Trang chủ    Diễn đàn    Có phải kinh tế thị trường thì không thể hòa hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa?
Thứ năm, 30 Tháng 6 2016 16:13
3722 Lượt xem

Có phải kinh tế thị trường thì không thể hòa hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa?

(LLCT) - Một trong những thành tựu lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình đổi mới là quan điểm: phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta coi đây là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên,  hiện nay có một số ý kiến cho rằng, đã là kinh tế thị trường thì không thể hòa hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa.

Những ý kiến này nghe qua có vẻ đúng về mặt logíc hình thức, nhưng thực chất đây là những ý kiến không có căn cứ, thiếu cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn. Điều này thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, quan điểm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng ta là kết quả nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn đổi mới và  học hỏi kinh nghiệm thế giới, đồng thời qua mỗi kỳ Đại hội, trên cơ sở tổng kết thực tiễn Đảng ta lại bổ sung, hoàn chỉnh. Đây không phải là sự lựa chọn tùy tiện, chủ quan, nhất thời, cảm tính. Khi mới bắt đầu đổi mới (1986), Đảng ta khá thận trọng, chỉ mới nêu luận điểm phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần có kế hoạch đi lên chủ nghĩa xã hội. Đến Đại hội VII (1991), Đảng ta mới đề cập vận hành cơ chế kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa là cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Tới Đại hội IX (2001), Đảng ta mới chính thức sử dụng cụm từ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đây là chủ trương nhất quán, lâu dài và khẳng định “Đó là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”(1). Hơn nữa, kinh tế thị trường không phải là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản mà là sản phẩm của văn minh nhân loại. Trước đây chúng ta không thực hiện là do nhận thức về kinh tế thị trường của chúng ta còn hạn chế. Chúng ta lầm tưởng kinh tế thị trường chỉ tồn tại ở chủ nghĩa tư bản và đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản. Trong quá trình đổi mới, Đảng ta đã đổi mới nhận thức về vấn đề này và khẳng định: “Kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại.,.. Thực tiễn đổi mới ở nước ta đã chứng minh đầy sức thuyết phục về việc sử dụng kinh tế thị trường làm phương tiện xây dựng chủ nghĩa xã hội”(2).

Thực tế cho thấy, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ở nước ta rất đa dạng, không đồng đều. Chỉ với nhận thức thông thường, chúng ta cũng thấy rất rõ, cùng với những công cụ lao động sản xuất thô sơ, chúng ta còn có những công cụ sản xuất cơ khí, công cụ sản xuất hiện đại như ở các nước công nghiệp phát triển. Chính tính chất không đồng đều này của trình độ phát triển của lực lượng sản xuất đòi hỏi chúng ta bắt buộc phải phát  triển kinh tế nhiều thành phần vận hành theo quy luật thị trường, bảo đảm ứng với mỗi trình độ của lực lượng sản xuất thì sẽ có một quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất, quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất và quan hệ phân phối sản phẩm tương ứng. Đó chính là quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Thực tế lịch sử nhân loại cũng chứng tỏ, kinh tế thị trường cùng với những mặt tích cực thì cũng có những mặt tiêu cực. Do vậy, để phát huy mặt tích cực, ngăn ngừa, hạn chế mặt tiêu cực của kinh tế thị trường và bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế phục vụ nâng cao đời sống nhân dân chúng ta cần giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của sự phát triển kinh tế thị trường. Do đó, nền kinh tế thị trường mà Đảng ta chủ trương phát triển là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, chúng ta đều rõ, kinh tế thị trường là nền kinh tế mà trong đó, quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng,... đều được thực hiện trên thị trường, theo quy luật của thị trường. Nhưng như vậy, không có nghĩa là con người bất lực một cách thụ động trước các quy luật kinh tế thị trường. Mặc dù, con người không thể tùy tiện xóa bỏ các quy luật kinh tế thị trường, cũng như không thể tùy tiện sáng tạo được quy luật của kinh tế thị trường nhưng thông qua hoạt động thực tiễn của mình, con người tác động làm cho các quy luật kinh tế thị trường có thể nhanh diễn ra hơn, hoặc chậm diễn ra hơn, hoặc diễn ra theo định hướng này, hoặc diễn ra theo định hướng khác. Con người thông qua hoạt động có ý thức của mình, có thể vận dụng các quy luật kinh tế thị trường sao cho có lợi nhất và định hướng các quy luật kinh tế thị trường phục vụ mục đích của mình một cách tối ưu nhất.

Chẳng hạn, nước Đức cũng thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường, nhưng đó là nền kinh tế thị trường xã hội, có nghĩa là nhà nước bảo đảm tự do hoạt động kinh tế trên cơ sở các quy luật thị trường, nhưng cố gắng đạt được sự cân bằng xã hội trong phạm vi nhất định. Mô hình kinh tế thị trường xã hội, một mặt duy trì kinh tế thị trường, mặt khác duy trì sự bảo đảm công bằng xã hội trong khuôn khổ có thể. Đây chính là tính hướng đích của việc phát triển kinh tế thị trường của Đức. Nếu tính hướng đích của nhà nước trong phát triển kinh tế thị trường mà đồng thuận, đồng chiều với tính hướng đích của đa số nhân dân, của xã hội thì sẽ tạo ra động lực cho sự phát triển cả kinh tế, cả xã hội. Ngược lại thì có thể có sự tăng trưởng, phát triển kinh tế nhưng xã hội sẽ phải trả giá về những mặt xã hội, tinh thần, đạo đức, nhân văn,v.v..

Với Đảng và Nhà nước ta, ngay từ Đại hội IX, Đảng ta đã dứt khoát khẳng định: “Mục đích của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống nhân dân”(3). Đến Đại hội X, Đảng ta nêu cụ thể hơn về mục tiêu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: “Thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, khuyến khích mọi người vươn lên làm giàu chính đáng, giúp đỡ người khác thoát nghèo và từng bước khá giả hơn”(4).

Như vậy là Đảng, Nhà nước ta coi  kinh tế thị trường như là công cụ, phương tiện để xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; phục vụ nâng cao đời sống cho nhân dân. Có thể nói, đây là điểm khác biệt căn bản giữa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với các loại hình kinh tế thị trường khác, kể cả kinh tế thị trường xã hội của Đức.

Như vậy, tính hướng đích của Đảng, Nhà nước ta trong phát triển kinh tế thị trường rất rõ ràng: vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây cũng là mục đích của nhân dân ta, dân tộc ta. Như vậy là, mục đích của nhân dân ta, dân tộc ta và mục đích của Đảng, Nhà nước ta trong phát triển kinh tế thị trường là thống nhất. Từ đây, chúng ta thấy, kinh tế thị trường không phải là mục đích của chúng ta mà chỉ là công cụ, phương tiện để chúng ta thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tất nhiên, để vừa phát triển kinh tế thị trường, vừa giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là công việc đơn giản. Điều này đòi hỏi chúng ta phải kiên trì từ mục đích phát triển kinh tế thị trường đến vận dụng các quy luật kinh tế thị trường sao cho vừa phù hợp quy luật kinh tế khách quan phổ biến vừa phù hợp điều kiện đặc thù của Việt Nam.

Thứ ba, định hướng xã hội chủ nghĩa ở đây cần được hiểu là phát huy tối đa mặt mạnh của kinh tế thị trường, hạn chế tối đa mặt tiêu cực của nó để phát triển kinh tế - xã hội phục vụ nhân dân nhiều nhất. Do vậy, định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường đòi hỏi phải có sự quản lý của Nhà nước. Nhưng sự quản lý của Nhà nước đối với kinh tế thị trường cũng tuân theo quy luật kinh tế thị trường, không chủ quan, tùy tiện. Chính vì vậy, Đảng ta yêu cầu Nhà nước “quản lý nền kinh tế thị trường bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, sử dụng cơ chế thị trường, áp dụng các hình thức kinh tế và phương pháp quản lý của kinh tế thị trường để kích thích sức sản xuất, giải phóng sức sản xuất, phát huy mặt tích cực, hạn chế và khắc phục mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động, của toàn thể nhân dân”(5). Như vậy, ngay cả các phương tiện mà Nhà nước sử dụng để quản lý nền kinh tế thị trường cũng chỉ là công cụ, phương tiện để đạt mục tiêu giải phóng sức sản xuất, phát huy mặt mạnh của kinh tế thị trường, hạn chế tối đa mặt tiêu cực của kinh tế thị trường. Đó chính là định hướng xã hội chủ nghĩa của sự phát triển kinh tế thị trường ở nước ta.

Thứ tư, tính chất xã hội của một mô hình kinh tế không do bản thân mô hình kinh tế quyết định mà chủ yếu do các chủ thể trên cơ sở thực tiễn lịch sử - cụ thể sử dụng mô hình kinh tế đó vì mục tiêu gì quyết định. Nghĩa là mục tiêu sử dụng công cụ sẽ quyết định chủ yếu đến tính chất xã hội của công cụ đó. Cũng như khi phân loại chiến tranh, căn cứ vào tính chất, mục tiêu của cuộc chiến tranh người ta chia thành chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa. Chiến tranh chính nghĩa là chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ sự sống của nhân dân, chống xâm lược, giải phóng đất nước phù hợp giá trị đạo đức của nhân loại. Chiến tranh phi nghĩa là chiến tranh xâm lược, chiến tranh ăn cướp, chiến tranh nhằm nô dịch dân tộc khác. Tương tự như vậy, căn cứ vào mục tiêu của nền kinh tế thị trường mà Đảng và Nhà nước ta sử dụng để giải phóng sức sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân,... chúng ta hoàn toàn có quyền gọi nó là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa trong điều kiện cách mạng khoa học - công nghệ, giới chủ tư bản với những lợi thế về vốn, khoa học, công nghệ và thị trường đã tạo cho chủ nghĩa tư bản một bộ mặt mới so với thế kỷ XX. Ở những khía cạnh nào đó, nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu nhất định về năng suất lao động, về sự vận dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất,... Nhưng chính những ông chủ vận hành nền kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng là những kẻ đã gây ra không ít tai họa cho con người như chiến tranh, nghèo đói, bất công xã hội, sự nô dịch áp bức, sự hủy hoại môi trường,v.v.. Các ông chủ của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa vẫn lấy lợi nhuận tối đa làm phương châm, mục tiêu hành động. Vì vậy, những mục tiêu phục vụ con người, về hình thức và so với chính chủ nghĩa tư bản trước đây, có vẻ được quan tâm, nhưng thực chất ngày càng bị xa rời(6). Mặc dù có những  phát triển nhất định về năng suất lao động, công nghệ sản xuất, cơ chế quản lý kinh tế, những điều tiết xã hội ở mức độ tiến bộ nhất định,v.v.. nhưng kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa không thể giải quyết được vấn đề công bằng xã hội nhất là trong lĩnh vực phân phối nguồn của cải xã hội. Xu hướng phân hóa giàu nghèo và phân cực xã hội ngày càng diễn ra trầm trọng. Không phải chủ quan tùy tiện mà khi tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng ta đã nhận định: “Chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, song những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội tiếp tục diễn ra”(7).

Thứ năm, thực tiễn 30 năm đổi mới ở nước ta đã chứng minh đầy sức thuyết phục về việc sử dụng kinh tế thị trường làm phương tiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Thực tế gần 30 năm đổi mới cho thấy, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đang phát triển với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức tổ chức kinh doanh, nhất là công ty cổ phần sở hữu hỗn hợp ngày càng phát triển. Kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Nền kinh tế thị trường ở nước ta thực hiện phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu; theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác; theo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Quan hệ phân phối này phù hợp điều kiện nước ta, vừa bảo đảm công bằng xã hội vừa thúc đẩy kinh tế phát triển. Mối quan hệ nhà nước - thị trường được giải quyết ngày càng phù hợp hơn. Nhà nước quản lý, điều tiết nền kinh tế thị trường thông qua pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, các công cụ kinh tế và các lực lượng vật chất cần thiết nhưng vẫn tuân thủ quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường. Mặc dù còn những hạn chế như kinh tế chủ yếu phát triển theo chiều rộng, thiếu bền vững, nhưng “Thực lực của nền kinh tế tăng lên; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được duy trì hợp lý và được đánh giá thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng khá và cao trên thế giới”(8). Hơn nữa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã góp phần quan trọng vào giảm nghèo bền vững và khuyến khích làm giàu hợp pháp.

Trong 30 năm qua, nhờ giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường mà “Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 1,5 - 2%/năm; các huyện, xã đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm theo tiêu chuẩn nghèo từng giai đoạn. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 58,1%, đến năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,5%, năm 2013 còn 7,8%, năm 2014 còn 5,8-6%/năm”(9). Đồng thời, “hệ thống an sinh xã hội phát triển không ngừng. Đến năm 2014, cả nước có hơn 11 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 190 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hơn 9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và hơn 61 triệu người tham gia bảo hiểm y tế”(10). Tất nhiên, nền kinh tế thị trường của nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập. Điều này là dễ hiểu, bởi lẽ chúng ta mới phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong khi chủ nghĩa tư bản đã có hơn 300 năm phát triển. Chúng ta còn ít kinh nghiệm quản lý kinh tế thị trường,v.v.. Tuy nhiên, qua những thành tựu phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững, thực hiện an sinh xã hội,... có thể thấy, Đảng, Nhà nước ta hoàn toàn có thể định hướng, dẫn dắt, chi phối được nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Nghĩa là chúng ta hoàn toàn có thể nhận thức và vận dụng được các quy luật khách quan của kinh tế thị trường nhằm xây dựng thể chế kinh tế, bảo đảm kinh tế tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thứ năm, những ý kiến cho rằng kinh tế thị trường không thể hòa hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa hoặc là rơi vào cứng nhắc, bảo thủ, trì trệ, cố tình làm ngơ trước thực tiễn đã đổi thay, không chịu đổi mới nhận thức lý luận; hoặc là cố tình đi ngược lại quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tính bảo thù, trì trệ, ngại đổi mới nhận thức lý luận trước thực tiễn có nhiều đổi thay thể hiện ở chỗ, đây là biểu hiện của tư duy, nhận thức cũ cho rằng, kinh tế thị trường là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản, đã đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản, cho những gì thuộc chủ nghĩa tư bản là đối lập tuyệt đối với chủ nghĩa xã hội. Sai lầm của những người có quan điểm như vậy là ở chỗ họ không chịu nhìn thẳng vào sự thật, với những kết quả do chúng ta phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đem lại và không tính đến thực tiễn đã có nhiều thay đổi. Mục đích của họ cũng không phải vì một Việt Nam phát triển, không phải vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà đơn giản là vì họ muốn đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của dân tộc và của Đảng Cộng sản Việt Nam.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2015

(1), (3), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.88, 86-87, 87-88.

(2) ĐCSVN:Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.139.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.77.

(6) Xem thêm: Thời đại chúng ta và sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.58; Chủ nghĩa xã hội hiện thực đổi mới và phát triển, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003, tr.190-191.

(8), (9), (10) ĐCSVN: Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.38, 72-73, 110, 112.

PGS, TS Trần Văn Phòng

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia  Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền