Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tư tưởng Hồ Chí Minh về "văn hoá Đảng" với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
Thứ ba, 15 Tháng 4 2014 15:02
3088 Lượt xem

Tư tưởng Hồ Chí Minh về "văn hoá Đảng" với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

(LLCT) - Sinh thời, Hồ Chí Minh chưa dùng khái niệm “văn hoá Đảng”, nhưng trong các tác phẩm của mình, Người đã đề cập một cách có hệ thống đặc trưng và nội dung của văn hoá Đảng. Có thể nói, văn hóa Đảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, xét đến cùng là sự thể hiện bản chất Đảng dưới hình thức giá trị văn hoá bền vững.

 

Có thể hiểu văn hoá Đảng là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần của Đảng, gắn liền với sự ra đời, mục đích, cách thức tổ chức, phương pháp hoạt động của Đảng. Các giá trị đó tạo nên bản chất và sức sống của Đảng, là chất kết dính giữa Đảng với nhân dân, tạo nên sức mạnh cho Đảng và cách mạng.          

Quan niệm về văn hoá Đảng của Hồ Chí Minh thể hiện một cách khúc chiết ở luận đề mang tính tổng kết chiều sâu lịch sử hoạt động của Đảng, khi Người cho rằng: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”(1). Ở đây, “văn minh” bao hàm cả trí tuệ, cả lý tưởng, mục đích cao quý, định hướng cho sự tiến bộ, tiến hoá, phát triển của đất nước, vì con người với những quan hệ tự nhiên, xã hội tốt đẹp. Đảng ta là đạo đức, văn minh, nghĩa là Đảng có “tư chất” văn hoá cao. Hoặc Người khẳng định: Đảng là “hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc”(2), “Đảng là đội tiên phong của giai cấp và dân tộc”(3), ... đó là những biểu hiện phong phú của văn hoá Đảng.

Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Quá trình hình thành Đảng chứa đựng dấu ấn văn hoá mang phong cách Hồ Chí Minh. Người cho rằng, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu một bước phát triển cao về trình độ văn hoá và tinh thần của dân tộc, trước hết biểu hiện ở bộ phận tiền phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam chính là một sản phẩm của văn hoá, vì đó là sự kết hợp giữa đỉnh cao của văn hoá nhân loại là chủ nghĩa Mác - Lênin với đỉnh cao của phong trào đấu tranh giải phóng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Người tổng kết: “Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng”(4). Và như vậy, văn hoá dân tộc sản sinh ra văn hoá Đảng và văn hoá Đảng tác động tích cực vào văn hoá dân tộc để văn hoá dân tộc phát triển theo chiều hướng tiến bộ của thời đại. Mặt khác văn hoá Đảng Cộng sản mang bản chất của giai cấp công nhân.            

Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng ra đời với sự nghiệp cách mạng cao cả là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, xây dựng một xã hội không có áp bức, bóc lột, xây dựng một chế độ xã hội lấy con người và phát triển con người làm trung tâm, các lợi ích, nhu cầu được thoả mãn, các năng lực của con người được phát huy vì lợi ích chung của cộng đồng. Nói cách khác, quá trình lãnh đạo của Đảng đã xác lập nên các giá trị nhân loại chung. Vì vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, sự thống nhất giữa tính giai cấp với tính dân tộc và tính nhân loại là một đặc trưng nổi bật của văn hoá Đảng Cộng sản.        

Như vậy, nếu nói văn hoá là nền tảng tinh thần của sự phát triển xã hội thì văn hoá Đảng phải trở thành nền tảng của Đảng, để Đảng có đủ năng lực và phẩm chất lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, luôn xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp và dân tộc, là hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc và thời đại. Do đó, xây dựng văn hoá Đảng là một việc làm cần thiết, lâu dài, thường xuyên của các tổ chức đảng, của mọi đảng viên. Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên “trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết trên trán chữ  “cộng sản” là được họ yêu mến”(5), mà phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, chống sa vào chủ nghĩa cá nhân, góp phần làm cho Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”. 

Về mặt cấu trúc giá trị văn hoá Đảng theo quan điểm của Hồ Chí Minh được thể hiện trên các đặc trưng cơ bản sau:            

Thứ nhất,văn hoá Đảng được kết tinh trong bản chất, mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng lý luận và trí tuệ của Đảng. Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, đây là những hạt nhân nòng cốt trong văn hoá Đảng, với mục tiêu cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc giành và nắm chính quyền, mà là bằng chính quyền đó sẽ xây dựng thành công một nước Việt Nam giàu mạnh với một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, nhân dân được sống trong ấm no và hạnh phúc. Theo Người, chỉ có như vậy Đảng mới “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(6). Lý tưởng đó phù hợp với nguyện vọng của tuyệt đại bộ phận dân tộc, mang đậm tính văn hoá và làm nên những nét văn hoá Đảng.  

Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ nghĩa Mác - Lênin là lực lượng tư tưởng hùng mạnh chỉ đạo Đảng chúng tôi, làm cho Đảng chúng tôi có thể trở thành hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc chúng tôi”(7). Trên cơ sở nền tảng tư tưởng cách mạng và khoa học và bằng trí tuệ và tư duy lý luận của mình, Đảng có khả năng nhận thức được quy luật lịch sử khách quan, có khả năng lựa chọn con đường phát triển của dân tộc, đất nước phù hợp với xu thế vận động của thời đại. Trên cơ sở đó, Đảng hoạch định đường lối, chính sách và tổ chức lực lượng thực hiện các quyết sách đó. Tất cả các quan điểm đó được thể hiện trong Cương lĩnh chính trị của Đảng, tóm tắt trong 8 chữ: “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”(8). Vì thế, cương lĩnh chính trị của Đảng kết tinh các giá trị văn hoá đảng, trí tuệ của Đảng, các giá trị đó đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và dân tộc, phù hợp với xu thế thời đại, được diễn đạt súc tích: “Độc lập - thống nhất - dân chủ - phú cường”(9); trí tuệ đó lấy phép biện chứng duy vật làm hạt nhân cho mọi tìm tòi sáng tạo. Và như vậy, có thể khẳng định, “chủ nghĩa Mác - Lênin soi phương hướng, đường lối cho chúng ta đi”(10), chính là hạt nhân cốt lõi của văn hoá Đảng.       

Thứ hai,văn hoá Đảng thể hiện trong đạo đức cách mạng cao cả của Đảng, trong các tiêu chuẩn đạo đức mà mỗi cán bộ, đảng viên cần phải phấn đấu để đạt được. Theo Hồ Chí Minh, đó là các phẩm chất tiêu biểu: suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân; vì Đảng và dân mà hy sinh quên mình; gương mẫu trong mọi việc; không ngừng học tập văn hoá, khoa học - kỹ thuật, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin; luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng, cải tiến công tác, cùng đồng chí mình tiến bộ; thực hành chủ nghĩa nhân đạo.       

Đạo đức cách mạng của Đảng được thể hiện ở phẩm chất đạo đức của từng cán bộ, đảng viên. Văn hoá của Đảng được đặc trưng bởi hoạt động của những người có đạo đức cách mạng và lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Theo Hồ Chí Minh, người có đạo đức cách mạng phải gắn bó với quần chúng, hoà mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng và đặc biệt là phải gương mẫu trước quần chúng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, sống giản dị, trong sạch. Người viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(11). Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải có bản lĩnh vững vàng: “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khất phục”(12). Khi mỗi cán bộ, đảng viên là một tấm gương sáng về đạo đức sẽ là biểu tượng văn hoá cao nhất của dân tộc - văn hoá Đảng Cộng sản.  

Thứ ba,văn hoá Đảng thể hiện trong các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt, phong cách lãnh đạo dân chủ, tinh thần kỷ luật, ý thức tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên. Một trong những nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng chính là chế độ tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình - thể hiện tinh thần văn hoá Đảng và sức sống của Đảng. Theo Người, đây là những nguyên tắc tổ chức để làm cho Đảng luôn là một khối thống nhất, phát huy được sức mạnh của Đảng, của quần chúng, đồng thời bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất, nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Hồ Chí Minh cho rằng, thực hiện chế độ dân chủ tập trung, thường xuyên tự phê bình và phê bình là thực hành dân chủ thực sự trong nội bộ các tổ chức đảng, là cơ sở để cán bộ, đảng viên đối xử với nhau thân ái, chân thành, có tình, có nghĩa. Hơn thế, Người cũng cho rằng, có dân chủ trong đảng mới có dân chủ ngoài xã hội, đồng thời, là cơ sở để Đảng gắn bó chặt chẽ, máu thịt với dân, gần dân, sát dân, hiểu dân, thương dân, yêu dân, tin dân, sử dụng sức mạnh của dân, là cội nguồn sức mạnh của Đảng. Như vậy, mục tiêu, bản chất của các nguyên tắc đó, tự thân đã là hoạt động mang tính văn hoá.  

Văn hoá Đảng được hình thành và tồn tại trong dòng chảy lịch sử  của văn hoá dân tộc Việt Nam. Văn hoá Đảng, được Hồ Chí Minh coi là nhân tố cơ bản, có ý nghĩa quyết định trong mọi thành công và thắng lợi của Đảng và cách mạng. Đồng thời, Người cũng nhắc nhở: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(13). Việc giữ gìn và nâng cao, bổ sung các giá trị văn hoá là một việc làm thường xuyên và là trách nhiệm của mọi tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên. Có như vậy, Đảng mới luôn thực sự là hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc và thời đại, luôn xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân trong mọi thời kỳ cách mạng.

Những quan điểm của Hồ Chí Minh về văn hoá Đảng là một chỉ dẫn sâu sắc về mặt lý luận và thực tiễn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Qua mỗi chặng đường lịch sử, khi cách mạng chuyển sang giai đoạn phát triển mới, trước những đòi hỏi của thực tiễn, Đảng phải phát huy cao độ trí tuệ và thể hiện rõ bản lĩnh của mình, thì các giá trị văn hoá Đảng được phát huy, đáp ứng yêu cầu mới của lịch sử, giúp cho Đảng nhạy bén trước tình hình mới và xác định được chính xác mục tiêu đấu tranh và các bước đi để giành thắng lợi. Chính vì thế, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua, Đảng đã đưa dân tộc ta đạt những thành công và thắng lợi vô cùng to lớn.

Hiện nay, sự nghiệp đổi mới đất nước, bên cạnh những thuận lợi, những mặt trái của cơ chế thị trường, những vấn đề nảy sinh trong quá trình hội nhập, đang đặt ra những vấn đề phức tạp, thậm chí nhức nhối trong đời sống xã hội. Đại hội XI của Đảng (2011) khẳng định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”(14). Tình trạng chủ nghĩa cá nhân, tham ô, tham nhũng, lãng phí... trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đang trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội nhưng chậm được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, hoặc có ngăn chặn nhưng hiệu quả chưa cao. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện; ở một số cấp uỷ việc giáo dục đạo đức, lối sống còn bị xem nhẹ hoặc hình thức. “Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” có những diễn biến phức tạp”(15). Tình trạng trên sẽ làm xói mòn các giá trị văn hoá tốt đẹp của Đảng, làm cho Đảng ngày càng mất sức chiến đấu, ảnh hưởng xấu đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, gây trở ngại lớn đến sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, công tác xây dựng Đảng phải kết hợp với việc giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hoá Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề cấp bách, có ý nghĩa chiến lược lâu dài của sự nghiệp cách mạng. Trước hết, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:   

Một là,Đảng phải luôn kiên định, giữ vững mục tiêu lý tưởng cách mạng, giữ vững nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng phải luôn kiên định với mục tiêu lý tưởng của cách mạng: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển của dân tộc và thời đại. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cũng chính là vấn đề dân tộc và giai cấp. Đây là mục tiêu bất biến mà nhân dân ta đã kiên trì phấn đấu hy sinh, theo đuổi hơn 80 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để giữ vững được mục tiêu lý tưởng cách mạng, đòi hỏi Đảng phải luôn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là chúng ta phải biết kế thừa và vận dụng và phát triển sáng tạo trong điều kiện mới của đất nước ta hiện nay.         

Hai là,Đảng phải không ngừng nâng cao trình độ trí tuệ để đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng. Một nhiệm vụ hết sức cấp bách là Đảng phải nâng cao tầm trí tuệ, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay. Sự thay đổi nhanh chóng của tình hình cách mạng trong nước và thế giới, sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ đã trở thành động lực thúc đẩy xã hội biến đổi và phát triển nhanh. Do vậy, Đảng cần nhìn xa, trông rộng để chủ động, kịp thời xử lý mọi tình huống xảy ra. Thiếu tri thức về kinh tế, xã hội, người lãnh đạo dễ lúng túng, dao động trước những biến chuyển của tình hình. Do vậy, để đáp ứng được những yêu cầu và đòi hỏi đó, Đảng phải không ngừng nâng cao về trí tuệ, năng lực lãnh đạo để hoạch định và thực hiện tốt đường lối, đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn, để Đảng thật sự là hiện thân cho trí tuệ, lương tâm của dân tộc và thời đại.      

Ba là,giữ vững các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt và phong cách lãnh đạo để Đảng luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Để Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng trong mọi tình huống, thì luôn phải đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng, mà trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ trong Đảng, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, phát huy sự gương mẫu của người đứng đầu. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức đảng, đồng thời cũng là vấn đề then chốt để khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.          

Yêu cầu cơ bản của việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo, nâng cao trình độ kiến thức, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên; khắc phục có hiệu quả tệ tham nhũng; tăng cường dân chủ và kỷ luật, củng cố khối đoàn kết thống nhất trong Đảng; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, khắc phục bệnh quan liêu, xa rời quần chúng. Chỉ có như vậy, Đảng mới xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, luôn được nhân dân tin yêu, một lòng một dạ tin theo Đảng, tin theo sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.      

Bốn là,xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn vững vàng về chính trị, không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, thật sự là tấm gương cho nhân dân noi theo, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.         

Văn hoá Đảng thể hiện rõ ở phẩm chất chính trị, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đảng viên là lực lượng xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng từ Trung ương đến cơ sở; là lực lượng trực tiếp động viên, tổ chức, hướng dẫn quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương đó; là tấm gương để quần chúng noi theo. Cho nên, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng về chính trị, đạo đức cách mạng, thật sự là tấm gương cho nhân dân noi theo là một nội dung cơ bản của xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và xây dựng văn hoá Đảng nói riêng. Đại hội XI của Đảng yêu cầu: “Đổi mới, tăng cường công tác phát triển đảng viên, bảo đảm chất lượng đảng viên theo yêu cầu của Điều lệ Đảng. Xây dựng các tiêu chí, yêu cầu cụ thể về tư tưởng chính trị, trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên đáp ứng yêu cầu giai đoạn cách mạng mới; phát huy tính tiền phong gương mẫu, chủ động, sáng tạo của đội ngũ đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên”(16). Ngoài việc quản lý, giáo dục của tổ chức đảng, vấn đề quyết định là sự tự phấn đấu, rèn luyện của mỗi đảng viên.   

Năm là,xây dựng, hoàn thiện tiêu chí văn hoá Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh để đội ngũ cán bộ, đảng viên thực hiện.            

Cần nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện lý luận về văn hoá Đảng, trong đó có hai nội dung lớn rất quan trọng đó là: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá Đảng; tổng kết công tác xây dựng Đảng và văn hoá Đảng trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Vấn đề quan trọng, cấp thiết hiện nay là đưa văn hoá Đảng vào thực tiễn xây dựng Đảng và giáo dục đảng viên. Muốn vậy, cần phải xây dựng các tiêu chí của văn hoá Đảng để cho đảng viên thực hiện. Trên cơ sở hệ thống các tiêu chí, sẽ mở rộng tuyên truyền, giáo dục đảng viên về văn hoá Đảng, đưa tiêu chuẩn văn hoá Đảng vào tiêu chuẩn đảng viên; tự phê bình và phê bình, kiểm tra đánh giá chất lượng đảng viên, đánh giá hoạt động của cấp uỷ theo những tiêu chí văn hoá Đảng.    

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2013         

(1),(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.5,8.     

(2),(7) Sđd, t.7, tr.517.            

(3),(8),(9),(12) Sđd, t.6, tr.163, 183, 184, 184.           

(5) Sđd, t.5, tr.552.     

(6),(11),(13) Sđd, t.12, tr.510, 498, 557-558. 

(10) Sđd, t.8, tr.138.   

(14),(15),(16) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.173, 185, 260.

 

ThS Nguyễn Tùng Lâm

Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền