Trang chủ    Thực tiễn    Nâng cao năng lực thực thi công vụ của công chức cấp xã có đông đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng
Thứ hai, 01 Tháng 2 2016 10:07
2677 Lượt xem

Nâng cao năng lực thực thi công vụ của công chức cấp xã có đông đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng

 
(LLCT) Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer nhất cả nước, với hơn 400 nghìn người, chiếm 31,7% dân số toàn tỉnh, tập trung ở 47/109 xã, phường, thị trấn. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hệ thống chính trị của tỉnh không ngừng được củng cố và kiện toàn; chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã (CCCX) nói chung và CCCX ở vùng có đông đồng bào Khmer nói riêng được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính nhà nước.

1. Kết quả đạt được

- Công tác cải cách chế độ công vụ, công chức được các cấp, các ngành quan tâm.

Quyết định 1557/QĐ-TTg ngày 18-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”đã góp phần nâng cao vai trò, nhận thức của chính quyền, đoàn thể trong quá trình thực thi công vụ, tiến tới xây dựng một nền hành chính ở địa phương thật sự chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch và hiệu quả. Đa số CCCX vùng có đông đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh đã được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng,chính sách, pháp luật của Nhà nước;có ý thức tổ chức, kỷ luật, gắn bó mật thiết, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Nhiều CCCX có tinh thầncầu thị, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu trong công tác và học tập, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.

- Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của CCCX không ngừng được nâng cao.

Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh có trên 1 nghìn CCCX, trong đó có 481 CCCX công tác ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống (122 CCCX là người dân tộc Khmer). Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: trình độ trung cấpcó 355 người (74,8%); cao đẳng:12 người(2,4%); đại học:97người (20,2%); tỷ lệ đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của CCCX vào thời điểm năm 2010 chỉ khoảng 60% và hiện nay tăng lên khoảng 97%(1).

- Công tác tuyển chọn, trẻ hóa đội ngũ CCCX được quan tâm.

Năm 2013, Hội đồng tuyển chọn trí thức trẻ đã tuyển chọn được 11 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn mới giai đoạn 2013 - 2020, lựa chọn một số trí thức trẻ ưu tú để bồi dưỡng và bố trí làm CCCX, nhất là các xã có đông đồng bào Khmer (Trung Bình, Lịch Hội Thượng, Vĩnh Hải...).Triển khai Thông báo số 206-TB/TU ngày 14-9-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức thực hiện đề án thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác tại các xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, ngày 11-9-2014, Uỷ ban Nhân dân Tỉnh đã ban hành Quyết định số 376/QĐTC-CTUBND về việc phê duyệt “Đề án thí điểm thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí làm nhiệm vụ công chức tại các xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2014-2018”. Qua đó, tỉnh đã thu hút được 70 ứng viên (16 ứng viên đã trúng tuyển là người Khmer, 10 xã có đông đồng bào Khmer được bố trí, tăng cường các công chức trẻ về công tác). Năm 2015, các ứng viên này đã được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước để bổ sung vào các chức danh CCCX ở các địa phương đã đăng ký.

Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Sóc Trăng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng dành cho cán bộ, CCCX về kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước từng lĩnh vực theo Quyết định số 1956/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ : Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, ưu tiên đối tượng đào tạo, bồi dưỡng là người dân tộc thiểu số.

- Kỹ năng thực thi công vụ của CCCX ở vùng có đông đồng bào Khmer từng bước đượcnâng cao. Giao tiếp với nhân dân có chuyển biến rõ rệt; ý thức trách nhiệmngày càng được tăng cường. Những điều này đãđóng vai trò then chốt trong việc đưa đường lối,chủ trương của Đảng, chính sáchvàpháp luật củaNhà nước đến với nhân dân,đặc biệt là đối với đồng bào Khmer.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập cần phải tập trung khắc phục, đó là:

- Năng lực thực thi công vụ của CCCX chưa đồng đều, chưa hợp lý giữa các nội dung công việc và lĩnh vực.

- Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tác phong làm việc, đạo đức công vụ của một bộ phận CCCX còn hạn chế. Việc tìm hiểu chính sách, pháp luật còn chưa được chú trọng nên xử lý công việc hành chính không đúng, dẫn đến sai phạm. Vẫn còn tình trạng thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, làm giảm lòng tin của nhân dân và  hiệu lực quản lý nhà nước. Mặt khác, vấn đề tu dưỡng, rèn luyện đạo đức công vụ chưa được chú trọng đúng mức. Vẫn còn một số biểu hiện tiêu cực: mất đoàn kết nội bộ; ngại công tác ở vùng có đông đồng bào dân tộc; ngại khó khăn.

- Kỹ năng tham mưu giải quyết công việc, soạn thảo văn bản, hệ thống hóa, thể chế hóa văn bản pháp luật chuyên ngành, phối hợp làm việc... còn hạn chế. Mặt khác, một số CCCX chưa có kinh nghiệm, việc phân công công việc đối với CCCX lại chưa đúng với trình độ chuyên môn, nên không phát huy được khả năng, sở trường. Công tác ở vùng đồng bào dân tộc nhưng một bộ phận CCCX lại không biết tiếng dân tộc nên khó khăn trong giao tiếp, tuyên truyền, thuyết phục người dân.

2. Một số giải pháp nâng cao năng lực thực thi công vụ của công chức cấp xã vùng có đông đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng

Một là, tiếp tục quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer, như: Chỉ thị 68-CT/TW ngày 18-4-1991 của Ban Bí thư về công tác ở vùng đồng bào Khmer; Thông báo số 67/TB-TW ngày 14-3-2007 của Ban Bí thư về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer; Kết luận số 28/KL-TW ngày 14-8-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011 – 2020; các đề án xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Chính phủ...

Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với đội ngũ CCCX vùng có đông đồng bào dân tộc.Để tăng cường năng lực thực thi công vụ của đội ngũ CCCX thì việc quản lý đội ngũ CCCX phải được tăng cường và đổi mới. Có thể thấy rằng, thể chế quản lý công chức hiện nay thường được xây dựng theo hướng tiếp cận từ khoa học pháp luật, chứ chưa quan tâm chú trọng nhiều đến khoa học quản lý. Vì vậy, thể chế quản lý CCCX cần phải được tiếp cận dưới góc độ khoa học quản lý, bảo đảm tính hệ thống, hoàn chỉnh tạo thuận lợi cho sự phát triển của CCCX. Các quy định về mặt thể chế quản lý đối với CCCX cần được thực thi kịp thời, phù hợp với vùng đồng bào Khmer. Đây là điều kiện và là nguồn động viên giúp CCCX phát huy năng lực làm việc. Bên cạnh đó, cần tăng cường các cơ chế, chính sách của Nhà nước liên quan đến đội ngũ CCCX ở vùng có đông đồng bào Khmer, như: tuyển chọn, bố trí sử dụng, đánh giá, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,...

Ba là, làm tốt công tác tạo nguồn, tuyển dụng, quản lý. Công táclựa chọn nguồn CCCX phải chú trọng dự nguồn là người dân tộc Khmer. Xây dựng quy hoạch đồng bộ đối với nguồn CCCX đương chức và nguồn công chức mới được bổ sung. Tăng cường thu hút đội ngũ trí thức trẻ, sinh viên mới tốt nghiệp có đủ năng lực, phẩm chất để bố trí vào một số chức danh nhằm trẻ hóa và từng bước xây dựng đội ngũ CCCX có chất lượng ổn định, lâu dài. Ngoài ra, cầnmở rộng ngành, nghề đào tạo tại cáctrường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, các trường, lớp nội trú cho con em đồng bào dân tộc Khmer để tạo nguồn công chức cho các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Bốn là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thực thi công vụ cho CCCX. Xác định rõ mục tiêu đào tạo, bồi dưỡngđể trang bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng, năng lực thực thi công vụ cho đội ngũ CCCX, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Trong đó, “Cần phải tạo sự chuyển biến sâu sắc trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức theo quy hoạch, theo tiêu chuẩn chức danh, chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong thực hiện chiến lược cán bộ trong giai đoạn mới”(2). Vấn đề cốt lõi là phải đổi mới nội dung chương trình, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với điều kiện công tác thực tiễn của vùng có đông đồng bào dân tộc. Cần quán triệt phương châm gắn lý thuyết với thực tiễn, học đi đôi với hành, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải kết hợp trang bị kiến thức nghiệp vụ, kiến thức pháp luật với việc nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, đặc biệt là kỹ năng thực hành.

Năm là, xây dựng môi trường làm việc thuận lợi cho CCCX. Cải cách chế độ tiền lương, phân công công việc phù hợp với khả năng, năng lực và sở trường của CCCX.Xác định rõ mục tiêu cần đạt được của từng cá nhân, tạo cơ hội thăng tiến cho CCCX. Bên cạnh đó, cần đầu tư trang thiết bị làm việc: máy tính, kết nối internet... Việc ghinhận đóng góp của CCCXvà tăng cường sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền địa phương đối với đội ngũ này hết sức quan trọng.

Sáu là, các cơ quan chức năng cần có sự chỉ đạo quyết liệt, tạo bước chuyển toàn diện về ý thức đạo đức, tinh thần và thái độ phục vụ, trách nhiệm trong công vụ; tác phong làm việc của đội ngũ CCCX để đội ngũ CCCX ngày càng có năng lực, phẩm chất đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

_________________

(1) Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng: Báo cáo thống kê số, lượng chất lượng cán bộ, công chức cấp xã năm 2014.

(2)TS Trần Anh Tuấn (chủ biên): Pháp luật về công vụ, công chức của Việt Nam và một số nước trên thế giới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.83.

ThS Trương Thế Nguyễn

Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền