Trang chủ    Bài nổi bật    Xây dựng Đảng về đạo đức trong "Di chúc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn hiện nay
Thứ tư, 27 Tháng 11 2019 15:21
1293 Lượt xem

Xây dựng Đảng về đạo đức trong "Di chúc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn hiện nay

(LLCT) - Sinh thời, một trong những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở là xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, để Đảng xứng đáng là đạo đức, là văn minh; mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người luôn cho rằng, đạo đức cách mạng là đặc trưng bản chất hàng đầu của Đảng và công tác xây dựng Đảng về đạo đức là một nội dung độc lập, có quan hệ bình đẳng với những nội dung khác. Điều này được thể hiện trong nhiều bài nói, viết của Người, trong đó có bản Di chúc - một di sản vô giá của dân tộc. Những chỉ dẫn của Người trong các bản Di chúc (1965-1969) về xây dựng Đảng về đạo đức, đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.

 

1. Xây dựng Đảng về đạo đức - Giá trị lý luận của Di chúc 

Lý luận của Mác - Lênin nêu rõ quan điểm xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức. Phạm trù đạo đức được coi là một khía cạnh trong công tác xây dựng Đảng về tư tưởng. Tuy nhiên, đạo đức trong tư tưởng chỉ là ý thức đạo đức, còn bản chất con người, giá trị con người chủ yếu được thể hiện qua hành vi đạo đức, qua lối sống hàng ngày. Trong các tác phẩm của mình, Hồ Chí Minh chưa sử dụng khái niệm xây dựng Đảng về đạo đức, nhưng trên thực tế, tư tưởng xây dựng Đảng về đạo đức đã được thể hiện rất rõ trong cả tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Người. Hồ Chí Minh luôn cho rằng, xây dựng Đảng về đạo đức là đạo đức cách mạng. Người viết: “Đảng là gì? Đảng là mỗi chúng ta. Đảng lớn lên là do mỗi chúng ta lớn lên”(1). Xây dựng Đảng về đạo đức thực chất là thực hành các chuẩn mực đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhằm nâng cao sức mạnh và uy tín của Đảng. Bởi, theo Hồ Chí Minh, nếu không có đạo đức làm nền tảng, công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị và tổ chức, chắc chắn không thể thành công. Tư tưởng xây dựng Đảng về đạo đức của Người rất phù hợp với yêu cầu phát triển của một tổ chức đảng cầm quyền ở một nước có truyền thống coi trọng đạo đức như Việt Nam. Những luận điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng về đạo đức được thể hiện rất rõ trong Di chúc.

Năm 1965, nhân dịp mừng tuổi 75, Hồ Chí Minh bắt tay vào viết Di chúc. Công việc này bắt đầu từ ngày 10 đến ngày 14-5-1965(2), mỗi ngày Người dành từ một đến hai giờ để viết. Bản thảo Di chúc đầu tiên gồm 3 trang, do Người tự đánh máy, cuối bản thảo đề ngày 15-5-1965. Bản Di chúc năm 1965, nội dung đầu tiên, việc trước tiên là Người nói về Đảng. Người viết: “Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(3). Đoàn kết là một phẩm chất tốt đẹp hàng đầu của phạm trù đạo đức, là nội dung cốt lõi, tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đây cũng là truyền thống quý báu của Đảng, của dân tộc. Vấn đề đoàn kết trong Đảng có mối quan hệ đến sự sống còn, vững mạnh của Đảng. Bằng kinh nghiệm dày dạn trong hoạt động cách mạng, lãnh đạo và rèn luyện Đảng, Hồ Chí Minh biết rõ, chỉ có đoàn kết mới tạo sức mạnh trong Đảng, nếu mất đoàn kết là Đảng sẽ suy yếu. Có đoàn kết, Đảng mới đủ sáng suốt đề ra chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn và đảm đương vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng rất vĩ đại, lớn lao, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu, Đảng vững mạnh thì phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Xây dựng Đảng về đạo đức cần xây dựng sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng. Kiên quyết đưa ra khỏi tổ chức của Đảng những đảng viên cơ hội, bè phái, mang nặng chủ nghĩa cá nhân, vì động cơ thấp hèn, gây chia rẽ, mất đoàn kết.

Trong Di chúc năm 1965, Hồ Chí Minh sử dụng khái niệm “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”. Trải qua các thời kỳ cách mạng, từ ngày có Đảng đến nay, suốt gần 90 năm, Đảng đã lãnh đạo đất nước, xã hội thông qua hệ thống chính quyền. Đảng thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc; đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc. Với vai trò lớn lao đó, muốn là đảng cầm quyền duy nhất, thì Đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh, cả về chính trị, tổ chức, tư tưởng, đạo đức, trí tuệ và năng lực, ngang tầm với sự nghiệp cách mạng. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trước tiên phải xây dựng Đảng về đạo đức. Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ các nguyên tắc: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(4). Nguyên tắc “tự phê bình và phê bình” được Người nhấn mạnh (bằng gạch chân cụm từ này) và trên nguyên tắc “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” (cụm từ này được Người viết thêm bằng tay trên bản đã được đánh máy)(5). Người cho rằng, đây là vấn đề thực hành dân chủ rất quan trọng; vấn đề tự phê bình và phê bình cần thường xuyên, nghiêm túc trên tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Không thực hiện các nguyên này trong Đảng rất dễ dẫn đến sát phạt lẫn nhau, mất đoàn kết, trái với tinh thần tự phê bình và phê bình là để xây dựng tập thể, cá nhân tốt hơn, đoàn kết hơn, tiến bộ hơn. Đảng cầm quyền là đảm trách sứ mệnh lãnh đạo giai cấp, dân tộc, giành độc lập, giữ vững độc lập và xây dựng thành công CNXH. Để hoàn thành sứ mệnh cao cả đó, đòi hỏi trong Đảng, từng đảng viên phải có đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh đã đúc kết thành câu nói nổi tiếng về phẩm chất, đạo đức của Đảng: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(6). Không phải ngẫu nhiên mà Người lại yêu cầu Đảng cầm quyền cần thực hiện những yêu cầu rất cụ thể, bằng việc nhấn mạnh chữ “thật” nhiều như vậy. Điều đó cho thấy dường như đã có sự cân nhắc, suy nghĩ cẩn trọng, trước đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. “Thật” là phạm trù đứng hàng đầu nội hàm đạo đức. “Thật” đối lập với giả dối, với qua loa, nửa vời, không đến nơi, đến chốn. Quan điểm “đầy tớ” được hiểu là cán bộ, đảng viên, là người chăm lo phục vụ nhân dân - mà phục vụ toàn tâm, toàn ý; tôn trọng, lễ phép với dân. Hồ Chí Minh còn nhắc nhở cán bộ: “Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn”(7). Người cán bộ cần có đạo đức vì “tâm có trong thì trí mới sáng”. Nếu có đạo đức, cán bộ sẽ từ cái đức vươn tới cái trí để đạt tới sự hoàn thiện về nhân cách.

Nhìn lại những ngày đầu thời dựng Đảng, để đào tạo những “hạt giống đỏ” của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh cũng đã dành bài giảng đầu tiên về đạo đức một người cách mạng(8). Người xác định đạo đức của một người cán bộ, đảng viên chân chính: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”(9). Xây dựng Đảng về đạo đức theo Hồ Chí Minh là xây dựng Đảng chân chính vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì toàn dân tộc. Người khẳng định: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(10).

Năm 1958, trong tác phẩm Đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh xác định: “Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”(11). Tư tưởng xây dựng Đảng về đạo đức của Hồ Chí Minh chính là sự kết tinh những khát vọng, mong muốn của nhân dân về một lực lượng lãnh đạo xứng đáng, về một chế độ thực sự do dân làm chủ. Vì dân và vì sự tốt đẹp của con người chính là mục tiêu trong tư tưởng xây dựng Đảng về đạo đức của Hồ Chí Minh. Người khẳng định: Những người cách mạng là những người “giàu tình cảm nhất và vì giàu tình cảm mới đi làm cách mạng”(12). Tuy nhiên, tình yêu đó không phải là tình cảm chung chung, trừu tượng, mà hướng tới những đối tượng cụ thể, trước hết là những người cùng khổ. Người từng căn dặn cán bộ: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân”(13), tức là đạo học lớn nhất mà người cán bộ cần vươn tới là sự “chính tâm” và “thân dân”, là biết đặt lợi ích của dân lên trên lợi ích cá nhân.

Tháng 5-1968, Hồ Chí Minh tiếp tục viết Di chúc. Người bổ sung bản thảo Di chúc đã viết năm 1965, với 6 trang viết tay. Là một người đã nghiên cứu thấu đáo quan điểm của V.I.Lênin về xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh hiểu một trong những căn bệnh của người cộng sản là sự kiêu ngạo cộng sản. Không chỉ trong Di chúc mà nhiều tác phẩm viết trước đó Người cũng đã cảnh báo vấn đề này. Chính vì vậy, bản Di chúc viết năm 1968, Người viết: “Tháng 5-1968, khi xem lại thư này tôi thấy cần phải viết thêm mấy điểm không đi sâu vào chi tiết”(14). Sau khi khẳng định công việc hàn gắn vết thương chiến tranh là cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn, cần có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh sai sót, bị động, một trong những việc làm trước tiên, theo Người là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Người cho rằng, chỉnh đốn lại Đảng “thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”(15). Như vậy, năm 1968, khi nói về Đảng, Người đã chú trọng đến chỉnh đốn Đảng. Điều đó cho thấy tầm nhìn của lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh. Nếu như bản thảo Di chúc viết năm 1965, Người khẳng định, công việc trước tiên “Trước hết nói về Đảng”, thì đến bản thảo Di chúc năm 1968, Người lại viết “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”(16). Hai câu đều nói về Đảng, nhưng đã ở tầm mức khác nhau.

Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền với đạo đức. Đảng cầm quyền phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trên thực tế, có quyền lực dễ có xu hướng tha hóa. Hồ Chí Minh cho rằng, đạo đức là gốc rễ của người cán bộ, đảng viên, là cội nguồn sức mạnh để người cách mạng luôn giữ được sự trung thành với lý tưởng và vượt mọi khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng giao. Đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trước mắt là không lùi bước trong mọi hoàn cảnh khó khăn của nhiệm vụ cách mạng, không phản bội khi cách mạng gặp khó khăn; không kiêu ngạo, tự mãn, công thần khi cách mạng giành thắng lợi. Đạo đức cách mạng giúp cán bộ, đảng viên tránh được các thói tật tầm thường như sự tỵ nạnh, kèn cựa về danh lợi. Đặc biệt, đạo đức sẽ giúp người cán bộ tránh được sự thoái hóa, biến chất khi có trong tay quyền lực. 

Tháng 5-1969, Người tiếp tục viết Di chúc, bổ sung bản thảo Di chúc viết trước đó(17). Trong lần sửa chữa này, Người đã viết lại toàn bộ phần mở đầu của bản Di chúc. Bản Di chúc năm 1969 nêu rõ: “Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ. Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa? Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”(18).

Hồ Chí Minh là nhà cách mạng đầu tiên nhấn mạnh việc xây dựng Đảng về đạo đức nhưng Người không “đẩy” đạo đức lên vị trí “độc tôn”, không coi đạo đức là công cụ duy nhất để xây dựng Đảng hay an dân, trị quốc mà luôn chủ động kết hợp hài hòa “đức trị” với “pháp trị”. Người thấy rõ luật pháp sẽ giúp các chuẩn mực đạo đức đi vào nền nếp và ngược lại, đạo đức sẽ giúp luật pháp được thi hành một cách tự giác, nghiêm minh.

Trong quá trình giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh hiểu rằng cán bộ, đảng viên cũng là con người mà “Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm”(19). Cán bộ “cơ bản là tốt” là có thể sử dụng và trong quá trình sử dụng thì “giúp đỡ họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời”(20). 

Bằng tư duy biện chứng và chủ nghĩa nhân văn cao cả, mọi vấn đề trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức đều được Hồ Chí Minh giải quyết hài hòa và tất cả đều hướng tới mục đích cuối cùng là xây dựng văn hóa Đảng,“văn hóa làm người” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên để trên cơ sở đó, họ sẽ vì dân được tốt hơn.

Khi đạo đức là “gốc” của con người thì xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng Đảng từ gốc và đây là nhiệm vụ then chốt của các nhiệm vụ then chốt. Đề ra tư tưởng này, Hồ Chí Minh đã đưa lý luận về công tác xây dựng Đảng đạt tới sự hoàn thiện như nó cần phải có. Hồ Chí Minh vừa là chính trị gia kiệt xuất, vừa là hiện thân “của chủ nghĩa nhân đạo theo ý nghĩa đầy đủ nhất”(21) nên tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng của tư tưởng của Đảng, của cách mạng Việt Nam. Chính vì lẽ đó, Hồ Chí Minh căn dặn: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”(22).

2. Ý nghĩa trong xây dựng Đảng hiện nay

Đại hội XII (2016) của Đảng đã đặt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên hàng đầu với mục tiêu toàn diện là “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Lần đầu tiên, “xây dựng Đảng về đạo đức” đã được đưa vào văn kiện Đại hội cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Xây dựng Đảng về đạo đức với việc giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Bởi vì, đạo đức cách mạng là một thuộc tính bản chất của Đảng, là điều kiện để Đảng và mỗi đảng viên của Đảng thực hiện, phát huy vai trò lãnh đạo đối với quần chúng. Trong gần 90 năm qua, mặc dù trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, gian khổ, Đảng vẫn giữ vững bản chất của một Đảng cách mạng chân chính, phần lớn cán bộ, đảng viên vẫn giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng. Đại hội XII của Đảng nhận định: “Đảng ta giữ vững được bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới; xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”(23). Tuy nhiên, bên cạnh đó, Đảng cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm về xây dựng Đảng, trong đó có lĩnh vực xây dựng Đảng về đạo đức: “Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”(24).

Hiện nay, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ thực sự là nghiêm trọng. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp nghiêm trọng, gây nhức nhối trong xã hội. Trước đây, trong các văn kiện Đại hội Đảng (từ Văn kiện Đại hội XI của Đảng trở về trước), công tác xây dựng Đảng bao gồm ba nội dung là chính trị, tư tưởng và tổ chức, xây dựng Đảng về đạo đức được hiểu là đã nằm trong xây dựng Đảng về tư tưởng. Cách hiểu đó chưa đầy đủ vì đạo đức nằm trong tư tưởng mới chỉ là ý thức đạo đức, đạo đức còn bao gồm hành vi đạo đức, thực hành đạo đức, thực tiễn đạo đức. Đại hội XII của Đảng tách xây dựng Đảng về đạo đức thành một nội dung tương đối độc lập trong mối quan hệ với các lĩnh vực khác của xây dựng Đảng (chính trị, tư tưởng, tổ chức), là sự nhận thức đầy đủ, toàn diện về xây dựng Đảng, là một bước tiến trong nhận thức của Đảng về công tác xây dựng Đảng, kế thừa, phát triển quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng về đạo đức được thể hiện rõ trong nhiều tác phẩm và thấm đẫm trong từng bản Di chúc.

Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, mà do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày. Đạo đức cách mạng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016, về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nêu rõ: “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”. Ngày 30-10-2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; tiếp đó, Ban Chấp hành Trung ương ra Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” đề cao nội dung về đạo đức, về nêu gương của cán bộ, đảng viên. Triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về xây dựng Đảng về đạo đức, sự hưởng ứng của các cấp ủy, của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo nên một xung lực mới trong công tác xây dựng Đảng; thể hiện mối quan hệ chặt chẽ, đồng bộ xây dựng Đảng về đạo đức là quan trọng gắn chặt thành thể thống nhất hữu cơ trong cơ thể Đảng; gắn xây dựng Đảng với phát triển kinh tế - xã hội... tạo nền tảng cơ sở để Đảng trong sạch, vững mạnh.

Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, công tác xây dựng Đảng được Đảng xác định là nhiệm vụ then chốt. Những quan điểm xây dựng Đảng về đạo đức qua Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay vẫn mang tính lý luận và thực tiễn cấp bách và sâu sắc, theo đó, cần nhấn mạnh nội dung chủ yếu: 

Một là, nhận thức rõ tầm quan trọng của xây dựng Đảng về đạo đức. Đức là gốc; lấy đức làm trọng. Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(25). Trong điều kiện hiện nay, xây dựng Đảng về đạo đức, góp phần tạo nên nguồn sức mạnh nội sinh, yếu tố gốc rễ trong Đảng và mỗi đảng viên. Khi mỗi đảng viên và toàn Đảng thực hành đạo đức trong sáng, đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết, sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp, thống nhất của toàn Đảng trong tổ chức, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, được quần chúng tin tưởng đi theo, tạo thành một sức mạnh vô song. Hơn nữa, khi xây dựng Đảng về đạo đức được chú trọng, Đảng cũng được tăng cường nền tảng sức mạnh để chiến thắng những mối đe dọa đến từ cả bên trong và bên ngoài. Âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động dù có tinh vi, nguy hiểm, nhưng cũng không thể phát huy tác dụng chừng nào cơ thể Đảng trong sạch, vững mạnh.

Hai là, gắn kết xây dựng Đảng về đạo đức với các nội dung xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị và tổ chức, trong đó xây dựng Đảng về đạo đức là một nội dung độc lập, không thể thiếu, tạo thành tổng thể hoàn chỉnh trong công tác xây dựng Đảng. Đó vừa là sự kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa là đòi hỏi của thực tiễn hiện nay.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2019

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.272.

(2) Ngày 10-5-1965, từ 9 giờ đến 10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tiếp tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Ngày 11-5, từ 9 giờ đến 10 giờ, Người tiếp tục viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Ngày 13-5, từ 9 giờ đến 10 giờ, Người viết tiếp tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Ngày 14-5, từ 14 giờ đến 16 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết phần cuối tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Ngày 15-5-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội đi thăm Trung Quốc. Theo Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, t.9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.235-239.

(3), (4), (5), (6), (14), (15), (16), (18), (20), (22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.611, 611, 610, 611-612, 616, 616, 616, 621, 672, 616.

(7) Sđd, t.6, tr.129.

(8), (9), (10), (25) Sđd, t.5, tr. 289, 291, 289, 292.

(11) Sđd, t.11, tr.603.

(12), (21) Dẫn theo Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh - tinh hoa và khí phách dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 29, 203.

(13) Sđd, t.10, tr. 377.

(17) Theo Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008: Ngày 11-5-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ sung và sửa chữa bản Di chúc. Ngày 12-5, đến 15 giờ, Người sửa bản Di chúc phần mở đầu và phần viết thêm của năm 1968. Ngày 13-5, từ 9 giờ đến 10 giờ, Người sửa chữa bản Di chúc. Người sửa đoạn mở đầu và phần viết thêm của năm 1965. Ngày 14-5, từ 9 giờ đến 10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem và sửa chữa bản Di chúc. Ngày 15-5, từ 9 giờ đến 10 giờ, Người xem và sửa chữa bản Di chúc. Ngày 16-5, từ 9 giờ đến 10 giờ, Người xem và sửa chữa bản Di chúc. Ngày 17-5, từ 9 giờ đến 10 giờ, Người xem và sửa chữa bản Di chúc. Ngày 18-5, từ 9 giờ đến 10 giờ, Người xem và sửa chữa bản Di chúc. Ngày 19-5, từ 9 giờ đến 10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa chữa bản Di chúc của các năm 1965, 1968, 1969; Người xem lại tài liệu lần cuối và xếp vào phong bì cất đi.

(19) Sđd, t.4, tr.192.

(23), (24) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.44, 185.

TS ĐẶNG KIM OANH

TS TRẦN THỊ THANH NHÀN

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền