đảng. Đó là, một mặt không phát huy mạnh mẽ, đầy đủ, mà lại buông lỏng vai trò lãnh đạo bằng quyền lực chính trị chung, tổng quát. Mặt khác, chỉ tập trung thực hiện, khai thác một cách thực dụng, hạn hẹp và thiển cận nội dung hoạt động quản lý hành chính - nhà nước, nhất là đối với lĩnh vực kinh tế, bằng quyền lực chính trị - pháp luật. Do quyền lực này có thể chuyển đổi, dẫn dắt đến lợi ích vật chất - kinh tế trực tiếp với quy mô to lớn và sức lôi cuốn mạnh mẽ, cho nên nếu không được kiểm soát, kiềm chế và điều tiết hợp lý, chặt chẽ thì quán tính tự phát của khuynh hướng tiêu cực trên sẽ bùng nổ rất dữ dội. Khi thực thi nhiệm vụ quản lý hành chính mà vai trò lãnh đạo, đặc biệt là ở nội dung yêu cầu chính trị - tư tưởng, văn hóa - tinh thần bị xem nhẹ, thì các đảng cộng sản cầm quyền ở đây càng dễ hướng sang chủ nghĩa duy kinh tế tự nhiên, tự phát, tầm thường.

Khuynh hướng trên càng trở nên phức tạp hơn khi có sự thừa nhận kinh tế tư nhân TBCN. Ở giai đoạn giáp ranh giữa thời kỳ cuối cùng của “CNXH hiện thực” và thời kỳ đầu tiên của các xã hội “hậu Xôviết”, “hậu cộng sản”, thì để gia nhập được khu vực sản xuất - kinh doanh này với vai trò chủ sở hữu, người ta chỉ có thể dựa vào quyền lực quản lý nhà nước. Nhờ thế, “tài sản XHCN” được “chuyển đổi” thành vốn liếng của giới cựu quan chức - nhà tư bản mới. Chính thực trạng này đã lý giải căn nguyên, thực chất của mắt khâu then chốt, bước ngoặt quan trọng trong tiến trình dẫn đến kết cục tha hoá, thoái hoá, biến chất, suy thoái của một đảng cộng sản ngay từ khi vẫn còn cầm quyền. Đó là tình trạng đảng thực hiện nhiệm vụ cầm quyền nhưng buông lỏng, từ bỏ chức năng, vai trò lãnh đạo; tham gia đảm nhận những cương vị trong hệ thống các tổ chức, cơ quan chính quyền nhưng bị hoà tan, đồng nhất, đồng hoá trong đó. “Nhà nước hoá đảng” chính là làm cho đảng “hóa thân” tuyệt đối trong nhà nước, hoàn toàn trở thành bộ máy nhà nước. Tình trạng này cũng dẫn đến chỗ phi đảng hóa, phi hệ tư tưởng hoá, phi giai cấp hóa và phi chính trị hoá bản thân nhà nước XHCN. Mà sớm muộn thì điều đó lại tất yếu làm cho nhà nước này bị tư sản hoá, trở thành một nhà nước TBCN hoàn toàn.

Đảng cầm quyền theo phương thức hoàn toàn thay thế nhà nước, tức là tình trạng “đảng hóa nhà nước” hay “đảng trị”, nhìn chung là điều không hợp lý. Sự “chồng chéo, lấn sân, bao biện, làm thay” của đảng đối với nhà nước có thể hạn chế nhiều chức năng quan trọng cơ bản của bộ máy chính quyền. Nhưng tình trạng “nhà nước hoá đảng”, còn dẫn đến hậu quả rất nặng nề, bi thảm hơn. Đó là, cả đảng cộng sản lẫn nhà nước XHCN đều bị xóa bỏ như ở Đông Âu và Liên Xô trước đây.

Ở Liên Xô trước đây, do vận hành và phát huy cao độ thể chế, cơ chế “Đảng trị” hay “Đảng hóa Nhà nước”, cho nên đã không hình thành và phát triển được dù chỉ là một nhà nước nói chung, chứ chưa nói là một nhà nước pháp quyền XHCN. Thiết chế chính trị phổ biến vô cùng trọng yếu này, bằng và thông qua hoạt động quản lý hành chính của mình, có nhiệm vụ thực hiện và phát huy tuyến quyền lực chính trị - pháp luật mang tính chính thức, chính thống, công quyền và bắt buộc. Tình trạng đó rõ ràng làm tổn hại hiệu lực, hiệu quả chung của toàn bộ hệ thống chính trị XHCN.

Nhưng không chỉ thế, trong quá trình nghiêng hẳn sang thực thi nhiệm vụ cầm quyền một cách lệch lạc, phiến diện thì ngay bản thân đảng lại cũng càng ngày càng bị “nhà nước hoá”. Khuynh hướng này phát triển đến một mức độ cực đoan nhất định, thì đảng đánh mất vai trò, chức năng, tư cách đích thực của mình. Hậu quả là nhà nước vừa bị đảng “bao biện, làm thay”, vừa không còn có được một sự lãnh đạo cần thiết, đúng đắn để bảo đảm cho mình nội dung, đặc điểm, tính chất, bản chất và định hướng chính trị XHCN.

Từ nhiều năm trước khi sụp đổ, thực chất bên trong của cấu trúc đảng - nhà nước ấy đã dần dần chuyển hóa, thoái hóa, biến chất ngay trong lòng lớp vỏ bọc của chế độ Xôviết. Cho nên ở nước Nga mới, trong bộ máy chính quyền có đến 70 - 80% nhân sự là giới chức Xôviết cũ. Điều này có nghĩa là, Nhà nước trước đây chỉ mất đi vỏ bọc XHCN bên ngoài. Còn nội dung bên trong đã thay đổi, biến chất từ khá lâu của nó, thì về cơ bản vẫn được bảo lưu.

Thực tế ấy chứng tỏ rằng, một khi đảng bị “nhà nước hoá”, không thực hiện đầy đủ chức năng, vai trò lãnh đạo, thì tất yếu sẽ mất dần vị thế, vị trí cầm quyền, thậm chí bị tiêu vong cả về chính trị, tư tưởng lẫn tổ chức. Còn chính bộ máy nhà nước đã đồng hóa, tiêu hóa, giải trừ đảng, loại bỏ sự lãnh đạo và cơ cấu hệ thống đảng, thì không thể giữ nguyên bản chất XHCN. Khi ấy nó sẽ thoái hóa, biến chất theo hướng phi XHCN, đưa đất nước đi vào quỹ đạo tư bản hóa.

3. Giải pháp đấu tranh khắc phục

Như vậy, từ khi nhà nước XHCN được thiết lập, thì sự lãnh đạo của đảng cộng sản tất yếu bắt đầu bao hàm cả việc cầm quyền. Cầm quyền là một nội dung mới trong giai đoạn phát triển mới và điều kiện mới của lãnh đạo. Lúc này trong hoạt động chung của Đảng, lãnh đạo và cầm quyền không tách rời tuyệt đối khỏi nhau. Lãnh đạo một cách thực sự đầy đủ, tức là phải thực hiện cả việc cầm quyền. Để cầm quyền được đúng đắn hiệu quả, thì phải được lãnh đạo. Không thể chỉ lãnh đạo mà không cần cầm quyền, hoặc chỉ cầm quyền mà không cần lãnh đạo. Và chính việc cầm quyền của số đảng viên tham gia hoạt động nhà nước cũng phải chịu sự lãnh đạo của đảng nói chung.

Để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị hiện nay, cần khắc phục các biểu hiện suy thoái thuộc bản thân lĩnh vực chính trị thực tiễn, hiện thực. Một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết về mặt này là tập trung đấu tranh chống cả hai khuynh hướng “Nhà nước hóa Đảng” và “Đảng hóa Nhà nước”(cũng dẫn đến tình trạng Đảng bị “Nhà nước hóa”). Nói cách khác, phải bảo đảm thực hiện và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng một cách hợp lý, đúng đắn, hiệu quả đối với toàn xã hội cũng như cả hệ thống chính trị, đặc biệt và trước hết là đối với Nhà nước. Cụ thể là:

- Tăng cường sự lãnh đạo của đảng bộ, đội ngũ đảng viên và cấp ủy đối với mọi hoạt động trong các cơ quan, đơn vị đồng cấp của Nhà nước và toàn hệ thống chính trị.

- Tăng cường sự lãnh đạo của hệ thống tổ chức đảng và cấp ủy cấp trên đối với đảng bộ, đội ngũ đảng viên và cấp ủy cấp dưới.

- Ở những cơ quan, đơn vị nhà nước đã nhất thể hóa các chức danh đứng đầu tổ chức đảng và chính quyền, thì chủ thể đứng đầu mới này vẫn chịu sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng theo các nguyên tắc nêu trên.

- Mặt khác, cũng không áp đặt Đảng bao trùm lên Nhà nước hay quy giản Nhà nước vào trong thành phần của Đảng. Thực tiễn xây dựng CNXH ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc “Đảng hóa Nhà nước” cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng tất yếu dẫn đến tình trạng “Nhà nước hóa Đảng”. Đây là hai mặt khác nhau, chỉ đối lập lẫn nhau về hình thức nhưng thống nhất với nhau về nguồn gốc, bản chất của cùng một quá trình chung.

- “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng” phải gắn liền với “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”. Thực chất của những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ này chính là: giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhờ thế bảo đảm định hướng XHCN trong mọi hoạt động của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đó đưa cách mạng nước ta từng bước hoàn thành thắng lợi thời kỳ quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN, đạt tới mục tiêu bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc và xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam XHCN.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2014

PGS, TS Phạm Văn Chúc

Hội đồng Lý luận Trung ương

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền