Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong công cuộc đổi mới đất
Thứ năm, 20 Tháng 3 2014 13:49
13591 Lượt xem

Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong công cuộc đổi mới đất

(LLCT) - Việt Nam không chỉ là nước có truyền thống văn hóa lâu đời mà còn là quốc gia đa dân tộc, đa tín ngưỡng, tôn giáo. Ở Việt Nam, hầu hết người dân đều có tín ngưỡng. Riêng tôn giáo, cả nước hiện nay có khoảng 24 triệu tín đồ của 40 tổ chức tôn giáo được công nhận, chiếm 27% dân số. Sự tồn tại, hoạt động của các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

 

Các hình thức tổ chức, sinh hoạt tôn giáo ở nước ta hết sức đa dạng, từ hình thức tôn giáo sơ khai đến hiện đại, từ tôn giáo cổ đại phương Đông đến tôn giáo cận, hiện đại phương Tây, từ tôn giáo bản địa đến tôn giáo khu vực và thế giới. Có những tôn giáo có tới hàng triệu tín đồ, song cũng có những tôn giáo chỉ vài nghìn tín đồ, có những tôn giáo hệ thống tổ chức, giáo lý chặt chẽ, nhưng cũng có những tôn giáo thiết chế tổ chức rất đơn giản,… Mặc dù phương châm và đường hướng hoạt động khác nhau, nhưng nhìn chung các tôn giáo đều khẳng định sự gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Tiếp nối truyền thống yêu nước, hòa nhập với văn hóa dân tộc trong hơn hai nghìn năm hiện diện trên đất nước Việt Nam, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định phương châm hoạt động “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”. Phương châm của Công giáo thể hiện rõ trong Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, đó là “Sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Đạo Tin lành có sự diễn đạt riêng về đường hướng hoạt động: “Sống phúc âm, phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc”. Với những tôn giáo nội sinh, đường hướng hành đạo cũng thể hiện rõ tinh thần yêu nước, gắn bó với dân tộc. Với đạo Cao đài, đường hướng và phương châm hoạt động là “Nước vinh, Đạo sáng”. Phật giáo Hòa Hảo lại đề cao tôn chỉ “Chấn hưng nền đạo, gắn bó với dân tộc, phù hợp với chính sách và luật pháp của Nhà nước, góp phần tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”… Như vậy, dù tôn giáo nội sinh hay ngoại nhập, dù khởi nguyên giáo lý tôn giáo có đề cao tinh thần yêu nước hay không, nhưng “dân tộc và Tổ quốc” là giá trị được đề cao của những tôn giáo chân chính ở Việt Nam hiện nay.

Thực tế cho thấy, nhờ gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, các tôn giáo đã tiếp biến được nhiều giá trị văn hóa dân tộc để làm “khỏe khoắn” mình lên. Đồng thời, tôn giáo cũng đóng góp nhiều giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp vào nền văn hóa dân tộc, từ giá trị tư tưởng nhân bản, giá trị đạo đức nhân văn đến các giá trị nghệ thuật đặc sắc.

Từ bản chất, các tôn giáo chân chính luôn mang giá trị nhân bản, nhân văn, hướng đến giải phóng con người khỏi hoàn cảnh hiện tại, hướng tới cuộc sống an lành, tốt đẹp hơn. Mặc dù mỗi tôn giáo có thế giới quan, nhân sinh quan khác nhau, nhưng đều chung một “mô típ” là hướng con người đến xã hội lý tưởng, ở đó, con người sẽ có cuộc sống hạnh phúc. Phật giáo quan niệm, cuộc đời là bể khổ, vì vậy lý tưởng là giải thoát con người khỏi khổ, giúp con người được lên Niết bàn. Theo giáo lý Phật giáo, để đạt đến Niết bàn thì con người phải tu tâm, trì giới, vứt bỏ những vướng bận về vật chất và sắc dục. Thiên Chúa giáo chủ trương hướng con người đến với Thiên đường - một thế giới “công bằng, bác ái” toàn thiện, toàn mỹ và để đạt được điều đó, con người phải giữ đức tin, thực hành lối sống đạo. Như vậy, lý tưởng của tôn giáo có tính hư ảo, nhưng lại chứa đựng giá trị nhân đạo sâu sắc, bởi nó thể hiện khát vọng được sống trong một xã hội không có áp bức, bất công, không còn cảnh nghèo đói, con người sống với nhau bằng lòng vị tha, nhân ái.

Các tôn giáo đều có hệ giá trị, chuẩn mực đạo đức thể hiện lối sống đạo mang nét đặc thù. Nhưng điểm tương đồng nổi bật nhất giữa các tôn giáo chân chính là đề cao tính hướng thiện, khuyên con người làm điều lành, tránh điều ác. Tinh thần hướng thiện của Phật giáo thể hiện rõ trong những quy định về “Ngũ giới”, “Thập thiện” để tín đồ thực hiện, trong đó có những giá trị đạo đức mà con người trong xã hội văn minh cần có, như: không sát sinh, không trộm cướp, không được nói điều sai trái, không tham lam,… Lối sống “lục hòa”, “lục độ” mà cốt lõi là sống hòa hợp, vị tha dựa trên sự tự giác, hiểu biết, trí tuệ của Phật giáo cũng là lối sống mà xã hội ta đang hướng tới. Trong giáo lý Công giáo, cũng có thể thấy những chuẩn mực đạo đức thể hiện tinh thần bác ái, yêu thương đồng loại. Trong “Mười điều răn của Chúa”, chỉ có 3 điều dạy về lòng tin và thờ phụng Chúa, còn lại đều là những điều răn về đạo làm người. Theo giáo lý đạo Tin lành, con người làm điều thiện để xứng đáng với sự hy sinh của Chúa, đồng thời là phương thức thể hiện tinh thần tự do và hạnh phúc của con người. Giáo lý Hồi giáo thể hiện tinh thần hướng thiện ở điều răn về bố thí. Theo đó, bố thí là một nghĩa vụ bắt buộc, nhưng cùng với thời gian, nó trở thành lối sống đạo của tín đồ Hồi giáo. Giáo lý đạo Cao đài có tính hỗn dung cao, trong đó có những giá trị chuẩn mực đạo đức không kém phần đặc sắc so với các tôn giáo ngoại nhập, như “Tứ đại điều quy” quy định bốn điều trau dồi đức hạnh và năm điều cấm kỵ với tín đồ: bất sát sinh, bất du đạo, bất tửu nhục, bất tà dâm và bất vọng ngữ. Đạo đức Phật giáo Hòa Hảo nổi bật với quan niệm về “Tu Nhân - Học Phật”. Phật giáo Hòa Hảo quan niệm, tu hành phải dựa trên đạo đức căn bản, trước hết là đạo làm người. Tu Nhân là tu theo “Tứ ân hiếu nghĩa”, gồm Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân đồng bào nhân loại và Ân Tam bảo. Điều đặc biệt của đạo đức tôn giáo là điều chỉnh hành vi tín đồ bằng cả dư luận xã hội và sự thôi thúc của niềm tin về đấng tối cao, về sự báo ứng. Hơn nữa, với tín đồ tôn giáo, việc đánh giá nhân cách, lối sống không chỉ ở hành vi mà còn ở cả ý thức, suy nghĩ bên trong của con người. Vì vậy, nhìn chung các tín đồ tuân thủ nghiêm túc các chuẩn mực đạo đức tôn giáo.

Với chức năng bảo tồn văn hóa, các tôn giáo đã lưu giữ và phát huy nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: truyền thống hiếu thuận, đạo lý uống nước nhớ nguồn, thể hiện ở tục thờ cúng tổ tiên, anh hùng liệt sĩ, những người có công với cộng đồng, với dân tộc. Truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc được lưu giữ trong các di sản văn hóa tôn giáo như đền, chùa, nhà thờ, miếu mạo. Nhiều nghi lễ tôn giáo đã chứa đựng đạo lý từ ngàn xưa của dân tộc.

Trải qua quá trình phát triển lâu dài, các tôn giáo ở Việt Nam đã xây dựng cho mình hệ giá trị nghệ thuật phong phú và đa dạng.

Di sản nghệ thuật kiến trúc tôn giáo ở nước ta phong phú, gắn với mỗi tôn giáo có những nghệ thuật kiến trúc khác nhau: kiến trúc chùa, tháp; kiến trúc nhà thờ; kiến trúc thánh đường; kiến trúc thánh thất,v.v.. Nghệ thuật kiến trúc Phật giáo nổi bật với các ngôi chùa, thường được thiết kế theo những mô típ nhất định, như chùa hình chữ chữ Đinh, chùa hình chữ Quốc, chữ Tam, Nội công ngoại quốc,… Ngoài ý nghĩa là nơi thờ Phật và sinh hoạt của sư sãi, từng kiến trúc Phật giáo đều mang một ý nghĩa sâu xa bắt nguồn từ triết lý thế giới quan, nhân sinh quan Phật giáo. Kiến trúc Phật giáo thường gắn với làng xóm, hòa quyện với thiên nhiên, với danh lam thắng cảnh, tạo nên vẻ đẹp vừa dân dã, vừa thanh tao và nhất là tạo cho con người tinh thần hướng thiện. Công giáo đóng góp cho nền nghệ thuật dân tộc những giá trị nghệ thuật kiến trúc nhà thờ, tháp chuông, vốn chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam từ thế kỷ XVI. Số lượng thánh đường Hồi giáo ở nước ta không nhiều (70 thánh đường), song nghệ thuật kiến trúc cũng rất đặc sắc. Nghệ thuật kiến trúc đạo Cao đài tập trung ở các quần thể kiến trúc thánh thất, trong đó Tòa thánh Tây Ninh là tiêu biểu cho vẻ đẹp kiến trúc của tôn giáo nội sinh này,... Nghệ thuật kiến trúc tôn giáo không chỉ có những giá trị kiến trúc đặc sắc mà còn góp vào nền nghệ thuật dân tộc những giá trị điêu khắc, hội họa hết sức tinh tế, giàu tính thẩm mỹ. Nói đến nghệ thuật điêu khắc tôn giáo không thể không nói đến nghệ thuật tạo tượng. Thế giới tượng trong các công trình tôn giáo hết sức sinh động.

Bên cạnh các giá trị kiến trúc và điêu khắc, văn hóa tôn giáo còn góp vào nền nghệ thuật dân tộc những giá trị văn học mang đậm tính nhân văn. Văn học Phật giáo có một bề dày lịch sử lâu đời và đã trở nên quen thuộc với nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, sự kết hợp giữa tư tưởng Phật giáo với nghệ thuật ngôn từ - văn chương dân tộc đã sản sinh ra một dòng văn học tôn vinh cái đẹp vô thường và mang đậm tinh thần nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam. Di sản văn học Công giáo có những tác phẩm mà nội dung lấy từ Kinh Thánh, kinh lễ, nghi lễ, hạnh tích các thánh và được sáng tác theo lối văn vần. Giáo lý Phật giáo Hoà Hảo được diễn đạt chủ yếu dưới hình thức văn vần để tín đồ dễ thuộc, dễ nhớ, nhằm tu thân, học Phật, vừa mang đặc trưng Phật giáo vừa mang đậm chất dân gian.

Di sản âm nhạc tôn giáo ở nước ta rất đặc sắc, trong đó “dòng âm nhạc Phật giáo”, “dòng âm nhạc Kitô giáo”, “dòng âm nhạc Cao đài”,... mang đặc trưng riêng của từng tôn giáo, góp phần làm phong phú cho nền âm nhạc dân tộc. Lễ nhạc Phật giáo chuyển tải tư tưởng, giáo lý Phật giáo, song mang âm hưởng dân tộc. Từng lời kinh sâu lắng, thanh tao hòa vào nhịp điệu, âm vang thanh thoát của các pháp khí như chuông, mõ, khánh, đẩu để rồi ngân vang trong khung cảnh trầm tịch của chốn thiền môn, tạo nên một thế giới tâm linh siêu thoát. Công giáo thừa hưởng di sản nghệ thuật thanh sắc của nền văn minh Trung cận Đông cổ xưa, trong quá trình phát triển còn tiếp thu các giá trị âm nhạc của nền văn minh phương Tây (châu Âu), nên có truyền thống sâu dày về âm nhạc. Âm nhạc Công giáo, nổi bật với các bài thánh ca, bình ca, có ảnh hưởng sâu đậm đến nền âm nhạc dân tộc. Tuy đạo Cao đài xuất hiện muộn, nhưng di sản văn hóa đạo Cao đài cũng đạt đến thành tựu. Mục đích của lễ nhạc Cao đài là nhằm giữ nền nếp đàn cúng, đồng thời tạo bầu không khí linh thiêng, huyền diệu. Đặc biệt, lễ nhạc Cao đài mang đậm phong cách âm nhạc truyền thống. Hiện nay, cùng với sự tồn tại của tôn giáo, nghệ thuật tôn giáo vẫn tiếp tục được di dưỡng và phát triển, góp phần tạo nên độ sâu dày về truyền thống và làm phong phú, sinh động cho nền nghệ thuật dân tộc.

Trong thời kỳ đổi mới đất nước, chính sách tôn giáo thông thoáng, cởi mở của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện để các tôn giáo phát huy vai trò tích cực trong đời sống xã hội. Các di sản văn hóa trong tôn giáo được phát huy đã góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống tín ngưỡng tôn giáo nói riêng, đời sống tinh thần xã hội nói chung. Các cơ sở thờ tự của các tôn giáo được Nhà nước bảo hộ và cho phép tu bổ, trùng tu, sửa chữa và xây dựng mới ngày càng khang trang. Không khí sinh hoạt tôn giáo tại các cơ sở thờ tự gắn với các lễ hội và văn hóa tâm linh hết sức sôi động. Nhiều lễ hội trọng đại của tôn giáo như lễ Phật đản sinh, lễ Chúa giáng sinh, lễ Vu lan bồn…thu hút đông đảo người dân có đạo và không có đạo tham gia, trở thành sinh hoạt văn hóa chung của cả cộng đồng. Nhiều cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo được mở rộng quy mô và xây dựng mới. Hàng năm, hàng vạn bản kinh, sách báo có nội dung tôn giáo đã được xuất bản, đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ. Các tổ chức tôn giáo gia tăng các hoạt động văn hóa, giáo dục theo tôn chỉ, mục đích của mình, bao gồm cả các hoạt động có quy mô lớn mang tầm vóc quốc tế, như: Đại lễ Vesak 2008 của Phật giáo, Hội nghị Hội đồng Giám mục các nước châu Á vào năm 2012 của Công giáo,v.v..

Đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, hăng hái tham gia phát triển kinh tế - xã hội, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, ra sức phát triển sản xuất, tạo ra nhiều của cải, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Trong thời kỳ đổi mới, đã xuất hiện nhiều cá nhân và tập thể tín đồ tôn giáo đạt điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện. Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đông đảo chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo đã có nhiều hoạt động sáng tạo trong xây dựng đời sống tinh thần gắn với đặc điểm của từng tôn giáo, như: phong trào “Xây dựng chùa cảnh tinh tiến, gương mẫu” của đồng bào Phật giáo, phong trào “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu” của Công giáo,v.v.. Đặc biệt, các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo đã phát huy tốt tinh thần tương thân tương ái, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, như tổ chức các phòng khám chữa bệnh miễn phí, các lớp học tình thương, nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, chăm sóc người già không nơi nương tựa, tư vấn và nuôi dưỡng những người bị nhiễm HIV/AIDS, hiến máu nhân đạo, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt,...

Như vậy, việc phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng. Những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo không chỉ nằm trong tư tưởng, giáo lý mà đã và đang hiện diện thông qua hành động của đông đảo đồng bào có đạo nhằm vươn tới cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tôn giáo và văn hóa tôn giáo cũng nảy sinh một số vấn đề:

Một là, trước tác động của mặt trái cơ chế thị trường, nhiều hiện tượng tiêu cực đã len lỏi vào sinh hoạt tôn giáo... làm vẩn đục bầu không khí sinh hoạt văn hóa tâm linh. Hiện tượng mê tín dị đoan, “buôn thần bán thánh” có chiều hướng gia tăng. Một số chức sắc, nhà tu hành tôn giáo suy thoái về phẩm hạnh, đạo đức, chạy theo lối sống kim tiền, bị sa ngã vào vòng danh lợi.

Hai là,một số kẻ đã lợi dụng niềm tin tôn giáo để trục lợi, vun vén cho cá nhân, gây thiệt hại về của cải, sức khỏe và thậm chí cả tính mạng của người dân. Một số cá nhân trong các tôn giáo có những hoạt động vi phạm pháp luật, lợi dụng tôn giáo để kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thậm chí cấu kết với các thế lực thù địch để chống phá chế độ.

Ba là,cùng với sự phục hồi và phát triển nhiều lễ hội tôn giáo, xuất hiện tình trạng tổ chức các lễ nghi rườm rà, tốn kém. Nhiều nơi, việc quyên góp tiền xây cất cơ sở thờ tự quá sức của đồng bào có đạo. Xuất hiện hiện tượng xây dựng kiến trúc tôn giáo lai căng, kệch cỡm, không phù hợp với thẩm mỹ của dân tộc. Bên cạnh đó, tình trạng tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai, cơ sở thờ tự của tôn giáo có chiều hướng gia tăng.

Bốn là,xuất hiện hiện tượng tôn giáo mới, trong đó có những tín điều, lễ nghi phản văn hóa, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Những hạn chế, bất cập nêu trên đang làm giảm ý nghĩa, vai trò tích cực của văn hóa, đạo đức tôn giáo trong đời sống xã hội. Bởi vậy, để phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo phục vụ công cuộc đổi mới đất nước trong giai đoạn mới, các cơ quan quản lý nhà nước cần:

Thứ nhất, tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về ý nghĩa, vai trò của những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong tôn giáo.Tập trung giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc. Nội dung tuyên truyền cũng cần nhấn mạnh những điểm tương đồng giữa tôn giáo và CNXH, giữa văn hóa, đạo đức tôn giáo với văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc. Qua đó, tăng cường sự đồng thuận trong toàn xã hội về việc phát huy giá trị tích cực của tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo và văn hóa tôn giáo đi vào cuộc sống.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo và văn hóa tôn giáo. Hiện nay, văn bản pháp luật có hiệu lực cao nhất, trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực hoạt động tôn giáo là Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ký Lệnh số 18/2004/L/CTN công bố ngày 29-6-2004.

Qua gần 10 năm thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đã xuất hiện một số bất cập cần xem xét, hơn nữa, tình hình tôn giáo có những biến chuyển mới, nhiều vấn đề mới và phức tạp nảy sinh. Bởi vậy, cần có sự đánh giá toàn diện về tình hình thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, từ đó tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo. Mặt khác, để tạo sự đồng bộ của luật pháp về phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, cần tiến hành rà soát toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến vấn đề tôn giáo.

Thứ ba, tăng cường quản lý nhà nước về tôn giáo và hoạt động văn hóa tôn giáo. Tăng cường quản lý nhà nước về tôn giáo là nhằm bảo đảm giải quyết kịp thời, hợp lý những nhu cầu vật chất và tinh thần, nhu cầu tôn giáo chính đáng của đồng bào có đạo, bảo đảm các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường, tuân thủ pháp luật. Qua đó, tạo điều kiện để các tôn giáo thực hiện chức năng văn hóa, góp phần đóng góp xây dựng nền văn hóa mới. Khuyến khích nhân dân xã, phường, thôn ấp, cụm dân cư, khu tập thể, cơ quan, xí nghiệp ở những vùng đồng bào có đạo xây dựng các quy ước về nếp sống văn hóa, giữ gìn trật tự vệ sinh, bảo vệ di tích văn hóa tôn giáo và cảnh quan, môi trường thiên nhiên quanh các di tích văn hóa tôn giáo.

Thứ tư,đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào có đạo. Gắn liền với đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và các phong trào văn hóa, cần thực hiện tốt việc nêu gương người tốt, việc tốt trong đồng bào tôn giáo. Bởi lẽ, khi một tấm gương sáng trong cộng đồng đồng bào tôn giáo được tôn vinh, nó có sức lan tỏa nhanh chóng, tác động đến trí tuệ, tình cảm của đông đảo quần chúng có đạo, thúc đẩy họ học tập, noi theo. Hơn nữa, việc nêu gương người tốt, việc tốt tôn thêm niềm tự hào của đồng bào có đạo về những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, từ đó, thúc đẩy họ hành động “tốt đời, đẹp đạo”.

Thứ năm, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các hội văn học nghệ thuật trong công tác văn hóa tôn giáo. Bên cạnh việc nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các hội văn học nghệ thuật đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tôn giáo. Các hội văn học, nghệ thuật cần có định hướng cho hội viên có tư tưởng đúng đắn trong khai thác đề tài, cảm hứng từ văn hóa nghệ thuật tôn giáo, có ý thức giữ gìn, phát huy những giá trị nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao trong tôn giáo. Mặt khác, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng hội, cần có sự giúp đỡ, định hướng để sự phát triển của nghệ thuật tôn giáo giữ được vẻ đẹp truyền thống, không sa vào lai căng, kệch cỡm hay bi quan, yếm thế trước cuộc đời.

Thứ sáu, kiên quyết đấu tranh khắc phục những tiêu cực nảy sinh trong sinh hoạt tôn giáo và chống sự lợi dụng tôn giáo vào mục đích xấu. Trong việc đấu tranh khắc phục các tiêu cực nảy sinh trong sinh hoạt tôn giáo và chống sự lợi dụng tôn giáo, phải phân biệt rõ giữa đồng bào có tín ngưỡng và những kẻ lợi dụng tôn giáo, giữa những tiêu cực nảy sinh trong sinh hoạt tôn giáo và tiêu cực do lợi dụng tôn giáo gây nên, giữa lợi dụng tôn giáo nhằm trục lợi và lợi dụng tôn giáo vì mục đích chính trị phản động. Từ đó, có các biện pháp cụ thể phù hợp, khắc phục các tiêu cực liên quan đến tôn giáo, tạo điều kiện để văn hóa tôn giáo phát huy ảnh hưởng tích cực trong đời sống tinh thần xã hội, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá cách mạng.

Thứ bảy, phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo. Trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức giáo hội tôn giáo, đặc biệt là vai trò của các chức sắc, nhà tu hành trong giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của tôn giáo. Muốn vậy, cần thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, tạo mối quan hệ gần gũi, thân thiện, cởi mở với chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, tạo điều kiện để họ thực hiện việc đạo theo đúng pháp luật. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các đoàn thể với các giáo hội tôn giáo trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và phong trào văn hóa, nhằm hướng các hoạt động của tổ chức tôn giáo, chức sắc, nhà tu hành tuân thủ pháp luật và đường hướng hành đạo “tốt đời, đẹp đạo”.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2013

TS Lê Văn Lợi

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền