Trang chủ    Bài nổi bật    Mối nhân duyên giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước Ấn Độ
Thứ ba, 24 Tháng 12 2019 14:50
2555 Lượt xem

Mối nhân duyên giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước Ấn Độ

(LLCT) - Tôi phải thừa nhận rằng, tôi không phải là một học giả, nhưng tôi lại nghiên cứu chuyên sâu về chính trị thế giới, bao gồm cả những vấn đề hiện nay. Tôi đã có ấn tượng mạnh với một số chính khách vĩ đại như George Washington, Jawaharlal Nehru, Fidel Castro, Gamal Abdel Nasser, Marshal Tito, v.v.., nhưng tôi xin thú nhận một cách thẳng thắn rằng, chính những phẩm chất tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những tư tưởng, quan điểm và phong cách sống của Người, đã làm cho Người trở nên khác biệt so với những chính khách khác.

 

Ở Ấn Độ, có hàng tá những cuốn sách về Các Mác, Lênin, Mao Trạch Đông, v.v.., nhưng lại hiếm có cuốn sách nào viết về Hồ Chí Minh và những tư tưởng, quan điểm của Người. Số lượng sách về Người ở Ấn Độ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Tác giả, với sự khiêm nhường, mong có thể nhận được sự khen ngợi vì đã viết tiểu sử của Hồ Chí Minh bằng tiếng Hindi và tiếng Anh.

Tôi đã quan sát rất tỷ mỷ và nhận ra rằng, Hồ Chí Minh có sự liên quan mật thiết hơn nhiều với Ấn Độ, kể cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Ví dụ, Hồ Chí Minh là người đầu tiên nói rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là giáo điều hay Kinh thánh cần phải tuân theo một cách mù quáng. Người tin vào việc vận dụng nó dựa trên nền tảng thực tiễn của từng quốc gia cụ thể. Người cũng nói rằng, cuộc cách mạng thế giới có lẽ sẽ không diễn ra cùng một lúc. Người không chỉ đưa ra những quan điểm của mình mà còn vận dụng một cách thành công chính những quan điểm này theo thời gian ở đất nước quê hương của Người.

Hồ Chí Minh không chỉ là một chính khách vĩ đại và thành công mà Người còn có nhiều biệt tài và phẩm chất đáng quý. Người là một chiến sĩ và chiến lược gia về chiến tranh du kích. Người là một nhà soạn kịch, diễn viên cũng như đạo diễn. Người còn là một nhà thơ, sáng tác nên những ca khúc có thể khơi dậy tình cảm và tinh thần của dân tộc mình để chống lại sự áp bức cũng như bất kỳ sự can thiệp và xâm lược nào từ nước ngoài. Hồ Chí Minh là một người đầy hoài bão lớn lao, và từ thuở thiếu thời, Người đã cháy bỏng khát vọng giành độc lập cho  dân tộc, giành ấm no, hạnh phúc cho đồng bào của mình.

Trong thời gian Người lưu lại ở Sài Gòn trước khi ra nước ngoài, nhà Gupta, một gia đình thương nhân Ấn Độ, đã sống ở đó nhiều năm, đã giúp đỡ Hồ Chí Minh, lúc đó được biết đến với cái tên Nguyễn Tất Thành. Có vẻ như đây là lần gặp gỡ dễ chịu đầu tiên giữa Hồ Chí Minh và một người Ấn Độ, và đã để lại cho Người ấn tượng về đất nước Ấn Độ sâu sắc mãi về sau.

Tháng 6 -1911, với tư cách là phụ bếp trên một con tàu buôn Pháp, Người rời quê hương để đến nhiều quốc gia như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuynidi, Cônggô, Dahomey, Xênêgan... Người còn vượt cả Đại Tây Dương để đến thành phố New York, Boston, Rio de Janeiro và Buenos Aires. Người đã thực sự xót xa khi trông thấy những người lao động trở thành nạn nhân của sự áp bức và bóc lột ở khắp mọi nơi, và điều này giúp Người đưa ra kết luận rằng “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”.

Để thực hiện những bước chuẩn bị cần thiết cho phong trào cách mạng ở Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đó, Người đã có được thành công bước đầu với việc mở lớp huấn luyện chính trị cho những thanh niên Việt Nam sống ở nước ngoài. Tháng 6-1925, Người đã sáng lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, và ngày càng có nhiều người từ Việt Nam tham gia vào lớp huấn luyện. Trong thời gian lưu lại Quảng Châu, Hồ Chí Minh đã xuất bản cuốn sách Đường Cách mệnh và tờ báo Thanh niên. Điều này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc vạch ra đường lối cách mạng Việt Nam mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho tầng lớp lao động bị áp bức trên thế giới.

Trong thời gian đó, Hồ Chí Minh tiếp tục đi đến rất nhiều nơi, như Liên bang Xô Viết, Đức, Pháp, Thụy Sỹ, Ý, Xri Lanca và Thái Lan. Người cũng đã xuất bản rất nhiều tác phẩm của mình. Những bài viết cho Tạp chí Quốc tế Pháp bao gồm những bài báo về phong trào nông dân và công nhân Ấn Độ cũng như về những tội ác của chế độ thực dân Pháp.

Hồ Chí Minh có hiểu biết rất sâu rộng về đất nước cũng như những điều kiện của Ấn Độ. Người đã viết nhiều bài luận dưới nhiều bút danh khác nhau để ủng hộ phong trào tự do của Ấn Độ cũng như chống lại chính sách áp bức của người Anh. Ví dụ, năm 1918, Người đã viết về phong trào phi bạo lực của Ấn Độ chống lại thực dân Anh cũng như ủng hộ cuộc biểu tình trong toàn ngành công nghiệp dệt may ở Ahmedabad và Bombay.

Mặc dù chưa có cơ hội được gặp Gandhi, Người vẫn dành cho ông một sự kính trọng đặc biệt. Và tuy có những nhận định riêng về thuyết phi bạo lực của Gandhi, Người vẫn ủng hộ phong trào phi bạo lực của ông ở một mức độ nhất định. Cả hai người đã không trao đổi nhiều thư từ qua lại, trừ một lần Hồ Chí Minh gửi thư chúc mừng đến Mahatma Gandhi nhân dịp sinh nhật lần thứ 77 của ông.

Năm 1946, trên đường đến Pari để đàm phán, máy bay chở Người đã hạ cánh ở Sân bay Calcutta (Dum Dum) để nạp thêm nhiên liệu. Người đã nghỉ qua đêm ở khách sạn Great Eastern (hiện tại là khách sạn Lalit Great Eastern). Theo yêu cầu của Ủy ban Đoàn kết Ấn-Việt, mới đây ban quản lý khách sạn đã rất thiện ý dựng lên một tấm bảng để kỷ niệm sự kiện này.

Văn phòng của Đảng Cộng sản Ấn Độ thống nhất được đặt tại hẻm Dacres, cách khách sạn Great Eastern khoảng 400 mét. Không ai biết được làm thế nào Bác Hồ đã biết điều đó và Người đã đến thăm văn phòng của Đảng Cộng sản Ấn Độ mà không báo trước. Một vài nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Ấn Độ lúc bấy giờ bao gồm cả Jyoti Basu lúc đó đang uống trà và trò chuyện thì đột nhiên thư ký riêng của Bác Hồ thông báo rằng “Xin hãy gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam”. Mọi người có mặt ở đó đều sững sờ một lúc, rồi họ mời Người ngồi xuống và trà được rót ra chiếc chén bằng đất nung. Bác Hồ đã ở lại đó khoảng nửa tiếng đồng hồ và có một cuộc thảo luận chi tiết với những nhà lãnh đạo cộng sản Ấn Độ. Và họ đã rất bất ngờ khi nhận thấy rằng Người có hiểu biết sâu sắc về tình hình của Ấn Độ. Cuối cùng, Người tâm sự rằng việc văn phòng của Đảng Cộng sản Ấn Độ tọa lạc ở một con ngõ hẹp chỉ có một lối ra duy nhất và cách Nhà Thủ Hiến cũng như Trụ sở Cảnh sát chỉ có vài mét sẽ không an toàn về mặt chiến lược. Trong trường hợp cảnh sát đột kích thì sẽ khó mà thoát được.

Hồ Chí Minh cũng nắm rõ những vấn đề mà Ấn Độ đang phải đối mặt và trong hai chuyến thăm Ấn Độ năm 1946 và 1958, Người đã để lại một dấu ấn và ảnh hưởng không thể phai mờ trong tâm trí và trái tim của người dân Ấn Độ, những người rất ngưỡng mộ và kính trọng Người vì Người luôn vững vàng ủng hộ Ấn Độ dù là trong vấn đề Kashmir hay Goa. Người đã được Mahatma Gandhi truyền cảm hứng và cũng có một tình bạn thắm thiết với Nehru. Đồng thời, Người luôn ủng hộ mối quan hệ bền chặt giữa người dân hai nước Ấn Độ và Việt Nam.

Năm 1937, Bác Hồ đã gặp gỡ Motilal Nehru, cha của Jawaharlal Nehru, trong một Hội nghị Hòa bình Quốc tế ở Brúcxen, tại đó họ đã trao đổi chi tiết về Ấn Độ và Việt Nam. Khi Người gặp Jawaharlal Nehru năm 1954 tại Hà Nội, Người đã nhắc lại một cách chi tiết những trao đổi của mình với ông Motilal Nehru. Cũng thật bất ngờ, Nehru đáp lại rằng cha của ông cũng đã kể cho ông nghe về cuộc gặp gỡ với Bác Hồ, nhưng chưa được chi tiết như vậy. Ông đã rất ngưỡng mộ trí nhớ tuyệt vời của Bác Hồ.

Bác Hồ cũng rất quan tâm đến tình hình đang diễn ra tại Ấn Độ. Người đã viết nhiều bài báo để ủng hộ cuộc đấu tranh của người dân Ấn Độ chống lại thực dân Anh; ủng hộ cuộc đình công của công nhân ngành dệt may ở Ahmedabad và Bombay; ủng hộ phong trào phi bạo lực được khởi xướng bởi Mahatma Gandhi năm 1919. Ngoài những bài báo kể trên, Người cũng đã viết nhiều bài báo cho các báo và tạp chí khác nhau để ủng hộ cuộc đấu tranh ở Ấn Độ.

Trong thời gian đó, phương tiện liên lạc chưa mấy phát triển. Giới truyền thông nước ngoài cũng không cho rằng những sự kiện ở Ấn Độ đáng để đưa tin. Thêm vào đó, bất cứ tin tức nào của Ấn Độ được công bố trên các phương tiện truyền thông nước ngoài thì cũng phải vài ngày sau khi xảy ra mới được đưa tin. Người đã viết những bài báo về những sự kiện xảy ra ở Ấn Độ dựa trên bất kỳ tin tức ít ỏi nào Người nắm được qua truyền thông.

Calcutta có sợi dây gắn kết tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Nhân đây, tôi xin được nhắc đến một vụ việc xảy ra khi hàng nghìn thanh niên, sinh viên tập trung trước Tòa nhà điều hành của Đại học Calcutta và quyết tâm diễu hành về phía phố Dharamtalla bất chấp sự ngăn cản của cảnh sát để bày tỏ tình đoàn kết với đất nước và nhân dân Việt Nam đang chiến dấu chống lại thực dân Pháp. Cảnh sát lathi đã nổ súng vào các sinh viên đang biểu tình. Hai sinh viên đã thiệt mạng và 21 người khác đã bị thương trong vụ nổ súng của cảnh sát.

Ngay ngày hôm sau, đã có một cuộc biểu tình ở Bengal để phản đối việc nổ súng của cảnh sát và sự tàn bạo đối với các sinh viên.

Phong trào đoàn kết này tiếp tục kéo dài đến năm 1975 khi chiến tranh kết thúc và Việt Nam được thống nhất.

Hồ Chí Minh rất quan tâm đến cuộc sống của những người dân bị áp bức trên thế giới và luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Ấn Độ. Trong thời gian thụ án ở Trung Quốc, Người đã viết một bài thơ gửi tới Jawaharlal Nehru, lúc này cũng đang bị giam cầm ở Ấn Độ, để bày tỏ sự ủng hộ và cảm thông về mặt tinh thần:

Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động,

Anh phải vào lao, tôi ở tù;

Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt,

Không lời mà vẫn cảm thông nhau(1).

Những sự kiện kể trên đã cho thấy Hồ Chí Minh có một sự gắn kết đặc biệt với đất nước và nhân dân Ấn Độ. Người đã luôn ủng hộ cuộc đấu tranh tự do của Ấn Độ và bất cứ sự nghiệp nào của Ấn Độ trên trường quốc tế.

Nhận lời mời của Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Ấn Độ trong chuyến thăm cấp nhà nước từ ngày 4-2 đến ngày 17-2-1958, và Người đã để lại ấn tượng bất diệt về lối sống giản dị, sự hòa nhã và sự niềm nở đối với người dân Ấn Độ mà đến giờ vẫn còn được nhắc đến. Trong khi di chuyển từ Delhi đến Agra bằng tàu lửa, Người đã ôm người lái tàu. Còn khi ở Calcutta, Người đã ngồi xổm trên sàn nhà Raj Bhawan để chụp ảnh cùng các nhân viên cấp dưới. Đó là một cử chỉ không thường thấy ở các nguyên thủ quốc gia khi đến thăm nước khác.

Ngày 4-2-1958, chuyên cơ chở Chủ tịch Hồ Chí Minh hạ cánh tại sân bay Palam, New Delhi, nơi Người được Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, và các thành viên nội các, cùng với ông Lal Bahadur Shastri, ông V.K.Krishna Menon và cả bà Indira Gandhi, con gái của Thủ tướng Jawaharlal Nehru, v.v.. đón tiếp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được chào đón đặc biệt nồng nhiệt, điều chưa từng có trước đây với các nguyên thủ quốc gia nước ngoài đã từng đến thăm.

Mặc dù bị sốt nhẹ, Tổng thống Rajendra Prasad vẫn dự định tổ chức một bữa tối theo nghi thức để thể hiện sự trân trọng dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng khi được biết về tình hình sức khỏe của Tổng thống Prasad, Người đã một mực yêu cầu ông nghỉ ngơi thay vì phải có mặt trong bữa tối. Đó chính là tình cảm mà hai nhà lãnh đạo đã dành cho nhau.

Ngày 7-2-1958, trong lúc phát biểu tại một cuộc họp báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố rằng, “Goa nên được trả lại cho Ấn Độ...”. Trong một cuộc họp báo khác, Người nói rằng, “Một vài người bạn đã hỏi tôi vì sao tôi không nhắc đến Kashmir... Thực ra, Thủ hiến của Kashmir và vợ đã gặp gỡ và mời tôi đến Kashmir. Họ còn trẻ và rất hòa nhã. Họ nói rằng, Kashmir là nơi đẹp nhất ở Ấn Độ và trên thế giới. Tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi cho rằng, đây là một câu hỏi riêng tư, không cần phải xuất hiện trên báo chí, nhưng vì các bạn đã hỏi tôi nên tôi phải trả lời” (từ các văn bản chính thức).

Trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 10 ngày ở Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tận dụng mọi phút giây để có thể hiểu rõ hơn về nền kinh tế của Ấn Độ và sự phát triển của nó thông qua những chuyến thăm tới các đập, nhà máy, trang trại sữa, trung tâm nghiên cứu y tế, v.v.. Người đã gặp những nhà lãnh đạo chính trị Ấn Độ thuộc các đảng khác nhau, chính phủ, cán bộ, những người dân, gồm có tài xế lái xe riêng cho Người, người lái tàu hỏa, những nhân viên cấp thấp và những nhân viên tiếp đón của Chính phủ Ấn Độ.

Bất cứ nơi nào Người đến thăm, bất cứ ai Người gặp gỡ, đều để lại một ấn tượng bất diệt và tất cả đều bị cuốn hút bởi tính cách hòa nhã của Người.

Người rất ghét thói cư xử và hành vi trưởng giả, và Người cũng thường bỏ qua những nghi thức theo quy định. Năm 1958, trong chuyến thăm chính thức của Người tới Ấn Độ, thảm đỏ đã được trải ra để vinh danh Người, nhưng Người đã từ chối bước đi trên đó và cũng tế nhị từ chối ngồi vào chiếc ghế ngai vàng khảm vàng và bạc trong một sự kiện cấp nhà nước được tổ chức để vinh danh Người bất kể lời yêu cầu của Thủ tướng Jawaharlal Nehru.

Trong thời gian lưu lại Ấn Độ, Người không chỉ đi thăm những địa điểm du lịch nổi tiếng như Taj Mahal, v.v.. mà Người còn quyết tâm ghé thăm và nhìn tận mắt các đập, các ngành công nghiệp và các trung tâm nghiên cứu khoa học khác nhau. Người đã liên tục đặt ra những câu hỏi để có kiến thức chuyên sâu, và một câu Người thường hay hỏi ở bất cứ nơi nào Người đến thăm, đó là liệu có thể có sự hợp tác Ấn - Việt trong những lĩnh vực cụ thể tương ứng hay không.

Trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ, Người chọn cách phát biểu ứng tác chân thành thay vì đọc những bài phát biểu trang trọng đã được chuẩn bị sẵn.

Người thẳng thắn ủng hộ lập trường của Ấn Độ về vấn đề Jammu và Kashmir, và trong các cuộc họp báo, Người nhiều lần nhấn mạnh rằng, người dân Ấn Độ có mọi quyền để giải phóng Goa vốn là một phần không thể thiếu của Ấn Độ, thoát khỏi sự cai trị của Bồ Đào Nha.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước của mình, Người đã trồng những cây non ở Rajghat, Delhi, Raj Bhawan ở Calcutta và Viện Thống kê Ấn Độ ở Calcutta. Người không chỉ trồng cây một cách tượng trưng, mà đã làm tất cả các công việc liên quan từ đào đất cho đến trồng cây và cuối cùng là tưới nước.

Khi rời Calcutta để đến Rangoon (Miến Điện), Hồ Chí Minh đã có một bài phát biểu chia tay đầy cảm động được trích dẫn sau đây:

Thưa bà con thân mến,

Anh chị em Ấn Độ thân mến,

Chúng tôi rất hân hạnh được nói chuyện với bà con Ấn Độ. Cuộc đi thăm hữu nghị của chúng tôi ở Ấn Độ vĩ đại đã đạt kết quả tốt đẹp. Chúng tôi đã gặp Tổng thống Rajendra Prasad kính mến, đã cùng Thủ tướng Nehru, vị lãnh đạo xuất sắc của Ấn Độ, người bạn quý mến của nhân dân Việt Nam, trao đổi ý kiến thân mật. Chúng tôi đã nhất trí về những vấn đề quốc tế quan trọng và những vấn đề thuộc về quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Mười ngày thấm thoắt qua nhanh. Tục ngữ Việt Nam có nói: “Khi lòng người buồn bã thì thấy thời gian đi rất chậm. Khi lòng người vui vẻ thì thấy thời gian đi rất nhanh”. Với sự đón tiếp rất trang trọng, chu đáo, tận tình của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ, chúng tôi thấy thời gian đi rất nhanh. Chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi hình ảnh tươi đẹp của đất  nước Ấn Độ anh em. Chúng tôi ghi nhớ mãi mãi mối tình hữu nghị nhiệt liệt của bà con Ấn Độ, các bạn thanh niên và các cháu thiếu nhi đối với chúng tôi. Khi về nước, chúng tôi sẽ báo cáo lại những điều tai nghe mắt thấy với nhân dân Việt Nam, chúng tôi sẽ chuyển tất cả những lời chào thân ái của bà con Ấn Độ cho đồng bào Việt Nam chúng tôi.

Chúng tôi rời đất nước các bạn, nhưng lòng rất quyến luyến các bạn.

Chúng tôi thành thật cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của Tổng thống Prasad, Thủ tướng Nehru và các vị trong Chính phủ Ấn Độ. Chúng tôi cũng xin cảm ơn các vị Thủ hiến, Chủ tịch và Bộ trưởng các xứ, các vị Thị trưởng, các cấp cán bộ và nhân viên Chính phủ ở những nơi chúng tôi đã đi qua, cũng như các anh em nhân viên liên lạc và hàng không đã tận tình săn sóc chúng tôi.

Chào bà con, chào anh chị em thân mến của nước Cộng hòa Ấn Độ vĩ đại. Cuối cùng, Bác Hồ gửi các cháu nhi đồng Ấn Độ nhiều cái hôn.

Tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Ấn Độ bền vững muôn năm!

Tình đoàn kết giữa các nước Á - Phi muôn năm!

Hòa bình thế giới muôn năm!

Ấn Độ muôn năm!(2)

13-2-1958.

Thế hệ hiện tại của Ấn Độ và Việt Nam có vẻ chưa hiểu biết nhiều về mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia trong chiến tranh giải phóng Việt Nam. Người dân Ấn Độ nói chung và ở Calcutta và Tây Bengal nói riêng từ năm 1947 đến năm 1975 đã hết lòng ủng hộ sự nghiệp giải phóng của Việt Nam và trong nhiều dịp đã bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Hầu hết mọi nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch hay họa sĩ biếm họa đã ca ngợi cuộc đấu tranh để giải phóng của nhân dân Việt Nam qua những tác phẩm, những bài thơ và những vở kịch đa dạng của họ.

Năm 1971, một sự kiện đặc biệt đã diễn ra ở Calcutta khi người dân địa phương biểu tình tự phát và đổi tên phố Harrington ở ngã tư đường Jawaharlal Nehru nơi tọa lạc Lãnh sự quán Hoa Kỳ và Anh thành “Ho Chi Minh Sarani” theo tên của Bác Hồ.

Một câu hỏi có thể sẽ xuất hiện trong tâm trí độc giả là liệu những quan điểm của Hồ Chí Minh có còn phù hợp trong hoàn cảnh thế giới thay đổi hiện nay. Câu trả lời thực ra khá đơn giản. Hiện nay chúng ta đang sống trong một thế giới và xã hội áp bức, trong đó sự tách biệt giữa người giàu và người nghèo lớn đến mức chúng ta không thể tưởng tượng ra được và nó dựa trên sự bất công đối với con người. Các phương tiện truyền thông xã hội đã có được chỗ đứng vững chắc hơn trong thế giới ngày nay, không giống như thời đại của Bác Hồ. Ngày đó, chỉ có truyền miệng là phương tiện truyền thông xã hội duy nhất để bày tỏ ý kiến.

Tôi tin rằng nhu cầu cấp thiết hiện giờ là phải tuyên truyền sự khiêm nhường mẫu mực và lối sống giản dị của Hồ Chí Minh thông qua các phương tiện truyền thông xã hội để người dân có thể chung sức chống lại những kẻ tiêu xài hoang phí chỉ để thỏa mãn sự phù phiếm và phô trương của mình, như vậy sẽ giúp thu hẹp được khoảng cách giàu nghèo.

Tuy nhiên, thật xót xa khi nhận thấy rằng những hồi ức về những chính khách vĩ đại đang dần bị phai nhạt. Hiếm khi có cuộc thảo luận nào về Hồ Chí Minh ngoại trừ những cuộc thảo luận mang tính chất học thuật. Không hề có Trung tâm Hồ Chí Minh ở bất kỳ trường đại học nào ở Ấn Độ cũng như không có tổ chức phi chính phủ nào sẵn sàng cống hiến cho việc truyền bá những quan điểm của Hồ Chí Minh. Các Đảng Cộng sản Ấn Độ và những trí thức tiến bộ đã sai lầm khi tách rời khỏi những quan điểm đó trong khi thực tế thì ngày nay Hồ Chí Minh còn có sự liên quan mật thiết hơn nhiều trong việc tạo ra một xã hội lành mạnh dựa trên bình đẳng và công bằng.

Bất cứ điều gì Người kêu gọi đồng bào làm theo, Người cũng tin tưởng và tự mình thực hiện điều đó trong cuộc sống. Những câu nói được trích dẫn từ các bài phát biểu cũng như các tác phẩm của Người sau đây sẽ giúp các độc giả sáng tỏ hơn về điều đó.

“Trong bầu trời, không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

“Không có gì ngăn cản được mặt trời mọc, không ai có thể đi ngược lại ý muốn của nhân dân”.

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

 “Học hành là vô cùng. Học càng nhiều biết càng nhiều càng tốt”.

“Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới lọt tai quần chúng”.

“Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”.

Đóng góp lớn nhất của Người cho xã hội Việt Nam chính là sự xóa bỏ hệ thống phong kiến trong xã hội cũng như việc tôn giáo tồn tại song hành cùng hiến pháp chứ không phải là công kích trực tiếp.

Mọi người có lẽ sẽ hỏi về sự liên quan của Hồ Chí Minh cùng tư tưởng của Người trong bối cảnh toàn cầu hiện nay. Đối với tôi, đáp án rất đơn giản.

Những quan điểm và triết lý bị loại bỏ. Chủ nghĩa tư bản thân hữu đang dần thay thế cho chủ nghĩa tư bản đơn thuần. Của cải thì đang tích lũy ngày càng nhiều và tập trung vào một vài gia đình trong khi đại bộ phận người dân bị tước đoạt kể cả những nhu cầu cơ bản tối thiểu. Tôi tin rằng đây là hoàn cảnh mà ta có thể nhận thấy sự liên quan mật thiết của Hồ Chí Minh cũng như tư tưởng của Người.

Công nghệ ngày nay đang ngày càng cải tiến hơn nhiều so với thời đó. Truyền thông xã hội đã trở thành một trong những vũ khí mạnh mẽ giúp mọi người sáng tỏ về những chính sách của các chính phủ bị chi phối bởi những nhà tư bản thân hữu vốn đứng đằng sau sự bất công và bất bình đẳng trong xã hội. Để đấu tranh chống lại những điều xấu xa đó, tư tưởng lấy dân làm gốc của Hồ Chí Minh là đáp án duy nhất. Thay vì máy móc làm theo triết lý của Người, ta cần phải áp dụng có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện hiện tại của địa phương.

Những quan điểm và tư tưởng của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cứu nước và xã hội khỏi xiềng xích của bất kỳ chế độ thống trị của nước ngoài nào cũng như hệ thống phong kiến vốn không công nhận chân giá trị của lao động và quyền bình đẳng của con người, nhằm xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh dựa trên bình đẳng và công bằng, vẫn còn rất thiết thực cho các nước châu Á và châu Phi nơi mà những tình trạng này vẫn đang tiếp diễn.

Tuy Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn nữa, nhưng những quan điểm và tư tưởng của Người mãi mãi là bất tử và là di sản của nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!

Tư tưởng và triết lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2019

(1) Trích bài thơ Ký Ni Lỗ (Gửi Nêru), Bài 88-89 của tập Nhật ký trong tù, bản dịch của Hoàng Trung Thông. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.400-402. 

(2) Trích bài Nói chuyện với nhân dân Ấn Độ trước khi rời Ấn Độ sang thăm Liên bang Miến Điện, nói trước Đài Phát thanh Ấn Độ tối 13-2-1958. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11, tr.281-283.

 

Geetesh Sharma

Nhà văn, nhà báo, Chủ tịch Hội hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam Bang Tây Bengal

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền