Trang chủ    Thực tiễn    An Giang tích cực thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã
Thứ hai, 26 Tháng 8 2019 09:09
1255 Lượt xem

An Giang tích cực thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã

(LLCT) - Việc thực hiện mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã là một trong những thí điểm về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Thực hiện chủ trương trên, An Giang là một trong những địa phương được lựa chọn để thí điểm mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã. Mặc dù đã đem lại một số kết quả bước đầu, song, đây là một vấn đề lớn, nhạy cảm, có liên quan đến cơ cấu tổ chức và hoạt động của tất cả các bộ phận của hệ thống chính trị các cấp. Những ưu điểm cũng như hạn chế của mô hình này chưa được bộc lộ hết, vì vậy, cần tiếp tục thực hiện thí điểm thêm một thời gian nữa để có cơ sở cho việc tổng kết lý luận về mô hình.

Thực hiện mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân là việc xây dựng một hình thức hoạt động mới của cơ quan đảng và cơ quan nhà nước trên cơ sở hợp nhất hai chức danh của người đứng đầu đảng ủy và ủy ban nhân dân. Khi đó, một người sẽ đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ, vừa lãnh đạo công tác đảng vừa lãnh đạo công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Như vậy, việc hợp nhất này sẽ dẫn đến hình thành một mô hình hoạt động còn khá mới mẻ, tuy chưa được luật hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật nhưng đã được các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng cho phép triển khai thí điểm ở một số địa phương có đủ điều kiện.

1. Chủ trương của Đảng về việc thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân

Quan điểm chỉ đạo về việc áp dụng mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã đã có từ sau Đại hội X của Đảng. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa X, Bộ Chính trị đã ra Thông báo số 223-TB/TW ngày 24-2-2009 về thực hiện thí điểm chủ trương đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân ở cấp xã và địa phương không tổ chức hội đồng nhân dân. Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 25-HD/BTCTW ngày 6-3-2009 để triển khai thực hiện trong toàn Đảng. Thông báo của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ: ở 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường chỉ đạo thí điểm từ 20 đến 30% tổng số địa phương; ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thí điểm 2 - 3% tổng số xã, thị trấn. Như vậy, việc thực hiện thí điểm chủ trương này được tiến hành ở cả cấp huyện và cấp xã, nơi có hội đồng nhân dân và nơi không có hội đồng nhân dân. Nhìn chung, các địa phương được chọn thực hiện thí điểm ở giai đoạn đầu đều là những địa phương có kinh tế tương đối phát triển, chính trị - xã hội ổn định, nội bộ đoàn kết, có cán bộ chủ chốt đủ khả năng đảm nhiệm được chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương đã ra Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, trong đó nêu rõ: Thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân ở cấp xã, cấp huyện đối với những nơi có đủ điều kiện; thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương. Thực hiện Kết luận số 64-KL/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Kế hoạch số 07-KH/TU ngày 20-6-2016 về xây dựng đề án của Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Trong đó, mục tiêu cụ thể là “nhân rộng mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã; thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện ở một số địa phương trong tỉnh”. Theo đó, đến giữa năm 2016, mô hình nhất thể hóa này đã được đẩy nhanh và nhân rộng ở cấp xã của tỉnh An Giang và sau đó tiến thêm một bước là thực hiện thí điểm nhất thể hóa đối với cấp huyện.

Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong đó nêu rõ nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với hệ thống tổ chức của Đảng là: “Thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng và Nhà nước” và “thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện”. Do đây là một vấn đề còn khá mới ở nước ta nên Bộ Chính trị đã chỉ đạo các địa phương phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm với những bước đi thích hợp, lựa chọn thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện trước, sau đó mới nghiên cứu áp dụng trên phạm vi rộng hơn. Theo đó, Ban Tổ chức Trung ương có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bổ sung, sửa đổi theo thẩm quyền; đồng thời sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các mô hình thí điểm làm căn cứ đề xuất từng bước nhân rộng những mô hình phù hợp, hiệu quả.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Chương trình hành động số 19-CTr/TU ngày 19-4-2018, trong đó chủ trương đến hết năm 2020 thực hiện mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân ở 100% xã, phường, thị trấn. Tiếp đó, Thường trực Tỉnh ủy cũng ra kết luận về một số chủ trương cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập thông qua Thông báo số 166-TB/TU ngày 26-7-2018; giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành hướng dẫn khung cho các địa phương, đơn vị xây dựng quy chế làm việc ở những nơi thực hiện chủ trương thí điểm. Trên cơ sở đó, các địa phương cấp huyện, cấp xã cũng tiến hành khẩn trương việc xây dựng đề án về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hoạt động của mình và đẩy nhanh thực hiện thí điểm trong toàn tỉnh.

2. Việc triển khai thực hiện mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã ở tỉnh An Giang

Tỉnh An Giang có 2 thành phố, 1 thị xã, 8 huyện, trong đó có 156 đơn vị hành chính cấp xã (16 thị trấn, 21 phường và 119 xã). Tính đến tháng 12-2018, toàn Đảng bộ tỉnh có 16 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 11 đảng bộ huyện, thị, thành phố và 5 đảng bộ khối, ngành; 878 tổ chức cơ sở đảng (546 chi bộ và 332 đảng bộ cơ sở); 3.344 tổ chức đảng dưới cơ sở (3.317 chi bộ và 27 đảng bộ bộ phận), với 62.331 đảng viên.

Thực hiện Hướng dẫn số 25-HD/BTCTW, ngày 6-3-2009 của Ban Tổ chức Trung ương, Tỉnh ủy An Giang đã ban hành kế hoạch chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân xã, bước đầu đã chọn 16/156 đảng bộ cơ sở cấp xã (12 xã, 1 phường, 3 thị trấn, chiếm 10,3%) thực hiện thí điểm mô hình.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 84/156 xã, phường, thị trấn (chiếm 53,84%) đang thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã. Theo số liệu thống kê đến tháng 12-2018, An Giang hiện có 11/11 huyện, thị xã, thành phố thực hiện mô hình trên đối với cấp xã, trong đó có những huyện đạt tỷ lệ rất cao, như thành phố Long Xuyên 13/13 xã, phường (đạt 100%); huyện Châu Phú 13/13 xã, thị trấn (đạt 100%); thị xã Tân Châu 14/14 xã, phường (đạt 100%)... Dự kiến đến năm 2020 sẽ có 156/156 xã, phường, thị trấn ở An Giang thực hiện mô hình này. Riêng về mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, hiện tỉnh đã thực hiện ở 3 huyện là Long Xuyên, Châu Phú và Tri Tôn. Song song với việc thí điểm mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch, An Giang cũng mạnh dạn thí điểm chủ trương chọn bí thư cấp ủy không là người địa phương để đưa ra bầu. Kết quả, đến nay đã có 132/156 đảng bộ cấp xã (chiếm 84,62%) áp dụng chủ trương này. Qua Đại hội đảng bộ cơ sở cũng như kỳ họp đầu tiên của hội đồng nhân dân xã (nhiệm kỳ 2016-2021), các đồng chí được giới thiệu bầu cử đồng thời 2 chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân xã, đều trúng cử với số phiếu tín nhiệm cao. Nhìn chung, các đồng chí được bố trí bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã đều có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên và đều đã từng đảm nhiệm các vị trí về công tác đảng, công tác chính quyền. Các đơn vị được chọn làm thí điểm đại diện cho các vùng, miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau (đô thị, nông thôn, đồng bằng, miền núi, biên giới, cù lao), bộ máy hành chính có những đặc thù khác nhau (phường - thị trấn - xã) để làm cơ sở cho việc sơ kết, rút kinh nghiệm chỉ đạo chung sau thí điểm.

Thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã là một vấn đề mới, chưa được quy định trong Điều lệ Đảng và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, do đó phải thực hiện thí điểm trước để rút kinh nghiệm, nếu phù hợp sẽ nhân ra diện rộng. Do đó, An Giang hiện đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng mô hình để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các mặt công tác của địa phương.

3. Một số khó khăn và kinh nghiệm bước đầu

Trong thực tiễn thực hiện chủ trương của Đảng, bên cạnh những thuận lợi như sự quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy thì các địa phương cũng đang gặp phải một số khó khăn:

Thứ nhất, bài toán nhân sự trong việc lựa chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ là một thách thức đối với nhiều địa phương, như: chọn người tại chỗ hay nơi khác điều về, bố trí cán bộ dôi dư như thế nào, quy hoạch nguồn kế thừa ra sao... Bởi vì cán bộ là cái gốc của mọi công việc nên sự thành công hay thất bại của mô hình thí điểm phụ thuộc rất lớn vào công tác cán bộ. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, đảng viên nhìn chung còn nhiều hạn chế, xét cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu còn nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, chưa ngang tầm với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để chọn được một cán bộ vừa đảm đương được cả “vai bí thư” và “vai chủ tịch” đòi hỏi người đó phải có kinh nghiệm trên cả 2 lĩnh vực, phải có đủ bằng cấp chuyên môn, tiêu chuẩn về lý luận chính trị và quản lý hành chính nhà nước. Điều này đặt ra khó khăn cho một số địa phương, nhất là cấp xã, vốn trước nay ít được ưu tiên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng (cử cán bộ đi học) như ở cấp huyện hay cấp tỉnh.

Thứ hai, tâm lý băn khoăn của một bộ phận cán bộ, đảng viên cũng ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch. Vì đây là mô hình mới, là cách làm mới nên không tránh khỏi phát sinh những vấn đề mâu thuẫn với cái cũ - vốn đã tồn tại nhiều năm và đã ăn sâu vào thói quen, nhận thức của cán bộ, đảng viên. Tâm lý ngại thay đổi, ngại áp dụng cái mới đã tác động tiêu cực đến quá trình thực hiện nhất thể hóa. Bản thân thuật ngữ “thí điểm” cũng dễ dẫn đến cách hiểu coi đây chỉ là mô hình tạm thời, có thể áp dụng hoặc không áp dụng tiếp (giống như việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân ở quận, huyện, phường trước đây). Nếu công tác tuyên truyền ở địa phương không tập trung vào những mặt tích cực của mô hình thì rất dễ dẫn đến tâm lý bài xích, chống đối trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong thí điểm mô hình này ở một số tỉnh.

Thứ ba, sức ỳ trong sự vận hành của bộ máy hành chính nhà nước nói riêng và tổ chức hệ thống chính trị ở nước ta nói chung là rất lớn. Trong khi đó xu hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho cơ sở làm cho khối lượng công việc ở cấp xã càng nhiều lên, áp lực công việc tăng lên nhưng chủ trương thí điểm mô hình nhất thể hóa này chưa được kết hợp chặt chẽ với chương trình cải cách hành chính và đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị. Vì đồng thời đảm nhiệm 2 chức vụ nên các cuộc họp liên quan đến công tác đảng và công tác quản lý nhà nước đều cần đến đồng chí bí thư - chủ tịch. Mặc dù các cuộc họp hiện nay đã được đổi mới và giảm bớt nhiều nhưng có những cuộc họp vẫn cần tư cách bí thư hoặc chủ tịch đích thân tham dự chứ không thể ủy quyền. Ngoài ra, các điều kiện đảm bảo cho chức danh bí thư - chủ tịch mới chưa được quy định cụ thể, đồng bộ như: vấn đề lương, phụ cấp, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác...

Thứ tư, khó đánh giá, xác định vấn đề độc đoán, chuyên quyền trong lãnh đạo, điều hành ở cấp cơ sở. Đã có một số lo ngại về vấn đề lạm quyền khi quyền lực tập trung vào một người nhưng trên thực tế rất khó xác định có phát sinh lạm quyền hay không. Bởi vì tính chất hoạt động của cơ quan Đảng là theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, còn tính chất hoạt động của cơ quan nhà nước là theo nguyên tắc thủ trưởng quyết định. Khi ở vai bí thư, đồng chí này phải lấy ý kiến trong tập thể đảng ủy hoặc ban thường vụ, nhưng khi ở vai chủ tịch thì đồng chí có quyền tự quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền. Nếu như trước đây có sự giám sát lẫn nhau giữa bí thư và chủ tịch thì giờ đây vai trò đó được giao cho Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và bí thư, chủ tịch cấp trên. Tuy nhiên, khả năng giám sát của Mặt trận Tổ quốc cùng cấp cũng còn hạn chế, không phải nơi nào cũng có đủ bản lĩnh và dũng khí khi góp ý cho đồng chí bí thư - chủ tịch của mình.

Có thể nói, áp dụng mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch trong giai đoạn hiện nay là một chủ trương đúng đắn của Đảng. Tuy nhiên, không phải tất cả các địa phương đều thuận lợi trong việc thí điểm áp dụng mô hình này bởi vì giải quyết được bài toán nhân sự là vấn đề khó nhất. Đối với An Giang, hiện nay tỉnh đã bước vào giai đoạn đẩy nhanh việc thực hiện mô hình hợp nhất hai chức danh của người đứng đầu đảng ủy và ủy ban nhân dân cấp xã để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc thí điểm được tiến hành nhanh chóng theo quan điểm chỉ đạo của Trung ương. Để khắc phục những khó khăn nêu trên, đảm bảo cho chủ trương của Trung ương được triển khai thực hiện, tỉnh An Giang đã đúc rút một số kinh nghiệm sau:

Một là, khi áp dụng việc nhất thể hóa 2 chức danh bí thư và chủ tịch, việc sắp xếp, bố trí nhân sự phụ trách nên do đảng ủy cấp trên quyết định, nhưng có tính đến đặc thù của địa phương. Ví dụ, đối với các xã vùng dân tộc phải chú ý cơ cấu người dân tộc thiểu số tham gia vào bộ máy lãnh đạo, quản lý. Một điểm cần lưu ý đó là nhiệm vụ và vai trò của người đứng đầu cấp xã vẫn không thay đổi, chỉ có khác so với những nơi không áp dụng thí điểm đó là người đứng đầu này phải cùng lúc làm nhiều việc hơn, cùng lúc gánh vác vai trò vừa là bí thư đảng ủy và vừa là chủ tịch ủy ban nhân dân xã. Do đó, khi lựa chọn nhân sự lãnh đạo, đồng chí này phải là người có kinh nghiệm trong công tác đảng và công tác quản lý nhà nước, có uy tín và khả năng quy tụ, đoàn kết cán bộ, đảng viên trong đảng bộ và trong công tác vận động nhân dân ở địa phương.

Hai là, khi thực hiện thí điểm cần giữ vững các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của cơ quan Đảng và cơ quan nhà nước; nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị song song với đề cao tính kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ pháp luật. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Trung ương, đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương; xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu. Bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút người có đức, có tài; bố trí đủ nguồn lực cần thiết và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp.

Ba là, khi chọn những đơn vị thực hiện thí điểm chủ trương này thì đầu tiên là lựa chọn những đơn vị có cán bộ đủ khả năng đảm nhiệm được hai chức danh trên. Để đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ của cả hai chức danh, kinh nghiệm từ các địa phương chỉ ra rằng cần cơ cấu đồng chí phó bí thư thường trực cấp ủy kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân và có kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước để có khả năng điều hành công việc chung khi đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân đi vắng. Một đồng chí phó bí thư khác phụ trách công tác đảng, mặt trận và các đoàn thể. Đối với những xã loại I được phép cơ cấu 2 phó chủ tịch ủy ban nhân dân thì một đồng chí phụ trách kinh tế và một đồng chí phụ trách văn hóa, xã hội. Ngoài ra, cần ưu tiên lựa chọn những đơn vị mà sau khi thực hiện thí điểm “nhất thể hóa”, đồng chí bí thư hoặc chủ tịch ủy ban nhân dân không tiếp tục đảm nhiệm chức vụ cũ có đủ điều kiện để bố trí công tác khác phù hợp hoặc chuẩn bị nghỉ hưu.

Bốn là, phải kịp thời xây dựng các quy chế làm việc, quy chế phối hợp trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị ở địa phương. Theo quy định, sau khi kiện toàn chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân ở địa phương nào thì cấp ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân ở địa phương đó phải xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc. Quy chế làm việc của mỗi tổ chức phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các mối quan hệ công tác của cá nhân người đứng đầu với cấp ủy, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Cụ thể là mối quan hệ giữa bí thư với ban thường vụ và với cấp ủy; giữa chủ tịch ủy ban nhân dân với hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân; giữa đảng ủy, ủy ban nhân dân với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương. Cấp uỷ, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc.

Năm là, cần tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương cấp trên (cấp tỉnh, cấp huyện) và nâng cao vai trò giám sát của hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc cùng cấp (cấp xã) trong việc tổ chức thực hiện mô hình này, kịp thời khắc phục những biểu hiện tiêu cực, chủ động phòng ngừa tình trạng quan liêu, độc đoán, lạm quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền sâu rộng chủ trương này trong nhân dân, khuyến khích và tăng cường vai trò giám sát của nhân dân đối với hệ thống chính trị ở cơ sở.

Sáu là, các cấp ủy đảng ở cơ sở cần tổ chức nghiên cứu, quán triệt kỹ chủ trương của Trung ương và sự chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh ủy, huyện ủy (thành ủy, thị ủy) để tạo sự thống nhất trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương về mục đích, yêu cầu, nội dung và phương pháp tiến hành. Các cấp ủy cấp trên cần tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, kịp thời uốn nắn những sai sót, lệch lạc trong quá trình thực hiện ở cấp dưới; sau khi thực hiện thí điểm cần kịp thời sơ kết, rút kinh nghiệm báo cáo về cấp ủy cấp trên theo quy định.

Để đẩy nhanh thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã ở tỉnh An Giang đạt hiệu quả cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Các cấp ủy cần lãnh đạo tập trung, thống nhất, trong xây dựng kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Đối với những việc đã rõ, cần thực hiện thì thực hiện ngay; đối với những việc mới, chưa được quy định, hoặc những việc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn chỉ đạo điều chỉnh, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; đối với những việc chưa rõ, phức tạp, nhạy cảm, còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để có chủ trương, giải pháp phù hợp.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 4-2019

ThS Phan Thị Hoàng Mai

Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền