Trang chủ    Diễn đàn    Một số vấn đề vể thể chế hóa việc kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh
Thứ bảy, 13 Tháng 8 2016 16:16
4292 Lượt xem

Một số vấn đề vể thể chế hóa việc kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh

(LLCT) - Kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh (QPAN) là kinh nghiệm quý báu của ông cha trong quá trình dựng nước và giữ nước, được Đảng và Nhà nước ta kế thừa, vận dụng sáng tạo. Việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với QPAN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thống nhất nhận thức, tổ chức thực hiện hiệu quả.

Từ Đại hội VI (1986) đến nay, quan điểm về kết hợp kinh tế với QPAN ngày càng được Đảng ta bổ sung, phát triển và hoàn thiện; nội dung kết hợp được quy định trong Hiến pháp 1992, 2013, được thể chế hoá thành luật pháp, chính sách, chương trình, chiến lược và tổ chức thực hiện, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều thay đổi nhanh chóng và phức tạp; nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển đang mở ra nhưng cũng nhiều thánh thức; nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, đặc biệt là chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo đang đặt ra những thách thức to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và bảo đảm quốc phòng - an ninh (QPAN).

Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta ngày càng nhận thức rõ hơn sự cần thiết và vai trò đặc biệt quan trọng của sự kết hợp giữa kinh tế với QPAN và QPAN với kinh tế, vì mục tiêu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ xa.

1. Kết quả thể chế hóa đường lối kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, quốc phòng, an ninh với kinh tế

Thể chế hóa đường lối của Đảng, Điều 68 Hiến pháp năm 2013 quy định: “kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN”, trong hệ thống pháp luật như Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật biên giới quốc gia, Luật biển Việt Nam, Luật quy hoạch đô thị và trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Nội dung “kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN”dần được thể chế hóa để điều chỉnh các quan hệ về KTXH, QPAN trong các lĩnh vực đời sống xã hội.

Trước năm 2013, Quốc hội các khóa XI, XII, XIII đã ban hành nhiều văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết, trong đó đã thể chế hóa nội dung chủ trương chiến lược của Đảng và quy định của Hiến pháp 1992 về kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, đặc biệt là Luật đất đai (2003), Luật Biên giới quốc gia(2003), Luật An ninh quốc gia (2004), Luật Quốc phòng (2005), Luật Dân quân tự vệ (2009); các pháp lệnh như: Pháp lệnh động viên công nghiệp (2003), Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến ANQG (2007), Pháp lệnh CNQP (2008)…; các luật về lĩnh vực kinh tế liên quan như Luật Doanh nghiệp (2005), Luật Đầu tư (2005), Luật Xây dựng (2003), Luật Quy hoạch đô thị (2009)…

Từ năm 2013, Quốc hội khóa XIII tiếp tục thể chế hóa chủ trương chiến lược của Đảng về kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm QPAN trong Hiến pháp 2013, Điều 68 Hiến pháp năm 2013 quy định: “kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN”.

Thực hiện Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 ngày 02/01/2014 về việc ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, trong đó có việc rà soát, sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản pháp luật về bảo vệ Tổ quốc phù hợp với Hiến pháp, nội dung quy định “kết hợp quốc phòng an ninhvới kinh tế, kinh tế với quốc phòng an ninh” tại Điều 68 Hiến pháp được thể chế hóa đầy đủ, toàn diện, thống nhất trong hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Quốc hội, UBTVQH đã ban hành nhiều văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết để triển khai, trong đó đều có những quy định bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế gắn với tăng cường tiềm lực QPAN, đặc biệt là việc lồng ghép ngay từ xác định mục tiêu phát triển (vừa cho KTXH, vừa cho QPAN) và các chính sách bảo đảm, thúc đẩy phát triển có tính đến đặc thù của các địa bàn chiến lược, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện quan điểm của Đảng về phát triển KTXH và đảm bảo QPAN, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPANtrong phạm vi cả nước và với địa bàn chiến lược như Nghị định số 164/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một  điều của Nghị định  29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, Nghị định số 51/2014/NĐ-CP Quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển, Nghị định số 112/2014/NĐ-CP về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền (thay thế Nghị định số 32/2005/NĐ-CP, Quyết định số 13/2012/QĐ-TTg ban hành Quy chế kết hợp KTXH với quốc phòng trong khu vực phòng thủ.

Đối với từng địa bàn chiến lược (đặc biệt là các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định với những định hướng dài hạn và giải pháp cơ bản để phát triển KTXH gắn với bảo đảm QPAN (Quyết định số 925/2012/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam-Campuchia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 276/QĐ-TTg, ngày 18/02/2014 về kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011- 2020; Quyết định Số 1194/QĐ-TTg, ngày 22/7/2014 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030; Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020,…); các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KTXH phù hợp với đặc điểm vùng, miền, dân cư; trong đó có sự quan tâm đầu tư các nguồn lực cho vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng biển, đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Giai đoạn 2011-2014, cả nước có hơn 40 chương trình, chính sách hỗ trợ có mục tiêu thì đã có hơn 30 chương trình, chính sách tập trung đầu tư vào vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, đã góp phần giải quyết các mục tiêu phát triển của địa phương, xóa đói giảm nghèo và bảo đảm giữ vững QPAN, đặc biệt là tại các địa phương khó khăn, các địa bàn vùng sâu, vùng biên giới.

Như vậy, việc thể chế hóa chủ trương kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN đã được nhà nước quan tâm; cơ bản đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bước đầu bảo đảm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện. Các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo, điều hành được ban hành về cơ bản đã quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN. Các chính sách ban hành đã phát huy hiệu quả và  đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng cho phát triển KTXH, bảo đảm và tăng cường tiềm lực QPAN.

2. Những bất cập, hạn chế và nguyên nhân

Việc thể chế hóa quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN đã đạt được những kết quả quan trọng, mặc dù vậy đến nay, việc thể chế hóa nội dung trên còn nhiều bất cập, hạn chế:

- Việc thể chế hóa các nghị quyết của Đảng thành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo, điều hành chung vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa kịp thời, đầy đủ, giá trị pháp lý của văn bản chưa cao(1).

- Quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu cụ thể, phần lớn chỉ dừng lại ở những nguyên tắc chung, chưa quy định rõ lĩnh vực và nội dung cần kết hợp (nguyên tắc, yêu cầu, phạm vi, hình thức, nội dung, phương thức kết hợp, chủ thể và trách nhiệm pháp lý của các chủ thể…).

- Quy định của một số văn bản quy phạm pháp luật chưa sát với khả năng đáp ứng của nền kinh tế, dẫn đến không bảo đảm nguồn lực để thực hiện, làm chậm tiến độ, gây lãng phí. Tình trạng chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế, coi nhẹ việc bảo đảm QPAN còn khá phổ biến (nhất là trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch, dự án, công trình).

- Một số văn bản quy phạm pháp luật của bộ, ngành còn có nội dung chồng chéo, khó thực hiện; vai trò, trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ chỉ huy quân sự, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, công an ở các địa phương trong phối hợp thẩm định các văn bản liên quan của các bộ, ngành và các địa phương chưa rõ, quan hệ phối hợp chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Nguyên nhân của thực trạng trên là:

Nhận thức về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPANcòn chưa đầy đủ và còn thiếu thống nhất, có lúc có nơi còn có biểu hiện chủ quan, phiến diện.

Phạm vi QPAN và phạm vi kinh tế là rất rộng lớn, do đó việc kết hợp cũng trở nên phức tạp, thể hiện ở các mức độ, tính chất của sự kết hợp khác nhau, việc định tính, định lượng khó khăn. Trong khi đó, chính sách kết hợp chưa rõ ràng, cụ thể, thiếu tính liên thông giữa các chính sách, vì vậy pháp luật thể hiện chính sách trên cũng trở nên thiếu rõ ràng và thường chỉ dừng lại ở nguyên tắc chung.

Trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh còn chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề QPAN. Không ít những văn bản pháp luật không được thẩm tra, xem xét, đánh giá dưới góc độ quốc QPAN một cách đầy đủ, toàn diện và sâu sắc nên tính khả thi hạn chế, khó đi vào cuộc sống, thậm chí khi chưa có hiệu lực thi hành đã có những tác động tiêu cực trong xã hội, xâm phạm đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia xây dựng chính sách, pháp luật còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, nhất là kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế và QPAN.

3. Một số nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu quả thể chế hóa việckết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh

Một là, xác định các lĩnh vực trọng điểm cần ưu tiên đầu tư để xây dựng và hoàn thiện pháp luật về việc kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN. Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hằng năm của Chính phủ, cần xác định rõ lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, tạo sức bứt phá trong việc kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPANđể ưu tiên tập trung nguồn lực nhằm xây dựng, sửa đổi và ban hành kịp thời các luật, bộ luật có tính khả thi cao.

Hai là, nâng cao nhận thức, trình độ và năng lực trong việc thể chế hóa quy định về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPANcủa Hiến pháp trong quá trình làm luật của Quốc hội. Việc thể chế hóa quy định của Hiến pháp về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPANliên quan đến nhiều ngành luật khác nhau, theo đó đây là trách nhiệm của Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội. Vì vậy, cần thiết phải tăng tỷ lệ hợp lý đại biểu chuyển trách, trong đó ưu tiên đặc biệt trong lĩnh vực QPAN và kinh tế, có trình độ, hiểu biết sâu rộng về QPAN và kinh tế, nhận thức đầy đủ về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN; phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban trong việc chuẩn bị, thẩm tra dự án luật, pháp lệnh liên quan đến việc thể chế hóa quy định của Hiến pháp về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN.

Tăng cường trách nhiệm của Chính phủ và các bộ trưởng trong việc chỉ đạo hoạt động xây dựng pháp luật liên quan đến kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN. Chính phủ tập trung xem xét, quyết định những vấn đề mang tính quan điểm, chính sách và những vấn đề liên ngành còn có ý kiến khác nhau; tăng cường kiểm tra đối với văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành và địa phương ban hành để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN.

Kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy giúp việc cho Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác xây dựng pháp luật về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN.

Ba là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nghiên cứu chuyên ngành trong hoạt động xây dựng pháp luật về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN. Có cơ chế thu hút các hiệp hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các chuyên gia giỏi tham gia vào việc nghiên cứu, đánh giá nhu cầu, hoạch định chính sách pháp luật về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra các dự thảo văn bản pháp luật. Xác định cơ chế phản biện xã hội và tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Bốn là, hiện đại hoá phương thức và phương tiện xây dựng pháp luật. Khai thác, ứng dụng tối đa thành tựu của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin nhằm đổi mới phương pháp, tiến độ, chất lượng và hiệu quả của quy trình xây dựng pháp luật. Xây dựng và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

_______________

(1) Nghị quyết số 1059/NQ-UBTVQH13 ngày 09/1/2015 của UBTVQH về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh chỉ rõ: “ …Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định có liên quan của Hiến pháp về “kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh” còn chậm, chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu cụ thể; một số văn bản quy định chưa sát với thực tế và khả năng cân đối nguồn lực, dẫn đến tính khả thi thấp.                                                              

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011).

2.ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nộ,. 1987, tr. 221

3.ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 224

4.ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 118.

5.ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 39.

6.ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2006, tr. 108 – 109.

7.ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,

8.ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.

9.Bộ Chính trị (1999): Nghị quyết số 08-NQ/TW về Chiến lược an ninh quốc gia trong tình hình mới.

10.Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020;

11.Bộ Chính trị (1999): Nghị quyết số 08-NQ/TW về Chiến lược an ninh quốc gia trong tình hình mới.

12.BCHTƯ khóa XI, Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 25/10/2013, về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

13.Bộ Chính trị: Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

14.Hiến pháp năm 1980, 1992 ,2013

15.Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 ngày 02/01/2014 về việc ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.

16.PGS, TS. Phan Trung Lý:  Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, 2011.

 

Thạc sĩ Vũ Hồng Lưu

                                           Vụ Quốc phòng và An ninh, Văn phòng Quốc hội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền