Trang chủ    Thực tiễn    Xuất khẩu nông sản sang thị trường Liên bang Nga: cơ hội và thách thức
Thứ ba, 26 Tháng 1 2016 10:22
3132 Lượt xem

Xuất khẩu nông sản sang thị trường Liên bang Nga: cơ hội và thách thức

(LLCT) - Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga là sự kế thừa quan hệ hữu nghị Việt - Xô truyền thống. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga phát triển theo cơ chế thị trường và tuân theo các nguyến tắc quốc tế.

Việt Nam hiện là một trong những bạn hàng chính của Nga ở Đông Nam Á, chiếm khoảng 15% kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Nga với khu vực này. Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu, nông sản đóng vai trò chủ lực, chiếm trên 50% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nga. Dự báo trong thời gian tới, các mặt hàng này vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, bởi đây là những mặt hàng mang tính bổ sung trong cơ cấu xuất nhập khẩu của hai nước, có khả năng duy trì lâu dài, bền vững nếu có chiến lược tốt. Do đó, việc xác định rõ cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Nga là hết sức quan trọng.

1. Cơ hội

Một là, tiềm năng thị trường

Các mặt hàng nông sản của Việt Nam có khả năng mở rộng và thâm nhập sâu hơn vào thị trường Ngaso với thị trường các nước khác, bởi những lợi thế sau:

Sức tiêu thụ của thị trường Nga đối với các mặt hàng nông sản rất cao. Nga là thị trường khá mở với sức tiêu thụ lớn, với dân số trên 140 triệu người, thu nhập bình quân đầu người là 17.500 USD/năm. Hằng năm, kim ngạch nhập khẩu của Nga đạt 250-312 tỷ USD, trong đó nhập khẩu nông sản chiếm tỷ trọng đáng kể. Theo số liệu của Bộ Công thương Việt Nam, năm 2012, Nga nhập sản phẩm các loại thịt 6,45 tỷ USD; thủy sản 1,95 tỷ USD; các loại quả 0,5 tỷ USD; cà phê 0,5 tỷ USD; chè 0,63 tỷ USD, đồ gỗ 3,24 tỷ USD.

Thị hiếu tiêu dùng của người Nga đối với các mặt hàng nông nghiệp từ vùng nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Thị hiếu này không chỉ do tính bổ sung về mặt khí hậu, thời tiết mà còn do thói quen tiêu dùng đối với hàng nông sản Việt Nam có được từ quan hệ truyền thống gắn bó nhiều năm giữa hai nước.

Lợi thế từ cộng đồng người Việt Nam hiện sống và làm việc tại Liên bang Nga. Hiện nay, có trên 100 nghìn người Việt Nam đang làm ăn sinh sống tại Liên bang Nga. Đây là lợi thế vượt trội khi thâm nhập vào thị trường Nga.

Lợi thế từ sự chuyển biến quan hệ thương mại thế giới.Hiện nay, quan hệ thương mại giữa Nga với EU và Hoa Kỳ đang có nhiều thay đổi, bất ổn. Việc Nga đáp lại các lệnh trừng phạt của các nước trên bằng lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp như thịt, rau quả từ EU sẽ tăng cơ hội cho hàng nông nghiệp Việt Nam sang Nga. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội này để mở rộng thị trường thì đây sẽ là lợi thế lâu dài cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Hai là, cơ hội từ chính sách hội nhập quốc tế và quan hệ truyền thống giữa hai nước

Hiện nay, Việt Nam và Liên bang Nga đều là thành viên của WTO, do đó hai nước đều phải cam kết cắt giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan để thực hiện tự do hóa thương mại. Theo cam kết của Nga khi gia nhập WTO, thuế các mặt hàng nông sản sẽ giảm từ mức 13,2% xuống còn 10,8%. Trong bốn mức thuế suất nhập khẩu, Nga dành cho Việt Nam chế độ ưu đãi thuế quan đối với các nước đang phát triển ở mức 75% mức thuế cơ sở (104 nước được hưởng mức thuế này).

Việt Nam cũng đang gấp rút tiến hành những vòng đàm phán cuối cùng với Liên minh Hải quan Nga - Bêlarút - Kadắcxtan về hiệp định tự do thương mại, dự kiến sẽ đi đến ký kết vào đầu năm 2015. Hiệp định này được ký kết sẽ tạo lợi thế cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam trên thị trường Nga và các nước trên.

Ba là, cơ hội từ hoạt động đầu tư và du lịch giữa hai nước

Thời gian qua, đầu tư vào một số lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm tại Nga được các doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng người Việt ở Nga quan tâm. Hiện nay, Nga là nước đứng thứ 3 trong số các nước và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư với 17 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 2,4 tỷ USD. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Nga có nhiều thế mạnh về công nghệ, tuy nhiên đầu tư của Nga vào lĩnh vực này ở Việt Nam chưa đáng kể, còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Nếu hai nước cùng hợp tác đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam theo chu trình khép kín từ khâu sản xuất, bảo quản, chế biến, phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng Nga thì lợi ích đem lại cho cả hai nước là hết sức to lớn.

Hợp tác du lịch Nga - Việt Nam hiện phát triển nhanh, mạnh và ổn định. Trong lĩnh vực hợp tác này, hai nước có tiềm năng lớn và có xu hướng phát triển tích cực trong những năm gần đây. Nga chiếm vị trí thứ 4 trong nhóm 10 nước hàng đầu về số lượng du khách tới Việt Nam. Năm 2012, Việt Nam đón 174 nghìn lượt khách Nga, tăng hơn 70% so với năm 2011. Số du khách Nga đến Việt Nam 8 tháng đầu năm 2013 đạt 189,3 nghìn lượt khách, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng cục Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu năm 2015 sẽ đón 350 nghìn lượt khách Nga. Khách du lịch Nga đến Việt Nam có thể thúc đẩy xuất khẩu qua hai kênh: trực tiếp tiêu dùng các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam hay còn gọi là xuất khẩu tại chỗ; và đóng vai trò quảng bá khi trở về nơi họ sinh sống về những mặt hàng trên.

2. Thách thức

Bên cạnh những cơ hội đang mở ra cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam, nhiều thách thức lớn đối với mặt hàng này khi thâm nhập vào thị trường Nga.

Một là, ưu thế cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam còn hạn chế. Sau khi chính thức trở thành thành viên của WTO, Nga đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia và khu vực, mở ra nhiều cơ hội về thị trường, tuy nhiên cũng làm tăng yếu tố cạnh tranh. So với ngành xuất khẩu nông sản của các nước, xuất khẩu Việt Nam còn tồn tại những hạn chế nhất định: thiếu tính cạnh tranh về giá do năng suất sản xuất nông nghiệp còn thấp, chi phí vận chuyển cao, kéo theo giá thành của các mặt hàng xuất khẩu cao. Bên cạnh đó, chất lượng hàng nông nghiệp của Việt Nam cũng còn hạn chế  và không ổn định do sản xuất manh mún, chưa đúng quy trình và chưa được quản lý chặt chẽ. Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chưa đặt trọng tâm vào xây dựng thương hiệu, quảng cáo và đặc biệt là xây dựng kênh phân phối cho nông sản tại thị trường Nga.

Hai là, những rào cản trong chính sách nhập khẩu hàng nông sản của Liên bang Nga hiện nay. Những bất cập trong chính sách và quy định nhập khẩu nông sản hiện hành gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn các quy định về xuất xứ hàng hóa: Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nga muốn được hưởng mức thuế bằng 75% mức thuế cơ sở của Nga thì phải thỏa mãn về xuất xứ trong “Hệ thống ưu đãi phổ cập” GSP của Liên bang Nga, trong đó, có quy định “hàng hóa có xuất xứ toàn bộ tại một nước” thực chất là quy định về hàm lượng nội địa của hàng hóa khi xuất khẩu vào thị trường Nga. Bên cạnh đó, hiện Liên bang Nga vẫn áp dụng thuế hạn ngạch và đánh thuế cao đối với một số mặt hàng nông nghiệp vượt quá hạn ngạch, như thuế suất nhập khẩu trong hạn ngạch đối với thịt bò là 15% và vượt quá hạn ngạch là 55%.

Ba là, sự nhận thức chưa đầy đủ về thị trường Nga. Nhiều năm qua, do quan niệm Liên bang Nga là thị trường dễ tính nên nhiều doanh nghiệp của các nước, trong đó có Việt Nam chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này. Thí dụ, năm 2007, 6 lô hàng thủy sản của 4 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Nga có dư lượng chất bảo quản độc hại vượt quá quy định, gây ra dư luận xấu và tâm lý nghi ngại. Do vậy, từ tháng 12-2008, Liên bang Nga đã tăng cường các rào cản thương mại đối với một số mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt là thủy sản và gạo.

Mặt khác, không ít doanh nghiệp chưa hiểu hoặc chưa quan tâm đến các ưu đãi thuế quan và các điều kiện để được hưởng những ưu đãi đó ở thị trường Nga. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ hoặc còn lúng túng trong triển khai các quy định về xuất xứ và thương hiệu sản phẩm tạo ra lợi thế cạnh tranh độc quyền và niềm tin đối với người tiêu dùng. Điều này khiến họ tự đánh mất lợi thế cạnh tranh về thuế và làm giảm khả năng cạnh tranh hàng hóa.

Bốn là, hạn chế về khả năng tài chính của doanh nghiệp và điều kiện thanh toán, bảo hiểm của cả hai nước. Theo quy định của Liên bang Nga, các công ty chỉ cần có vốn từ 13,5 nghìn USD đã đủ điều kiện được giao dịch kinh doanh xuất nhập khẩu, vì thế số lượng các công ty xuất nhập khẩu tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp có năng lực tài chính tương đối hạn chế, khi buôn bán với doanh nghiệp Việt Nam thường yêu cầu áp dụng hình thức trả chậm từ 6 đến 11 tháng. Phía doanh nghiệp Việt Nam cũng ở trong tình trạng hạn chế về vốn, hơn nữa lại phải vay vốn với mức lãi suất cao hơn nhiều so với doanh nghiệp của các nước khác trong khu vực cùng xuất khẩu nông sản vào Nga. Đây là một trong những hạn chế, lực cản lớn đối với các nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam khi muốn mở rộng quy mô xuất khẩu và giảm giá để cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường Nga.

Một khó khăn khác là việc ký hợp đồng và thanh toán hàng nhập khẩu thường phải thông qua bên trung gian như Mỹ, Xinhgapo, Hàn Quốc, Trung Quốc chứ không giao dịch trực tiếp, nên giá cả cao và khó kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, làm tăng nguy cơ phát sinh rủi ro.

3. Những giải pháp cơ bản nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam vào thị trường Liên bang Nga

Về phía Nhà nước: Tăng cường nghiên cứu và dự báo thị trường đối với các mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực; xây dựng chiến lược cụ thể đối với từng mặt hàng để trên cơ sở đó hoạch định và có chính sách hỗ trợ từ khâu sản xuất - chế biến - bảo quản… Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cấp quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, thiết lập đối tác thương mại ở thị trường Nga. Tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định về môi trường và đặc biệt là xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Nâng cao vai trò của Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - kỹ thuật; phát huy vai trò của Thương vụ Việt Nam tại Nga và cộng đồng người Việt ở Nga trong các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ sản xuất - xuất khẩu nông sản vào thị trường Nga phù hợp với quy định của WTO và lợi thế của từng ngành hàng; xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư đối với Nga vào lĩnh vực nông nghiệp. Phát triển vận tải đường biển để nâng cao năng lực vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam; phát triển kho ngoại quan của Việt Nam tại một số vùng đầu mối nhập khẩu của Nga đối với hàng nông sản.

Về phía doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và nhà sản xuất nông nghiệp:  Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ, lâu dài với các hộ sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị nông sản và chia sẻ trách nhiệm, lợi ích. Kịp thời cập nhật và tận dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Tích cực tham gia các hiệp hội ngành hàng để tạo vị thế cho sản phẩm nông sản trên thị trường Nga, để từ đó mở rộng hoạt động quảng bá cho các mặt hàng nông sản, mở rộng liên kết với cộng động người Việt ở Nga để mở rộng đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu. Đa dạng hóa các hình thức xuất khẩu và thanh toán với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Nga.

_______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2015

PGS, TS NGUYỄN THỊ HƯỜNG

Viện Kinh tế, 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền