Trang chủ    Thực tiễn    Thực hiện chính sách dân tộc ở Bình Định: kết quả và kinh nghiệm
Thứ hai, 29 Tháng 2 2016 11:04
3285 Lượt xem

Thực hiện chính sách dân tộc ở Bình Định: kết quả và kinh nghiệm

(LLCT) - Hội nghị Trung ương 7 khoá IX đã ra Nghị quyết Về công tác dân tộc, trong đó nhấn mạnh: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam”(1). Nghị quyết đã nêu những quan điểm cơ bản và các nhiệm vụ chủ yếu trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta.

Bình Định là tỉnh duyên hải miền Trung, diện tích tự nhiên 6.025 km²; có 27 dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó 3 dân tộc chiếm số đông cư trú lâu đời là Chăm, Bana, H’rê và một số dân tộc mới nhập cư. Toàn tỉnh có 33 xã, thị trấn có đông đồng bào dân tộc, được hưởng Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Đồng bào các dân tộc tỉnh Bình Định có truyền thống yêu nước và cách mạng, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tương thân tương ái, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Thực hiện đường lối đổi mới, tỉnh Bình Định quán triệt, quan điểm, chính sách dân tộc của Đảng, vận dụng đề ra chủ trương, tổ chức triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh Bình Định (2001) xác định rõ: “Tiếp tục thực hiện chính sách các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ cùng phát triển. Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc; chăm lo mở mang dân trí, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc, từng bước thực hiện công bằng xã hội giữa các dân tộc, giữa miền xuôi và miền núi. Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số”(2).

Đảng bộ quan tâm tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc hiểu rõ đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, hướng tới sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX (12/3/2003) Về công tác dân tộc, ngày 27-5-2003, Tỉnh ủy Bình Định đã ra Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX, trong đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và cấp bách về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng trong thời kỳ đổi mới đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Bình có những chuyển biến:

Một là, cơ cấu kinh tế vùng dân tộc thiểu số có sự chuyển biến tích cực; kết cầu hạ tầng được đầu tư phát triển; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Các ngành nông, lâm nghiệp được chú trọng đầu tư phát triển: sản xuất lương thực tăng cả về diện tích, năng suất. Công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh. Trong 10 năm (2001-2010), đầu tư phát triển giao thông474,5 tỷđồng, thủy lợi 365 tỷ đồng; đã có 33/33 xã miền núi có điện,số hộ dùng điện đạt 90%, số hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 85%.  Công tác xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc được quan tâm thực hiện, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân.

Hai là, sự nghiệp giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ có những bước phát triển đáng kể. Giáo dục - đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc tỉnh Bình Định có những bước cải thiện đáng kể. Mạng lưới trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang, tỷ lệ con em đồng bào dân tộc đến trường ngày một tăng. Phần lớn các xã vùng cao đã có lớp mẫu giáo; tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo tăng đáng kể, 95,6% số giáo viên đạt chuẩn. Giáo dục phổ thông ngày càng phát triển mạnh: 100% xã đều có trường tiểu học, 99% giáo viên đạt chuẩn. Toàn tỉnh có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh, 4 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện và 9 trường bán trú được xây dựng với cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học khá đầy đủ. Trong 10 năm (2001-2010) đã cử tuyển được 329 chỉ tiêu, trong đó 242 chỉ tiêu là con em các dân tộc theo học tại các trường đại học, 42 chỉ tiêu học tại các trường cao đẳng và 45 chỉ tiêu học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp.

Ba là, công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân được bảo đảm. Các chương trình mục tiêu quốc gia, công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh đạt kết quả. Mạng lưới y tế cơ sở bao phủ 100% số xã, thị trấn, đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo và củng cố từng bước, số trạm y tế đạt chuẩn 20,26%, số có bác sĩ công tác đạt 52,3% số trạm y tế xã. Bên cạnh đó, các chương trình tiêm chủng mở rộng phòng chống các bệnh xã hội cho trẻ nhỏ cũng được thực hiện tốt, công tác phòng, chống sốt rét, sốt xuất huyết, bướu cổ thường xuyên được triển khai, làm giảm đáng kể số ca mắc bệnh và tỷ lệ tử vong những loại bệnh này. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống còn khoảng 25% vào năm 2010(3).

Bốn là, hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố và tăng cường, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở sự được quan tâm; công tác tổ chức cán bộ được tăng cường, các tổ chức chính trị được củng cố, kiện toàn và có nhiều đổi mới; đội ngũ cán bộ, đảng viên vùng dân tộc thiểu số phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Định vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Quá trình triển khai một số chương trình, dự án kinh tế - xã hội của một số sở, ngành và ở các huyện chưa thật sự sâu rộng và chưa đồng bộ. Đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Dân trí còn thấp. Chất lượng và hiệu quả giáo dục- đào tạo chưa cao, việc đào tạo nghề ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số còn yếu, một số chưa được được đào tạo cơ bản.

Trước yêu cầu thực hiện chính sách dân tộc trong thời kỳ mới, trên cơ sở những kết quả đạt được và những tồn tại hạn chếvà kinh nghiệm từ thực tế quá trình thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Định nhữngnăm 2001-2010, cho thấy, để làm tốt công tác này trong thời gian tới, cần thực hiện một số nội dung sau:

-Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp thực hiện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, tạo nên sự thống nhất về nhận thức và hành động giữa các cấp, ban, ngành nhằm nâng cao hiệu quả của các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn Tỉnh.

 -Tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, tích cực đẩy mạnh công cuộc xoá đói, giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc.

- Giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, chú trọng phát triển giáo dục đào tạo, từng bước nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, góp phần tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững vùng dân tộc thiểu số cùng với các vùng khác trong tỉnh.

- Không ngừng củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, tích cực đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, đồng thời tranh thủ sự hợp tác và ủng hộ của tầng lớp già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng; kịp thời đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, lừa mị, kích động của các thế lực thù địch.

- Huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tranh sự hỗ trợ của Trung ương, sự ủng hộ của các tổ chức và cá nhân trong xã hội, cùng với việc phát huy nội lực, thế mạnh của địa phương, từng bước tạo nên những chuyển biến đáng kể cho vùng dân tộc thiểu số.

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, đòi hỏi Đảng bộ tỉnh Bình Định tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, nhằm tạo ra sự đồng thuận giữa Đảng và nhân dân, giữa đồng bào các dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch, đưa Bình Định cùng cả nước vững bước trên con đường phát triển và hội nhập.

__________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCH TƯ khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.tr.4.

(2) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVI, Bình Định, 2001,tr.54-55.

(3) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định: Báo cáo tóm tắt 10 năm thực hiện thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2000- 2010, Bình Định, 2010.

 

                                             Trương Văn Quan

                                             Trường Cao đẳng Bình Định

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền