Trang chủ    Thực tiễn    Đô thị hóa và phát triển bền vững ở Bình Dương
Thứ tư, 03 Tháng 2 2016 10:57
7609 Lượt xem

Đô thị hóa và phát triển bền vững ở Bình Dương

(LLCT) - Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển công nghiệp năng động của cả nước. Với vị trí thuận lợi, Bình Dương có điều kiện giao lưu kinh tế, văn hóa với các tỉnh và cả nước, thu hút đầu tư, tiếp nhận các thông tin và công nghệ tiên tiến để hình thành các khu công nghiệp và đô thị lớn, có tiềm năng lớn và nhiều lợi thế để tham gia vào quá trình liên kết, hợp tác và phát triển với các địa phương trong nước và quốc tế.

Tỉnh Bình Dương có tốc độ đô thị hóa cao so với trung bình của cả nước: năm 2013, Thành phố Thủ Dầu Một đạt  đô thị loại II, 4 thị xã (Thận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên) đạt đô thị loại IV. Các đô thị ở Bình Dương (khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu liên hiệp công nghiệp - dịch vụ - đô thị) hầu hết có quy mô, diện tích vừa và nhỏ, phân bố chủ yếu theo đơn vị hành chính,tập trung nhiều ở thành phố và thị xã (từ 67,88% - 100%).

Đô thị hóa ở tỉnh Bình Dương là quá trình lan tỏa, sáp nhập các vùng nông thôn lân cận, cấu thành những bộ phận mới của đô thị, từ đơn vị huyện - xã sang đơn vị thị xã - phườngvà phát triển đồng đều theo chiến lược khu vực: phía Nam, phía Bắc và trung tâm với mô hình “chùm đô thị” và đô thị vệ tinh liên kết chặt chẽ trên nguyên tắc “một đô thị ba chiến lược phát triển kết nối với hành lang xanh”.  

1. Đô thị hóa gắn với phát triển bền vững

Đô thị hóa gắn với tăng trưởng kinh tế

Quá trình đô thị hóa gắn liền với CNH, HĐH đã thúc đẩy kinh tế tỉnh Bình Dương phát triển với nhịp đô cao và toàn diện. Tính chung cả giai đoạn 1997 - 2013, tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì ở mức tương đối cao và ổn định, bình quân mỗi năm GDP tăng 14,09%, cao hơn mức bình quân của cả nước và là một trong số ít các tỉnh, thành phố của cả nước dẫn đầu về phát triển kinh tế - xã hội, duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định.

Giá trị sản xuất (GTSX) công nghiệp tăng trưởng cao và liên tục qua các giai đoạn:  32,4%/năm (1997 - 2000),  35,6%/năm (2001- 2005), 20%/năm (2006 - 2010). Năm 2013, GTSX công nghiệp đạt 162.177 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2012, trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,6% (chiếm 68,7%), khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong nước tăng 13,9%  (chiếm 31,3%). Sản xuất công nghiệp đã tạo bước đột phá, góp phần quan trọng thu hút đầu tư, thúc đẩy các ngành khác phát triển.

Các ngành dịch vụ được mở rộng, chất lượng phục vụ được nâng lên rõ rệt, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế và đời sống nhân dân. GTSX dịch vụ tăng cao qua các giai đoạn: 15%/năm (1997 -2000), 15%/năm (2001 -2005), 24,1%/năm (2006 -2010), 22,2%/năm (2011 - 2013). Các hoạt động thương mại, dịch vụ thu hút sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Năm 2012, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 75.145 tỷ đồng (tăng 29,7% so với năm 2011), trong đó: khu vực kinh tế trong nước tăng 30,4%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14%; và đạt 89,544 tỷ đồng (tăng 24,3% trong năm 2013). Kim ngạch xuất khẩu các ngành dịch vụ tăng từ 362,7 triệu USD (1997) lên 8,5 tỷ USD (2010), tăng hơn 23 lần trong vòng 14 năm. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu các ngành dịch vụ đạt 14,443 tỷ USD (tăng 15,7% so với năm 2012), trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,5% (chiếm 81,3%).

Nông nghiệp tuy giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế nhưng GTSX nông, lâm, thủy sản tăng trưởng liên tục qua các năm: 5,5%/năm (1997 - 2000); 6,2%/năm (2001 - 2005), trong đó nông nghiệp tăng 6,1%, lâm nghiệp tăng 4,8%, ngư nghiệp tăng 8%; 4,7%/năm (2006 -2010), trong đó nông nghiệp tăng 4,6%, lâm nghiệp tăng 4,1%, ngư nghiệp tăng 12,4%. GTSX nông nghiệp tăng bình quân 4%/năm (2011 - 2013), trong đó, tỷ trọng trồng trọt chiếm 77%, chăn nuôi chiếm 23%. Riêng năm 2013, GTSX nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3.024 tỷ đồng (tăng 3,7% so với năm 2012).

Hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế then chốt đều có tốc độ tăng trưởng mạnh, trong đó nổi bật là khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng liên tục với nhịp độ cao. Mặc dù ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng thấp hơn hẳn những ngành khác nhưng đóng vai trò quan trọng trong quá trình đảm bảo an ninh lương thực và là trung gian trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.

Đô thị hóa gắn với quá trình công nghiệp hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại

Với phương châm lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị với tổng diện tích 9.073 ha, Bình Dươngđã cơ bản hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng gần 28 khu công nghiệp; có 8 cụm công nghiệp vừa và nhỏ với diện tích trên 600 ha được quy hoạch và xây dựng hạ tầng; cấp phép đầu tư cho 2.136 dự án với tổng vốn đăng ký 19.796,36 triệu USD có tỷ lệ cho thuê đất bình quân đạt 65%; giải quyết việc làm cho 404.298 lao động, hơn 9 nghìn doanh nghiệp trong nước với tổng vốn trên 60 nghìn tỷ đồng. Các khu công nghiệp phát triển đã phát huy hiệu quả,góp phần thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra với tốc độ cao, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, bộ mặt đô thị và nông thôn Bình Dương đã có nhiều sắc thái mới trên con đường CNH, HĐH.

Đô thị hóa góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Bình Dương theo hướng: giảm dần tỷ trọng giá trị nông, lâm, thuỷ sản trong tổng thu nhập quốc dân (GDP) và tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.

Tỷ trọng của ngành công nghiệp - xây dựng tăng 10,9%, từ 50,4% (1997) lên 61,3% (2013), bình quân mỗi năm tăng 0,64%; ngành dịch vụ tăng 8,5%, từ 26,8% (1997) lên 35,3% (2013), bình quân mỗi năm tăng 0,5%; tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm 19,4%, từ 22,8% (1997) xuống  3,4% (2013), trung bình mỗi năm giảm 1,14%;thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Đây là đóng góp đáng kể của quá trình đô thị hóa gắn kết chặt chẽ với công nghiệp hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Đô thị hóa gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.

Tính đến năm 2012, lao động đang làm việc tại Bình Dương là 1.103.444 người, chiếm 63,12% dân số toàn tỉnh, tăng 16,68% so với tỷ lệ lao động đang làm việc năm 1997. Quá trình đô thị hóa góp phần làm tăng tỷ  lệ nguồn lao động so với tổng dân số, đặc biệt  là lao động ở đô thị, do có sự chuyển dịch của lao động từ vùng nông thôn ra thành thị và lao động nhập cư từ các tỉnh, thành trong cả nước đến Bình Dương, đồng thời góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng dần lao động ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần lao động nông nghiệp (Bảng 1).

Bảng 1: Sự chuyển dịch cơ cấu lao động tỉnh Bình Dương 1997 - 2013

Đơn vị tính: %

Năm

Lao động nông nghiệp

Lao động công nghiệp

Lao động dịch vụ

1997

57,93

24,19

5,75

2000

45,45

31,94

6,74

2005

21,01

56,06

9,78

2010

11,72

57,94

13,20

2013

11,2

60

14,2

Nguồn: Tổng hợp của các tác giả

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, giúp tăng thu nhập cho người lao động được tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm. Bình quân hàng năm Bình Dương giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động:  33.000 lao động/năm (2001-2005), 46.500 lao động/năm (2006-2010), 45.000 lao động/năm (2011-2013). Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 38%  (2001-2005) lên 60% (2006-2010) và 64% (2011-2013). Tỉnh chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và bộ đội xuất ngũ.

Đô thị hóa gắn với sự biến đổi về thu nhập của người dân

Công nghiệp hóa - đô thị hóa tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vàthu nhập bình quân đầu người của tỉnh Bình Dương.GDP bình quân đầu người/năm luôn ở mức cao và ổn định, từ 5,8 triệu đồng (1997) lên 15,4 triệu đồng (2005), 30,1 triệu đồng (2010) và 51,7 triệu đồng (2013). Trong giai đoạn 1997 - 2013,GDP/người/năm của Bình Dương tăng gấp 8,9 lần (45,9 triệu đồng).

Mức chênh lệch thu nhập giữa nhóm hộ có thu nhập cao nhất và nhóm hộ có thu nhập thấp nhất năm 2008 là 6 lần, năm 2010 là 7 lần và năm 2012 lại xuống còn 6 lần. Sự chênh lệch về thu nhập những năm tới vẫn còn diễn ra và có chiều hướng tăng nhẹ nhưng vẫn còn ở mức độ cho phép, chưa trở thành mâu thuẫn về lợi ích và vẫn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

2. Một số vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển đô thị bền vững

Quá trình đô thị hóa ở Bình Dương đã góp phần cải thiện môi trường sống của dân cư nội thị, cảnh quan ngày càng được phát triển và đẹp hơn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng được cải thiện đáng kể, nâng cao năng lực sản xuất của các hộ gia đình…, tuy nhiên, còn tồn tại nhiều vấn đềcần giải quyết nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Quá trình đô thị hóa làm cho một bộ phận dân cư nông thôn rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu đất nông nghiệp canh tác, chưa bắt nhịp được với cuộc sống và phương thức sản xuất hiện đại hơn. Cùng với đó là sự di dân từ khu vực nông thôn ra thành thị dẫn đến gia tăng áp lực về việc làm, thu nhập, nhà ở, dịch vụ y tế,… vốn là vấn đề nhức nhối ở các đô thị, có ảnh hưởng lớn đến quá trình tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

Đô thị hóa tác động xấu đến thị trường bất động sản. Tại các khu vực quy hoạch hoặc chờ quy hoạch giá đất tăng cao, một số người dân nông thôn không chú tâm vào sản xuất nông nghiệp mà tranh thủ bán đất hoặc chờ bán đất, làm giảm sức sản xuất trong nông nghiệp, đồng thời  tệ nạn xã hội có cơ hội phát triển do thanh niên nông thôn không được đào tạo nghề, không tìm được việc làm ở thành thị.

Quá trình đô thị hóa tăng nhanh, ngành công nghiệp phát triển kéo theo sự khai thác quá mức nguồn nước ngầm, nước dưới đất bị suy giảm cả về trữ lượng và chất lượng, gây ô nhiễm nước mặt, không khí và ứ đọng chất thải rắn. Mức độ ô nhiễm nước trên mặt có thể dễ dàng nhận thấy qua hiện tượng nước mương ở thành phố có màu đen sẫm. Mức độ suy thoái về trữ lượng và chất lượng nước dưới đất không thể nhận biết ngay bằng mắt thường, nhưng tác hại của nó thì nặng nề và lâu dài. Bên cạnh đó, quy hoạch và đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị của thành phố chậm hơn so với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, đặc biệt là tình trạng yếu kém, lạc hậu của hệ thống cấp, thoát nước, thu gom và xử lý chất thải rắn, hệ thống giao thông.

Đô thị hóa với tốc độ nhanh và sự gia tăng dân di cư từ các tỉnh lân cận về Bình Dương, gây nên sức ép ngày càng lớn về nhà ở, việc làm, thu nhập, giáo dục, y tế vệ sinh môi trường đô thị... Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực không theo kịp được với quá trình đô thị hóa, dẫn đến thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sự quy hoạch thiếu bài bản của các chủ đầu tư góp phần tạo ra sự bất cập giữa cung - cầu về nhà ở. Nhiều chung cư đô thị mọc lên nhưng vẫn “đóng cửa cài then”, chưa có người đến ở, gây ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế xã hội, mất mỹ quan đô thị, đồng thời làm lãng phí lớn tiền, sức lao động và tài nguyên đất.

Do đó, để đảm bảo quá trình đô thị hóa gắn với phát triển bền vững, Bình Dương cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, chú trọng đầu tư vào công nghiệp, tạo công ăn việc làm, thu hút nguồn lao động đến sinh sống và làm việc nhằm thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hoá. Đây là điều kiện tiên quyết để các khu đô thị phát triển bền vững. Tuy nhiên, phát triển kinh tế phải phù hợp với quy hoạch vùng để việc lựa chọn định hướng phát triển các loại kinh doanh, thương mại, dịch vụ được phù hợp.

Thứ hai, coi trọng và tuân thủ cả ba loại quy hoạch: phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất và phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp; trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với các loại quy hoạch của vùng và của cả nước để phát huy lợi thế của tỉnh, đồng thời kết hợp lợi thế các địa phương khác, tạo hiệu quả phát triển cao nhất.

Thứ ba, phát triển đô thị cần phải đi kèm với việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật: phát triển mạng lưới giao thông công cộng, ngầm hóa hệ thống dây điện, bưu chính viễn thông… Theo đó, hệ thống giao thông phải được kết nối đồng bộ với các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, giúp thuận tiện cho việc đi lại, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân và giải quyết được bài toán về nhà ở.

Thứ tư, xây dựng khu thương mại, mua sắm, công viên và các dịch vụ tiện ích để nâng tầm đô thị. Thực hiện xây dựng các dịch vụ phục vụ trong khu công nghiệp như nhà ở cho các chuyên gia, công nhân; cung cấp các dịch vụ tiện ích như khu thương mại, ngân hàng, bưu điện, dịch vụ giao nhận hàng … nhằm tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân đến sinh sống và làm việc, “giữ chân” được nguồn nhân lực đến làm việc và định cư lâu dài.

Thứ năm, tập trung phát triển kinh tế dịch vụ, các ngành công nghiệp công nghệ cao và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tri thức; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước địa phương và vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững; gắn kết các chính sách kinh tế vĩ mô với bảo vệ môi trường.

Thứ sáu, phân bố hợp lý dân cư, quy hoạch phát triển các khu đô thị với các khu dân cư nông thôn dựa vào điều kiện đặc thù của từng địa phương để tránh việc tập trung quá đông dân cư vào các đô thị, dễ nảy sinh nhiều tiêu cực trong phát triển kinh tế tế - xã hội.

Thứ bảy, chính quyền sở tại cần có chính sách trợ giúp người nông dân nhằm bảo đảm ổn định đời sống tối thiểu của người nông dân ở những vùng có diện tích đất đai thu hồi lớn, phục vụ cho quá trình đô thị hóa; tích cực hỗ trợ đào tạo nghề mới, tìm kiếm việc làm ổn định và lâu dài cho người nông dân, đặc biệt là ở những vùng có quá trình thu hồi đất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế diễn ra nhanh. Phát triển đa dạng các loại hình nghề nghiệp trên địa bàn các khu vực nông thôn thông qua các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn, có kế hoạch giúp đỡ những người đã được đào tạo nghề có thể tự mình phát triển nghề nghiệp, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các tổ chức hội, đoàn thể và chính quyền các cấp với các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu lao động để giảm tải áp lực thiếu việc làm ở khu vực nông thôn.

Thứ tám, gắn quy hoạch đô thị hóa với phát triển các ngành nghề, đặc biệt là phát triển các ngành nghề truyền thống của tỉnh. Xây dựng và mở rộng các ngành công nghiệp chế biến và dịch vụ ngay tại nông thôn để thu hút lao động nông nghiệp vào lĩnh vực này với phương châm “ly nông bất ly hương”.

Thứ chín, củng cố hệ thống giáo dục và dạy nghề, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đầu tư kinh phí cho các trung tâm dạy nghề các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề cho người lao động. Đồng thời, chú trọng đầu tư hơn nữa việc đào tạo nghề nông hiện đại cho nông dân, nâng cao kiến thức, hiểu biết về khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và hiểu biết về thị trường để có phương thức sản xuất có hiệu quả; bồi dưỡng kiến thức về xây dựng nông thôn mới để giúp nông dân tham gia vào quá trình xây dựng, phát triển làng xã trong quá trình đô thị hóa hiện nay.

 

PGS, TS Phước Minh Hiệp

Tạp chí Cộng sản

ThS  Bùi Thanh Xuân

Đại học Thủ Dầu Một

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền