Trang chủ    Thực tiễn     Thực hiện quan điểm của Hồ Chí Minh về phát triển một nền nông nghiệp toàn diện
Thứ ba, 23 Tháng 2 2016 10:02
3328 Lượt xem

Thực hiện quan điểm của Hồ Chí Minh về phát triển một nền nông nghiệp toàn diện

(LLCT) - Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền nông nghiệp toàn diện được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm. Vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn được Đảng và Nhà nước khẳng định trong nhiều văn kiện, điển hình làHội nghị Trung ương7khóa Xđã ra Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008về nông nghiệp, nông dân,nông thôn.

 

Nghị quyết Trung ương 7 được cụ thể hóa thành các chương trình mục tiêu, kế hoạch, các cấp, các ngành triển khai thực hiện và đã đạt được nhữngkết quả quan trọng:hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở nông thôn được đầu tư nâng cấp vàxây mới, bảo đảm việc phục vụ, hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; cơ cấu kinh tế, lao động, ngành nghềtrong nông nghiệp đã có sự chuyển dịch tích cực theohướng công nghiệp hóa, hiện đại hóanông nghiệp,nông thôn; năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tăng nhanh, đưa nước ta từ nước thiếu lương thực lên vị trí nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; tổ chức sản xuất ngày càng đa dạng các thành phần kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp.

Đó là thành tựu từ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đúng đắn trong về phát triển kinh tế - xã hội, sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế. Trong đó đặc biệt là quan điểm của Hồ Chí Minh về phát triểnnông nghiệp toàn diện.

Xuất phát từ thực tiễn nước ta là nước nông nghiệp, có tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần yêu cầu thực hiện các biện pháp nhằm “phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc”(1), việc phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện cũng là một tất yếu khách quan của nền kinh tế quốc dân.

Thứ nhất, phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện là phương tiện quan trọng để đáp ứng mục tiêu của cách mạng là nâng cao đời sống của nhân dân nói chung, nông dân nói riêng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tất cả đường lối, phương châm, chính sách… của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng” ; “Chủ nghĩa xã hội là cái gì? Là mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng tự do” ; “Nông thôn của ta, nhà ở của đồng bào phần nhiều đang ọp ẹp, tối tăm chăng ra sao, chẳng có hàng lối gì… Dân sinh là gì? Là cái ăn, cái mặc, cái ở. Ba cái đó đều quan trọng. Ăn, mình tăng gia sản xuất được. Mặc, mình tăng gia sản xuất được. Chứ còn nhà thì sao? Muốn làm nhà thì phải có cái gì? Gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây”(2).

Như vậy, phát triển nông nghiệp toàn diện để bảo đảm ăn, mặc, ở, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Thứ hai, phát triển nông nghiệp toàn diện là giải pháp quan trọng để phát triển bản thân nền nông nghiệp Việt Nam.

Kinh tế nông nghiệp bao gồm các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp. Nông nghiệp còn bao gồm cả những ngành nuôi trồng thủy, hải sản. Sự phát triển của từng bộ phận trong nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp sẽ làm cho toàn ngành nông nghiệp phát triển.

Trong sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi sẽ thúc đẩy nhau cùng phát triển và bảo đảm sự phát triển cân đối. Người hướng dẫn bà con một cách dễ hiểu: “Muốn lúa tốt, hoa màu tốt, cần nhiều phân… Muốn có nhiều phân chuồng, phải nuôi nhiều trâu, bò, lợn”(3).

Nông nghiệp toàn diện còn bao gồm các ngành nghề phụ và ngành nghề truyền thống ở nông thôn. Người nhắc nhiều về vai trò rất lớn của phát triển nghề phụ ở nông thôn. Do đặc điểm của nghề nông mang tính thời vụ có nhiều ngày nông nhàn và do diện tích đất canh tác hạn chế, ở nhiều vùng thị trường hàng hóa chưa phát triển, để bảo đảm cuộc sống ổn định, các hộ gia đình nông thôn đã có thêm nghề phụ để tận dụng lao động và tăng thêm thu nhập. Những nghề phụ dần dần phát triển thành nghề chính ở các làng nghề nhưng vẫn tồn tại song song với nghề nông.

Thứ ba, một nền nông nghiệp toàn diện sẽ góp phận thúc đẩy công nghiệp phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế. Nông nghiệp phát triển mạnh để cung cấp đủ lương thực cho nhân dân, đủ nguyên liệu (như, bông, mía, chè…) cho nhà máy, đủ nông sản (như lạc, đỗ, đay…) để xuất khẩu đổi lấy máy móc”(4). Để nông nghiệp phát triển tất yếu sẽ theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, và như vậy sẽ thúc đẩy phát triểnkinh tế thị trường, “Vì nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu, đồng thời là một nguồn xuất khẩu quan trọng, nông thôn là thị trường tiêu thụ to nhất hiện nay”(4).

Phát triển nông nghiệp toàn diện sẽ tận dụng tốt mọi tiềm năng về đất đai, sức lao động, sức sáng tạo của quần chúng nhân dân để giải quyết những khó khăn, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, để nông nghiệp thực sự là cơ sở của công nghiệp.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, công nghiệp hóa là tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Song, trong tiến trình công nghiệp hóa, nhất là trong chặng đầu của thời kỳ quá độ phải coi trọng phát triển cả công nghiệp và nông nghiệp. Đảng ta đã vận dụng và phát triển tư tưởng của Người phù hợp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thứ tư, phát triển nền nông nghiệp toàn diện là xuất phát từ đặc điểm tự nhiên phong phú, thuận lợi của đất nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ “Khí hậu nước ta ấm áp cho phát triển quanh năm trồng trọt, thu hoạch bốn mùa. Như thế là thiên thời rất thuận lợi. Vùng đồng bằng miền Bắc tuy ruộng ít, người nhiều nhưng chúng ta trồng xen, tăng vụ thì một mẫu đất có thể hóa ra hai. Miền ngược thì có nhiều vùng đất rộng mênh mông và màu mỡ, tha hồ cho chúng ta vỡ hoang. Như thế là địa lợi rất tốt”(5).

Đồng thời, quan điểm phát triển nền nông nghiệp toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xuất phát từ ý chí tự lực tự cường của dân tộc và cụ thể hóa quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân và điều kiện đất nước khó khăn. Người luôn nhắc nhở “Việc cải thiện đời sống cho nhân dân cũng phải do nhân dân tự giúp mình là chính”(6).

2. Nội dung củanền nông nghiệp toàn diện theo quan điểm của Hồ Chí Minh

Trước hết, nền nông nghiệp toàn diện phải là một nền nông nghiệp có ngành trồng trọt phát triển. Theo Người, trong trồng trọt thì trồng cây lương thực có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi vì “nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực”(7); trong các cây lương thực, thì “sản xuất thóc là chính”(8).

Với Hồ Chí Minh, trồng trọt còn bao gồm cả việc trồng cây công nghiệp. Người đã giành nhiều thời gian đi thăm các địa phương, ở đâu khi nói đến phát triển trồng trọt, ngoài cây lương thực là lúa và hoa màu, Người đều nhắc đến phải trồng cây công nghiệp: “Cây công nghiệp không đạt được kế hoạch thì ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp”(9).

Các cây công nghiệp được Hồ Chí Minh nhắc đến bao gồm rất nhiều loại, như: Cây bông, lạc, vừng… Người đặt vấn đề: “Đây một năm sản xuất bao nhiêu bông? Hai nghìn lương thực mà không có bông thì tức là có ăn chứ chưacó mặc”(10). Người nhắc: “Trồng cà phê, trồng lúa nhưng đồng thời phải chú ý trồng lạc, trồng vừng. Vì lạc, vừng là thứ hàng xuất khẩu rất tốt để đổi lấy máy móc”(11).

Người cũng đòi hỏi phải trồng chè, trồng dâu nuôi tằm, trồng mía, thuốc lá, cây ăn quả, Người đặc biệt coi trọng việc trồng cây lấy gỗ. Chính Người đã phát động tết trồng cây và viết nhiều bài báo tuyên truyền cho phong trào này, tạo nên một phong tục đẹp ở nước ta – phong tục tết trồng cây.

Bên cạnh đó, nền nông nghiệp toàn diện phải có ngành chăn nuôi phát triển.

“Về chăn nuôi, phải chú ý phát triển chăn nuôi càng nhiều càng tốt”(12), vì  “phát triển mạnh chăn nuôi để đảm bảo có thêm thịt ăn, thêm sức kéo, thêm phân bón”(13).

Trong chăn nuôi, Người chú trọng và khuyến khích chăn nuôi trâu, bò, lợn vì trâu, bò, lợn là nguồn lợi lớn, lại là nguồn phân bón cho ruộng nương.

Đồng thời, nông nghiệp toàn diện là phải phát triển lâm nghiệp, trồng cây, gây rừng, khai thác lâm thổ sản có kế hoạch. Người luôn nhắc nhở việc bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng vì “cây và rừng là nguồn lợi lớn”; “phá rừng thì dễ nhưng gây lại rừng thì phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều”(14). Một điều khá lý thú là, khi nói về trồng rừng, Người còn nhắc nhở phải trồng cây ăn quả và cây làm thuốc”(15). Khí hậu và đất rừng của chúng ta có ưu thế là cung cấp rất nhiều cây dược liệu quý, nếu như ta biết bảo vệ và nuôi trồng. Sự quan tâm nhắc nhở của Hồ Chí Minh thật là thấm thía và đúng đắn. Đi đôi với trồng rừng, bảo vệ rừng, Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở đồng bào miền núi trong việc khai thác lâm, thổ sản: “Phải có kế hoạch chu đáo, phải chấm dứt tình trạng khai thác bừa bãi như hiện nay”(16).

Mặt khác, nông nghiệp toàn diện còn phải có ngành ngư nghiệp phát triển và phải phát triển các ngành kinh tế gắn liền với biển.

Cần đẩy mạnh nghề đánh cá, nghề làm muối, nuôi dưỡng và bảo vệ các thứ hải sâm, trân châu,v.v..”(17), là những nghề gắn liền với kinh tế biển mà nước ta có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Người còn dặn dò phải chú ý khoanh vùng giữ cá.

Thêm vào đó, nông nghiệp toàn diện còn bao hàm cả việc chú trọng phát triển nghề phụ gia đình. Người cho rằng, cần “phát triển thích đáng kinh tế phụ gia đình xã viên”, vì “Miếng vườn của mỗi gia đình xã viên và các loại nghề phụ là nguồn lợi để tăng thu nhập”(18).

Cần nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm nền nông nghiệp toàn diện không phải theo lối manh mún, tự cấp, tự túc, mà trên cơ sở có quy hoạch của một nền sản xuất hàng hóa phát triển theo quy mô lớn phù hợp với sự nghiệp công nghiệp hóa.

Vận dụng tư tưởng này của Người vào tình hình hiện nay sẽ giải quyết được nhiều vấn đề bức súc của đời sống xã hội, mà điển hình là:

Thứ nhất, phải lựa chọn những vùng trồng lúa cho tiêu dùng và cho xuất khẩu có năng suất cao nhất, chuyển việc trồng những giống lúa ít hiệu quả sang trồng các cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thứ hai, cần có quy hoạch trong việc trồng cây công nghiệp để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, bảo đảm đời sống của người nông dân.

Thứ ba, cần đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng, tạo lá phổi xanh góp phần cân bằng sinh thái, điều hòa khí hậu, hạn chế lũ, bão, hạn hán.

Thứ tư, cần chú trọng phát triển ngư nghiệp, đánh bắt cá, khai thác hải sản biển vì đó không chỉ là một hướng quan trọng trong việc nâng cao đời sống ngư dân, mà còn là hoạt động cần thiết trong việc tăng cường năng lực bảo vệ biển đảo của đất nước, nhất là trong tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông.

_____________________

(1) Hồ Chí  Minh: Toàn tập, t.11,Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000,tr.25

(2), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 255, 375.

(3), (5), (9), Sđd,, t.11, tr.549, 413,, 413, 913.

(4) (10), (12), (17) (18), (19), (20) Sđd, t.13, tr. 356, 199, 255, 286, 95, 460, 129

(7) Sđd, t.10,  tr. 310.

(8) Sđd, t.13, tr. 63.

(11)  Sđd, t.2, tr. 356.

(14) Sđd, t.10, tr. 626.

(15), (16)  Sđd, t.14, tr. 180, 180.

 

ThS Bùi Văn Hưng

Trường Chính trị Hà Nam

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền