Trang chủ    Diễn đàn    Kết hợp biện pháp pháp luật với các biện pháp công tác khác trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia
Thứ tư, 27 Tháng 7 2016 15:18
12119 Lượt xem

Kết hợp biện pháp pháp luật với các biện pháp công tác khác trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia

(LLCT) - Trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia cần kết hợp biện pháp pháp luật với các biện pháp công tác khác, nhằm phát huy hiệu quả cao nhất trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Các biện pháp công tác Công an có mối quan hệ chặt chẽ và tác động lẫn nhau, làm tốt biện pháp này sẽ là cơ sở, điều kiện cho việc thực hiện các biện pháp khác.

Trong bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG), giữ gìn trật tự an toàn xã hội (TTATXH), “lực lượng Công an nhân dân được thực hiện các biện pháp vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang, biệt phái cán bộ sang các ngành để làm nhiệm vụ có liên quan đến ANQG, TTATXH theo quy định của pháp luật”(1). Đây là một trong những nội dung được xác định trong Nghị quyết số 40-NQ/TW, ngày 8-11-2004 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác Công an trong tình hình mới. Để tạo cơ sở pháp lý cho các biện pháp bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ban hành Luật ANQG và Luật Công an nhân dân. Trong đó, Luật ANQG quy định: “Các biện pháp cơ bản bảo vệ ANQG gồm vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang”(2); Luật Công an nhân dân quy định: “áp dụng các biện pháp vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang để bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH”(3).

Tuy nhiên, cả hai đạo luật trên mới chỉ dừng lại ở việc quy định tên biện pháp, mà chưa đưa ra quy phạm, định nghĩa về biện pháp pháp luật. Để triển khai áp dụng quy định về bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH của Luật ANQG và Luật Công an nhân dân, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 18-5-2011 về biện pháp pháp luật bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH, trong đó tại Khoản 1, Điều 3 quy định: “Biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự là cách thức, phương pháp xây dựng pháp luật, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và sử dụng pháp luật, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế để bảo vệ an ninh, trật tự”.

Mặc dù vậy, trong khoa học nghiệp vụ, công tác Công an cũng có những nhận thức khác nhau về biện pháp pháp luật. Theo tài liệu tập huấn chuyên sâu của Bộ Công an: “Biện pháp pháp luật trong công tác an ninh là xây dựng và sử dụng pháp luật để quản lý nhà nước về  bảo vệ ANQG, phát hiện, điều tra, xử lý, đấu tranh chống các hoạt động xâm phạm ANQG, ngăn chặn, loại trừ các nguy cơ đe dọa ANQG”(4). Trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Các biện pháp công tác của Công an nhân dân - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” của Học viện Cảnh sát nhân dân, một số tác giả cho rằng: “Biện pháp pháp luật trong bảo vệ an ninh, trật tự là một trong những biện pháp cơ bản do cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền thực hiện bằng cách sử dụng tổng hợp các quy định của Hiến pháp và quy phạm pháp luật thuộc các ngành luật khác nhau (Luật Hiến pháp, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Hành chính, Luật Tố tụng hành chính...) để đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch, tội phạm, vi phạm pháp luật, loại trừ các nguy cơ thực hiện và tiềm ẩn xâm phạm ANQG, TTATXH”(5). Một số tác giả khác lại cho rằng: “Biện pháp pháp luật là cách thức Công an nhân dân tham mưu ban hành và sử dụng pháp luật trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống các thế lực thù địch, tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự để bảo vệ ANQG, TTATXH”(6).

Mặc dù còn có những nhận thức, quan niệm khác nhau về biện pháp pháp luật, nhưng về cơ bản đều thống nhất ở chỗ: đây là biện pháp công tác cơ bản của lực lượng Công an nhân dân, được thể hiện ở việc sử dụng các quy định của pháp luật để phòng, chống các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật khác nhằm bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH.

Về mặt lý luận, việc nghiên cứu biện pháp pháp luật trong công tác Công an nói chung và trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG nói riêng là một trong những vấn đề phức tạp, đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, luận giải, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH của lực lượng Công an nhân dân. Điều đó đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân phải tham mưu, đề xuất với Nhà nước hoặc trực tiếp tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH trong mỗi giai đoạn cách mạng nhất định.

Trong công tác điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG, cơ quan An ninh điều tra cần áp dụng linh hoạt hệ thống các quy phạm pháp luật về bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH nhằm phát huy tối đa hiệu quả, vai trò, tác dụng của biện pháp pháp luật.

Như vậy, có thể định nghĩa biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG như sau:

Biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG là cách thức cơ quan An ninh điều tra tiến hành hoạt động áp dụng các quy phạm pháp luật của Nhà nước, các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia để điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG góp phần bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH.

Biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG có những đặc điểm sau:

Một là, nội dung của biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG là việc áp dụng các quy định của pháp luật, mà cụ thể là hệ thống quy phạm pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, hành chính và các quy định trong điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia để tiến hành hoạt động điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG.

Hai là, chủ thể áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG là cơ quan An ninh điều tra, cụ thể là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng và Điều tra viên của cơ quan An ninh điều tra.

Ba là, mục đích của việc áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG nhằm điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật một cách nghiêm minh, đồng thời răn đe, giáo dục các đối tượng phạm tội; tổ chức công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch và bọn tội phạm; phục vụ các yêu cầu chính trị, đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta và các yêu cầu nghiệp vụ khác.

Trong bảo vệ ANQG nói chung và trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG nói riêng, cần nhận thức đúng về mối quan hệ giữa biện pháp pháp luật và các biện pháp công tác khác. Cụ thể là:

Các biện pháp công tác Công an có mối quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau. Việc quy định các biện pháp công tác Công an trong Luật Công an nhân dân và Luật ANQG đã tạo cơ sở pháp lý để lực lượng Công an nhân dân được sử dụng các biện pháp đó để bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH. Quy định này còn tạo ra một tổng thể các biện pháp để Công an nhân dân hoàn thành nhiệm vụ của mình, song cần nhận thức rằng mỗi biện pháp có vị trí, vai trò, tác dụng và chủ thể áp dụng khác nhau. Tác dụng của mỗi biện pháp chỉ phát huy cao nhất khi nó được kết hợp linh hoạt với các biện pháp khác. Các biện pháp công tác Công an có mối quan hệ chặt chẽ và tác động lẫn nhau, làm tốt biện pháp này sẽ là cơ sở, điều kiện cho việc thực hiện các biện pháp khác.

Thực tiễn công tác bảo vệ ANQG nói chung và trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG nói riêng cho thấy quá trình sử dụng các biện pháp công tác luôn có sự kết hợp, giao thoa lẫn nhau.

Mỗi biện pháp có chủ thể, nội dung, trường hợp áp dụng khác nhau. Trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG thì biện pháp pháp luật có tác động trực tiếp đến các đối tượng phạm tội nhằm ngăn chặn, tấn công, trấn áp, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Vì vậy, biện pháp pháp luật đóng vai trò chủ đạo trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG.

Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra mà áp dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp công tác Công an để đem lại hiệu quả cao nhất. Trong quá trình điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG, tùy tình hình, yêu cầu cụ thể về nhiệm vụ và chức năng của lực lượng An ninh điều tra và các lực lượng phối hợp trong quá trình điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội mà áp dụng biện pháp nào và kết hợp giữa các biện pháp với nhau cho phù hợp nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Quá trình áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG có nhiều chủ thể khác nhau, mỗi chủ thể có thẩm quyền, phạm vi áp dụng các biện pháp công tác Công an khác nhau. Do đó, mỗi chủ thể cần nhận thức và thực hiện đúng thẩm quyền, phạm vi áp dụng các biện pháp trong công tác của mình. Mỗi biện pháp khi thực hiện sẽ có những chủ thể đóng vai trò nòng cốt, các chủ thể phối hợp chính, chủ thể tham gia.

______________________________

(1) Bộ Công an, Viện Chiến lược và Khoa học Công an: Từ điển Bách khoa Công an nhân dân, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.100.

(2) Luật An ninh quốc gia và các văn bản hướng dẫn thi hành: Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.16.

(3) Luật Công an nhân dân, Nxb Lao động, Hà Nội, 2006, tr.17.

(4) Bộ Công an: Tài liệu tập huấn chuyên sâu Luật ANQG, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2006, t.1, tr.45.

(5), (6) Học viện Cảnh sát nhân dân: Các biện pháp công tác của Công an nhân dân - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Kỷ yếu hội thảo khoa học, tr.104, Hà Nội, 2007, tr.104, 55.

 

ThS Trương Thanh Hà

Công an quận Hải An, TP Hải Phòng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền