Trang chủ    Quốc tế    Nghiên cứu ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân trong đời sống chính trị - xã hội Trung Quốc
Thứ ba, 27 Tháng 3 2018 18:15
5946 Lượt xem

Nghiên cứu ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân trong đời sống chính trị - xã hội Trung Quốc

(LLCT) - Chủ nghĩa cá nhân với tư cách là triết học chính trị coi cá nhân là điểm xuất phát của chính trị, nhấn mạnh quyền tự do, phản đối nhà nước can thiệp vào công việc của cá nhân. Hiện nay, trong xã hội Trung Quốc đang có một xu hướng bênh vực chủ nghĩa cá nhân, đề cao tự do, lợi ích, quyền lợi của cá nhân, sự giải phóng nhân cách con người và xác nhận địa vị chủ thể của cá nhân, coi đó là nền tảng cho xã hội Trung Quốc chuyển đổi sang hướng hiện đại. 

Nếu tìm hiểu chủ nghĩa cá nhân theo nghĩa rộng sẽ phải đặt nó trong dòng chảy lịch sử văn hóa phương Tây. Theo đó, chủ nghĩa cá nhân được lý giải là một học thuyết hay trào lưu coi cá nhân là giá trị cao nhất được tôn thờ. Theo nghĩa hẹp, chủ nghĩa cá nhân chính là khái niệm dùng để khái quát hệ ý thức của giai cấp tư sản phương Tây. Các nhà lý luận hay nhắc tới khái niệm chủ nghĩa cá nhân của nhà tư tưởng Pháp. Tocqueville (1805-1859) cho rằng giá trị, tôn nghiêm, hạnh phúc, lợi ích và tự do của con người được gọi là chủ nghĩa cá nhân, đồng thời đưa ra nội hàm lý luận tương đối hoàn chỉnh cho thuyết này. Tocqueville cho rằng, chủ nghĩa cá nhân khác chủ nghĩa vị kỷ, nó chủ yếu bao gồm ba nội dung chính: Một là, con người là mục đích, so với xã hội, con người có giá trị cao nhất. Hai là, nhấn mạnh dân chủ và tự do của các cá nhân. Ba là, xuất phát từ cá nhân, duy trì thể chế xã hội bảo đảm quyền sở hữu tài sản tư nhân(1).

Về bản chất, chủ nghĩa cá nhân là chủ nghĩa cá nhân về sự tự do. Chủ nghĩa tự do là chủ nghĩa của sự tự do cá nhân. Cơ sở của chủ nghĩa tự do thừa nhận quyền tự chủ và tính không thể xâm phạm của mỗi cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân nhấn mạnh giữa người với người là bình đẳng về nhân cách, điều này không phụ thuộc vào đặc trưng của mỗi người. Thuyết này cho rằng, giá trị của mỗi người là do bản thân họ quyết định, không liên quan tới xuất thân, hơn nữa giá trị giữa người và người là bình đẳng, không có sự phân biệt ở bất kỳ hoàn cảnh nào.   

Vào đầu thế kỷ XX, khi bắt đầu du nhập vào Trung Quốc, hình ảnh của chủ nghĩa cá nhân tương đối tích cực. Khi chiến tranh Nha phiến xảy ra, rất nhiều chí sỹ Trung Quốc đã tìm đến phương Tây với mong mỏi văn minh nơi đây sẽ là cứu cánh cho xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ, từ hỗ trợ vũ khí cho đến việc áp dụng thể chế chính trị và tư tưởng văn hóa tiến bộ. Hiểu biết sâu sắc về Tây học thời kỳ này có Nghiêm Phụ. Trong các công trình của mình như “Thiên diễn luận”, “Nguyên phú”..., Nghiêm Phụ đã khẳng định nguồn gốc của sự lớn mạnh, giàu có của các nước phương Tây là tài năng và sức sống của cá nhân mỗi người dân, đồng thời văn hóa phương Tây cũng cổ vũ sự phấn đấu và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Những điều này hoàn toàn trái ngược với truyền thống văn hóa Trung Quốc, đề cao sự nhẫn nhịn, nhượng bộ, cưỡng chế cái tôi của mỗi con người trong xã hội. Nghiêm Phụ cho rằng tinh thần “văn minh vì lợi ích cá nhân” của phương Tây chính là điểm căn cốt của chủ nghĩa cá nhân. Ông cũng phê phán truyền thống Trung Quốc chỉ bàn về “nhân nghĩa” mà không nói tới chữ “lợi”; cho rằng chỉ có tôn trọng và bảo vệ lợi ích cá nhân mới có thể phát huy được năng lực của họ. Từ đó ông cho rằng chỉ trong môi trường thể chế tự do, bình đẳng, dân chủ, những giá trị trên mới có thể được khơi dậy và phát triển. 

Trước khi cách mạng Ngũ tứ nổ ra, Trần Độc Tú có bài viết tán dương tinh thần chủ nghĩa cá nhân của văn minh phương Tây, phê phán thể chế tôn pháp gia tộc của phương Đông, đưa ra bốn hậu quả nghiêm trọng của thể chế này: (1) Tổn hại tới nhân cách tự tôn độc lập của cá nhân, (2) Cản trở sự tự do ý chí của mỗi cá nhân, (3) Tước đoạt quyền lợi bình đẳng trước pháp luật của cá nhân, (4) Dẫn tới tính ỷ lại, hủy hoại sức sản xuất của các cá nhân. Trung Quốc muốn tiến bộ, bắt buộc xóa bỏ chủ nghĩa gia tộc, phải lấy chủ nghĩa cá nhân làm căn bản.

Trong cuộc vận động văn hóa mới của phong trào Ngũ Tứ, tiêu biểu có Hồ Thích dưới danh nghĩa của chủ nghĩa Ibsen(2) hô hào, cổ vũ tinh thần cho chủ nghĩa cá nhân với nội dung nòng cốt là giải phóng con người, hình thành con người mới. Ông tán thành khẩu hiệu “đầu tiên phải cứu bản thân” của Ibsen. Ông cho rằng, xã hội là do các cá nhân xây dựng nên, trong xã hội đen tối bất công, cứu được thêm một người cũng chính là chuẩn bị thêm một nhân tố để xây dựng một xã hội mới. Hồ Thích đặc biệt nhấn mạnh sự tồn tại song song giữa con người tự do và con người trách nhiệm. Đi xa thêm một bước, họ không chỉ nhấn mạnh sự tự do, quyền lợi, lợi ích của riêng mỗi cá nhân mà coi đó là cơ sở của sự phồn thịnh, phát triển của dân tộc. Nhìn một cách tổng thể, từ thời cận đại, các nhà trí thức cổ vũ, tán thưởng chủ nghĩa cá nhân chủ yếu xuất phát từ mục đích mong mỏi đất nước tiến bộ, hùng cường. Cho tới ngày nay, những người ủng hộ, tán dương chủ nghĩa cá nhân vẫn giữ thái độ này.

Sau mấy thập kỷ cải cách, mở cửa, hiện đại hóa, quan niệm sống, giá trị sống của con người Trung Quốc ngày nay đã có những biến đổi lớn, thể hiện xu hướng ủng hộ các nguyên tắc của chủ nghĩa cá nhân. Tuy nhiên, họ lại không gọi tên những nguyên tắc mà họ muốn bảo vệ ấy là “chủ nghĩa cá nhân”. Điều này là kết quả của việc giáo dục và tuyên truyền trong thời gian dài. Trong xã hội Trung Quốc, “chủ nghĩa cá nhân” luôn được coi là đối lập với “chủ nghĩa tập thể”, theo đó “chủ nghĩa cá nhân” cũng đồng nghĩa với việc “hại người lợi mình”. Ngoài nguyên nhân đặt chủ nghĩa cá nhân ở vị trí đối lập với chủ nghĩa tập thể, thì nguyên nhân sâu xa hơn khiến chủ nghĩa cá nhân bị kỳ thị tại Trung Quốc là người dân hiểu không đầy đủ về nội dung của thuyết này. Khi phê phán chủ nghĩa cá nhân, thuyết này luôn được miêu tả là “chỉ muốn hưởng thụ quyền lợi, không muốn chịu trách nhiệm” hoặc “chỉ muốn đạt được, không muốn bỏ công sức”. Việc miêu tả phiến diện này khiến chủ nghĩa cá nhân được hiểu là “chủ nghĩa vị kỷ cực đoan”. Phái phủ định chủ nghĩa cá nhân chủ yếu phê phán thuyết này chỉ nhấn mạnh cá tính của con người, sự độc lập của cá nhân mà quên đi tính xã hội, tính chỉnh thể của con người. Họ thường là người thuộc chủ nghĩa tập thể, cho rằng chủ nghĩa cá nhân đã làm băng hoại đạo đức xã hội. Tuy nhiên, việc chủ nghĩa tập thể coi những hiện tượng khác biệt về đạo đức xuất hiện trong xã hội bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân cũng là cách nhìn thiếu toàn diện và chủ quan. Trên thực tế, những câu chuyện tại Trung Quốc có rất nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ngược lại với làn sóng phủ định chủ nghĩa cá nhân lại có một trường phái khẳng định tính tích cực của nó. Đó là những người theo chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa vô trị. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế, từ góc độ triết học, văn hóa truyền thống của Trung Quốc không tìm được sự liên kết với các giá trị của chủ nghĩa tự do; ở khía cạnh thực tế xã hội, người theo chủ nghĩa tự do về kinh tế và chính trị lại hiểu sai thực tế Trung Quốc, họ thường nhìn nhận, đánh giá Trung Quốc một cách đơn giản, phiến diện.

Bắt đầu từ thời cận đại, chủ nghĩa cá nhân được coi là một vấn đề của tính hiện đại. Cá nhân từ các thực thể xã hội như thị tộc, gia đình, giáo hội, tổ chức chính trị... dần phân tách ra trở thành một cá thể độc lập, trên thực tế đã trở thành một phẩm chất thực sự của xã hội hiện đại. Dù tán thành hay phản đối chủ nghĩa cá nhân, khoa học kỹ thuật, công cụ duy lý, kinh tế thị trường... đều không thể tránh khỏi việc phá vỡ những kết nối xã hội của đời sống truyền thống. Đời sống cá nhân hình thành trên cơ sở đó mang quyền tự quyết định và tự chủ mà người cổ đại không thể có được(3). Vì vậy, sự gia tăng của tính độc lập, ý thức tự chủ của cá nhân là một trong những phẩm chất của tính hiện đại. Chủ nghĩa cá nhân nhấn mạnh tôn trọng, tự do, lợi ích, quyền lợi của cá nhân, thúc đẩy sự giải phóng nhân cách con người và xác nhận địa vị chủ thể của cá nhân, phát huy vai trò nền tảng cho xã hội Trung Quốc chuyển đổi sang xã hội hiện đại. Tính hợp lý của chủ nghĩa cá nhân ở chỗ nó khẳng định và bảo hộ lợi ích chính đáng của mỗi cá nhân. Đây cũng là khác biệt căn bản giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa vị kỷ. Ngoài ra, trong chủ nghĩa cá nhân bao hàm sự theo đuổi đối với sự sống, bình đẳng và chân lý, cũng là biểu hiện của tinh thần nhân văn. Popper(4) chỉ ra rằng: “chủ nghĩa cá nhân, có thể so với chủ nghĩa bình đẳng, giống một đầu cầu bảo vệ lý tưởng của chủ nghĩa nhân văn. Sự giải phóng cá thể đích thực là một cuộc cách mạng tư tưởng vĩ đại, nó dẫn đến việc giải thể chế độ lạc hậu và sự xuất hiện chế độ dân chủ”(5)

Câu hỏi đặt ra liệu rằng chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể có thể kết nối để phát triển hay không?

Bên cạnh xu hướng ủng hộ chủ nghĩa cá nhân hoặc chủ nghĩa tập thể, trong giới nghiên cứu Trung Quốc còn một luồng quan điểm cho rằng có sự chiết trung giữa hai thuyết này: “Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể không có sự xung đột căn bản, hai thuyết này thẩm thấu lẫn nhau. Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nên kiên trì coi giá trị tổng thể của chủ nghĩa tập thể làm tiền đề, coi chủ nghĩa cá nhân là động lực nội tại để phát triển những giá trị chủ đạo”. Một số học giả thì cho rằng, chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa tập thể đều có những phiến diện, điểm yếu riêng, và lập trường chính xác nhất là đứng ở giữa. Tuy nhiên, trên thực tế, hai chủ nghĩa này không chỉ có sự đối lập về phương thức tổ chức xã hội, mà còn đối lập ở quan niệm giá trị, đồng thời cũng là hai hệ ý thức khác nhau. Logíc nội tại giữa hai chủ nghĩa này là quan hệ có chủ nghĩa tự do thì không có chủ nghĩa tập thể, không thể điều tiết và cũng không có khả năng để chiết trung. Thêm vào đó, giữa hai chủ nghĩa này không có điểm cân bằng, cũng không có khả năng kết nối. Bởi vì hai hệ thống lý luận này có nhiều điểm khác biệt quan trọng: Thứ nhất, cơ sở kinh tế khác nhau. Cơ sở kinh tế sâu xa của chủ nghĩa cá nhân là chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, còn của chủ nghĩa tập thể là chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa. Thứ hai, tiền đề triết học khác nhau. Chủ nghĩa cá nhân coi lý thuyết trừu tượng về bản chất con người làm cơ sở, nhấn mạnh cá nhân là cơ sở và là trung tâm, coi xã hội là cách thức, phương thức để cá nhân đạt mục tiêu của mình; chủ nghĩa tập thể lại coi chủ nghĩa duy vật lịch sử làm cơ sở, nhấn mạnh tính xã hội của con người và xuất phát điểm từ xã hội. Thứ ba, xuất phát điểm giá trị không giống nhau. Chủ nghĩa cá nhân nhấn mạnh cá thể là điểm xuất phát của việc lựa chọn giá trị, chủ nghĩa tập thể nhấn mạnh lợi ích tập thể và lợi ích xã hội là điểm xuất phát để lựa chọn giá trị cá nhân.

Dựa vào những nguyên tắc lý luận trên đây, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể trong điều kiện cụ thể tại Trung Quốc không có khả năng kết nối với nhau, tuy nhiên điều này không có nghĩa là những giá trị của chủ nghĩa tập thể trong xã hội đương đại Trung Quốc luôn giữ vị trí định hướng, chủ đạo. Nhìn từ góc độ luân lý xã hội, sự hình thành thể chế kinh tế thị trường trong thời kỳ chuyển đổi ở Trung Quốc không thể tách rời bối cảnh lớn là hiện đại hóa của đất nước này. Xã hội công dân, tồn tại các tư tưởng đa nguyên, tái thiết tính công cộng là những đặc trưng quan trọng của xã hội hiện đại. Nguyên tắc lý luận của khu vực công là dân chủ, tự do, bình đẳng, rất thích hợp với nguyên tắc nòng cốt của chủ nghĩa cá nhân. Vì thế, những giá trị của chủ nghĩa tập thể thời kỳ mới cần có những điểm đột phá để tiến cùng thời đại, hoàn toàn có thể tiếp thu những giá trị hợp lý của chủ nghĩa cá nhân trên tinh thần phê phán để thích ứng với nhu cầu phát triển xã hội mới theo hướng hiện đại. Điều này có hai lợi ích: Thứ nhất, nhấn mạnh một số quyền lợi của cá nhân, như sự tôn trọng, bình đẳng, tự do... Đây là tiếng nói mạnh mẽ để phòng ngừa khả năng chủ nghĩa tập thể có thể biến thành chủ nghĩa chuyên quyền. Bên cạnh đó cũng có vai trò thúc đẩy lực lượng sản xuất xã hội chủ nghĩa phát triển. Thứ hai, tôn trọng lợi ích cá nhân, tinh thần tự chủ và tinh thần sáng tạo, có lợi cho việc kích thích, cổ vũ tính tích cực của các cá nhân, cũng có lợi cho việc tối đa hóa lợi ích xã hội trong thực tế(6).

Lẽ đương nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, chú trọng quyền lợi của cá nhân không liên quan tới việc xác định chủ nghĩa cá nhân làm định hướng giá trị, càng không phải là căn cứ để đề xướng giá trị của chủ nghĩa cá nhân. Trong xã hội Trung Quốc, nguyên tắc đạo đức chủ nghĩa tập thể xã hội chủ nghĩa vẫn giữ vị trí định hướng chủ đạo.

Chủ nghĩa cá nhân tại Trung Quốc sẽ phát triển theo xu hướng nào?

Từ khi cải cách mở cửa cho tới nay, một bộ phận trong xã hội cho rằng chỉ có chủ nghĩa cá nhân mới là hệ giá trị thích hợp với kinh tế thị trường, vì thế họ chủ trương lấy “đạo đức mới” của chủ nghĩa cá nhân thay thế “đạo đức cũ” của chủ nghĩa tập thể. Đây là một cách nhìn cực đoan trong xã hội Trung Quốc. Đánh giá một cách khách quan, vấn đề chủ nghĩa cá nhân cần được nhìn nhận dưới bối cảnh tình hình cụ thể của Trung Quốc. Bối cảnh đó ngoài các nhân tố về kinh tế, chính trị, còn có những yếu tố văn hóa, lịch sử. Không thể phủ nhận, Trung Quốc đương đại vẫn trong bối cảnh lịch sử đang theo đuổi “tính hiện đại”. Tuy nhiên, tính đặc thù của tình hình thực tiễn của Trung Quốc không cho phép từ bỏ vai trò chủ đạo, định hướng của chủ nghĩa tập thể, cho dù cho phép sự tồn tại của nhiều hệ giá trị khác nhau.

Sự phát triển của xã hội Trung Quốc hiện nay bắt buộc phải dựa trên cơ sở văn hóa, thể chế chính trị đặc thù của đất nước này, nên sức mạnh của hiện đại hóa cho phép sự phong phú đa dạng của các hệ giá trị, nhưng điều đó không có nghĩa là xóa bỏ vị trí chủ đạo của chủ nghĩa tập thể. Tính chất của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và cực đoan của chủ nghĩa cá nhân đều quyết định học thuyết này chỉ có thể đứng ở vị trí thứ cấp. Vì vậy, con đường phát triển của chủ nghĩa cá nhân tại Trung Quốc tất yếu phải tự mình thay đổi, thậm chí tái thiết bản thân để tìm ra cách thức đối thoại hợp lý với chủ nghĩa tập thể, từ đó cùng xây dựng hệ thống giá trị quan niệm thích hợp với việc thúc đẩy thể chế chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa phát triển.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2017

(1) Tocqueville: Bàn về dân chủ Mỹ, t.2, Nxb Thương vụ, 1996, tr.625-627.

(2) Henrik. Ibsen (1828-1906) là nhà soạn kịch người Na Uy, rất quen thuộc với xã hội Trung Quốc vào những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, khi các trí thức nước này đang nỗ lực tạo dựng một nền văn hóa mới. Tác phẩm của ông được coi là bạn đồng hành của người dân nước này trong phong trào tìm kiếm tự do cá nhân và bình đẳng giới. Cảm quan hiện thực của Ibsen khi đề cập đến các vấn đề xã hội đã có những ảnh hưởng mãnh liệt đến các nhà kịch nói đầu tiên tại Trung Quốc.

(3) Chu Phong: “Cá nhân tự chủ: Giá trị nòng cốt của chủ nghĩa tự do”, Tạp chí Nhân văn, 2004, kỳ 2, tr.5.

(4) Sir Karl Raimund Popper (1902-1994), là nhà triết học chính trị nổi tiếng của Phương Tây đương đại. Tác phẩm tiêu biểu có: “The Poverty of Historicism” và “The Open Society and its Enemies”.

(5) Popper: The Open Sciety and its Enemies (bản tiếng Trung), Nxb Khoa học xã hội Trung Quốc, 1999, tr.218.

 (6) Nguyên Liêu: “Chủ nghĩa cá nhân phương Tây và xây dựng đạo đức Trung Quốc đương đại”, Báo Học viện Sư phạm đường sắt Tô Châu (bản khoa học xã hội), 2000, kỳ 3, tr.29.

Tài liệu tham khảo:

1. Hạ Vĩ Đông: Luận trào lưu chủ nghĩa cá nhân, Nxb Giáo dục cao đẳng - đại học, 2006.

2. Vĩ Lâm: Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cộng đồng, Nxb Nhân dân Thượng Hải, 2003.

3. Thạch Nguyên Khang: Lý luận chủ nghĩa tự do phương Tây đương đại, Nxb Tam Liên Thượng Hải, 2000.

4. Friedrich August von Hayek: Kinh tế, khoa học và chính trị - tinh túy tư tưởng Hayek, Nxb Nhân dân Giang Tô, 2000.

5. Friedrich August von Hayek: Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Nxb Tri thức, 2016.

6. Dư Khả Bình: Trào lưu triết học chính trị phương Tây đương đại: Từ chủ nghĩa cá thể mới đến chủ nghĩa tập thể mới, Tạp chí Mặt trận Khoa học xã hội, kỳ 5 năm 1998.

 

TS Tống Đức Thảo

ThS Vũ Quỳnh Phương

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền