Trang chủ    Diễn đàn    Tham khảo "Ý kiến của một người Mỹ về cải cách giáo dục bậc cao ở Việt Nam"
Thứ tư, 06 Tháng 8 2014 15:03
2359 Lượt xem

Tham khảo "Ý kiến của một người Mỹ về cải cách giáo dục bậc cao ở Việt Nam"

(LLCT) - Giáo sư toán học Neal Kobliz, Đại học Washington (Mỹ) đối thoại với một tài liệu có tiêu đề “Giáo dục bậc cao ở Việt Nam: khủng hoảng và phản ứng” của Viện Ash thuộc Trường Đại học Harvard Kennedy, do hai tác giả Thomas Vallely và Ben Wilkinson soạn thảo (Kobliz gọi tắt là “Báo cáo Vallely”). Bản Báo cáo Vallely đã phê phán gay gắt “tình trạng tồi tệ” của nền giáo dục bậc cao ở Việt Nam và “chỉ ra” cách thức duy nhất để thay đổi tình hình là Việt Nam phải cải tổ giáo dục bậc cao theo mô hình Mỹ được Viện Ash vạch ra!

Phải nói ngay rằng, quan điểm của giáo sư Kobliz đối lập với Báo cáo Vallely. Chúng ta hãy xem giáo sư nói gì về tài liệu này.

Báo cáo Vallely cho rằng những vấn đề của giáo dục bậc cao ở Việt Nam hiện nay là những vấn đề riêng có ở Việt Nam. Tình trạng “tồi tệ” một phần do chế độ thực dân Pháp để lại, nhưng chủ yếu do năng lực kém và sai lầm chủ quan của các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo Việt Nam. Giáo sư Kobliz bác bỏ quan điểm này. Ông cho rằng, những vấn đề của giáo dục bậc cao mà Việt Nam gặp phải không phải là những vấn đề riêng có của quốc gia này mà chúng tồn tại ở nhiều nước, phổ biến nhất là các nước Thế giới thứ ba. Để giải quyết chúng, đòi hỏi phải có những điều kiện khách quan, chủ quan nhất định, phải có thời gian với những bước đi cần thiết. Giáo sư Kobliz cho rằng, Báo cáo Vallely đã có những nhận định sai lầm, không khách quan. Ông vạch rõ rằng các tác giả Báo cáo Vallely chỉ biết chỉ trích người Pháp nhưng đã tảng lờ vai trò và trách nhiệm của Mỹ ở Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975. Ông viết: “Không một điều gì người Pháp đã làm có thể so sánh được với sự tàn phá trong giai đoạn này - khi mà tổng số lượng bom đạn đổ xuống miền Bắc và miền Nam Việt Nam nhiều hơn hẳn bất kỳ một cuộc chiến tranh nào trong lịch sử thế giới, kể cả Chiến tranh thế giới thứ II”. Giáo sư Kobliz không quên nhắc tới câu nói nổi tiếng của Tham mưu trưởng không quân Mỹ - tướng Curtis LeMay miêu tả chiến lược của Mỹ ở Việt Nam: “Chúng ta sẽ ném bom và đưa họ trở về thời kỳ đồ đá”. Trong điều kiện ấy, nền giáo dục bậc cao ở Việt Nam gặp vô vàn khó khăn, song vẫn tồn tại và phát triển. Giáo sư Kobliz nhấn mạnh: “Nếu không có sự nỗ lực phi thường của các nhà trí thức và các nhà lãnh đạo Việt Nam - những người trong suốt thời gian Hà Nội bị ném bom vẫn tổ chức giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học ở trong các khu rừng cách xa Thủ đô - thì đời sống khoa học cũng sẽ bị xóa sổ trong thời gian chiến tranh với Mỹ”.

Nếu đi sâu thêm về nhân thân, biết rõ hơn về vai trò của những người và cơ quan làm ra Báo cáo Vallely (ông Vallely, ông Wilkinson và Viện Ash) thì người ta sẽ không ngạc nhiên vì sao “bản báo cáo này lại hoàn toàn không đề cập chút nào tới vai trò của người Mỹ”. Giáo sư Kobliz viết: “Tôi được biết qua những trang web của Viện Ash rằng trong thời gian này chính ông Vallely đã ở Việt Nam với tư cách một người lính của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ - một trong những đội quân đã gây ra các tội ác chiến tranh chống lại người Việt Nam”. Kobliz nói thêm: “Hơn nữa, văn phòng của ông Vallely lại có liên kết với Trường Đại học Harvard Mặc dù Harvard đã có nhiều nhà toán học và khoa học lỗi lạc..., nhưng không phải mọi điều trong quá khứ của Harvard đều đáng khen ngợi. Trường đại học này đóng một vai trò to lớn trong cuộc chiến tranh của Mỹ. Một vài giáo sư về chính trị như Mc.George Bundy và Sammuel Huntington là những nhà hoạch định chính sách quan trọng, cụ thể là hai ông này đã tham gia xây dựng và cổ súy nhiệt thành cho chương trình “Ấp chiến lược” nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam… Chất
Napalm do Công ty hóa học Dow sản xuất và được quân đội Mỹ sử dụng để chống lại dân thường Việt Nam - được thử nghiệm lần đầu tiên trên sân vận động Harvard”.

Giáo sư Kobliz bác bỏ ý kiến miệt thị nhằm vào các nhà khoa học và các các nhà lãnh đạo Việt Nam được đào tạo ở các nước XHCN. Ông viết: “Hầu hết các nhà toán học và khoa học hàng đầu của Việt Nam ở thế hệ của Hoàng Tụy và thế hệ của tôi đều được đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa. Tôi biết rằng các sinh viên Việt Nam ở Mátxcơva có tiếng là làm việc rất chăm chỉ và thông minh, họ thường được làm việc dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học hàng đầu Liên Xô”.

Báo cáo Vallely gợi ý rằng các nhà khoa học và các cán bộ lãnh đạo của Việt Nam, những người được đào tạo ở các nước XHCN, có năng lực kém hơn so với những người được đào tạo ở phương Tây và cho rằng chính họ đã ngăn cản sự tiến bộ. Khi đưa ra những cáo buộc này, các tác giả dường như đang muốn tạo nên một cuộc xung đột giữa các nhóm khác nhau ở Việt Nam. Dù cho có các ý kiến khác nhau về khả năng của người Việt Nam được đào tạo ở các nước XHCN hay không XHCN - còn theo quan điểm của tôi thì ở cả hai nhóm này đều có những người có năng lực cao - thì việc tạo nên bất đồng giữa một nhóm người Việt Nam này với một nhóm khác cũng không đem lại lợi ích gì.

Chỉ bằng một vài thí dụ sinh động, Giáo sư Kobliz đã nêu bật những nỗ lực phi thường mang lại những kết quả tích cực của Nhà nước và các nhà trí thức Việt Nam trong việc xây dựng, phát triển giáo dục bậc cao trong điều kiện rất khó khăn, khắc nghiệt. Ông viết: “Tại thời điểm cam go nhất của cuộc chiến tranh với Pháp, các lớp học nâng cao vẫn được tổ chức, tại Liên khu 4 do Nguyễn Thúc Hào phụ trách, tại khu vực phía Tây Hà Nội do Nguyễn Xiển đảm nhiệm và ở gần biên giới với Trung Quốc do Lê Văn Thiêm phụ trách. Cũng trong thời kỳ này, một cuốn sách giáo khoa về hình học do Hoàng Tụy biên soạn đã được xuất bản tại nhà xuất bản của Việt Minh. Tôi tin rằng đây là cuốn sách toán duy nhất trên thế giới do một phong trào kháng chiến phát hành”. Báo cáo Vallely mô tả khoảng thời gian kể từ sự ra đi của người Pháp đến trước thời kỳ đổi mới một cách tiêu cực như là “một kỷ nguyên chế độ xã hội độc đoán”. Nhưng chính trong giai đoạn này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trực tiếp gặp Grothendiek để thảo luận về sự phát triển toán học ở Việt Nam trong tương lai, và một vài năm sau chính ông đã trực tiếp can thiệp mạnh mẽ để xây dựng một tòa nhà nghiêm chỉnh dành cho Viện Toán học Hà Nội. Đây thực sự là một việc làm “độc đoán” của ông, vì theo những gì mà tôi biết, chưa có một ông thủ tướng của một nước tư bản nào từng cương quyết xây dựng một tòa nhà mới dành cho các nhà toán học!”.

Báo cáo Vallelyphê phán việc “tuyên truyền chính trị” trong chương trình học của các trường đại học ở Việt Nam. Giáo sư Kobliz bác bỏ ý kiến này. Ông cho rằng, tuyên truyền chính trị không phải việc riêng có ở Việt Nam, vấn đề là nội dung và cách thức tuyên truyền chính trị. Giáo sư viết, về việc tuyên truyền chính trị trong các chương trình học do Viện Ash thực hiện: các chương trình này “thường được tiến hành trong khoảng thời gian từ vài tháng cho tới hai năm, không phải tập trung vào một chủ đề khoa học nào, mà là “khoa học chính trị” hay “chính sách công cộng” (từ “khoa học”… tất nhiên chẳng có nghĩa chúng là các ngành khoa học). Các sinh viên hay tu nghiệp sinh được học về những chủ thuyết chính trị và các học thuyết kinh tế nổi bật ở Mỹ, và họ được dạy rằng cách tiếp cận của người Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề là tốt nhất và chúng nên được du nhập vào các quốc gia khác. Ông Kobliz viết: “Báo cáo
Vallely
cho rằng ở Việt Nam 25% chương trình giảng dạy đại học được dành cho các môn học mang nặng tính tuyên truyền chính trị. Tuy nhiên, khi nhìn vào các chương trình về chính sách tại Viện Ash ở Harvard của ông Vallely, người ta có cảm giác rằng việc truyền bá chính trị chiếm tới 100% (… Sự khác biệt giữa hai dạng tuyên truyền chính trị tại các trường học ở Việt Nam và tại Viện Ash là ở chỗ, một nơi tuyên truyền về chủ nghĩa xã hội còn nơi kia là chống chủ nghĩa xã hội. Ngay cả khi nhận định trong Báo cáo Vallely rằng sinh viên đại học ở Việt Nam đã lãng phí 25% thời gian của mình là đúng, thì nó vẫn còn tốt hơn là lãng phí hầu như 100% thời gian”.

Theo Giáo sư Kobliz, trong đổi mới giáo dục bậc cao, Việt Nam cần sự hợp tác, trao đổi với thế giới, song phải có đường lối riêng, không thể phụ thuộc vào mô hình của một nước nào, kể cả mô hình Mỹ, càng không thể làm theo những chỉ dẫn của Báo cáo Vallely. Theo ông, giáo dục bậc cao ở Mỹ cũng có những mặt trái. Bên cạnh một số những trường đại học có chất lượng cao và rất cao, đa số các trường đại học ở Mỹ có chất lượng bình thường, thậm chí nhiều trường chất lượng thấp kém một cách đáng lo ngại. Giáo sư Kobliz cho rằng “trong thời gian từ 20 hoặc 25 năm trở lại đây, mức độ chuẩn bị của sinh viên khi nhập trường dần dần đi xuống”. Ông nêu một thí dụ: “Một vài năm trước, một đồng nghiệp của tôi, Giáo sư chuyên ngành khí tượng học Cliff Mass đã hết sức thất vọng khi thấy sinh viên của mình không thể hiểu được những kiến thức toán học mà ông ta sử dụng trong môn học nhập môn của mình… Ông đã cho họ một bài “kiểm tra chất lượng” về toán cơ bản. Sau đây là ba câu hỏi điển hình… cùng với tỷ lệ sinh viên trả lời sai:

(1) Chia 25x108 cho 5x10-5 (63% số sinh viên đã bỏ câu này)

(2) Diện tích hình tròn bán kính r là bao nhiêu? (31% bỏ câu này)

(3) Cho y=x(1-x), hãy tìm x theo biến y? (86% bỏ câu này)

Để có thể so sánh, sẽ rất lý thú nếu như biết được có bao nhiêu phần trăm sinh viên Việt Nam không thể trả lời được các câu hỏi trên?”

Giáo sư nêu lên tình trạng phổ biến ở các trường đại học Mỹ, đó là chi phí rất cao và tệ quan liêu. Ông viết: “Chi phí cho giáo dục bậc cao ở Mỹ còn tăng nhanh hơn cả lạm phát và nhanh hơn cả mức thu nhập gia đình. Tại nhiều trường đại học tư hiện nay, tính trung bình mỗi năm sinh viên phải chi trả cho các khoản: học phí, lệ phí, tiền thuê nhà, tiền ăn vào khoảng 50.000 USD (tại các trường công lập thì chi phí vào khoảng một nửa số đó). Đã có nhiều tranh luận về vấn đề này trên báo chí Mỹ”. Nêu thí dụ về tệ quan liêu, Kobliz viết: “Đội ngũ cán bộ hành chính trong các trường đại học thường đông đảo như một khoa và có nhiều tòa nhà chỉ dành cho các phòng hành chính. Các cán bộ hành chính này mất quá nhiều thời gian cho các cuộc họp vô bổ và các hội nghị đắt đỏ không cần thiết, và họ xuất bản ra một khối lượng khổng lồ những ấn phẩm không có giá trị mà hầu như chẳng ai thèm đọc”. Giáo sư Kobliz kết luận: “Do những yếu tố tổng hợp liên quan đến vấn đề cá nhân, áp lực về tài chính, và sự chuẩn bị nghèo nàn về toán học và các lĩnh vực khác, hầu như một nửa số sinh viên vào các trường có chương trình đào tạo là 4 năm đã không thể hoàn thành khóa học của mình trong vòng 4 năm, 5 năm và thậm chí là 6 năm. Điều này khiến cho nhiều nhà bình luận của Mỹ nói rằng giáo dục bậc cao ở Mỹ là rất không hiệu quả và quá đắt đỏ” (trong chú thích, giáo sư cho biết: Theo tờ The Chroronicle of Higher Education (24-8-2009), trong số các sinh viên nhập học năm 2001, chỉ có 56,1% tốt nghiệp vào năm 2007).

Giáo sư Kobliz nêu vấn đề: “Khi các nhà khoa học và toán học đến thăm và giảng dạy tại Mỹ trong vòng một năm, họ thường bị sốc vì trình độ rất thấp của sinh viên ở đây. Họ thường tự hỏi vì sao mà một nước có nền giáo dục yếu kém như thế này lại có thể vẫn duy trì một nền khoa học hàng đầu thế giới?”. Nước Mỹ luôn nắm giữ những kỹ thuật hiện đại nhất trong hầu hết các ngành kỹ thuật cao, vẫn có những chương trình sau đại học tốt nhất thế giới, và vẫn đạt được rất nhiều giải Nobel. Thoạt nhìn, điều này đúng là một nghịch lý.

Có hai lý do giải thích vì sao nước Mỹ vẫn sản sinh ra các nhà khoa học hàng đầu thế giới:

- Nước Mỹ là một quốc gia rộng lớn và giàu có, với một hệ thống giáo dục hoàn toàn phi tập trung. Sự đa dạng về chất lượng là rất lớn. Có một thiểu số các trường công lập và trường tư có chất lượng rất cao…

- Nước Mỹ hưởng lợi rất nhiều từ làn sóng nhập cư. Sự “bòn rút chất xám” từ các quốc gia khác cung cấp đều đặn cho nước Mỹ một số lượng phong phú các nhà khoa học, hơn một nửa các luận án tiến sĩ chất lượng hàng đầu được viết bởi các sinh viên sau đại học đã từng học tập tại các trường bậc thấp hơn ở các quốc gia khác.

Giáo sư Kobliz kết luận: “Đối với các quốc gia khác có thể rút ra nhiều bài học từ thành công và thất bại của giáo dục khoa học ở Mỹ. Tuy nhiên, không một người có tri thức nào lại có thể khẳng định rằng nhìn chung hệ thống đào tạo trung học và đại học của Mỹ là một mô hình tốt và đáng để các quốc gia khác noi theo”.

Giáo sư Kobliz hoàn toàn không tin và không ủng hộ ý tưởng xây dựng một trường đại học mới, do nhà nước tài trợ, dựa trên mô hình Mỹ và do người Mỹ thiết kế. Ông cũng không tin rằng việc “tư nhân hóa” (các trường đại học) sẽ là lời giải cho những khó khăn của Việt Nam (và các nước khác) trong giáo dục bậc cao. Giáo sư Kobliz rất coi trọng kinh nghiệm Mỹ và kinh nghiệm các nước, nhưng, theo ông, không thể sùng bái những kinh nghiệm đó. Ông viết: “Nhìn sang các nước khác để học tập các ý tưởng để cải cách là một việc làm hoàn toàn xác đáng. Có một số điều ở nước Mỹ được thực hiện tốt… Thí dụ, ở Mỹ thì việc giảng dạy và nghiên cứu được gắn kết với nhau tốt hơn so với đa số các nước khác… Nhưng Việt Nam không nên tôn sùng nước Mỹ (hay bất cứ quốc gia nào khác)…”.

Theo giáo sư Kobliz, Báo cáo Vallely là một dạng dumping về văn hóa, giáo dục. Người ta tìm cách xuất sang Việt Nam (cũng như các nước Thế giới thứ ba) những sản phẩm chất lượng thấp không tiêu thụ được ở Mỹ. Ông nói: “Hầu hết các trường của Mỹ đặt chi nhánh ở Việt Nam đều là các trường có chất lượng thấp. Thí dụ, Trường Cao đẳng Cộng đồng Houston (Houston Community College) có một chi nhánh rất phát đạt ở Thành phố Hồ Chí Minh. Không một người nào ở Mỹ coi Trường Cao đẳng Cộng đồng Houston là một trường có địa vị học thuật nghiêm túc. Vì vậy, điều này cũng có thể nói rằng việc gửi những người không có khả năng sang Việt Nam làm “chuyên gia” về giáo dục bậc cao cũng là một dạng dumping”. Giáo sư Kobliz rất ngạc nhiên về trình độ của những người như ông Vallely và Wilkinson.  Giáo sư cho biết: ông Vallely “có bằng M.P.A, có nghĩa là “thạc sĩ về Hành chính công” (Master of Public Administration). Đây là một bằng cấp thông thường ở Mỹ dành cho những người muốn làm việc tại các khu vực hành chính cấp địa phương ở tiểu bang. Nó không có ý nghĩa như trình độ thạc sĩ về một lĩnh vực khoa học. Trợ lý của Vallely còn có ít bằng cấp hơn nữa. Theo trang web của Viện Ash thì trình độ của ông ta là đã tham gia các khóa học về lịch sử và ngôn ngữ Việt Nam, và ông ta đã “học luật tại Trường Luật Harvard” (cách viết này có nghĩa là ông ta không hoàn thành khóa học và không có bằng cấp gì về luật). Giáo sư Kobliz đặt các câu hỏi và trả lời: “Nếu một người nào đó có một tấm bằng thạc sĩ hành chính công, hoặc đã từng theo các khóa học đại học về lịch sử và ngôn ngữ Việt Nam thì liệu anh ta có đủ trình độ để chỉ bảo cho Chính phủ Việt Nam nên làm gì hay không? Liệu anh ta có đủ tư cách để đưa ra các phán xét tiêu cực về các nhà khoa học và các cán bộ Việt Nam đã từng theo học ở các nước XHCN hay không? Liệu một người với trình độ như ông Vallely hoặc ông Wilkinson có thể được Chính phủ Hoa Kỳ mời làm chuyên gia tư vấn về cải cách giáo dục bậc cao hay không? Tất nhiên là không. Người ta sẽ coi họ là hoàn toàn không có đủ trình độ, và sẽ không có ai muốn nghe ý kiến của họ về vấn đề này. Thế mà Viện Ash của Trường Havard và chương trình học giả Fulbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại cử họ đến Việt Nam như là các chuyên gia về đào tạo bậc cao”. Giáo sư Kobliz bất bình vì “giọng điệu của bản Báo cáo Vallely mang tính chất trịch thượng, ra vẻ quan trọng và dạy bảo”. Ông gọi đây là “thói kiêu căng kiểu thực dân mới tồn tại và hiện hữu ở các tổ chức có liên quan tới Harvard như cái Viện Ash này”.

Trong phần kết luận, Giáo sư Kobliz viết: “Một vài nhà bình luận Việt Nam mô tả tình trạng hiện nay bằng các ngôn từ của ngày tận thế và tuyên bố rằng các vấn đề của giáo dục bậc cao đã trở nên trầm trọng đến mức cần phải có sự can thiệp từ bên ngoài - bởi những người nước ngoài - mới có thể dẫn đến cải cách. Một số thậm chí còn tin tưởng rằng vấn đề này chỉ có thể được giải quyết nếu như toàn bộ hệ thống kinh tế và chính trị được thay đổi”. Giáo sư Kobliz khuyến cáo họ bằng một câu ngạn ngữ tiếng Anh “Hãy coi chừng những ước muốn của mình. Lý do là bởi vì “anh sẽ lĩnh đủ nó”.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2013

 

GS, TS Trần Hữu Tiến

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền