Trang chủ    Quốc tế    Những chuyển động tích cực ở Đông Bắc Á?
Thứ tư, 09 Tháng 5 2018 17:09
3084 Lượt xem

Những chuyển động tích cực ở Đông Bắc Á?

(LLCT) Ghi nhận những chuyển động tích cực gần đây, giới nghiên cứu nhận định giai đoạn 2018-2020 có thể có bước đột phá quan trọng đối với khu vực Đông Bắc Á. Theo đó, quan hệ Nga - Nhật được cải thiện đáng kể; quan hệ liên Triều, Mỹ - Triều sẽ có bước ngoặt; quan hệ Trung - Nhật - Hàn cũng diễn tiến tích cực hơn. Các nước vì lợi ích của mình, họ có thể sẽ vượt qua những thách thức, bất đồng cũ, khiến dư luận quốc tế kỳ vọng vào nền hòa bình và ổn định có thể được vãn hồi tại khu vực vốn là “điểm nóng” trong nhiều năm.

1. Quan hệ Nga - Nhật

Ngay từ năm 2016, trong chuyến thăm Tổng thoogns Nga Vladimir Putin đến NHật Bản, hai nước đã có những bước đi ngoại giao khá tích cực như: "Đảo chiều tư duy" đưa hợp tác kinh tế lên vị trí hàng đầu, đẩy nhanh quan hệ chính trị, khiến cho quan hệ hai nước có nhiều điểm chung.

Mới đây, hồi đầu năm 2018, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cùng với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono đã tiến hành hội đàm ở Tokyo sau chiến thắng lịch sử của ông Putin trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Nga. Ngoại trưởng Taro Kono 55 tuổi, là một chính trị gia đầy triển vọng chỉ đứng sau Thủ tướng Shinzo Abe.

Theo kế hoạch, ngày 26-5, ông Shinzo Abe sẽ gặp Tổng thống Putin tại lễ khai mạc năm Nhật Bản ở Nga và năm Nga ở Nhật Bản. Cả hai nhà lãnh đạo sẽ tiến hành đàm phán về Hiệp ước hòa bình. Buổi lễ này sẽ đánh dấu cuộc gặp lần thứ 21 giữa lãnh đạo của hai quốc gia.

Ông Kono miêu tả quan hệ Nga - Nhật là “mối quan hệ song phương có nhiều triển vọng nhất”. Thủ tướng Abe và ông Kono hiện đang kỳ vọng một sự đột phá trong cuộc họp thượng đỉnh sắp tới, đặc biệt là trong vấn đề ký kết Hiệp ước hòa bình giữa hai nước. 

Giới phân tích cho rằng, Nhật Bản đã có cách tiếp cận mới thực tế hơn, theo công thức “hoạt động kinh tế chung” trên 4 hòn đảo đang tranh chấp. Đây là hoạt động tạo cơ sở pháp lý quốc tế, đặc biệt để tiến hành các hoạt động cùng có lợi, không vi phạm các quan điểm pháp lý của cả hai nước. Theo đó, đánh bắt cá, du lịch, tái chế rác thải, trồng rau và xây dựng nhà máy điện gió đã được tiến hành vào trước tháng 5-2018. 

Mặt khác, hai bên cũng có những thỏa thuận về các chuyến bay đến vùng lãnh thổ đang tranh chấp dành cho những người dân trước đây đã từng sinh sống ở vùng này, nơi họ có quan hệ thân tộc diễn ra từ trước cuộc gặp Bộ trưởng và cấp cao Nga - Nhật được tổ chức với kỳ vọng biến “láng giềng xa” trở thành “láng giềng tốt”.

2. Quan hệ liên Triều, Mỹ - Triều

Ngày 1-1-2018, trong thông điệp đầu năm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã “để ngỏ cánh cửa đối thoại” với Seoul. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã lập tức hoan nghênh thiện chí của Bình Nhưỡng, đồng thời sẵn sàng đối thoại “bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và dưới bất kỳ hình thức nào”. Đó là tín hiệu tích cực đầu tiên được ghi nhận trong ngày đầu của năm mới 2018.

Tiếp đến là việc Triều Tiên gửi đoàn cấp cao bao gồm các quan chức, vận động viên, cổ động viên, đoàn nghệ thuật và đội võ thuật tới tham dự Thế vận hội Mùa Đông 2018 tại Pyeongchang (Hàn Quốc). Đồng thời nhất trí sẽ mở lại đường dây nóng giữa các quan chức quân sự hai nước nhằm giảm căng thẳng biên giới, ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột.

Trong hội nghị Thượng đỉnh liên Triều tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng nhằm tiến tới ký kết hiệp định hòa bình chính thức, chấm dứt chiến tranh, đồng thời cùng theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Phía Triều Tiên thông báo sẽ đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri và sẽ mời các chuyên gia an ninh và báo giới quốc tế đến chứng kiến việc này. Ông Kim Jong-un khẳng định, Triều Tiên sẽ không cần vũ khí hạt nhân nếu Mỹ cam kết chính sách không xâm lược.

Mới đây nhất, ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 27-4, thì ngày 2-5, Ủy ban thúc đẩy thực hiện tuyên bố Bàn Môn Điếm cũng đã ra đời và lên phương án tổ chức cuộc hội đàm cấp cao hai miền Triều Tiên nhằm hiện thực hóa các thỏa thuận đạt được giữa hai nhà lãnh đạo.

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyom cho biết trong cuộc họp báo ngày 3-5 rằng, Ủy ban thúc đẩy thực hiện tuyên bố Bàn Môn Điếm đã đưa ra quyết định tại cuộc họp lần thứ nhất của ủy ban này rằng, sẽ tổ chức cuộc hội đàm cấp cao vào trung tuần tháng 5. Đứng đầu ủy ban là Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Im Jong-seok. Cơ cấu của Ủy ban gồm có: (1) Ban phát triển quan hệ liên Triều; (2) Ban phụ trách xây dựng thể chế hòa bình và phi hạt nhân hóa; (3) Ban thông tin truyền thông.

Theo giới quan sát, hàng loạt động thái của hai bên được cho là giúp hóa giải những mâu thuẫn hai miền trước đây như: Tháo bỏ hệ thống loa công suất cực lớn trong vùng tiếp giáp hai bên ở vĩ tuyến 38; nối lại các hoạt động thăm thân của các gia đình ly tán; tổ chức các đoàn thể thao chung khi tham gia thi đấu quốc tế, và mới đây nhất Bình Nhưỡng đã cho thay đổi cách tính giờ cho phù hợp với múi giờ của Seun - bước đi tượng trưng cho nguyện vọng thống nhất đất nước…

Ngày 3-5, Hàn Quốc thành lập một ủy ban trực thuộc Phủ Tổng thống phụ trách triển khai các kết quả đạt được trong cuộc gặp cấp cao liên Triều, trong đó, hai nhà lãnh đạo đã kêu gọi thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên bằng một hiệp ước hòa bình. Lãnh đạo ủy ban này là Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Hàn Quốc Im Jong-seok. Ngoài ra, ủy ban còn có thành viên từ các bộ, ngành trong Chính phủ

Ngoài ra, trong một động thái làm nồng ấm thêm quan hệ giữa hai nước, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Kim Dong-yeon hôm 2-5 cho biết, Hàn Quốc đang thảo luận cách thức cấp vốn cho các dự án kinh tế tiềm năng với Triều Tiên. Hàn Quốc cũng vận động Trung Quốc, Nga và ASEAN tham gia các dự án này trong tương lai.

Nhiều ý kiến cho rằng, hai nước sẽ khởi động các dự án kết cấu hạ tầng chung ngay sau khi cộng đồng quốc tế rút lệnh cấm vận đối với Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã yêu cầu Liên Hợp quốc hỗ trợ xác minh cam kết của Triều Tiên sau khi ông Kim Jong-un bày tỏ ý định sẽ đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri ngay trong tháng 5.

Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump cho biết, sẵn sàng nói chuyện trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un,đồng thời bày tỏ hy vọng các cuộc gặp giữa hai miền Triều Tiên có thể giúp giảm leo thang cuộc xung đột liên quan đến vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Cùng với những động thái thiện chí của các bên, đáp lại lời mời của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim jong-un, Tổng thống Mỹ D. Trump cũng đã chấp nhận dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5, hoặc đầu tháng 6 tới, tại làng Hòa Bình, hoặc làng Tự Do trong khu đình chiến Bàn Môn Điếm, thậm chí có thể ngay trong tháng 5 này.

Ngày 4-5, nói với báo giới, Tổng thống Trump cho biết: “Tôi đã chọn được ngày. Tôi cũng đã chọn địa điểm. Tất cả đã được nhất trí. Chúng tôi sẽ sớm công bố”. Ông cũng tiết lộ: “Chúng tôi đang có các cuộc đối thoại quan trọng với Triều Tiên và rất nhiều điều đã diễn ra liên quan đến vấn đề con tin. Chúng tôi đã giải quyết rất tốt vấn đề con tin. Chúng tôi liên tục liên hệ với giới lãnh đạo Triều Tiên”.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc nhóm phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), phát biểu với Reuters rằng, Tổng thống Mỹ D. Trump rất có thể sẽ không đề cập đến vấn đề nhân quyền tại Triều Tiên trong cuộc đàm phán sắp đến, “Tổng thống D. Trump chắc chắn sẽ không để cho nhân quyền cản trở việc đạt thỏa thuận trên”. Đây cũng là cách tiếp cận mới trong quan hệ đối ngoại của ông Trump so với các Tổng thống  tiền nhiệm.

Còn phía Triều Tiên, bên cạnh những vấn đề lớn như, chấp nhận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, không coi vấn đề tập trận Mỹ - Hàn như là một cản trở đàm phán, mà Bình Nhưỡng còn trả tự do cho 3 công dân Mỹ, bị giam giữ với cáo buộc “có hành động thù địch” chống nhà nước Triều Tiên, có thể vào trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra.

Ngày 4-5, tờ New York Times cho biết, yêu cầu giảm hiện diện quân sự tại Hàn Quốc được Tổng thống Mỹ D. Trump đưa ra trong cuộc thảo luận với giới chức Lầu Năm Góc trong bối cảnh ông chuẩn bị có cuộc gặp lịch sử với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Theo đó, một hiệp ước hòa bình liên Triều sẽ làm giảm nhu cầu hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc, hiện có tới 23.500 binh sĩ.

Trước đó, ngày 28-4, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết sẽ thảo luận việc rút quân khỏi Hàn Quốc nếu Triều Tiên yêu cầu. Theo ông Mattis, Bình Nhưỡng rất có thể coi yêu cầu này như một điều kiện của hiệp ước hòa bình sẽ ký kết.

3. Quan hệ “tam giác” Trung - Nhật - Hàn

Theo kế hoạch của 3 nước, ngày 9-5 này, Hội nghị thượng đỉnh với sự tham dự của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ diễn ra tại Tokyo để thảo luận về các vấn đề trong khu vực. Đây là một trong các cuộc họp thượng đỉnh được tổ chức luân phiên kể từ hội nghị đầu tiên diễn ra tại Nhật Bản năm 2008 nhằm củng cố đối thoại và hợp tác. Đây cũng là lần thứ 3 hội nghị này được tổ chức ở Tokyo Nhật Bản.

Được biết, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm 25% sản lượng hàng hóa, dịch vụ của thế giới. Thặng dư thương mại hàng năm của 3 quốc gia này đạt khoảng 400 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Tokyo vào Trung Quốc tăng vọt lên 22% trong thời điểm từ tháng 4 đến tháng 9-2017. Trong khi đó, FDI của Nhật Bản vào Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2017 đã tăng trưởng ở mức 13%. Sự gia tăng trở lại của dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản đã tin tưởng hơn vào môi trường đầu tư ở thị trường đang phát triển nhanh chóng như Trung Quốc.

Cùng với sự gia tăng trong quan hệ thương mại, còn có ý nghĩa lớn hơn đó là quan hệ Bắc Kinh - Tokyo đã chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn của hoạt động xây dựng quan hệ song phương. Mặc dù Nhật Bản đã không mặn mà với Sáng kiến “Vàng đai, Con đường” nối châu Á, châu Phi và châu Âu của Trung Quốc. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn đáp ứng các lời kêu gọi đầu tư, thương mại hợp tác bình đằng từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Hàn Quốc và cũng là điểm đến của 25% sản lượng hàng hoá xuất khẩu của nước này. Con số này cao hơn 12% so với thị trường Mỹ. Trong 10 tháng đầu năm 2017, doanh số bán hàng và thặng dư thương mại giữa Hàn Quốc và Trung Quốc gần như tương đương năm 2016.

Tuy nhiên, gần đây, các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai nhà Lãnh đạo Trung - Hàn cũng đã được tiến hành ngay trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2017. Việc tiếp xúc này đã làm bình thường hoá quan hệ Trung - Hàn sau 1 năm “bế tắc” liên quan đến bán đảo Triều Tiên để phù hợp với sự phát triển của thương mại song phương hiện tại và trong thời gian tới.

Sự phát triển quan hệ thương mại giữa Nhật Bản – Hàn Quốc cũng đáng khích lệ, nhất là xuất khẩu của Nhật Bản vào thị trường Hàn Quốc đã tăng 21% trong 9 tháng đầu năm 2017, bất chấp sự suy giảm 5,7% trong năm 2016. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Hàn Quốc vào Nhật Bản cũng tăng 17%, đánh dấu sự phục hồi vượt bậc sau khi giảm 16% trong năm ngoái.

Theo giới quan sát, sự tăng trưởng đến mức “kinh ngạc” ở khu vực Đông Bắc Á, chỉ có thể giải thích từ sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu nội địa đến từ cả 3 quốc gia hoặc sự bổ sung giữa 3 nền kinh tế. Những con số ấn tượng trên cho thấy tín hiệu ấm lên của mối quan hệ đã có thời kỳ “đóng băng” và cộng đồng doanh nghiệp, người dân là những đối tượng được hưởng lợi từ những tín hiệu tích cực này.

Giới chuyên gia lý giải, một trong những nguyên nhân khiến trục “tam giác kinh tế vàng” này thu hẹp khoảng cách để xích lại gần nhau là do mối đe doạ từ việc tiếp cận thị trường EU, Mỹ trở nên khó khăn hơn trong thời gian tới. Và cũng có thể lý giải rằng, 3 quốc gia này đang xích lại gần nhau do tác động của những biện pháp làm giảm thâm hụt thương mại từ Tổng thống Mỹ D. Trump. Mặt khác, hiện nay các sản phẩm của 3 nước đã có mặt rộng rãi tại thị trường Mỹ với giá rẻ, khiến cho sức cạnh tranh suy giảm. Dòng chảy FDI và hoạt động thương mại giữa 3 nước là minh chứng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của tam giác Trung - Nhật - Hàn.

4. Đánh giá của dư luận quốc tế

Ngày 3-5, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ lạc quan về tiến triển liên quan chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Trả lời phỏng vấn đài phát thanh BBC 4, ông Guterres nhấn mạnh: Mọi thứ đang đi đúng hướng nhằm hướng tới những cuộc đàm phán nhiều ý nghĩa về chương trình hạt nhân Triều Tiên. Đàm phán suôn sẻ sẽ mang lại lợi ích cho Triều Tiên nhằm thoát khỏi các lệnh trừng phạt của quốc tế trong khi Hàn Quốc sẽ có được hòa bình và an ninh.

Tại Mỹ, dư luận cho rằng, đàm phán thuận lợi sẽ góp phần phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên - mục tiêu chính mà Mỹ hướng tới trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Mặc dù, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều chưa diễn ra, nhưng trong Quốc hội Mỹ đã có một nhóm gồm 18 nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã có thư chính thức đề cử Tổng thống D. Trump cho giải Nobel Hòa bình năm 2019 gửi đến Ủy ban Nobel ở Na Uy với những nỗ lực của ông Trump hướng tới việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Một phần nội dung lá thư do nghị sĩ Luke Messer ở bang Indiana dẫn đầu cuộc vận động đề cử trên viết: “Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống D. Trump đã làm việc không mệt mỏi để tăng áp lực tối đa lên Triều Tiên nhằm chấm dứt chương trình vũ khí bất hợp pháp và mang lại hòa bình cho khu vực”. Tuy nhiên, ngày 6-5 truyền thông Triều Tiên đã không hài lòng với cách lý giải trên.

Tại Nga, ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là bước đi đúng hướng và là bước đột phá trong các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ngay sau tuyên bố, Nga đã tăng cường đối thoại với các quan chức Hàn Quốc về giải quyết khủng hoảng Triều Tiên, nhất trí tạo nền tảng cho cuộc đối thoại giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ.

Động thái của Nga, một mặt góp phần giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, mặt khác cũng là khẳng định vai trò của nước này trong vấn đề Triều Tiên. Nhiều bài học trong quá khứ khiến Nga nhận ra rằng, nếu không khẳng định vị thế và bảo vệ các lợi ích của nước này trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, Nga sẽ bị loại khỏi cuộc chơi và trở thành bên thứ yếu.

Tại Trung Quốc, theo Tân Hoa xã, ngày 2-5, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho tại Thủ đô Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, Trung Quốc hy vọng cuộc đối thoại giữa Triều Tiên và Mỹ sẽ diễn ra một cách tốt đẹp và đạt tiến triển đáng kể. Ông Vương Nghị tuyên bố, Trung Quốc hoan nghênh sự thành công và kết quả quan trọng của cuộc gặp cấp cao liên Triều; nhấn mạnh, Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò tích cực trong nỗ lực tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Triều Tiên.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32 (27-4) tổ chức tại Singapore, các nước hoan nghênh những tiến triển tích cực trên Bán đảo Triều Tiên, trông đợi kết quả quan trọng từ Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, triển vọng cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên trong thời gian tới, hướng đến một giải pháp hoà bình, bền vững cho việc phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Theo giới nghiên cứu, bên cạnh những diễn tiến tích cực vẫn còn ẩn chứa những mâu thuẫn không dễ vượt qua như: nội hàm của việc phi hạt nhân hóa, tiến độ xóa cấm vận đối với Triều Tiên, sự hoán đổi giải giáp hạt nhân của Bình Nhưỡng với sự hỗ trợ phát triển kinh tế của Mỹ, Hàn Quốc đối với Triều Tiên, và nhất là cân bằng lợi ích chiến lược của các nước có liên quan trong khu vực…

Như vậy, với những động thái mới trên chính trường khu vực Đông Bắc Á, bao gồm cả các nước lớn có liên quan, nhất là cách tiếp cận mới về tư duy chiến lược của các nhà lãnh đạo đã tạo ra bước “đột phá” quan trọng cho hòa bình và an ninh khu vực. Tuy nhiên, để cân bằng lợi ích của các bên vẫn còn là bài toán khó. Vì thế, tương lai hòa bình và ổn định vững chắc cho khu vực Đông Bắc Á vẫn còn đang ở phía trước.

Đại tá Nguyễn Nhâm

Nguyên cán bộ Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng

ThS Nguyễn Thị Nguyệt Anh

Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

 

 

                                                           

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền