Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Khẳng định và bổ sung vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Thứ ba, 22 Tháng 4 2014 15:47
2468 Lượt xem

Khẳng định và bổ sung vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

(LLCT) - Các thế lực thù địch thường rêu rao “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, đòi xoá bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 1992 về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, nhất là trong lúc Đảng, Nhà nước và toàn dân đang phát huy trí tuệ góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992. Đây là quan điểm mang ý đồ chính trị. Với cơ sở khoa học và thực tiễn, chúng ta kiên quyết không chấp nhận đa nguyên, đa đảng để bảo đảm ổn định và phát triển bền vững đất nước

Thứ nhất, cần nhận thức rõ bản chất của đa nguyên, đa đảng và vấn đề tính giai cấp của dân chủ. Dân chủ luôn mang tính giai cấp. Lênin đã khẳng định không bao giờ được quên bản chất giai cấp của dân chủ. Luôn luôn phải đặt câu hỏi dân chủ cho ai và cho cái gì? Tự do đối với ai, vì ai và vì cái gì? “Dĩ nhiên một người theo phái tự do thì chỉ nói đến “dân chủ” nói chung. Còn người mác xít thì không bao giờ lại quên không hỏi dân chủ cho giai cấp nào”(1). “Dân chủ không xoá bỏ đấu tranh giai cấp mà chỉ làm cho đấu tranh giai cấp trở nên có ý thức, tự do và công khai”(2). Không có và không thể có dân chủ thuần tuý trong xã hội có giai cấp. Không thể có Nhà nước “siêu giai cấp”, dân chủ cho tất cả mọi người, điều hoà mọi lợi ích xã hội, vừa lòng các giai cấp đối lập trong một xã hội.     

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ; “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đày tớ trung thành của nhân dân”(3). Nước ta là nước dân chủ nên mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm. Đảng ta khẳng định dân chủ mà chúng ta xây dựng là dân chủ rộng rãi cho công nhân, nông dân, trí thức và nhân dân lao động.

Cái gọi là “đa đảng” và “dân chủ” trong xã hội tư bản thực chất chỉ là dân chủ dưới sự chi phối của đảng tư sản, là sự tranh chấp giữa các nhóm chính trị khác nhau của nội bộ giai cấp tư sản, ít hơn nhiều lần so với dân chủ với nhân dân.

Thứ hai, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “chúng ta muốn sống thì phải làm cách mệnh”, cách mạng muốn thắng lợi cần có sự lãnh đạo của Đảng, “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(4). Đầu thế kỷ XX các phong trào yêu nước chống xâm lược đều thất bại, cách mạng Việt Nam khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng, ví như “đi trong đêm tối không có đường ra”. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh và giành được những thắng lợi vĩ đại. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược và thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Thắng lợi trong thực tiễn lịch sử đã khẳng định “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”(5).      

Thứ ba, một trong những kinh nghiệm đau xót rút ra từ sự sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô là đã từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô trong Hiến pháp và chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Từ đó hàng chục đảng đối lập đã ra đời, xã hội rối loạn, Liên Xô tan rã.      

Nhiều nước trên thế giới chọn chế độ đa nguyên, đa đảng do có hoàn cảnh lịch sử - xã hội, đặc điểm xã hội, nhưng hiện nay cũng đang đối mặt với hàng loạt các vấn đề bất ổn về chính trị, mâu thuẫn khó khắc phục nổi. Kinh nghiệm cho thấy, đa nguyên, đa đảng, các cuộc tranh giành quyền lực giữa các đảng phái chính trị sẽ rất quyết liệt và trong bối cảnh trình độ chính trị của người dân còn hạn chế, nhất định sẽ có sự can thiệp phức tạp của các thế lực bên ngoài.

Thứ tư, Việt Nam kiên quyết không chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Vốn qua nhiều năm chiến tranh, các lực lượng bị thất bại, thù địch chưa bao giờ từ bỏ ý chí phục thù hòng chiếm quyền lãnh đạo. Chúng tìm mọi cách công khai hoá các đảng phái đối lập, cạnh tranh, tìm cách xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thủ tiêu chế độ XHCN ở Việt Nam. Nguy cơ mất ổn định chính trị - xã hội, tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ “diễn biến hoà bình”, “tự diễn biến, tự chuyển hoá”, quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác... càng có dịp đẩy tới.      

Thực tiễn công cuộc đổi mới hơn 25 năm qua ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo ra những thay đổi về thế và lực, uy tín của đất nước tăng lên. Việt Nam đã ra khỏi nước nghèo và đang bước vào nhóm nước đang phát triển. Những thành tựu to lớn sẽ không thể có được nếu tình hình chính trị không ổn định. Chúng ta không thể từ bỏ điều kiện đang thuận lợi đó để lựa chọn một con đường phiêu lưu mạo hiểm và bất ổn.

Tuy nhiên, cần phải nhìn thẳng vào sự thật, vào những yếu kém, khuyết điểm về tệ quan liêu, tham nhũng trong Đảng và bộ máy nhà nước ta. Dân chủ trong Đảng là cơ sở mở rộng dân chủ trong toàn xã hội. Đảng phải phòng và chống có hiệu quả những nguy cơ sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu, mất dân chủ, tham nhũng và thoái hoá, biến chất của cán bộ, đảng viên.    

Xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn như vậy, việc ghi rõ vai trò lãnh đạo của Đảng tại Điều 4 như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là hoàn toàn đúng đắn, nhưng cần bổ sung nội dung Đảng cầm quyền và trách nhiệm của Đảng với nhân dân, cụ thể:          

“1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.           

2. Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.           

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên phải  hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.    

Bổ sung cụm từ “Đảng cầm quyền” vì khi viết Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang là Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước đã khẳng định “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, sửa đổi năm 2011) chỉ rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”(6).              

Bổ sung từ phải trong Điểm 2 và Điểm 3 Điều 4 để nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng phải làm. Thể hiện sự uỷ thác của nhân dân cho Đảng Cộng sản Việt Nam phải trung thành và đại biểu xứng đáng cho lợi ích của nhân dân và đất nước, chịu trách nhiệm trước nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật         

____________________      

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2013

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, t.37, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.295.  

(2) Sđd, t.22, tr.96.     

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.499.

(4) Sđd,           t.2, tr.268.       

(5),(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.66, 88-89.           

PGS,TS Phạm Xuân Mỹ

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền