Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Từ luận điểm của C.Mác đến nhận thức về công tác tôn giáo ở nước ta hiện nay
Thứ ba, 15 Tháng 4 2014 15:29
5485 Lượt xem

Từ luận điểm của C.Mác đến nhận thức về công tác tôn giáo ở nước ta hiện nay

(LLCT) - Theo C.Mác, giữa tôn giáo và các lĩnh vực nhà nước, pháp luật có mối quan hệ mật thiết; rằng nguồn gốc, bản chất của tôn giáo và hiện thực cuộc sống có sự ràng buộc chặt chẽ. Khi đã xác định rõ mối dây liên kết ấy, Mác cho rằng, phê phán thượng giới biến thành phê phán cõi trần, phê phán tôn giáo trở thành phê phán pháp quyền, phê phán thần học biến thành phê phán chính trị.

Trong Lời nói đầu của tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen, viết năm 1843, Mác nêu:

“... Việc phê phán tôn giáo là tiền đề của mọi sự phê phán khác”. Theo Mác, giữa tôn giáo và các lĩnh vực nhà nước, pháp luật có mối quan hệ mật thiết; rằng nguồn gốc, bản chất của tôn giáo và hiện thực cuộc sống có sự ràng buộc chặt chẽ. Khi đã xác định rõ mối dây liên kết ấy, Mác cho rằng, phê phán thượng giới biến thành phê phán cõi trần, phê phán tôn giáo trở thành phê phán pháp quyền, phê phán thần học biến thành phê phán chính trị. Tác phẩm này cùng với một số tác phẩm khác về sau cho thấy những quan điểm cơ bản của Mác như sau:      

1. Nguồn gốc, bản chất, tính chất của tôn giáo

Mác đã nêu lên những cặp khái niệm song trùng gắn bó mật thiết với nhau: "thượng giới - cõi trần"; "tôn giáo - pháp quyền"; "thần học - chính trị". Vấn đề đặt ra là cơ sở của mối quan hệ giữa các khái niệm ấy là gì? Mác đã chỉ ra nguồn gốc của mọi thần thánh ở ngay trong cõi trần, ở trong mỗi con người và xã hội loài người và con người sản sinh ra tôn giáo chứ không phải tôn giáo tạo ra con người. Mảnh đất để tôn giáo nảy sinh và tồn tại, phát triển là những điều kiện vật chất hiện thực, là tồn tại xã hội hay như cách gọi của Mác là "cõi trần".    

Xét đến cùng, mọi thánh thần đều có nguồn gốc từ cuộc sống hiện thực xã hội. Đặc biệt là từ những hạn chế trong đời sống hiện thực mà con người phải đối mặt nhưng chưa có khả năng khắc phục một cách triệt để thì sự sáng tạo, tưởng tượng ra các thánh thần để nương tựa, “nhờ vả” vào đó sẽ là một liệu pháp khá thông dụng. Theo Mác: “Ngay cả những ảo tưởng hình thành trong đầu óc con người cũng là những vật thăng hoa tất yếu của quá trình đời sống vật chất của họ, một quá trình có thể xác định được bằng kinh nghiệm và gắn liền với những tiền đề vật chất...”(1). Cõi trần chính là căn nhà để thượng giới hoài thai và trú chân, cõi trần là mảnh đất hiện thực để tôn giáo nảy mầm và phát triển, là nguồn gốc mà từ đó tôn giáo có thể ra đời. 

Khi nói “phê phán thượng giới biến thành phê phán cõi trần, phê phán tôn giáo trở thành phê phán pháp quyền...” ta còn hiểu rằng đây là cách nói nhằm vạch rõ bản chất của tôn giáo là sự phản ánh hư ảo những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hằng ngày của con người. “Thượng giới biến thành cõi trần...” có nghĩa, thực chất của thượng giới chỉ là ảo ảnh của một hiện thực, một hiện thực đã bị khúc xạ qua lăng kính của óc tưởng tượng để lung linh thành các thánh thần. Xét về mặt bản chất, Mác đã vạch rõ, với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, tôn giáo chỉ là sự phản ánh tồn tại xã hội, phản ánh những lực lượng trần thế đã mang hình thức của những lực lượng siêu trần thế.  

Mác đã vạch ra một trong những tính chất cố hữu và cực kỳ quan trọng của tôn giáo đó là tính chất chính trị, là mối quan hệ giữa tôn giáo và nhà nước khi ông viết “phê phán tôn giáo biến thành phê phán pháp quyền, phê phán thần học biến thành phê phán chính trị”. Mác chỉ ra rằng, khi một tôn giáo ra đời, giai cấp thống trị của xã hội ấy, thời đại ấy đều thường tìm cách tranh thủ, lợi dụng nó vào mục đích chính trị của mình, tuyên truyền theo hướng có lợi cho giai cấp mình. Ngược lại, các tôn giáo cũng thường nương mình vào các giai cấp thống trị để tồn tại và phát triển; rằng tôn giáo buộc mỗi phong trào xã hội và chính trị phải mang hình thức thần học, muốn tạo ra một phong trào như vũ bão, cần phải đưa ra cho quần chúng (mà tình cảm được nuôi dưỡng bằng tôn giáo) những lợi ích thiết thân của họ dưới bộ áo tôn giáo. Sự nương tựa vào nhau giữa tôn giáo và chính trị phản ánh xu hướng thẩm thấu tất yếu, sự chi phối lẫn nhau không thể cưỡng lại được giữa các hình thái ý thức xã hội. Mặt khác, nó cũng nêu lên tính chất đặc thù của tôn giáo và của chính trị, đó là sự chi phối và lợi dụng lẫn nhau để thực hiện lợi ích của mình.    

2. Phương pháp giải quyết vấn đề tôn giáo

 “Phê phán thượng giới biến thành phê phán cõi trần, phê phán tôn giáo biến thành phê phán pháp quyền...”. Luận điểm này chính là cẩm nang nêu rõ phương châm và phương pháp giải quyết vấn đề tôn giáo của Mác. Tôn giáo vừa là một thực thể xã hội vừa là một hình thái ý thức xã hội đặc biệt. Sự ra đời và tồn tại của nó từ hình thái phôi thai cho đến nay  mới khoảng 7 vạn năm nhưng nó là một nhu cầu tinh thần của một bộ phận lớn nhân dân. Từ xưa đến nay đã có nhiều ý định và hành động thực tiễn muốn xóa bỏ tôn giáo. Nhưng những suy nghĩ và hành động đó đều có một kết quả chung cuộc là sự thất bại. Sự thất bại tất yếu ấy suy cho cùng là do nhận thức chưa đúng về tôn giáo, từ đó không có một phương pháp ứng xử hợp lý đối với vấn đề tôn giáo.         

Xuất phát từ thực tiễn hoạt động chính trị - xã hội và nghiên cứu xã hội Đức hiện thời, Mác vạch rõ sự phê phán tôn giáo phải chuyển sang phê phán về chính trị và pháp quyền, hay nói cách khác, một cuộc cách mạng xã hội là điều tất yếu để thay đổi những mối quan hệ kinh tế, xã hội hiện tồn, thay thế một tồn tại xã hội đã lỗi thời, phản động bằng một xã hội khác cách mạng hơn, tiến bộ hơn. Mác viết: “Đấu tranh chống hoàn cảnh nước Đức! nhất định phải thế!... Bản thân hoàn cảnh đó không còn là đối tượng đáng cho người ta suy nghĩ nữa mà là một vật tồn tại đáng khinh...”(2). Vì lẽ đó “phê phán thượng giới biến thành phê phán cõi trần, phê phán tôn giáo trở thành phê phán pháp quyền”.    

Quan điểm duy vật khẳng định: tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội. Một tồn tại xã hội với những hoàn cảnh hiện thực nhất định sẽ quy định những ý thức xã hội tương ứng với nó. Tôn giáo được hình thành và quy định bởi chính hiện thực xã hội mà nó đang tồn tại. Như vậy sẽ rất sai lầm nếu chúng ta muốn xóa bỏ, phê phán tôn giáo một cách máy móc mà không quan tâm tới việc thay đổi những hoàn cảnh hiện thực, những tồn tại xã hội mà nhờ đó tôn giáo đã nảy sinh. Mác, Ăngghen cho rằng: “không thể đập tan được mọi hình thái và sản phẩm của ý thức bằng sự phê phán tinh thần... mà chỉ bằng việc lật đổ một cách thực tiễn những quan hệ xã hội hiện thực đã sản sinh ra tất cả những điều nhảm nhí duy tâm đó...”(3) và “Muốn thanh toán cái tôn giáo ấy thì trước hết cần phải biết giải thích nguồn gốc và sự phát triển của nó, xuất phát từ những điều kiện lịch sử mà nó đã xuất hiện và đạt được sự thống trị...”(4).  

Như vậy, chính mảnh đất của hiện thực cuộc sống mới là yếu tố để quy định sự tồn tại và bản chất của một tôn giáo và tôn giáo chỉ mất đi khi những điều kiện sản sinh ra nó không còn nữa. Từ lý luận ấy, Mác - Ăngghen đã cực lực lên án Đuyrinh, người đã nhân danh chủ nghĩa duy vật với ý đồ bóp chết tôn giáo bằng các sắc lệnh cưỡng chế. Mác cho rằng đó là hành động điên cuồng không những không làm cho tôn giáo mất đi mà còn kích thích cho tôn giáo phát triển hơn, “ông Đuy-rinh không thể chờ đợi cho đến khi tôn giáo chết cái chết tự nhiên đó của nó... Ông ta tỏ ra Bi-xmác hơn cả Bi-xmác; ông ta ra những đạo luật tháng Năm... tung bọn hiến binh tương lai của ông ta ra truy kích tôn giáo, và do đó, ông ta đã giúp cho tôn giáo đạt tới chỗ thực hiện tinh thần tử vì đạo và kéo dài thêm sự tồn tại của nó”(5). “Cái chết tự nhiên” của tôn giáo mà Ăngghen nêu lên đó là việc thay đổi những thiết chế xã hội hiện thời, là sự phê phán cõi trần, phê phán pháp quyền hay phê phán chính trị.        

3. Vận dụng quan điểm của Mác trong quản lý hoạt động tôn giáo ở nước ta hiện nay

Xuất phát từ quan điểm trên của Mác, chúng tôi xin nêu một số nhận thức về công tác tôn giáo ở nước ta hiện nay như sau:     

Thứ nhất, tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội nảy sinh và tồn tại trên cơ sở một tồn tại xã hội nhất định, khi nào xã hội vẫn còn những điều kiện để tôn giáo tồn tại thì chừng ấy tôn giáo vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển.         

Thực tiễn nước ta cho thấy, trong thời kỳ quá độ lên CNXH khi điều kiện vật chất, kinh tế còn thấp kém, những tàn tích của chế độ phong kiến, những di hại của chủ nghĩa đế quốc còn không ít, vẫn còn những điều kiện để tôn giáo tồn tại và sẽ vẫn còn tồn tại lâu dài. Đó là một thực tế cần được nhận thức và khẳng định. Vì lẽ đó, thái độ nôn nóng, tả khuynh, muốn xóa bỏ tôn giáo một cách nhanh chóng là hoàn toàn sai lầm.  Theo Lênin, những lời tuyên chiến ầm ĩ với chủ nghĩa duy tâm, những mệnh lệnh ngăn cấm tín ngưỡng, tôn giáo là những hành vi dại dột, vô chính phủ, làm cho kẻ thù lợi dụng để kích động tình cảm tôn giáo của tín đồ, làm cho họ ngày càng gắn bó với tôn giáo, xa lánh thậm chí đi đến chống lại công cuộc xây dựng CNXH. Xác định đúng điều này, Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX khẳng định: tôn giáo “đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Đó là một nhận thức đúng đắn, trên cơ sở ấy, chúng ta cần nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật.   

Thứ hai, xuất phát từ nhận thức về sự tồn tại lâu dài của tôn giáo, chúng ta cần khẳng định lại rằng: công tác tôn giáo không phải và không thể là sự “phê phán tôn giáo”, bài trừ tôn giáo bằng bạo lực, mà là công tác vận động quần chúng.            

Với tính quần chúng rộng rãi và những đóng góp của tôn giáo đối với đời sống văn hóa và tâm linh của một bộ phận quần chúng, tôn giáo là vấn đề niềm tin tự nguyện của quần chúng và không thể áp đặt một cách cứng nhắc.  

Không những thế, bản thân tín ngưỡng, tôn giáo bao hàm những giá trị đạo đức tốt đẹp, những yếu tố văn hóa của dân tộc, nhân loại cần thiết được tôn trọng và bảo vệ. Vì vậy, thái độ đúng đắn đối với tôn giáo là động viên đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất Tổ quốc, lấy mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm đồng thuận để đồng bào theo hoặc không theo tôn giáo đều phát huy hết khả năng của mình cho sự nghiệp chung.  

Thứ ba, tôn trọng những nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng chính đáng của nhân dân, đồng thời ngăn ngừa, kịp thời nghiêm trị những kẻ lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo vào những mục đích chính trị phản động.            

Việc tôn trọng và đảm bảo những nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào là cần thiết, tuy nhiên, việc tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý tôn giáo để ngăn ngừa sự lợi dụng của các thế lực thù địch là rất quan trọng và cấp bách. Với tính phức tạp và nhạy cảm, tôn giáo luôn là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch lợi dụng vào những mục đích đen tối. Đặc biệt là đối với cách mạng Việt Nam hiện nay, các thế lực thù địch trong và ngoài nước luôn tìm cách lôi kéo, kích động những tín đồ tôn giáo có quan điểm cực đoan tiến hành những hoạt động chống đối, đi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trên tinh thần đó, Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”(6). 

Thứ tư, “phê phán thượng giới biến thành phê phán cõi trần...”.        

Muốn khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo, trước hết cần phải tạo lập được một thế giới hiện thực không có áp bức, bất công, nghèo đói, thất học... một thế giới hiện thực không còn cần đến “sự đền bù hư ảo” của tôn giáo mà có thể tìm thấy những hạnh phúc thật sự ngay trong cuộc sống. Cụ thể, vấn đề đặt ra hiện nay là phải đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH, thực hiện có hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung và đồng bào các tôn giáo nói riêng.

____________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2013

(1),(3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.38, 54.

(2) Lời nói đầu. Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1962,
tr.9-10.           

(4) C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, t.19 tr.436.    

(5) Sđd, t.20 tr.439.    

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chínhh trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.245.          

TS Đoàn Triệu Long

Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền