Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quốc tế cộng sản đối với phong trào cách mạng ở các nước Đông Âu - vai trò và bài học kinh nghiệm
Thứ tư, 24 Tháng 7 2019 09:47
10518 Lượt xem

Quốc tế cộng sản đối với phong trào cách mạng ở các nước Đông Âu - vai trò và bài học kinh nghiệm

(LLCT) - Trong lịch sử phong trào cộng sản quốc tế, Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) có vị trí, vai trò to lớn. Ngay khi ra đời, Quốc tế Cộng sản đã có những ảnh hưởng to lớn với phong trào cách mạng ở các nước Đông Âu. Những ảnh hưởng đó diễn ra trên nhiều phương diện: thúc đẩy sự ra đời các đảng cộng sản; thúc đẩy sự xóa bỏ các chế độ quân chủ, chuyên chế; phát triển các phong trào cánh tả; chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại; chống chiến tranh và bảo vệ hòa bình. Sự ra đời và hoạt động của Quốc tế Cộng sản tuy thời gian ngắn nhưng cũng để lại nhiều bài học sâu sắc cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

 

1. Sự khủng hoảng của Quốc tế II

Cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản đã dần bước vào giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, tiến hành xâm lấn, bành trướng khắp toàn cầu nhằm mở rộng thuộc địa tạo thị trường cho sự tồn tại của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Điều này tạo cơ sở cho chủ nghĩa cơ hội và xét lại tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Sau khi Ph.Ăngghen qua đời (năm 1895), các thành phần cơ hội chủ nghĩa và xét lại trong Quốc tế II đã tìm cách tăng cường các ảnh hưởng của mình và dần chiếm ưu thế, dẫn tới đa số các đảng trong Quốc tế II trở thành các đảng cải lương, công khai xét lại chủ nghĩa Mác và thỏa hiệp một cách vô nguyên tắc với giai cấp tư sản. Đó là những biểu hiện của sự khủng hoảng của Quốc tế II và đặt ra yêu cầu ra đời một quốc tế mới đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân toàn thế giới.

Với cuốn sách “Tiền đề của chủ nghĩa xã hội và nhiệm vụ của Đảng Xã hội dân chủ”, Becxtainơ tuyên bố chủ nghĩa Mác đã lỗi thời, tìm cách giảm nhẹ và xóa mờ mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, bênh vực chủ nghĩa đế quốc; phủ nhận cách mạng xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản; sửa đổi lại những nguyên lý cơ bản trong học thuyết Mác nhằm làm hạ thấp nó. Mặc dù ngay trong Quốc tế II cũng có một số lãnh tụ trong phái tả của phong trào công nhân đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại, như Pơlêkhanốp, Bêben, Rôda Lucxembua, Pôn Laphácgơ, song do tính chất không triệt để nên kết quả còn nhiều hạn chế. Từ Đại hội IV đến khi tuyên bố giải tán, Quốc tế II có sự đấu tranh gay gắt về tư tưởng thông qua những vấn đề chính:

+ Về phương pháp giành chính quyền và mối quan hệ giữa các phương pháp

+ Về vấn đề thuộc địa

+ Thái độ của phong trào công nhân đối với cách mạng Nga 1905

+ Về chủ nghĩa quân phiệt và nguy cơ chiến tranh

Vấn đề quan trọng nhất thuộc về chiến lược và sách lược của các Đảng xã hội dân chủ được thảo luận gay gắt, nhất là thái độ của công nhân đối với nghị viện và chính phủ tư sản, về chính quyền của giai cấp công nhân. Các lãnh tụ Quốc tế II coi đấu tranh nghị trường để tham gia chính phủ tư sản là con đường, biện pháp duy nhất và chủ yếu đem lại chính quyền và quyền thống trị cho giai cấp vô sản. Đây thực chất là con đường cải lương, bộc lộ rõ lập trường đầu hàng, phủ nhận các hình thức đấu tranh chính trị và cách mạng vô sản, phủ nhận chuyên chính vô sản.

Sau Đại hội VIII Quốc tế II, ở Côpenhagen (8-1910), nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ I càng đến gần. Các cuộc chiến tranh Ý - Thổ Nhĩ Kỳ (1911-1912), chiến tranh Bancăng, khủng hoảng ở Marốc như là những giọt nước làm tràn ly của một cuộc chiến tranh. Năm 1914, chiến tranh thế giới thứ I nổ ra. Tình hình này tiếp tục dẫn tới sự chia rẽ trong Quốc tế II. Một số lãnh tụ của Đảng xã hội dân chủ Đức và Pháp đã bỏ phiếu tán thành ngân sách chiến tranh, Công đảng Anh ủng hộ vô điều kiện giai cấp tư sản thực hiện chiến tranh, phái Mensêvích tại Nga cũng ủng hộ chính sách chiến tranh của Nga hoàng. Đây chính là những nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự phá sản hoàn toàn của Quốc tế II.

2. Sự ra đời của Quốc tế III - Quốc tế Cộng sản

Nhận thấy nguy cơ phá sản của Quốc tế II, ngay từ khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, V.I.Lênin đã chủ trương tập hợp các lực lượng tiến bộ để chuẩn bị thành lập một quốc tế mới. Tại Nga, dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin đã hợp nhất các tổ chức Mácxít của công nhân Pêtécbua, thành lập “Hội liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân”, đặt những viên gạch đầu tiên cho việc thành lập một chính đảng vô sản. Tháng 3-1898, “Đảng công nhân xã hội - dân chủ Nga” tuyên bố thành lập tại Minxcơ song không hoạt động được do các lãnh tụ của đảng đều bị bắt. Năm 1900, V.I.Lênin xuất bản báo Tia lửa  để tuyên truyền sự cần thiết phải thống nhất các lực lượng giác ngộ của giai cấp vô sản và các lực lượng tiến bộ tại Nga thành một chính đảng thống nhất, coi chủ nghĩa Mác là kim chỉ nam và hành động cách mạng. Tháng 8-1903, Đại hội lần II của Đảng công nhân xã hội - dân chủ Nga họp tại Luân Đôn đã thông qua Cương lĩnh của Đảng, khẳng định nhiệm vụ chủ yếu của Đảng là thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa, lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản, thiết lập chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản.

Dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Bônsêvích tham dự lần đầu tiên tại Đại hội VII của Quốc tế II, V.I.Lênin và các đồng chí của mình đã kiên quyết vạch trần luận điểm “chính sách thuộc địa xã hội chủ nghĩa” và về vai trò “khai hóa” của bọn tư bản áp bức bóc lột nhân dân các nước thuộc địa, vạch rõ nguồn gốc kinh tế xã hội của chủ nghĩa xét lại trong phong trào công nhân.

Tại Nga, dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích, “biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng”, nhân dân Nga đã thực hiện thành công Cách mạng Tháng Mười năm 1917, thiết lập một nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới; làm cơ sở quan trọng để hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa sau này.

Qua quá trình đấu tranh với các trào lưu cơ hội và xét lại trong phong trào công nhân, qua sự chuẩn bị về đường lối, tổ chức... và từ động lực của thắng lợi Cách mạng Tháng Mười đã nâng phong trào công nhân quốc tế lên một tầm cao mới, làm tiền đề vững chắc cho việc thành lập một tổ chức thống nhất của giai cấp công nhân toàn thế giới. Đại hội lần thứ nhất, Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản), với sự tham gia của 51 đại biểu của các Đảng Cộng sản, các tổ chức xã hội chủ nghĩa phái tả của 30 nước, đã họp lần đầu tiên tại Mátxcơva (Nga), từ ngày 2 đến ngày 6-3-1919 và tuyên bố thành lập. Cương lĩnh của Quốc tế Cộng sản là sự đối lập với Cương lĩnh của Quốc tế II trong giai đoạn cuối. Quốc tế Cộng sản cũng thông qua một bản Tuyên ngôn gửi giai cấp vô sản toàn thế giới, kêu gọi giai cấp vô sản đoàn kết, đấu tranh không ngừng để thực hiện chuyên chính vô sản, để giai cấp vô sản nắm chính quyền và xây dựng chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Sự hình thành Quốc tế Cộng sản đã khẳng định sức sống của chủ nghĩa Mác, tạo một sức cổ vũ lớn đối với giai cấp vô sản và nhân dân các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành độc lập, tạo điều kiện hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới.

Sau Đại hội I của Quốc tế Cộng sản, cuộc khủng hoảng cách mạng càng diễn ra gay gắt và tại nhiều nước châu Âu, việc đấu tranh lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản được đề ra ngày càng gay gắt thì vai trò, ảnh hưởng của Quốc tế Cộng sản ngày càng lan rộng. Các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động cũng như sự phát triển của các đảng cộng sản, đảng xã hội chủ nghĩa cánh tả ngày càng lan rộng, làm cho chiến tuyến cách mạng ngày càng vững chắc.

Dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin, Quốc tế Cộng sản đã thông qua điều lệ về sự cần thiết phải rèn luyện các đảng kiểu mới theo gương Đảng Bônsêvích Nga, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội và xét lại. Đại hội II, Quốc tế Cộng sản (19-7 đến 7-8-1920) tại Tua (Pháp) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng và phát triển Đảng, quy định 21 điều kiện gia nhập Quốc tế Cộng sản. Đại hội cũng đã nghiên cứu vấn đề ruộng đất và nông dân, vấn đề dân tộc và thuộc địa và đã thông qua nghị quyết và đề cương vấn đề dân tộc và thuộc địa với nội dung do V.I.Lênin soạn thảo; kêu gọi đảng cộng sản các nước giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc và cho rằng với sự giúp đỡ của các nước vô sản tiên tiến, các nước lạc hậu có thể đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Với những nội dung này, Đại hội II đã hướng các đảng cộng sản vào việc tranh thủ tất cả các lực lượng hậu bị của cách mạng vô sản, đó là giai cấp nông dân và nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc bị chủ nghĩa đế quốc áp bức. Tại Đại hội này, Nguyễn Ái Quốc đã đọc tham luận về vấn đề dân tộc và thuộc địa, lên án chủ nghĩa thực dân, phê phán một số đảng cộng sản Tây Âu, trước hết là Đảng Cộng sản Pháp, chưa chú ý đúng mức đến vấn đề thuộc địa.

Đại hội III, Quốc tế Cộng sản họp tại Mátxcơva (Nga), từ ngày 22-6 đến 12-7-1921, đã đặt ra cho các tất cả các đảng cộng sản một nhiệm vụ lâu dài và cần phải tiến hành trong tất cả mọi lĩnh vực là đấu tranh để giành lấy đa số trong giai cấp công nhân, đánh tan ảnh hưởng của các đảng dân chủ xã hội trong quần chúng, yêu cầu phải tranh thủ quần chúng để tạo cơ sở cho sự nghiệp cách mạng. V.I.Lênin đã cho rằng, nếu không tranh thủ được quần chúng thì không thể nào đánh đổ được thế lực tư sản và đi đến chuyên chính vô sản được. Cũng trong đại hội này, Người cũng báo cáo về Chính sách kinh tế mới (NEP) trong các nước Cộng hòa Xô viết, báo cáo về đề cương sách lược của Đảng Cộng sản Nga và đã được Quốc tế Cộng sản tán thành. Các thành công của Chính sách kinh tế mới đã được V.I.Lê nin báo cáo tại Đại hội IV Quốc tế Cộng sản họp tại Mátxcơva (Nga), từ ngày 5-11 đến 5-12-1922, đúng vào dịp kỷ niệm 5 năm Cách mạng Tháng Mười thành công, và nêu rõ chính sách này có vai trò quan trọng đối với giai cấp vô sản quốc tế. Đại hội IV cũng nhấn mạnh một lần nữa nhiệm vụ quan trọng của các đảng cộng sản là tăng cường công tác quần chúng trên cơ sở sách lược của mặt trận thống nhất. 

Sau khi V.I.Lênin mất, Quốc tế Cộng sản và các đảng cộng sản, đảng xã hội chủ nghĩa cánh tả đã tích cực đấu tranh với các phần tử phát xít, phản động cực đoan, bọn Tờrốtxky tay sai của chủ nghĩa đế quốc, đồng thời tăng cường bảo vệ các quan điểm, nguyên lý, sách lược của chủ nghĩa Mác - Lênin, cũng như căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể và các đặc điểm lịch sử, chính trị của mỗi nước để áp dụng các nguyên lý, sách lược trên cho phù hợp.

Từ Đại hội V cho đến khi tuyên bố giải thể, Quốc tế Cộng sản đã đóng góp và ủng hộ quan trọng cho phong trào cách mạng ở nhiều nước trên thế giới, đấu tranh với các khuynh hướng tả và hữu khuynh, bè phái, vạch rõ bản chất thù địch trong lý luận của phái Bukharin ở Liên Xô. Đặc biệt, sau khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản (1929-1933), các đảng cộng sản, đảng xã hội chủ nghĩa cánh tả trong Quốc tế Cộng sản đã tích cực ủng hộ phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình ở các nước, đấu tranh với nguy cơ phát xít và chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ngày 15-5-1943, trước nguy cơ mở rộng của chủ nghĩa phát xít và chiến tranh thế giới thứ II ra khắp thế giới, Quốc tế Cộng sản đã ra nghị quyết giải tán Quốc tế, chấm dứt hoạt động để các đảng cộng sản ở các nước chủ động tập hợp và lãnh đạo lực lượng yêu chuộng hòa bình tập trung nguồn lực tiêu diệt liên minh phát xít, mà đứng đầu là Hítle.

3. Tác động của Quốc tế Cộng sản đối với phong trào cộng sản, công nhân ở các nước Đông Âu

Sự thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga, sự thành lập Quốc tế Cộng sản với quá trình hoạt động của nó đã cổ vũ mãnh liệt cho các phong trào giải phóng dân tộc, các phong trào cánh tả trên toàn thế giới vươn lên đấu tranh với các đảng cơ hội, cải lương, các đảng tư sản. Trong đó, khu vực Đông Âu là một trong những nơi chịu ảnh hưởng tích cực từ quá trình hình thành và hoạt động của Quốc tế Cộng sản. Điều này thể hiện:

Thứ nhất, thúc đẩy việc thành lập các đảng cộng sản ở các nước tư bản chủ nghĩa, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Ngay từ tháng 1-1918, từ sáng kiến của Đảng Bônsêvích Nga, đại diện của phái cách mạng trong các đảng xã hội chủ nghĩa các nước châu Âu và châu Mỹ đã nhóm họp để thảo luận và triệu tập một hội nghị quốc tế của các đảng xã hội chủ nghĩa nhằm thành lập Quốc tế III. Do đó, ngay trong năm 1918, nhiều đảng cộng sản đã được thành lập ở nhiều nước, trong đó có các nước Đông Âu như: Hunggari, Ba Lan(1); các tổ chức xã hội chủ nghĩa cánh tả cũng ngày càng nâng cao vị thế của mình. Kết quả là, tại Đại hội thành lập Quốc tế Cộng sản với nhiều đại biểu của các tổ chức cộng sản và các tổ chức xã hội chủ nghĩa cánh tả của 30 nước đã có 3 nước Đông Âu tham dự là: Hunggari, Ba Lan, Bungari.

Thứ hai, thúc đẩy việc xóa bỏ các chế độ quân chủ chuyên chế ở các nước châu Âu nói chung và khu vực Đông Âu nói riêng, tạo điều kiện cho các cuộc đấu tranh cách mạng trong việc lật đổ giai cấp tư sản và hình thành các Xô viết trong nhiều nước châu Âu. Cuối năm 1918, trước phong trào đấu tranh của công nhân và đảng cánh tả, chế độ quân chủ của dòng họ Hápsbua ở Áo - Hung đã bị xóa bỏ và thông qua cuộc vũ trang khởi nghĩa đã lật đổ được giai cấp tư sản để thành lập nước Cộng hòa Xô viết Hunggari (3-1919). Ở Pháp, Ý, Bungari và nhiều nước thuộc địa, nửa thuộc địa, phong trào cách mạng ngày càng lan rộng.

Thứ ba, sự ra đời Quốc tế Cộng sản dẫn đến sự phát triển lan rộng của các phong trào cánh tả cũng như sự ra đời của nhiều đảng cộng sản, qua đó tạo chiến tuyến vững chắc cho cách mạng thế giới nói chung, ở khu vực đông Âu nói riêng.

Thứ tư, Quốc tế Cộng sản với vai trò của V.I.Lênin trong xây dựng đảng Bônsêvích Nga kiểu mới, là tấm gương mẫu mực cho các đảng cộng sản nói chung và các đảng cộng sản ở Đông Âu học tập và làm theo, qua đó trở thành điều kiện căn bản để thắng lợi trong cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội. Chính các yêu cầu của V.I.Lênin trong xây dựng và rèn luyện các đảng cộng sản đã được Quốc tế Cộng sản đánh giá cao và thông qua như là một trong những nội dung quan trọng của điều lệ của tổ chức này.

Thứ năm, sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản trong việc tăng cường chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại, lên án các biểu hiện tả và hữu khuynh trong phong trào công nhân; tăng cường công tác đảng cộng sản trong quần chúng; thực hiện chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân để tiến tới chuyên chính vô sản... là những chỉ dẫn quý báu cho các đảng cộng sản, các đảng cánh tả và phong trào công nhân mỗi nước nói chung, ở các nước Đông Âu nói riêng.

Thứ sáu, chủ trương chống chiến tranh, chống chủ nghĩa phát xít và bảo vệ hòa bình được Quốc tế Cộng sản quán triệt trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nói chung, trong khu vực các nước Đông Âu nói riêng, đã đạt được những giá trị nhất định. Tại Bungari, tháng 9-1923, dưới sự lãnh đạo của G.Đimitơrốp và V.Côlarốp, cuộc đấu tranh vũ trang chống chế độ phát xít của Tờxancốp đã diễn ra quyết liệt(2).

Thứ bảy, quy định của Quốc tế Cộng sản về Bônsêvích hóa các đảng cộng sản qua hấp thu những nguyên lý về tư tưởng, sách lược và tổ chức của chủ nghĩa Lênin, song cần căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể và đặc điểm lịch sử và chính trị mỗi nước cho phép các đảng vừa có định hướng đúng, vừa vận dụng phù hợp với từng quốc gia đó, và Đông Âu cũng không là ngoại lệ.

4. Một số bài học kinh nghiệm

Sự ra đời và quá trình hoạt động của Quốc tế Cộng sản tuy không dài song đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế như:

Thứ nhất, để thực hiện sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân, giai cấp công nhân mỗi nước cần thành lập chính đảng vô sản mác xít, đồng thời tích cực tham gia vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Thứ hai, các đảng cộng sản và đảng xã hội chủ nghĩa cánh tả cần đấu tranh không khoan nhượng với mọi trào lưu cơ hội, xét lại, tự do vô chính phủ trong phong trào công nhân cũng như các biểu hiện này trong đảng của mình. Đồng thời, cần đấu tranh bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác, tăng cường rèn luyện và đào tạo những lãnh đạo nòng cốt của phong trào công nhân.

Thứ ba, các đảng cộng sản và đảng xã hội chủ nghĩa cánh tả cần phải tạo lập được sự đoàn kết trong đảng, trong mối quan hệ giữa các đảng trên cơ sở mục tiêu và lợi ích chung, đồng thời cần xây dựng được cơ sở xã hội của mình qua công tác vận động quần chúng, nhất là vận động và đoàn kết nguồn dự bị cho phong trào cách mạng - giai cấp nông dân.

Thứ tư, tuy mới chỉ được thực hiện ở Nga, song Chính sách kinh tế mới (NEP), đã được Quốc tế Cộng sản tán thành, cho thấy việc các nước xã hội chủ nghĩa, sau khi đã giành được chính quyền cần tận dụng các giá trị mà loài người đã đạt được trong xã hội tư bản trên cơ sở kế thừa, tiếp thu có chọn lọc và tùy thuộc vào đặc thù mỗi quốc gia, dân tộc.

_____________________

(1), (2) Xem: Đại bách khoa toàn thư Liên Xô, Ba Quốc tế, Nxb Sự thật,  Hà Nội, tr.61, 72.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Anh Thái (chủ biên): Lịch sử thế giới hiện đại 1917-1995, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Khoa Phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế: Phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế và Phong trào giải phóng dân tộc, Hà Nội, 1982 (Lưu hành nội bộ).

4. Phong trào công nhân quốc tế - Những vấn đề lịch sử và lý luận, t. 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.

5. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Ảnh hưởng của Quốc tế Cộng sản với cách mạng Việt Nam, Báo cáo tổng kết đề tài cấp bộ, Hà Nội, 2007.

TS Nguyễn Dương Hùng

ThS Vũ Thị Xuân Mai

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền