Trang chủ    Diễn đàn    Động lực và triển vọng mới cho quan hệ kinh tế Việt - Mỹ
Thứ năm, 25 Tháng 8 2016 10:54
2115 Lượt xem

Động lực và triển vọng mới cho quan hệ kinh tế Việt - Mỹ

(LLCT) Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã chuyển từ đối đầu, cựu thù sang bạn bè, và trở thành đối tác toàn diện trên các lĩnh vực (chính trị, kinh tế, đối ngoại, giáo dục, khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh) với động lực hợp tác ngày càng mạnh mẽ, các lĩnh vực hợp tác ngày càng đa dạng, thực chất, hiệu quả.Trong đó, hợp tác kinh tế là lĩnh vực trọng tâm, là nền tảng và động lực trong quan hệ hai nước…

1. Lĩnh vực hợp tác ngày càng toàn diện

Hợp tác kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ khởi đầu từ tháng 2-1993, khi Mỹ mở đường cho việc nối lại các khoản vay quốc tế(bao gồm vốn vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới)cho Việt Nam. Năm 1994, Hoa Kỳ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam. Năm 1995, hai bên công bố “bình thường hóa quan hệ” vàthiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 1998, Hoa Kỳ chính thứcmở đường cho hoạt động của nhiều công ty và tổ chức của Hoa Kỳtại Việt Nam như Cơ quan Hỗ trợ đầu tư tư nhân hải ngoại, Ngân hàng Eximbank, Cơ quan Thương mại và phát triển Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp Mỹ và Cơ quan Quản lý Hàng hải Mỹ.Năm 1998,hai nướcký kết Hiệp định song phương OPIC, năm 1999, hoàn tất các thỏa thuận khung, mở đường cho Eximbank đi vào hoạt động tại Việt Nam.Năm 2001, hai bên ký Hiệp định Thương mại song phương ViệtNam - Hoa Kỳvà năm 2002, Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam -Mỹ về quan hệ thương mại được thành lập.Năm 2005, hai nước ký Thỏa thuận Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuậtvà một sốthỏa thuận về sự phê chuẩn quốc tế, tình báo và hợp tác quân sự. Năm 2006,Mỹ thông qua quy chế Quan hệ Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam.Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO và2 nước ký kết Hiệp định Hàng hải song phương, Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA). Năm 2008, Trung tâm Mỹ đầu tiên được thành lập tại Hà Nội. Đâyđược coi như văn phòng “một cửa”, nơi cung cấp tất cả các thông tin cập nhật về mọi lĩnh vực liên quan đến Hoa Kỳ.

Sau khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) ký kết (2001), quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có bước chuyển biến tích cực. Năm 2001, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương mới đạt 1,4 tỷ USD, nhưng từ năm 2005 Hoa Kỳ liên tục giữ vị trí là quốc gia xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2014, tăng lênkhoảng 35-36 tỷ USD(tăng hơn 130 lần so với năm 1994).Năm 2015, tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt hơn 45 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ 38 tỷ USD và nhập khẩu 7 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình 20%/năm.Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là các mặt hàng thủy sản, giày dép, may mặc, đồ gỗ, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, chè, cà phê, hạt tiêu... Nhập khẩu từ Hoa Kỳ chủ yếu là trang thiết bị, máy móc, vật tư chất lượng cao, chất dẻo, nguyên phụ liệu dệt may, giày dép... phục vụ sản xuất; hàng tiêu dùng, bột mỳ, sữa bột..; Đặc biệt, hợp đồng đặt mua 100 chiếc máy baytrị giá hơn 11 tỷ đôlađược ký giữa hãng hàng không tư nhân VietJet Air (Việt Nam) với nhà sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) là sự kiện đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong quan hệ kinh tế - thương mại hai nước.

Hoa Kỳ nằm trong nhóm 10 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhiều nhất, với tổng vốn trên11 tỷUSD (chưa kể đầu tư của doanh nghiệp Mỹ qua nước thứ ba).Các lĩnh vực đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào các ngành dịch vụ khách sạn nhà hàng, ăn uống, công nghiệp chế biến, chế tạo...

Số lượng khách du lịch từ Hoa Kỳ đến Việt Nam ngày càng tăng do hai bên dành cho nhau những quy chế xuất - nhập cảnh ngày càng thông thoáng hơn. Năm 2009, lượng khách du lịch từ Hoa Kỳ vào Việt Nam nhiều thứ 2 sau Trung Quốc và chiếm khoảng 11% tổng số khách nước ngoài đến Việt Nam; năm 2015 đạt 491,2 nghìn lượt (tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2014), xếp thứ 4 sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Theo ông Đ. Marantít (Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ về quan hệ thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam, nguyên cố vấn trưởng về Luật pháp cho Hội đồng Thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam), Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng và là cơ hội lớn cho Hoa Kỳ.

Hiện nay, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ không chỉ bao gồm hợp tác song phương, mà còn ở cấp độ khu vực và toàn cầu, trong đó có thúc đẩy việc xác lập quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Hoa Kỳ, củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực, Biển Đông, an ninh nguồn nước sông Mê Kông, gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, an ninh mạng, ứng phó với dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước và cộng đồng...  

2. Động lực hợp tác ngày càng được củng cố

Quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam - Hoa Kỳ được xác lập trong chuyến thăm Hoa Kỳ tháng 7-2013 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong đó hợp tác kinh tế là nền tảng và động lực để hai nước tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.

Quan hệ hợp tác kinh tế là nhu cầu khách quan mà Việt Nam - Hoa Kỳ cùng hướng tới nhằm khai thác triệt để những lợi thế so sánh của mình. Hai bên đều có lợi ích khi phối hợp có hiệu quả trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là các cơ chế như: APEC, ARF, EAS, và ADMM+...

Động lực phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ bắt nguồn từ nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định, khá toàn diện; nguồn lao động dồi dào, tài nguyên phong phú, chính trị, xã hội ổn định, đường lối đổi mới, hội nhập đúng đắn với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, Hoa Kỳ nói riêng phù hợp với các lĩnh vực Hoa Kỳ có thế mạnh. Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện tính minh bạch về thông tin, luật pháp và vấn đề khuyến khích đầu tư nước ngoài; tạo được môi trường thuận lợi, thu hút nhiều công ty của Hoa Kỳ. Hệ thống thông tin và giao thông, thủ tục xuất - nhập cảnh giữa hai nước ngày càng được cải thiện; đường bay trực tiếphai nước đã được thiết lập, tạo thuận lợi cho các doanh nhân và khách du lịch, các sinh viên và nhà khoa họcdi chuyển thuận lợi và rẻ hơn…

Đặc biệt, Việt Nam, Hoa Kỳ và 10 nước thành viên TPP (Niudilân, Ôxtrâylia, Canađa, Mêxicô, Nhật Bản, Malaixia, Brunây, Xinhgapo, Pêru và Chilê) đã tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán TPP (ngày 5-10-2015) và chính thức ký kết để xác thực lời văn Hiệp định này ngày 4-2-2016. TPP là bước tiến nhanh và đỉnh cao nhất trong lộ trình nâng tầm đối ngoại đa phương từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”; đóng góp tích cực vào việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường thu hút vốn nước ngoài và khách du lịch quốc tế, đấu tranh chống những hành động gian lận, áp đặt các rào cản thương mại; góp phần duy trì môi trường an ninh và phát triển  kinh tế đối ngoại, đưa hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu và củng cố vững chắc vị thế của Việt Nam trong cộng đồng khu vực và quốc tế. TPP là FTA đầu tiên mà Việt Nam và Mỹ cùng tham gia, và là FTA thứ 12(ngoài WTO) mà Việt Nam đã ký kết, qua đó, xác lập quan hệ thương mại tự do sâu rộng với hơn 50nước đối tác, trong đó có 15/20 nước G20, chiếm hơn 2/3 tổngGDP và hơn 50% thương mại toàn thế giới, mở ra nhiều cơ hội và cả thách thức mới về đầu tư và thương mạitrong số hơn 224 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có quan hệ.

Chuyến thăm củaTổng thống Mỹ Obama đến Việt Nam (từ ngày 23 đến 25-5-2016) là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, Hoa Kỳ đã tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Đây là hành động tích cực xóa đi rào cản cuối cùng của quan hệ hai nước trên tiến trình bình thường hóa, đồng thời mở ra động lực và tầm cao mới cho phát triển kinh tế - thương mại và hợp tác toàn diện hai bên theo hướng mạnh mẽ và cân bằng hơn.

Diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, khủng hoảng chính sách và quan hệ giữa các nước lớn cũng thay đổi, bên cạnh các thuận lợi, trong quan hệ kinh tế với nhau, hai bên không tránh khỏi những tranh chấp thương mại gây cản trở nhất định cho hợp tác. Để tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và kinh tế, Việt Nam đang đề nghị Hoa Kỳcông nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường (MES) và trao Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Nhìn tổng thể, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đã, đang và sẽ tiếp nhận thêm nhiều động lực và có nhiều triển vọng mới, tích cực, phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

TS  Nguyễn Minh Phong

ThS Nguyễn Trần Minh Trí

Viện Kinh tế và Chính trị thế giới

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền