Trang chủ    Diễn đàn    Về quy định “nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” trong Hiến pháp 2013
Thứ tư, 28 Tháng 9 2016 15:49
19065 Lượt xem

Về quy định “nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” trong Hiến pháp 2013

(LLCT) - Khoản 1 Điều 51 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Điều này có giá trị vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN), tạo tiền đề lý luận và thực tiễn dẫn đến sự chuyển biến về chất để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Một là, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là sựvận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin

Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam gắn liền với công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Đây là sự vận dụng và phát triển sáng tạo những nguyên lý của học thuyết Mác - Lênin, quy luật chung của phát triển kinh tế thị trường vào hoàn cảnh cụ thể Việt Nam. Vì thế, kinh tế thị trường định hướng XHCN vừa là vấn đề lý luận vừa là vấn đề thực tiễn hết sức mới mẻ, gắn bó giữa nhận thức sâu sắc tính quy luật khách quan, sự lựa chọn con đường và mô hình phát triển của dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa với sự phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Đảng Cộng sản, Nhà nước XHCN và nhân dân lao động. Việc khẳng định mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN hoàn toàn không phải là gán ghép khiên cưỡng, chủ quan giữa kinh tế thị trường và CNXH. Kinh tế thị trường và CNXH không có bức tường ngăn cách tuyệt đối, có thể làm tiền đề và điều kiện cho nhau. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rằng, nếu thiếu sự định hướng XHCN ngay từ đầu khi tạo lập và phát triển kinh tế thị trường thì sẽ đánh mất mục tiêu và đặc tính phát triển cần thiết, cũng như đánh mất những thời cơ mà thời đại tạo ra.

Hai là, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là sự tiếp thu có chọn lọc văn minh nhân loại

Phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là thấm nhuần sự kết hợp giữa tính tất yếu thời đại với nguyện vọng tha thiết của một dân tộc yêu tự do, độc lập và luôn mong muốn sống trong hòa bình, hạnh phúc với các giá trị truyền thống dân chủ, nhân văn và tương thân tương ái.

Kinh tế thị trường như là một chế độ kinh tế hay phương thức sản xuất có tính lịch sử, là thành quả của văn minh nhân loại, phục vụ cho sự phát triển và thịnh vượng chung của mọi quốc gia, dân tộc chứ không phải là tài sản riêng của CNTB, phục vụ cho riêng CNTB. Thoát khỏi giới hạn chỉ làm giàu cho tư bản, kinh tế thị trường sẽ có những mục tiêu và động lực xã hội mới, phù hợp với những đặc tính xã hội hóa vốn có để trở thành công cụ phát triển kinh tế, phục vụ đắc lực cho việc tạo ra của cải và mang lại sự giàu có chung cho toàn xã hội.

Việc Việt Nam lựa chọn con đường phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là sự lựa chọn vừa phù hợp với xu hướng phát triển khách quan của thời đại, vừa là sự tiếp thu các giá trị truyền thống của đất nước và những yếu tố tích cực trong giai đoạn phát triển đã qua của CNXH, vừa là con đường để thực hiện chiến lược phát triển rút ngắn, thu hẹp khoảng cách tụt hậu và nhanh chóng hội nhập, phát triển.

Ba là, là căn cứ pháp lý để xây dựng mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với Nhà nước pháp quyền XHCN

Hiến pháp năm 2013 thể hiện tập trung ý chí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, tạo cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

“Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” đã được hiến định trở thành căn cứ pháp lý để xây dựng mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với Nhà nước pháp quyền XHCN; tạo nền tảng pháp lý quan trọng để các quốc gia trên thế giới có sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về nền kinh tế của Việt Nam. Không một đối tác nào có thể phủ nhận quyền kinh tế của Việt Nam với tư cách là một Nhà nước có nền kinh tế thị trường. Vị thế của Việt Nam trong đàm phán kinh tế - thương mại quốc tế ngày càng được nâng cao kể từ khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực. “Đây là một “cú hích” cơ bản và xuyên suốt, có sức nặng quan trọng về mặt pháp lý thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn, toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới với tư cách bình đẳng với các quốc gia phát triển trong một trật tự kinh tế thế giới mới trên nguyên tắc không phân biệt đối xử”(1).

Quy định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đặt ra nhiệm vụ rất cụ thể đối với các cơ quan có thẩm quyền trong việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật của nước ta cho phù hợp với các quy định của Hiến pháp, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Bốn là, khẳng định vai trò lãnh đạo nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Đảng Cộng sản Việt Nam

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN nhằm làm tốt chức năng quản lý và tổ chức xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân. Xét trên phương diện lãnh đạo kinh tế, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng chính là, Đảng đề ra đường lối, chủ trương phát triển kinh tế và lãnh đạo thực hiện thành công đường lối, chủ trương đó; Đảng lãnh đạo tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện và tăng cường kiểm tra, giám sát; lãnh đạo kinh tế thông qua các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế, lãnh đạo thông qua công tác cán bộ trên lĩnh vực lãnh đạo, quản lý nền kinh tế.

Đảng Cộng sản và Nhà nước XHCN Việt Nam là chủ thể lãnh đạo, quản lý kinh tế thị trường định hướng XHCN. Sự vận động, phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN bị chi phối bởi việc thực hiện mục tiêu CNXH. Như vậy, phát triển theo con đường XHCN sẽ làm cho nền kinh tế thị trường ở Việt Nam khác với các nước khác. Đó chính là vai trò của Nhà nước Việt Nam thông qua hệ thống chính sách, pháp luật, đòn bẩy kinh tế để giữ vững định hướngXHCN của nền kinh tế.

Trên lĩnh vực quản lý,vai trò của Nhà nước được nâng cao ở lĩnh vực kinh tế đối ngoại, đòi hỏi Nhà nước phải đồng hành với doanh nghiệp, vừa phải đáp ứng những yêu cầu của thể chế quốc tế. Vai trò Nhà nước giảm mạnh ở lĩnh vực cung cấp dịch vụ công, “Nhà nước chỉ làm những gì mà dân không làm được”. Vai trò kiểm tra kiểm soát của Nhà nước được nâng cao nhằm làm cho đời sống kinh tế, xã hội minh bạch, công khai, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Trên lĩnh vực phân phối,Nhà nước đã hoạch định và thông qua hệ thống chính sách kinh tế, sử dụng các nguồn lực -trực tiếp là bộ phận kinh tế nhà nước -để định hướng, can thiệp vào lĩnh vực phân phối và phân phối lại theo hướng ưu tiên phân phối theo lao động và qua phúc lợi xã hội; kết hợp tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội; hoạch định các chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, tạo sự đồng thuận xã hội trong hành động vì mục tiêu phát triển của đất nước.

Năm là, phát huy vai trò của cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế

Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cạnh tranh trở thành một động lực thúc đẩy sự phát triển bình đẳng mọi thành phần kinh tế, tạo điều kiện giải phóng lực lượng sản xuất, nâng cao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hiện đại hóa nền sản xuất xã hội. Đó cũng là điều kiện để xóa bỏ độc quyền bất hợp lý, xóa bỏ bất bình đẳng trong kinh doanh, phát huy tính sáng tạo của các nhà quản lý, gợi mở nhu cầu thông qua việc tạo ra nhiều sản phẩm mới, nâng cao chất lượng đời sống xã hội.

Để phát huy vai trò tích cực của cạnh tranh, nhân tố quyết định là phải nâng cao năng suất lao động, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, lành mạnh hóa, minh bạch hóa, thông thoáng và đơn giản hóa các thủ tục quản lý kinh tế, có các biện pháp hữu hiệu trong việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nhà nước không can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp hành chính, quan liêu mà thực hiện sự quản lý nhằm hiệu chỉnh những sai lệch và mặt trái của cơ chế thị trường.

Trong môi trường cạnh tranh, doanh nghiệp phải tự nỗ lực vươn lên, đổi mới và sáng tạo để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh trong quá trình thực hiện quyền kinh tế của mình trong nền kinh tế thị trường.

Sáu là, mở rộng quyền kinh tế cho doanh nghiệp, doanh nhân, đồng thời đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ trước pháp luật

Hiến pháp 2013 đã đưa ra các quy định rộng mở và thông thoáng về doanh nhân, về quyền đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nhân, của doanh nghiệp, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện các quyền kinh tế của mình. Theo đó, những gì luật pháp không cấm thì người dân, doanh nghiệp được tự do đầu tư, kinh doanh. Mở rộng quyền kinh tế cho doanh nghiệp và doanh nhân, bảo đảm quyền ngang nhau của các doanh nghiệp khi tham gia thị trường tức là tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Những quy định này được cụ thể hóatrong Luật Doanh nghiệp năm 2014 được Quốc hội  khóa XIII kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26-11-2014.

Quyền tự do kinh doanh luôn đi kèm với nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật. Các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về nền kinh tế thị trường, về quy luật cạnh tranh để có thể tự kiểm soát hoạt động kinh doanh của mình. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao trách nhiệm xã hội đối với hàng hóa và sản phẩm của mình. Tiến trình tự do hóa thương mại, mở cửa và hội nhập cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau, với các hiệp hội ngành hàng để tập hợp sức mạnh nhằm ứng phó khi các tình huống bất lợi xảy ra.

Bảy là, xây dựng hệ thống mục tiêu và động lực của giá trị nhân văn

Đảng ta đã nêu lên mục tiêu xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chính mục tiêu đó sẽ quy định phương tiện, công cụ, động lực của kinh tế thị trường định hướng XHCN và con đường đạt tới mục tiêu. Đó là sử dụng kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập, đẩy mạnh CNH, HĐH và phát triển rút ngắn. Để từ đó chuyển nền kinh tế từ phát triển rộng sang chiều sâu, dựa trên khoa học và công nghệ (nhất là công nghệ sạch, hiện đại). Các doanh nghiệp sẽ ngày càng quan tâm đến xây dựng và bảo vệ thương hiệu, phát triển văn hóa kinh doanh và thực hiện tốt các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi sinh, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chất thải và phế liệu sản xuất. Sự phát triển các tiềm năng, tự do kinh doanh, sự hợp tác và thịnh vượng về kinh tế, sự đồng thuận, dân chủ và gắn kết về xã hội, hòa hợp và thân thiện hơn với môi trường sẽ vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển.

Yếu tố “định hướng xã hội chủ nghĩa” với sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh xuyên suốt quá trình xây dựng, vận hành nền kinh tế. Đòi hỏi nền kinh tế phải vì mục tiêu nhân sinh, hướng tới các giá trị nhân bản của con người, lấy đáp ứng các nhu cầu của đông đảo nhân dân làm mục tiêu cao cả nhất. Đó chính là tính nhân văn XHCN.

Tính nhân văn đòi hỏi nền kinh tế phải huy động các nguồn lực cho phát triển một cách hợp lý, dân chủ và minh bạch, không phải vì lợi ích riêng của một giai cấp, một nhóm lợi ích hay một tập đoàn, một doanh nghiệp. Không thể nhân danh phát triển để huy động, sử dụng nguồn lực của xã hội, của số đông cho mục tiêu kinh tế và lợi ích cục bộ của một nhóm người.

Tính nhân văn đòi hỏi bên cạnh tác động của “bàn tay vô hình”, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phải có “bàn tay hữu hình” của Nhà nước để điều tiết các quá trình vận hành nền kinh tế gắn với phục vụ nhân dân và giải quyết những vấn đề dân sinh, phúc lợi xã hội; trong đó, dành sự quan tâm đặc biệt tới những đối tượng yếu thế trong xã hội (như người nghèo, người khuyết tật, người sinh sống ở vùng sâu, vùng xa...).

Tám là, phát triển doanh nghiệp xã hội

Mục tiêu của doanh nghiệp xã hội là nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện các mục tiêu xã hội, môi trường. Doanh nghiệp xã hội sử dụng hình thức kinh doanh như một công cụ để đạt được các mục tiêu xã hội của mình.

Một trong những sứ mệnh đặc thù của doanh nghiệp xã hội là phục vụ nhu cầu của những người nghèo và yếu thế nhất trong xã hội. Trong khi khu vực nhà nước không kham nổi gánh nặng phúc lợi xã hội của nhóm này, khu vực doanh nghiệp tư nhân thường chỉ quan tâm tới những lĩnh vực kinh doanh mang lại lợi nhuận cao, do đó, doanh nghiệp xã hội đóng vai trò rất quan trọng để lấp đầy khoảng trống đó và thể hiện tính nhân văn XHCN.

Hiến pháp 2013 khẳng định rõ nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Quy định này không chỉ là kim chỉ nam cho việc điều tiết, quản lý và vận hành nền kinh tế trong thời gian tới mà còn là sự khẳng định công khai, minh bạch, thông qua Hiến pháp cho toàn thế giới biết rằng nền kinh tế Việt Nam đã bước sang một giai đoạn phát triển hoàn toàn mới, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và trở thành quốc gia phát triển trong thế kỷ XXI.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2015

(1) Nguyễn Thị Mơ: Doanh nghiệp, doanh nhân trong Hiến pháp 2013, http://baodientu.chinhphu.vn

 

ThS Đỗ Kim Tuyến

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội

Phan Thanh Hương

Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật thương mại

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền